Đầu xuân thăm gia đình hơn 40 năm sống trong... lùm tre
Xã hội - Ngày đăng : 08:07, 24/02/2015
Bí mật trong... lùm tre
Vượt hơn 70km, chúng tôi đặt chân tới thành phố Vinh, những ngày đầu năm mới, nơi đây yên ắng đến lạ thường, cái hối hả tất bật, cái ồn ào náo nhiệt hằng ngày không còn. Mọi người, mọi nhà đang quay quần bên người thân tận hưởng những phút giây yên ấm, sum vầy sau một năm lao động cật lực với những gian lao vất vả, những trăn trở mưu sinh của cuộc sống đời thường.
Đi tiếp 4 km về phía Tây, tôi tìm đến nhà ông Lê Viết Đức, gia đình được mệnh danh là "người rừng". Nhà của ông nằm lọt thỏm giữa một lùm tre, bốn bề là đồng không mông quạnh. Nếu như không được sự chỉ dẫn trước của người dân sở tại, chúng tôi cứ ngỡ đó chỉ là một bụi tre bình thường giữa cánh đồng.
Lùm tre nơi có ngôi nhà gia đình ông Đức sống ở trong
Nhà ông Đức chính thế mà không có đường, muốn vào thăm gia đình chúng tôi phải gửi lại xe máy, men theo bờ ruộng rộng khoảng 20cm nối từ lùm tre đến trục đường chính (đường tránh Vinh gần cầu Bến Thủy 2) kéo dài khoảng 600m.
Dù đi đến 3 người, nhưng chúng tôi vẫn thấy sởn gai ốc khi vạch lùm tre vào “nhà” ông. Thời điểm này, nhà nhà đang hòa trong niềm vui đón mừng xuân mới, thì ở đây hoàn toàn không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy Tết đã đến, xuân đã về.
Chúng tôi lặng đi vài phút khi thấy trước mắt một thế giới của người nguyên thủy với tiếng dế mèn than thở, tiếng cóc nhái râm ran, tiếng thạch thùng tặc lưỡi. Vượt 4 khúc gỗ tre bắc qua mương, chúng tôi bắt gặp một gian chòi xiêu vẹo, xung quanh được bịt bằng tấm phên nứa cũ mục và thủng lỗ chỗ.
Đường dẫn vào nhà ông Đức
Ngôi nhà được lợp bằng những tấm pờ - rô tận dụng phủ đầy lá cây khô mà có lẽ, chỉ một tàn thuốc rơi xuống là có thể cháy sạch trong phút chốc. Cố bấm chân nhích từng bước trên mặt đất trơn trượt, tôi phải cúi thấp xuống mới chui qua được “cánh cửa” buộc bằng tấm tre đan để vào trong ngôi nhà tối mù, ẩm thấp rộng tầm 2 gian. Khu bếp được bố trí ngay cạnh giường ngủ, mái nhà lỗ chỗ sáng, nền nhà hoàn toàn bằng đất. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa trong nhà không khác gì ngoài trời, họ phải dùng bạt giăng trên giường nằm để tránh mưa dột.
Trong nhà ông không có điện, không ti vi, không bếp ga, không quạt. Thứ quý giá nhất có lẽ là chiếc đồng hồ treo trên cột nhà.
Chiếc đồng hồ có lẽ là tài sản có giá nhất trong ngôi nhà ông Đức
Một gia đình có 3 con người gồm 2 vợ chồng già và một cô con gái, dù nơi họ sống chỉ cách UBND xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) chừng 2km, cách thành phố Vinh - Đô thị loại 2 chưa đầy 4 km nhưng chẳng khác nào người nguyên thủy.
Hơn 40 năm không biết Tết
Cách đây hơn 40 năm, sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, ông Lê Viết Đức (SN 1932) cùng chị gái từ xã Hưng Thủy (nay là phường Bến Thủy – thành phố Vinh) dắt díu nhau lên một gò đất hoang thuộc địa phận xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khai hoang, phục hóa. Sau mấy chục năm đồng cam cộng khổ, người chị gái qua đời bỏ ông lại một mình.
Năm 1994, đúng vào vụ cấy đông xuân, ông Đức gặp cô thiếu nữ Trần Thị Quy (SN 1957), tay đang thoăn thoắt cấy mạ quanh lùm tre. Đang say sưa cấy, người thiếu nữ bỗng giật bắn mình khi nhác thấy bóng một người đàn ông, râu ria mọc tua tủa in dưới mặt ruộng.
