Vị tướng già cả đời thao thức với Trường Sa
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 07/03/2015
Đến Trường Sa rồi mới thấy tầm nhìn xa, trông rộng của các bậc tiền nhân, những người từ xa xưa đã vượt biển đến những hòn đảo không người, để ghi dấu chủ quyền của Tổ quốc”. Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị , vị “tướng già” tâm sự.
Ngày Xuân đến với Trường Sa
Buổi sáng trôi trên sông Sài Gòn, rồi đến Vũng Tàu… Biển trời của Tổ quốc rực lên tráng lệ trong nắng đẹp. Con tàu HQ 936 xứng đáng với một “thương hiệu” mới, là “Bạn của những người con trên đất liền ra với các đảo trên quần đảo Trường Sa một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc”. Trong chuyến công tác ra thăm huyện đảo Trường Sa lần này, tôi vinh dự được gặp lại Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vị “tướng già” mà trước đây nhiều lần may mắn tôi đã tháp tùng ông trong những chuyến công tác ở Tây Nguyên, khi ông còn đương nhiệm. Không giấu được xúc động, Thượng tướng Bùi Văn Huấn thổ lộ: “Đây là lần thứ 6 tôi ra Trường Sa, mỗi lần đi là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ. Song lần này có lẽ là ấn tượng hơn bởi vì những ngày này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang hướng về Trường Sa, Hoàng Sa biển đảo của Tổ quốc, hướng về cuộc sống của quân và dân trên các đảo và tôi không phải làm “trưởng hay phó đoàn” nữa, mà chỉ là một thành viên tham gia, mình “từ quan” về làm dân rồi”. Nói xong ông cười rất vui, nụ cười mãn nguyện của một vị tướng đã từng xông pha nhiều trận mạc.
Sau ba ngày, hai đêm trên biển, xa xa trong tầm mắt đã thấy đảo Song Tử. Mọi người không ai bảo ai tất cả cùng hô lớn: Đảo Song Tử kia rồi! Tổ quốc mình nhìn đâu cũng thấy đẹp. Trong màn sương mờ đục, đảo Song Tử Tây hiện ra tựa như một ốc đảo xanh bồng bềnh trên mặt sóng. Tôi cùng vị tướng già và các thành viên trên tàu vui mừng ôm nhau reo hò, ai cũng thấp thỏm chờ đợi cảm giác sung sướng khi được đặt chân vào lên bờ, được chạy nhảy sau mấy ngày trong khoang tàu chật hẹp, được thả sức tác nghiệp trong một không gian đặc biệt, với những con người cũng đặc biệt không kém - những chủ nhân kiên cường của quần đảo tiền tiêu.
Tướng Huân đến thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa
Cùng Thượng tướng lên đảo, một cảm giác sung sướng đến khó tả. Anh em trên đảo đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại, tay nắm chặt tay, mắt nhìn nhau rưng rưng xúc động. Dưới bóng những cây phong ba, bàng quả vuông, dương liễu… từng đàn gà, vịt gọi kiếm mồi. Chú mèo con tinh nghịch đuổi vờn với những chú bướm trên giàn mướp đầy hoa vàng. Đàn bò lông mượt, béo núc ních, lười nhác nằm nhai cỏ. Đâu đó thoáng xa xa trong gió và sóng biển ngân vang, chúng tôi lặng nghe tiếng trẻ đọc bài… Trường Sa xa cách ngàn trùng mà sao quá ấm áp, thân thuộc, chẳng khác gì những ngôi làng yên bình mọc lên từ sóng gió…
Đến đảo nào, Thượng tướng cũng gần gũi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và ghi vào các sổ lưu bút những kinh nghiệm hay trong xây dựng đơn vị, huấn luyện, giáo dục bộ đội, đoàn kết quân dân... Đến thăm khu tăng gia của các đảo, vị tướng già liền trao đổi kinh nghiệm trồng rau muống, đu đủ… cách chắn gió biển, che nắng cho cây hiệu quả nhất.
Trường Sa thật gần gũi
Sáu lần ra Trường Sa, sáu lần Thượng tướng Bùi Văn Huấn đều “mang quà” của riêng mình ra tặng cán bộ, chiến sỹ và bà con ở nơi này. Lúc thì những bao đất phù sa được lấy từ những đồng ruộng tươi tốt trên đất liền; lúc thì những bao phân vi sinh, phân đạm, cây giống…
Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Quà của Thượng tướng mang ra cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa lần này có gì đặc biệt hơn so với những lần trước”?
Lại cười vui, Thượng tướng bộc bạch: “Hôm nay ra Trường Sa, tôi đem theo 50kg hạt cải, 30kg hạt rau muống và 100kg hạt đỗ xanh để tặng anh em trên các đảo và 30 chiếc cặp học sinh để tặng các “công dân” nhỏ nơi đầu sóng, ngọn gió tiền tiêu của Tổ quốc. Một ngày không xa, số hạt giống này sẽ được sinh sôi, nảy nở… góp phần cho Trường Sa thêm đẹp, thêm xanh và cũng để cải thiện thêm “chất rau” trong bữa ăn của bộ đội. Còn 30 cặp sách tặng các cháu học sinh trên các đảo, là quà của anh Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tặng tôi, tôi lại đem ra đảo tặng các cháu…”.
