Những chiếc xe bánh mỳ "tiền tỉ"
Xã hội - Ngày đăng : 07:51, 10/03/2015
Khu phố giáp ranh “lộn xộn”
Bệnh viện Chợ Rẫy xưa nay nổi tiếng là nơi có nhiều người đến khám bệnh, bệnh nhân từ Nam cho đến Bắc. Từ việc đông người tập trung như vậy, nên không khó để hình thành cảnh “lộn xộn” nào là cò xe, cò bệnh viện và các loại cò khác tạo thành vô số các vấn đề nan giải.
Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc địa bàn ba phường giáp ranh và thuộc hai quận khác nhau, phía trước cổng là của Phường 12,Quận 5 nhưng chỉ vài bước chân băng qua khỏi con đường Nguyễn Chí Thanh lại thuộc địa bàn Quận 11, lấy con đường Lê Đại Hành làm phân tuyến thì một bên thuộc Phường 4 và bên đối diện lại thuộc Phường 7, Quận 11.
Mặc dù chính quyền địa phương đã ra sức chấn chỉnh nhưng do địa bàn phức tạp như vậy nên công tác quản lý trật tự và mỹ quan đô thị vẫn còn nhiều bất cập.
Khu "tam giác vàng" giữa ba quận trước bệnh viện Chợ Rẫy nổi tiếng phức tạp từ xưa đến nay
Chị K (42 tuổi, người buôn bán tại đây) cho biết: “Buôn bán ở đây nhiều lúc buồn cười lắm. Đường thì chật – người thì đông nên cảnh lấn chiếm lòng lề đường là hầu như không tránh khỏi. Hễ có công an phường 4 ra truy quét thì chúng tôi lại cùng nhau kéo sang bên kia lộ là phường 7, những lúc như vậy thấy mắc cười vô cùng”- chị vừa nói, vừa cười rất vui vẻ.
Ngoài các cảnh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, còn có các bãi giữ xe đông kín hoạt động suốt ngày đêm, thỉnh thoảng lại có bóng dáng của nhiều kẻ nghiện ngập.
Dù biết việc buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường là vi phạm pháp luật, nhưng nó như một cái nghề truyền kiếp, hết đời này lại đến đời khác mưu sinh bằng nghề chiếm mặt đường này. Phương châm của những người dân ở đây là: “Chỗ nào công an đuổi nhiều thì chỗ đó buôn bán được”.
Xe bánh mỳ "tiền tỉ"
Qua những gì chúng tôi tìm hiểu và những gì bà con kể lại, thì hoạt động buôn bán của mọi người ở đây điều có sự kiểm soát chặt chẽ của những tay anh chị có tiếng trong giới giang hồ. Tất cả được phân chia ra từng khu vực cố định, không ai được quyền xâm phạm hay tranh giành địa bàn của nhau.
Chị G, người buôn bán lâu năm cho chúng tôi biết: “Nếu như có người lạ mặt từ nơi khác đến đây buôn bán thì không lâu sau sẽ có người ra hỏi thăm sức khỏe liền”.
Điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên là, sự đắt đỏ của những vị trí buôn bán, nếu ai có ý định kinh doanh mà muốn mua lại bất kì một vị trí nào, thì chúng tôi tin chắc họ sẽ giật mình khi nghe người bán định giá.
Xe bán bánh mỳ có giá từ 1-2 tỉ
Một sạp trái cây ven đường có giá từ 300 triệu trở lên mà chủ sạp còn không muốn bán, một chỗ ngồi của chị bán bánh ngọt chưa đầy 3m2 cũng mất 20 triệu, hay một khoảng vỉa hè dùng để giữ xe, diện tích 50m2 có giá lên đến hơn một tỉ, đặc biệt là xe bán bánh mỳ có giá từ 1- 2 tỉ, tùy theo vị trí.
Để lý giải cho những con số khủng, tôi vào vai một người có ý định muốn mua lại sạp nào đó để buôn bán, gặp một chị (xin được giấu tên- khoảng 47 tuổi), đã bán bánh mỳ khá lâu tại đây cho tôi biết, cái xe bánh mỳ mà chị bán có giá 1 tỉ. Giá cao như vậy không phải là ở giá trị của cái xe mà là ở vị trí đứng bán và tính “độc quyền” của nó.
