Tết đoàn viên bên gia đình “thánh phượt” Vừ Già Pó
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 21/02/2015
Câu chuyện mà tôi vừa nói trên đây không ai khác chính là gia đình Vừ Già Pó.
Hai năm mất tích
Vượt qua chặng đường dài đầy đèo dốc hiểm trở, một bên chỉ toàn núi đá, một bên chỉ có vực sâu, gió lùa hun hút thành từng tiếng rít mạnh bên tai, cuối cùng tôi cũng đặt chân đến xã Khâu Vai (Mèo Vạc) – vùng đất nổi tiếng với phiên chợ tình mỗi năm họp một lần vào 27/3 âm lịch. Thời điểm này, ở một số xã vùng sâu vùng xa của Mèo Vạc như Khâu Vai, Lũng Pù và Cán Chu Phìn, người dân tộc Mông đã rục rịch chuẩn bị đón Tết sớm. Người Mông ở đây không ăn Tết Nguyên đán theo truyền thống mà họ quan niệm cứ đến cuối tháng 11 âm lịch là đến Tết. Tết của người Mông thường bắt đầu từ ngày 26/11 âm lịch và kéo dài trong khoảng 1 tuần.
Niềm vui đoàn viên của vợ chồng Vừ Già Pó
Anh Lò Văn Hạnh, Bí thư chi bộ thôn Lũng Lầu dẫn tôi đến nhà Vừ Già Pó. Căn nhà nhỏ nằm xiêu vẹo giữa lưng chừng đồi, cả tài sản không có gì đáng giá ngoài một con bò. Như đã quen với việc có khách lạ đến thăm, vợ chồng Pó vui vẻ mời chúng tôi vào nhà.
Trong ánh lửa bập bùng đang toả ra hơi ấm xua tan cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông, chị Ly Thị Lía, vợ anh Pó không giấu nổi sự xúc động khi nhớ lại quãng thời gian mất tin tức của chồng. Chị kể rằng khi đó nghĩ anh Pó đã chết, dù vẫn luôn mong ngóng tin chồng nhưng chị không dám tin có ngày chồng mình sẽ quay trở về.
Những ngày anh Pó không ở nhà cũng là những ngày vô cùng khó khăn với chị và 4 đứa con nhỏ. Chị Lía phải bán lần lượt 3 con bò để vừa lấy tiền nuôi con, vừa có tiền đi hỏi thăm tung tích của chồng. Ngày lễ Tết, chị chỉ mua miếng thịt lợn về làm bữa cơm cuối năm, ngoài ra không mua sắm thêm gì khác. Trong khi các gia đình hàng xóm vui vẻ chuẩn bị đón năm mới, bố mẹ cho con đi chơi hội, thì mẹ con chị Lía chỉ quanh quẩn trong nhà, đón giao thừa trong gian bếp, mấy cái Tết cứ thế trôi qua buồn như vậy.
Anh Pó khoe chiếc áo của anh trai kết nghĩa, người phóng viên Việt Nam đã phát hiện và tìm ra tung tích, đưa Vừ Già Pó từ Pakistan trở về quê nhà
Anh Pó ngồi cạnh vợ, chăm chú lắng nghe. Tôi bèn hỏi anh, trong những ngày đang lưu lạc, anh có nhớ ngày Tết ở quê nhà không? Vừ Già Pó thật thà trả lời: “Tôi chẳng biết Tết vào lúc nào nữa, lúc ở Trung Quốc thì phải làm suốt, lúc đi sang vùng đất khác thì họ lại không có Tết như người Mông mình”. Anh còn tâm sự: “Lúc đi đường mà gặp lễ hội, tôi nhớ nhà, nhớ cái Tết lắm. Thấy trẻ con chơi trên đường tôi cũng rất nhớ các con, chỉ mong về được Khâu Vai để được gặp vợ con mình thôi”.
Hành trình hơn 7000 km và cuộc hội ngộ bất ngờ
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại đông con, ngày 30/4/2012, Vừ Già Pó bỏ sang Trung Quốc làm thuê để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cũng từ đó, Pó không trở về nhà, không gửi tiền về, để lại người vợ và 5 đứa con đêm ngày mòn mỏi chờ mong tin.
