Năm Mùi nói chuyện con dê

Xã hội - Ngày đăng : 08:51, 20/02/2015

Trong 12 con giáp, dê là con vật hiền lành bậc nhất, có ý nghĩa tinh thần phong phú và có giá trị biểu tượng cao. Nó thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng, tích cực tới đời sống văn hoá của nhiều nước.

Dê trong lịch sử văn hóa thế giới

Trong văn hóa phương Đông, dê là một trong 12 con giáp, đại biểu cho địa chi (Mùi), và cũng nằm trong tam sinh lục súc; còn ở văn hóa phương Tây, dê nằm trong 12 cung Hoàng đạo với hình tượng Ma Kết. Dê còn xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp, Bắc Âu và đặc biệt là trong Kitô giáo với hình tượng con dê gánh tội.

Năm Mùi nói chuyện con dê

Là một biểu tượng phong phú, xuất hiện lâu đời từ thời tiền sử loài người, trong đời sống vật chất và tâm linh, từ Đông sang Tây, biểu tượng dê phong phú và phức tạp, trong đời sống văn hóa của con người.

Vào thời xưa, chữ “dương” (dê) với chữ “tường” (điều may mắn, tốt lành) được dùng là một, ý nghĩa của chữ “thiện, mỹ” đều liên quan đến chữ “dê”. Người xưa nói chỉ có con dê mới thể hiện được những đức tính tốt đẹp của con người: Nhân, nghĩa, lễ, mỹ, thiện. Sự tao nhã, lịch lãm của dê được ví như thân sĩ; sự dịu dàng thuần phục của dê được ví như người con gái, sự trong sáng của dê tượng trưng cho đức hạnh cao thượng và tình yêu. Trong “Xuân thu phồn lộ - Chấp chí” của Đổng Trọng Thư đời Hán ca ngợi con dê: “Dê có sừng nhưng không sử dụng bừa bãi, chỉ để phòng thân, như kẻ hiếu nhân. Khi bị bắt không kêu la, bị giết không gào khóc, như kẻ chết vì nghĩa. Khi bú mẹ nó luôn quỳ xuống như người con hiếu lễ”.

Bên cạnh đó, chữ “dương” (dê) và chữ “dương” (mặt trời) có ý nghĩa giống nhau cũng có nghĩa là giữa dê và mặt trời có mối liên hệ về văn hóa nhất định. Sự sùng bái dê và sùng bái mặt trời hợp thành lại thành một. Có thuyết cho rằng thần dê chính là thần Mặt trời. Ngoài thần Mặt trời ra, dê còn được coi như những vị thần khác. Dê thích ăn các loại bông, lúa mạch, vỏ cây, rễ cỏ nên người xưa đã liên hệ dê với ngũ cốc, cây cối và cho rằng dê chính là Thần ngũ cốc, thần Cây cối. Trong “Khổng Tử gia môn - Biện chính” có một con chim cát tường tên gọi Thương Dương có thể dự báo mưa, có người nói Thương Dương chính là Thần mưa. Người xưa sùng bái núi, đất, đá, trong khi đó dê dễ dàng đi lại những nơi vách núi hiểm trở như đi trên đất bằng nên có thuyết cho rằng dê là Thần núi, Thần đất, Thần đá…

Dê là con vật được người xưa thờ cúng. Bộ tộc Khương là bộ tộc nguyên thủy lâu đời nhất miền Tây Trung Quốc cũng lấy dê làm con vật tổ. Hứa Thuận đã lý giải chữ “Khương” trong “Thuyết văn” rằng: “Khương, người chăn dê vùng Tây Nhung, chữ viết có bộ nhân và bộ dương”. Người Khương mang theo văn hóa Totem thờ dê di cư đến phía Đông, du nhập vào văn hóa Hoa Hạ, hình thành nền văn hóa dân tộc Trung Hoa.

Chuyện dê ở ta

Do được thuần dưỡng từ rất sớm, sử dụng phổ biến, liên tục, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên dê cũng tạo ra giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hoá nghệ thuật của người Việt Nam. Nó là một trong sáu con vật nuôi thông dụng nhất (lục súc: dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu) và một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thần thánh (tam sinh: dê, lợn, bò).

Trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, dê nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mùi - một chi quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ, là khoảng thời gian mở đầu buổi chiều, con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. Tháng Mùi là tháng Sáu âm lịch, thời tiết sáng sủa nhất trong năm, cây cối tươi tốt, ra hoa kết quả nhiều nhất và con người cũng vừa thu hoạch xong vụ chiêm, dồi dào sinh lực. Quan niệm tín ngưỡng còn cho rằng người sinh năm Dê (tuổi Mùi) thường mưu trí, nhiệt tình, năng động, tài giỏi, thành đạt và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời. Câu ca dao: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi / Riêng tôi ngậm ngùi mang lấy tuổi Thân” có ý nghĩa xuất phát từ đó.

Hình ảnh con dê còn xuất hiện nhiều ở hàng trăm câu ngạn ngữ, phương ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao sinh động, dân dã mà thâm thuý. Chẳng hạn như: “Bán bò tậu ruộng, mua dê về cày” mỉa mai cách thức làm ăn trái khoáy, không biết tính toán hoặc việc bỏ vật hữu ích để chuốc lấy thứ chẳng ra gì. “Cà kê dê ngỗng” đánh giá sự kể lể tản mạn, dài dòng, huyên thuyên những chuyện lặt vặt, vớ vẩn. “Máu bò cũng như tiết dê” nhìn nhận coi hai chuyện, hai sự việc, sự vật chẳng khác gì nhau mấy về mọi phương diện. “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng” là kinh nghiệm về thời điểm chăn nuôi những con vật có ích cho điều kiện kinh tế của bản thân, gia đình hoặc xác định, lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực, hoàn cảnh v.v...