Cũng theo vị tướng già, lần thứ 6 vượt biển ra Trường Sa, có dịp trở lại các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Đá Tây, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1… ông thấy cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo đổi thay rất nhiều. Ngày trước khi còn đương nhiệm, thì hằng ngày, hằng tháng được anh em chuyên môn báo cáo đầy đủ các hoạt động của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Còn bây giờ hằng ngày Thượng tướng vẫn theo dõi về Trường Sa qua sách báo, truyền hình… Mỗi bước tiến, mỗi bước trưởng thành của Trường Sa làm ông rất mừng, Trường Sa bây giờ đã gần gũi với đất liền hơn. Chỉ cách 2 năm so với lần thăm Trường Sa gần nhất, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân Trường Sa tốt lên rất nhiều. Nhiều công trình phòng thủ, công trình kinh tế, nhiều trường học, bệnh xá, nhà khách và có cả nhà chùa được xây dựng và đi vào hoạt động rất hiệu quả. Bên cạnh tính trách nhiệm cộng đồng, tính hiệu quả của phong trào “Góp đá xây Trường Sa” thì việc xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sỹ Trường Sa tại đảo Trường Sa Lớn rất đẹp, rất có ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của đồng bào ta trong và ngoài nước đối với các liệt sĩ đã hiến dâng máu xương của mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tướng Huân ghi lưu bút ở huyện đảo Trường Sa
Ngoài việc tăng gia sản xuất tự túc rau xanh trên đảo nổi, đảo lớn, thì Dự án kết hợp trồng rau xanh, nuôi trồng hải sản, gia súc, gia cầm, được quy hoạch và bước đầu đạt được hiệu quả. Những công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế ngày càng phục vụ hiệu quả đời sống, sinh hoạt cho quân và dân huyện đảo như: Kết cấu giao thông - âu tàu, trạm thu phát tín hiệu điện thoại - truyền hình qua vệ tinh, trạm khí tượng thủy văn; hệ thống năng lượng sạch... Các đảo đều có tủ sách pháp luật và phòng đọc sách, báo... 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị được trang bị máy thu hình, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh. Đây là những cái mới, những thành tựu quan trọng đạt được để nâng tầm Trường Sa, giúp Trường Sa gần gũi với đất liền hơn và sẽ trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sau này.
Thao thức với Trường Sa
Được biết, trong những lần ra thăm Trường Sa, nhà giàn DK1 trước đây, ngoài đánh giá khả năng kinh tế biển đảo, chất lượng huấn luyện SSCĐ, giáo dục chính trị tư tưởng của bộ đội… cùng với tinh thần “tiếp thu ý kiến”, Thượng tướng đã đề xuất với Bộ Quốc phòng nâng trần chỉ huy trưởng nhà giàn từ đại úy lên thiếu tá. Thấy hợp lý Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh và từ đó đến nay trần quân hàm của anh em được nâng lên. Đây cũng là nguồn động viên anh em trong thực hiện nhiệm vụ.
Cứ một lần đến với Trường Sa, vị tướng già thấy mình cần phải gắn trách nhiệm hơn nữa với biển đảo của Tổ quốc. Lần này đến với quân dân Trường Sa, ông gợi ý anh em các đơn vị vận tải của Bộ Tư lệnh Hải quân, nên kết hợp mang theo đất màu ra Trường Sa. Nếu làm được thì sau mỗi năm hàng chục chuyến tàu ra đảo sẽ mang theo một khối lượng lớn đất bùn màu mỡ để cải tạo đất cát, san hô trên đảo. Đất trên mọi miền của Tổ quốc, kết hợp với đất của đảo, cùng với bàn tay khéo léo, miệt mài của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo sẽ trồng được nhiều cây, đặc biệt là rau xanh, cây ăn trái, cây xanh “ngụy trang” trận địa… Trường Sa sẽ xanh tươi, đẹp và mát mẻ hơn.
Ông cũng gợi ý với cán bộ chỉ huy trên các đảo nên tận dụng trí tuệ của mọi người đến với Trường Sa, để chung sức xây dựng Trường Sa vững mạnh, phát triển hơn. Khi các đoàn đến thăm, ngoài tiếp thu ý kiến chỉ đạo, đề xuất, góp ý, xây dựng… chỉ huy các đảo nên phát phiếu thăm dò, ghi cảm tưởng, ý kiến đề nghị… Sau mỗi chuyến, sau mỗi năm, chúng ta tổng hợp lại, tích lũy, vận dụng những cái hay, cái tích cực phù hợp, không những giúp cho các đảo của Trường Sa xây dựng, phát triển mà còn giúp cho Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng và cả Chính phủ những ý tưởng, những sáng kiến hay trong đầu tư, xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày một phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, sẵn sáng đánh bại bất kỳ một kẻ thù nào khi chúng liều lĩnh gây hấn, gây chiến.
Những kinh nghiệm của Thượng tướng đã được cán bộ, chiến sỹ Trường Sa vận dụng trong học tập, công tác, xây dựng đơn vị và tăng gia sản xuất... những hạt cây của ông từ đất liền mang ra đã nảy mầm, lớn lên, xanh tốt, ra hoa kết trái... Tình cảm sâu đậm, một trách nhiệm lớn lao của vị tướng già thao thức cả đời với biển đảo luôn hiện hữu với quân dân trên đảo Trường Sa.