Cuối tháng 12/2013, đoạn video do một phóng viên nước ngoài post lên mạng với nội dung do chính Vừ Già Pó nói: “Tôi là Vừ Già Pó, tôi ở Khâu Vai, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam… Tôi không phải là người Trung Quốc, tôi mong cơ quan chức năng đưa tôi về Việt Nam, cơ quan chức năng hết bao nhiêu tiền tôi sẽ trả. Nay tôi nghèo tôi mới đi làm thuê, tôi không phải là người xấu, hay trộm cắp…”
3 tháng sau, khi video trên đến tay một phóng viên Việt Nam, may mắn đã đến với Vừ Già Pó khi thông tin về sự mất tích của anh bắt đầu được xác nhận. Sau nhiều thủ tục, cuối cùng, đến ngày 11/5/2014, Vừ Già Pó đã đặt chân đến sân bay Nội Bài, lên đường về quê hương Khâu Vai đoàn tụ cùng gia đình.
Ngày anh Pó trở về nhà cũng là ngày vợ và các con vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc, trước sự chứng kiến ngỡ ngàng của người dân xung quanh và sự hiếu kỳ, sửng sốt của người dân cả nước. Cho đến tận lúc này, tôi vẫn không thể tin rằng, người đàn ông dân tộc Mông không có gì khác ngoài đôi bàn chân đã một mình băng qua chặng đường từ Trung Quốc tới Myanmar, sang Ấn Độ và đến tận Pakistan. Không biết một ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Mông, không tiền bạc, giấy tờ, phương tiện, Vừ Già Pó đã có thể sống sót, đi qua hơn 7000km trong đó có những vùng giáp ranh đầy nguy hiểm và tranh chấp như biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tôi hỏi anh, đi lạc xa thế, có lúc nào anh cảm thấy tuyệt vọng vì đi mãi không thấy đường về nhà không? Anh bảo: “Có chứ. Nhiều lúc đi đường không xin được cái gì ăn, mình sợ chết đói, sợ không có sức đi về nhà. Lúc bị cảnh sát hay bộ đội bắt, mình sợ không bao giờ được thả. Mình đi qua nhiều vùng đất khác nhau, chỗ nóng ran, chỗ lại có biển. Mình sợ nhất lúc đó vì không biết đi đường nào, hết đường để đi, mặt trời lặn xuống nước mình sẽ không tìm được đường về”.
Cứ chọn hướng có núi mà đi, lần theo hướng mặt trời lặn để tìm đường, người đàn ông dân tộc Mông 37 tuổi mang trong mình niềm hy vọng duy nhất rằng đó là con đường dẫn anh về nhà.
Ấm lòng Tết đoàn viên
Từ ngày được đưa trở về quê hương, công việc hàng ngày của anh Pó là làm nương, chăn bò. Hai vợ chồng chăm chỉ cần mẫn nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Tôi hỏi: “Tết năm nay nhà anh chị chuẩn bị gì chưa?” Cả hai vợ chồng cười xuề xòa, anh Pó phấn khởi khoe con bò nhà anh mới đẻ được một con, sang năm nhà anh có hai con bò đi làm nương rẫy. Chị Lía dẫn tôi vào trong chỉ đống ngô xếp gọn trên gác mái, bảo chỗ này là đủ ăn qua Tết, không lo đói, vẫn có nhiều của ăn hơn nhiều nhà ở Lũng Lầu.
Trừ một đứa đã đi lấy chồng, vợ chồng Pó Lía còn 4 đứa con, tất cả đều đang tuổi đi học. “Chúng nó thích mua quần áo mới, mua bánh kẹo, nhưng mà không có tiền mua đâu. Gần Tết tôi đi mua ít thịt lợn và gạo nếp thôi là chuẩn bị xong Tết rồi. Còn phải để dành tiền sau này mua thêm bò nữa”. Anh Pó tâm sự.
Nhắc đến chuyện đi Trung Quốc làm thuê, anh Pó lắc đầu nguầy nguậy. Anh bảo dù nghèo nhưng chỉ ở nhà làm nương, có cho thêm tiền anh cũng nhất định không đi làm xa nữa.
Chẳng còn bao lâu nữa là đến Tết, nhiều nhà khá giả trong xóm đã bắt đầu chọn con lợn ngon, bắt con gà to nhất nhốt vào chuồng, chờ ngày ăn Tết. Những nhà nghèo như nhà anh Pó dù chưa chuẩn bị gì, nhưng trong lòng ai cũng khấp khởi, chờ mong cái Tết sớm của người Mông. Năm hết, Tết đến, cái cũ qua đi, may mắn sẽ về, người dân tộc Mông tin rằng mỗi khi năm mới sang họ sẽ có thêm nhiều may mắn trong cuộc sống.