Tuổi thơ luôn bó với trò chơi “Dung dăng dung dẻ” với bài đồng dao vui nhộn: “Dung dăng dung dẻ / Dắt trẻ đi chơi / Đến cửa nhà trời / Lạy câu lạy mợ / Cho cháu về quê / Cho dê đi học / Cho cóc ở nhà / Cho gà bới bếp / Ngồi xệp xuống đây”.

Dê trở nên gần gũi hơn qua những trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của dân tộc. Phổ biến mà đặc sắc nhất vẫn là trò “bịt mắt bắt dê”. Trò chơi này thường tổ chức trong những ngày vui như hội đầu xuân, hội trung thu... hoặc các cuộc chơi thể thao văn hoá dân dã, với cách khác nhau tùy thuộc đối tượng tham dự. Nếu là trẻ em, một em nhỏ bị bịt mắt phải đuổi bắt trong sân với nhiều em khác giả làm dê vừa di chuyển vừa kêu “be, be...”. Nếu là người lớn, trò chơi còn ngộ nghĩnh hơn vì con dê thực được thả vào sân, hai người bị bịt mắt đuổi bắt nó; cả ba đều khoác áo tơi, chân đeo lục lạc nên phát ra những âm thanh giống nhau khi chạy nhảy, khiến hai người khó phân biệt nổi, vì vậy nhiều lúc không bắt được dê mà lại... tóm ôm nhầm phải nhau, gây tiếng cười sảng khoái, thích thú cho người xem.

Trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, hình tượng con dê xuất hiện với nhiều màu sắc đa dạng dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân dân gian. Với đủ loại chất liệu khác nhau như đất, đá, vữa, bạc, đồng hay gỗ…, họ đã chạm khắc hình tượng dê bằng nhiều kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Có lẽ dê là hình tượng tiên phong xuất hiện ở các chùa chiền cổ xưa - nơi vốn thường chỉ thấy hình ảnh các loài vật linh thiêng, cao quý như rồng, hổ... Chẳng hạn, tại bệ đá đặt tượng Phật của ba chùa Bối Khê, Trung, Quế Dương ở Hà Tây (cuối thế kỷ 14) đều có khắc hình dê vui tươi, miệng ngậm cành lộc, đầu ngoảnh về phía sau. Tại bệ đá chùa Vắp ở Yên Bái cũng khắc hình dê tương tự nhưng miệng không ngậm gì. Trong hơn 50 bức chạm nổi trên lan can ở Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) có một bức 3 con dê được chạm rất tinh tế: một con nằm nhởn nhơ trên cỏ, hai con còn lại với tư thế sinh động khác nhau đang ngẩng nhìn bầu trời cao rộng có vầng dương lấp ló sau áng mây. Cũng tại nhiều chùa khác, hình tượng dê đang đùa giỡn vui nhộn, đôi khi đến mức hài hước trên bia và khánh đá.

Trong nhóm tượng đất, tượng gốm, tượng gỗ cổ truyền thường gặp bức Hai dê qua cầu diễn tả hai chú dê húc nhau giữa chiếc cầu cong do chẳng con nào chịu nhường đối phương; bức Mẹ con nhà dê thể hiện sự âu yếm của dê mẹ đối với đứa con hiếu động. Tranh vẽ dê cũng xuất hiện khá sớm, đặc sắc nhất là bức Lục hợp đồng xuân của dòng tranh Hàng Trống vẽ cảnh ông già ngắm xem 6 cháu đang nô đùa với dê và bức Bịt mắt bắt dê của làng tranh Đông Hồ vẽ cảnh một chú dê vừa chạy trốn vừa ngoái nhìn đôi thanh niên nam nữ mắt bịt kín đang lần mò tìm bắt nó.

Trong thập niên gần đây, tranh dê còn thu hút năng lực sáng tạo của không ít hoạ sĩ Việt Nam hiện đại, thuộc mọi trường phái và được thể hiện dưới nhiều bút pháp. Tiêu biểu nhất là hoạ sĩ Phạm Văn Tư. Vào đầu năm 1991, anh mở triển lãm gồm 120 bức tranh vẽ toàn về dê với đủ đề tài, bằng những sáng tạo độc đáo, mới lạ, đem lại nụ cười hóm hỉnh và ấn tượng bất ngờ khó quên cho người xem.

Để kết thúc bài viết này, xin kính chúc quý độc giả, đặc biệt những người Tuổi Mùi một năm mới an lành, nhiều tài lộc trong năm mới!

*Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình ảnh dê xuất hiện khá đa dạng, sinh động, hấp dẫn và đầy ngụ ý. Chúng ta gặp “dê” ở nhiều lĩnh vực ngôn từ: tự nhiên và xã hội, lý thuyết sách vở và giao tiếp thực tiễn. “Máu dê” thể hiện khả năng sinh dục mạnh mẽ; “râu dê” mô tả bộ râu rậm, dài, hơi cong; “sữa dê” nói đến sự bổ dưỡng, nguồn thu nhập lớn, mới lạ; “dê cụ” ám chỉ kẻ rất dâm đãng; “thói dê” khái quát bản tính ham chinh phục người khác giới... *
 

Vũ Thu