Bi hài thôn nữ cướp tiệm vàng
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 20/03/2015
Vụ cướp hy hữu này xảy ra ở tiệm vàng Thanh Thủy (chợ Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), vào sáng ngày 1/8/2014, thủ phạm là Lê Thị Cương (SN 1986, ấp Thành Khương, xã Thành Đông, Bình Tân, Vĩnh Long) đã khiến cho người dân không khỏi bất ngờ.
Gia cảnh khốn khó
Tính đến giờ, hơn nửa năm đã trôi qua, nhưng người dân ở Bình Tân vẫn nhớ như in từng chi tiết bi hài trong vụ án này. Đồng thời, họ cũng không giấu được sự nuối tiếc, xót cho một cô gái thôn quê, chỉ vì quá mê mụ tin vào bói toán để rồi đưa chân vào vòng lao lý. Bởi từ nhỏ đến lớn, trong mắt của hàng xóm láng giềng thì Lê Thị Cương có tiếng là hiền lành, sống chan hòa với xóm giềng, tuy gia đình nghèo nhưng không tham lam của ai. Thế nên, khi cô phạm tội, nhiều người không khỏi bất ngờ.
Từ nhỏ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Cương học chưa hết lớp 1, không biết đọc và chỉ biết viết mỗi tên của mình. Lớn lên, Cương lấy chồng. Không có đất canh tác, vợ chồng cô cày thuê cuốc mướn cho những hộ dân khác tại địa phương. Bươn bả mãi cũng chỉ đủ ăn. Lấy nhau được vài năm, vợ chồng Cương sinh liền hai đứa con. Thêm miệng ăn, bớt người làm, cuộc sống của gia đình cô ngày càng khốn khó.
Cái sự nghèo của vợ chồng Cương kéo dài mãi, năm này qua năm khác. Dù có cố gắng lam lũ, chắt chiu kiểu gì thì gia đình cô vẫn luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Cách đây vài năm, gia đình Cương được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà tình thương. Có chỗ che mưa che nắng, không còn phải lo che chắn tứ bề mỗi khi trời giông gió, nhưng nỗi lo về miếng cơm manh áo vẫn ghì vợ chồng Cương sát đất.
Và cũng từ đó, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng Cương ngày một tăng lên. Nhiều lần Cương đã đe dọa sẽ ly thân, về nhà cha mẹ ruột mình sống để những mong chồng biết "sợ", chuyên tâm vào việc làm ăn, chăm lo cho vợ con hơn. Thế nhưng, không khí trong gia đình Cương vẫn hết sức nặng nề. Đỉnh điểm là vào khoảng giữa tháng 7/2014, sau một lần cãi vã, vì quá giận chồng nên Cương đã định quyên sinh nhưng may mắn thoát chết.
Sau lần tự tử không thành, Cương quyết định bỏ chồng con, chuyển về nhà mẹ ruột. Gia đình đang tính chuyện làm lành cho hai vợ chồng đứa con gái thì không may xảy ra cơ sự. Theo lời người mẹ, việc Cương đi cướp vàng này cũng có thể là do hoàn cảnh, cộng với tâm lý chán chường nên mới làm liều. “Vợ chồng nó lấy nhau được khoảng gần chục năm nay nhưng cuộc sống nghèo khổ lắm. Suốt ngày hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta. Cảnh sống đã cực, nay ốm mai đau lại có hai đứa con nhỏ, đứa đầu lòng sắp vào học lớp 1, cùng với đó là những bệnh tật, đau ốm liên miên, tình cảm vợ chồng lại rạn nứt..., có lẽ vì vậy mà Cương nghĩ quẩn rồi làm bậy”, một người hàng xóm của Cương chia sẻ.
Cả tin vào sức mạnh của bùa chú
Cũng theo hàng xóm của Cương cho biết thì cách ngày xảy ra vụ án ít lâu, Cương mới bị ngã, đầu va vào lu nước phải nằm điều trị mất mấy ngày. Sau tai nạn đó, tính tình Cương thay đổi ít nhiều. Cô thường hay gắt gỏng, thỉnh thoảng còn ngồi nói nhảm, chợt cười chợt khóc một mình. Ngay buổi sáng trước khi gây án, người nhà thấy Cương xếp bộ đồ liền hỏi đi đâu thì Cương điềm nhiên trả lời là đi cướp. Lúc đó mọi người tưởng Cương nói nhảm nên không để ý tới, nào ngờ Cương đi cướp thật…
Lê Thị Cương
Trước các cơ quan chức năng, Cương khai rằng: Một lần ngồi uống nước ở quán gần nhà, Cương gặp một phụ nữ tự xưng là thầy bói. Sau khi xem bói cho Cương xong, bà ta còn bày cho Cương "thoát nghèo" bằng cách tặng một “lá bùa” và không quên căn dặn, đây là “bùa tàng hình”, nếu đốt nó lấy tro uống sẽ phát huy tính năng hiếm có. Sau khi uống, Cương có thể nói chuyện với bất kỳ ai và họ tự nguyện đưa vàng, tiền cho mình. Và "bùa" có hiệu nghiệm nhất là vào buổi sớm mai.
Để trả ơn, Cương móc túi lấy 150 ngàn đồng là số tiền mà cô để dành mua thuốc trị bệnh, dúi vào tay bà thầy bói và không quên lời cảm ơn. Cương đem “bùa” về nhà cất giấu, phòng khi dùng đến. Trong suốt nhiều ngày liền, lắm lúc cô đã quên khuấy chuyện mình và bà thầy bói. Đến cuối tháng 7, sau đận cãi nhau với chồng và bỏ về nhà mẹ đẻ ở, Cương chợt nhớ đến lá bùa. Đang lúc túng quẫn và bí bách, cô quyết định mang ra dùng thử.