Tôi hỏi anh chị có mong ước gì trong năm mới Ất Mùi, chị Lía đáp: “Chỉ mong ai cũng khỏe mạnh, không ốm đau là tốt rồi”. Anh Pó thì mong năm mới thời tiết thuận hòa, có nhiều ngô, thịt để ăn, các con không bị đói và có tiền mua thêm bò.
Trong căn nhà có phần lụp xụp, tối tăm, chỉ có chút ánh sáng từ cánh cửa gỗ nhỏ mở toang đang chiếu rọi vào giữa nhà, cả gia đình Vừ Già Pó quây quần bên bếp lửa. Sau thời gian chia cách tưởng như không có ngày gặp lại, giờ họ đã được đoàn tụ bên nhau, mâm cơm ngày Tết dù đơn sơ đạm bạc nhưng đủ đầy hạnh phúc đoàn viên. Ngắm nhìn gia đình Pó mới chợt nhận ra năm mới đang về rất gần, tiết xuân đang len lỏi vào từng ngôi nhà, thổi bừng ngọn lửa hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Hành trình lưu lạc trong 18 tháng của Vừ Già Pó từ Trung Quốc tới Pakistan
Ngày 30/4/2012, Vừ Già Pó bỏ sang Trung Quốc làm thuê để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Sau đó, Vừ Già Pó cùng những người bạn trốn khỏi nhà chủ ở Trung Quốc, bắt đầu hành trình phiêu bạt ròng rã suốt 18 tháng bằng cách… đi bộ, băng qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vào biên giới và ngang qua miền trung Myanmar tới bang Manipur (Ấn Độ) rồi đến Bangladesh. Sau đó tiếp tục di chuyển đến Đông Bengal, rồi bang Orissa (hay còn gọi là Odisha).
Trong hành trình tìm đường về quê nhà, anh tiếp tục đi cắt ngang qua miền trung Ấn Độ tới tận phía tây của đất nước này - thành phố Mumbai. Từ đó ngược lên phía bắc đến tận chân dãy Himalaya ở Himachai Pradesh rồi tiếp tục hướng tây bắc lên Jammu & Kashmir cho tới khi vào đất Pakistan. Tại đây Vừ Già Pó bị quân báo nước này bắt vào khoảng tháng 9.2013.
Hành trình phiêu bạt của Vừ Già Pó dừng lại ở đồn cảnh sát Zila Neelum, bang Azad Jammu & Kashmir của Pakistan. Anh bị tạm giữ ở cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad rồi chuyển sang đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum từ tháng 10.2013 vì không thể xác minh được nhân thân. Trước đó, anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được khi đang xâm nhập biên giới từ phía bang Jamu & Kashmir của Ấn Độ. Đây là vùng tranh chấp căng thẳng, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt giữa 2 quốc gia Nam Á.
Tháng 12.2013, ông Mukhtar Qreshi, nhân viên phụ trách các vấn đề thảm họa của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ ở địa phương ghé qua đồn cảnh sát Zila Neelum. Ông mở mạng Internet, tìm hình ảnh cờ và tiền giấy của các nước châu Á cho Vừ Già Pó xem. Khi nhìn thấy ảnh cờ và tiền Việt Nam, Vừ Già Pó phấn khích reo lên, ánh mắt rạng rỡ.
Nhờ những nỗ lực của Đại sứ quán, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc và xã Khâu Vai cũng như sự hợp tác nhiệt tình của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ Pakistan cùng với sự quan tâm của báo chí, tối 10.5.2014, Pó đã được trở về trên chuyến bay TG350 sang Bangkok (Thái Lan) và tiếp tục với TG560 về Hà Nội lúc 9 giờ 35 ngày 11.5.2014.
Tổng quãng đường bộ của Vừ Già Pó tính sơ lược vào khoảng 7.300 km. Theo lời kể của anh, Vừ Già Pó chỉ đi xe lửa tổng cộng chưa đến 4 tiếng khi ở đất Ấn Độ. Còn lại quãng đường hơn 7.000 km, qua 5 quốc gia, anh hoàn toàn đi bộ, không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân và không biết một ngôn ngữ giao tiếp nào khác trừ tiếng Mông.
“Sau sự việc Vừ Già Pó mất tích trở về, xã đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền về việc không đi làm thuê trái phép ở nước ngoài. Đến nay tỉ lệ người dân vượt biên đi làm đã giảm nhưng khó có thể hạn chế triệt để. Thay vì đi vài tháng, họ vẫn tranh thủ đi làm vài ngày rồi quay về, kiếm ít tiền trang trải cuộc sống”. (Anh Lò Văn Hạnh, bí thư chi bộ thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai) |