Chị vừa nói vừa chỉ cho tôi xem và định giá cho tôi nghe từng vị trí: “Em có thấy ở đây có nhiều người bán như chị không! Chỉ có chỗ của chị là vị trí bên đây đường và hai cái xe bán bánh mì ở trước cổng bệnh viện thôi, chứ không hề có cái xe thứ tư nào dám vào khu vực này bán. Chiếc xe này có giá như vậy là còn rẻ hơn so với cái xe bánh mì cặp ngay cổng bệnh viện, cái đó có giá gần 2 tỉ mà chưa chắc gì họ chịu bán”.
Kể thêm về cái xe bánh mỳ tiền tỉ của mình, chị cho biết thêm, cái xe này không phải của riêng chị mà nó là đồng sở hữu của chị với một người khác. Chị bán buổi sáng thì người kia bán buổi chiều và ngược lại, một buổi bán hàng có thể thu lời hơn một triệu đồng.
Nếu ngày nào chị không bán thì cũng không ai dám bán ở vị trí này, vì nếu có người lạ nào bán là sẽ có người ra đánh đuổi đi ngay. Rồi chị bảo tôi nếu muốn mua lại vị trí nào đó thì chị dẫn đi gặp một người tên H.-một tay anh chị khét tiếng quản lý toàn bộ nơi đây.
Bãi giữ xe có giá 1,5 tỉ
Giá cả như chị đã nói là 1 tỉ, chị ấy sẽ giúp tôi cùng đứng bán, giới thiệu cho “thế giới ngầm” biết và quen mặt để yên ổn buôn bán. Nghe chị nói vậy, tôi tỏ vẻ e ngại vì giá quá cao thì bác giữ xe (khoảng 60 tuổi- giữ bãi xe này hơn 20 năm-PV) bên cạnh nói vào: “Giá như vậy là không cao đâu, mất 1 hay 2 năm sẽ nhanh chóng thu hồi vốn thôi vì ở đây người đông nên bán được lắm. Còn không thì mua lại cái mặt bằng của bác giá 1,5 tỉ, mỗi ngày có thể giữ hơn trăm chiếc xe, giá mỗi chiếc là 7 nghìn đồng/lượt”. Tôi nghe mà cảm thấy choáng, ở đây đúng là “tấc đất tấc vàng”.
Những tay giang hồ bảo kê và cho vay nặng lãi trước bệnh viện
Muốn tồn tại ở đây, những người bán hàng rong, xe ôm... phải tuân theo "luật", đóng tiền bảo kê hàng tháng thì mới được hành nghề. Ai không làm theo thì chắc chắn sẽ không một ngày được yên ổn.
Theo lời của một chị bán lâu năm ở địa bàn này, ngoài việc bảo kê thì các tay anh chị này còn cho vay nặng lãi: “Ai làm ăn ở đây mà không ít lần phải đi vay tiền nóng của mấy tay anh chị. Có người vay phải trả bạc 30 thậm chí 40 (tức là 30%-40%) một tháng. Có tiền trả sớm thì buôn bán còn có dư, chứ không thì lãi mẹ đẻ lãi con, làm còng lưng cả ngày cũng không đủ trả tiền lãi”, chị bùi ngùi chia sẻ.
Được biết trước đó, công an TPHCM cũng đã tóm gọn nhóm băng côn đồ hoành hành trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5) do tên Đông cầm đầu. Chúng đã đuổi đánh những người buôn bán trước cổng bệnh viện để cho con gái của Đông bán hàng “độc quyền”. Người nào không nghe lập tức bị hắn đánh đập, đe dọa. Để tạo uy danh và thu nạp “đàn em” dưới trướng, Đông đã uy hiếp, cố tình gây chuyện đánh đập dằn mặt những người chạy xe ôm buộc họ phải phục tùng.
Chúng tôi được biết, chính quyền cùng phối hợp với bảo vệ bệnh viện để giải quyết các vấn đề hỗn loạn, phức tạp này nhưng vì lực lượng mỏng và địa bàn phức tạp nên vẫn chưa triệt để.
Cộng với việc bảo kê của “thế giới ngầm” hoạt động mạnh và táo bạo, nhưng người dân lại sợ mang họa nên không ai tố giác, ai cũng muốn an phận vì thế đây vẫn là một bài toán vẫn chưa có lời giải.