Sáng sớm 1/8/2014, sau khi đốt lá bùa rồi lấy tro hòa vào nước uống, Cương bắt xe ôm đi từ nhà mẹ ruột ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lược đi ra chợ xã Tân Lược, huyện Bình Tân. Lượn lờ quan sát một hồi, Cương quyết định chọn tiệm vàng Thanh Thủy để gây án. Khi vào trong, Cương yêu cầu chủ tiệm cho mình xem một sợi dây chuyền 3 chỉ và một mặt dây chuyền 0,5 chỉ, tất cả đều là vàng 24K (giá trị hơn 11 triệu đồng). Trong lúc chủ tiệm đang tính tiền thì Cương bất ngờ giật lấy số vàng trên rồi bỏ chạy ra ngoài đường. Chủ tiệm hô hoán nên người dân xung quanh nhanh chóng vây bắt tên cướp với tang vật trên tay. Ngay sau đó, lực lượng công an nhận được tin báo đã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc.
Bà P, chủ tiệm vàng Thanh Thủy, kể lại: “Sáng hôm đó, chỉ hơn 6 giờ Cương đến chỉ đứng nhìn vào tiệm rồi bỏ đi, lúc đó tôi cứ tưởng là Cương chỉ nhìn bảng giá, vì Cương cũng là khách quen thường đến cầm và chuộc đồ tại tiệm. Sau đó khoảng 5 phút thì Cương trở lại đòi xem sợi dây chuyền loại 3 chỉ 24K cùng với một mặt dây hình trái tim trọng lượng là 0,5 chỉ cũng là vàng 24K. Sau hơn 10 phút xem hàng, Cương bảo tôi tính tiền. Tôi vừa quay mặt bước vào trong lấy máy tính bước ra thì không thấy Cương đâu nữa, tôi vội bước ra cửa thì thấy Cương đang bước đi rất nhanh, tôi gọi lại nhưng Cương không trả lời, lúc ấy tôi la lên để mọi người bắt cô ta”.
Lời cảnh tỉnh cho những ai mê muội
Kể từ ngày Cương bị bắt, gia đình cô không mấy khi đi ra ngoài vì sợ bị nhìn ngó, bàn tán. Phía nhà chồng của Cương cũng vậy, cả ngày đóng cửa im lìm. Bà Nguyễn Thị H, một người hàng xóm của Cương kể: "Trước khi xảy ra vụ án, Cương đã nhiều lần sang hỏi mượn tiền mua sách vở, áo quần cho con đi học, rồi đi khám vùng đầu bị đau nhức. Nhưng lúc đó, gia đình tôi cũng rất khó khăn, không có tiền cho nó mượn. Chắc túng quẫn quá nên nó mới làm liều, giờ chỉ tội cho mấy đứa con".
Ông Lê Văn B, cha ruột Cương buồn rầu cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm ăn đàng hoàng, đâu có dạy con ăn trộm như vậy. Sáng hôm đó tôi chạy xe ra chợ, vừa đến đầu chợ, tôi như điếng cả người khi được chứng kiến nó bị còng tay vì tội ăn cướp”. Theo ông B thì từ nhỏ Cương hiền lành đến mức khờ khạo, từ năm hơn mười tuổi đã phải theo mẹ đi cắt lúa mướn tứ phương, đến tuổi lấy chồng thì được gả cho một thanh niên cùng xã, hiện tại đã có 2 con gái.
Một cán bộ cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an huyện Bình Tân, cho biết: “Quá trình làm việc với điều tra viên, bị can Lê Thị Cương khai báo rất thành khẩn và tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi đã gây ra. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho mọi người, đừng vì tin chuyện “bùa mê” dẫn đến phạm tội, khi hối hận thì đã muộn”.
Vì túng quẫn, Cương mới liều lĩnh đi cướp tiệm vàng
Mới đây, TAND huyện Bình Tân đưa Lê Thị Cương ra xét xử lưu động tại UBND xã Thành Đông. Chính bởi vụ án khá hi hữu và có nhiều tình tiết ly kỳ nên phiên tòa thu hút được rất đông đảo người dân đến theo dõi. Người ta muốn đến để xem “Người tàng hình” thì "mồm ngang mũi dọc" thế nào, nhưng chỉ thấy một người đàn bà rặt chất quê đứng vịn vành móng ngựa.
Trước Tòa, Cương khai rằng: "Trước kia, bị cáo cũng đã nghe loáng thoáng ở đâu đó chuyện người ta dùng bùa chú, hoặc thuật thôi miên để cướp tiền. Thế nên khi nghe bà thầy bói đó nói là sau khi uống bùa của bà ta có thể tàng hình, không ai nhìn thấy, bị cáo tin lắm...". Nghe xong lời rút ruột của Cương, nhiều dân tham dự phiên tòa không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Khi được nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, Lê Thị Cương vừa khóc, vừa nói: "Chỉ vì bị cáo ít học, không hiểu biết nên mới mù quáng tin vào lời xằng bậy của bà thầy bói. Hơn nữa, lúc đó gia đình bị cáo xảy ra nhiều chuyện buồn. Vợ chồng cãi vã, tiền bạc không có, bí bách quá nên bị cáo mới làm liều. Nay bị cáo biết tội của mình rồi, chỉ mong tòa mở lượng khoan hồng để bị cáo sớm được về đoàn tụ với gia đình, chăm lo cho hai đứa con nhỏ...".
Với hành vi phạm tội của mình, Lê Thị Cương bị HĐXX tuyên phạt một năm tù. Thiết nghĩ đây không chỉ là bài học của riêng bị cáo Cương mà còn là bài học cho những người mê muội, tin lời những thầy bói buôn thần bán thánh, không có căn cứ trước sau gì cũng sẽ rước họa vào thân.