Toàn cảnh ngôi nhà ông Đức
Từ ngày khám phá ra cuộc sống trong lùm tre, bà Quy thường xuyên ghé thăm ông, lâu dần họ cảm thấy mến nhau và trở thành người bạn đời cho đến bây giờ. Năm 1997, chị Lê Thị Sinh chào đời trong một lần bà Quy đang giặt áo ở bờ sông cạnh nhà và đây cũng là đứa con độc nhất của gia đình họ.
Từ đó, họ no đói có nhau và sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Để có cơm cháo nuôi con khôn lớn, vợ chồng ông Đức đã ra khai khẩn vùng đất cằn cỗi cạnh nhà được 2 sào ruộng, số còn lại người dân xung quanh đã khai hoang và được chính quyền xã chia ruộng, nhà ông Đức chính thế mà không có lối đi, phải men theo bờ ruộng.
Sống ngần ấy năm trong lùm tre, ông Đức và bà Quy cũng không hề biết mình thuộc xóm nào của xã Hưng Lợi, vì ông bà chưa một lần đi nhập tịch và làm sổ hộ khẩu. Lùm tre mà ông bà đang ở cũng chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ cứ thế sinh hoạt trong lùm tre, không điện đài, không tin tức với ánh đèn dầu, ánh nến le lói.
Mặc dù nghèo đói, nhưng ông bà Đức vẫn cố gắng cho con đi học, đang học dở lớp 10, thấy hoàn cảnh gia đình mình quá khó khăn, chị Sinh đã tự nguyện bỏ học và theo chúng bạn lên thành phố Vinh làm đủ công việc, ngày quét rác, đêm bán quần áo, rửa bát cho các nhà hàng... mong sao có thể giúp được bố mẹ và nuôi sống bản thân.
Do có chút nhan sắc, chị Sinh càng lớn càng trở nên xinh đẹp, nhiều kẻ đã bám theo về đến tận nhà, hoặc nửa đêm mò đến có ý định làm hại chị, điều đó đã khiến Sinh khiếp đảm không còn dám về nhà vào ban đêm mà phải ngủ nhờ nhà bạn trên TP Vinh. Gia đình ông Đức vốn đã không có gì quý giá, nhưng trộm vẫn thường xuyên ghé thăm như cơm bữa, bao nhiêu gà, chó, gia đình ông nuôi được, chúng đều tóm sạch tự nhiên như vào rừng săn thú.
Không điện, không nước, toàn bộ nước ăn, uống, tắm gặt đều nhờ vào một vũng nước nhỏ được ông Đức khoét khi còn khoẻ mạnh. Gần đó có đền thờ ông Hoàng Mười được khách viếng thăm ngày càng đông. Bà Quy thường xuyên ra đó nhặt các cốc nến, bao diêm thừa và những đồ lễ du khách quẳng đi mang về dùng. Ánh sáng từ đó mới bùng lên trong không gian lạnh lẽo, đặc quánh một màu đen, nơi từ trước đến nay chỉ có bếp củi làm bạn. Nhà đền thương cảm cho bà 2 cái can loại 5 lít để múc nước ở giếng đền xách về dùng gọi là nước sạch.
Vợ chồng ông Đức cảm động khi nhận phần quà nhỏ của PV báo Công lý trao tặng
Khi chúng tôi bước vào, hai ông bà giật nảy mình sợ sệt miệng lẩm bẩm: "hết gà rồi, hế chó rồi, con gái đi khỏi rồi...". Chỉ đến khi chúng tôi biếu một ít quần áo, bánh chưng, giò chả, bánh kẹo thì ông bà có vẻ hiểu ra.
Cầm trên tay món quà của chúng tôi, ông bà rưng rưng cảm động nói: "Hiếm lắm mới gặp người tốt tới đây, tới đây toàn kẻ muốn bắt gà, bắt vịt, trộm chó và bắt con gái tôi... mấy chục năm qua chúng tôi có biết gì là Tết. Hôm nay nhìn thấy bánh chưng, giò, chả chúng tôi mới có cảm giác ấm lên một tí, đã lâu rồi chúng tôi chưa được thưởng thức những món này. Con Sinh nhà tôi vừa về nghỉ được ngày mùng 1 Tết, hôm nay nó đã phải lên đi làm giúp người ta để kiếm cái ăn rồi..."
Mái nhà xiêu vẹo cao chưa đến 2m phủ đầy lá cây
Tại sao gia đình ông Đức vẫn sống hoang sơ, biệt lập với thế giới bên ngoài khi chỉ cách trung tâm thành phố Vinh chừng 4km, cách UBND xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) chừng 1km?.
Trong khi chúng ta đang cố gắng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân, thì vẫn có những hộ gia đình như gia đình ông Đức sống trong cảnh "ba không": không điện, không nước, không thông tin và đặc biệt hầu như không có mối liên hệ với cộng đồng.