Công xưởng “vest Tây” trong làng của những người nông dân
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 11/01/2015
Làng nghề “đệ nhất kéo”
Cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, men theo đường Quốc lộ 1A, là có thể đến với xã Vân Từ, Phú Xuyên, nơi từ xưa đã nổi tiếng với nghề may comple, veston.
Được biết vào khoảng những năm 1920 nhiều thanh niên trong làng đã tìm lên Hà Nội để học nghề may, rồi sau đó về làng tiếp tục phát triển nghề mình học được. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo mà từ đó, những con người ở mảnh đất này đã cho ra những bộ comple, veston nức tiếng chốn kinh kỳ.
Năm 1992, được chính quyền quan tâm cùng các bậc cao niên trong làng - lớp thợ có bàn tay vàng trong xã đã hợp sức mở hai lớp dạy may comple cho thế hệ trẻ. Từ hai lớp học ban đầu với gần 70 học viên, nhiều thợ trẻ tài hoa của Vân Từ "ra đời", và cứ thế truyền nghề cho tới nay.
Nghề may truyền thống ở đây phát triển mạnh trong toàn xã. Những bộ comple, veston Vân Từ đã làm vừa lòng cả những vị khách khó tính nhất. Để phù hợp với xu hướng thời trang nhiều người thợ trẻ còn sáng tạo may trang phục công sở rất đắt hàng.
Anh Hoà - Một trong những hộ gia đình làm nghề may trong làng cho biết: “Ở đây bất kể họ là cán bộ công chức, người nghỉ hưu hay thanh niên…cũng đều có thể chọn cho mình một bộ vest ưng ý nhất. Ai thích kiểu nào thợ may ở đây cũng có thể đáp ứng một cách dễ dàng”.
Vân Từ nức tiếng với nghề may, đặc biệt là những bộ comple, veston đã trở thành thương hiệu
Từ cái nôi nghề ở thôn Từ Thuận đến nay, nghề may comple, veston đã lan dần ra cả 10 thôn của xã Vân Từ và một số địa bàn lân cận. Toàn xã có gần 1.400 hộ, thì có tới trên 70% người dân làm nghề, trong đó nghề may là chủ yếu. Tính riêng 2 thôn Từ Thuận và thôn Chung với trên 90% số hộ tham gia.
Mỗi khi mùa cưới hay dịp Tết đến, ai cũng muốn sắm cho mình một bồ đồ đẹp nhất để mặc vào những dịp này. Chẳng thế Từ Thuận ngày nào cũng như trẩy hội. Những đôi sắp làm đám cưới ở khắp mọi nơi lặn lội về đây thuê, mua trang phục cho cô dâu, chú rể, đội bưng tráp và quan viên hai họ.
“Vào những ngày chớm đông, là thời điểm làng nghề sôi động nhất, bởi đây là thời điểm cung cấp số lượng lớn quần áo comple, veston, áo rét, quần âu... phục vụ mùa đông và Tết Nguyên Đán” - Một chủ cửa hàng chia sẻ.
Để hoàn thiện một bộ comple phải trải qua các công đoạn rất công phu, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì của người thợ. Đầu tiên là khâu thiết kế, người thợ có thể sáng tạo ra mẫu thiết kế cho khách hàng, hoặc vẽ ra theo ý tưởng của khách hàng đặt. Sau khâu thiết kế là đến khâu dán keo rồi đưa ra máy ép thủy lực cho lớp keo và miếng vải gắn vào nhau tạo dáng cho sản phẩm, đo đạc lại theo thông số kĩ thuật và cắt. Qua công đoạn này, những mảnh cắt đó sẽ được người lao động nhận về nhà giáp lại, rồi trở lại xưởng đột nẹp, thùa khuyết, đính cúc, là hơi, để hoàn thiện sản phẩm.
Veston được may ở làng Từ Thuận có điểm đặc biệt so với nơi khác là gồm có 4 lớp: vải, mùng, lót, bông, giúp Veston trở nên dày và bền hơn, không bị nhàu. Những bộ comple, veston được may theo nhu cầu với giá từ 1 triệu đồng bình dân, cho đến bộ cao cấp 10 - 12 triệu đồng.
Càng ngày càng “phất”
Từ chỗ người Vân Từ làm "hàng chợ" hoặc nhận may gia công cho nhiều cửa hàng lớn ở Hà Nội, Hà Đông, đến nay nhiều cửa hàng, đại lý không chỉ ở trong làng mọc lên, mà nhiều ông chủ còn đi khắp các tỉnh trên cả nước mở cửa hàng. Giờ thì từ vùng núi cho đến thành phố ở đâu cũng đều đã có các cửa hiệu lớn buôn bán đồ comple, veston hàng hiệu Vân Từ.
Thu nhập từ làm nghề may comple, veston ở Vân Từ trung bình 1 lao động được 4 - 5 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung trong vùng thì đây là mức lương rất khá, điều này kích thích động viên người dân theo đuổi, phát triển nghề. Còn đối với những hộ gia đình mở cửa hàng hay thành lập công ty thì mức thu nhập có thể cao hơn rất nhiều.
Một công nhân đang thùa khuyết, đính cúc để hoàn thiện sản phẩm
Hiện nay, số lượng các chủ cơ sở sản xuất, đến Giám đốc doanh nghiệp may ngày một nhiều. Riêng ở thôn Từ Thuận, hiện có tới hơn 50 ông chủ hiệu lớn. Những cửa hiệu này đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo làng quê, các ông chủ trẻ đua nhau làm giàu chính đáng. Thu nhập bình quân ở xã đạt 20 triệu đồng/người/năm.
Bác Minh - một chủ hiệu may trong thôn chia sẻ: “Nếu mọi người về Từ Thuận hôm nay mà muốn kiếm một ngôi nhà cấp bốn, hay đoạn đường đất thì quả là vô cùng khó khăn, Giờ thì biệt thự sang trọng, xe con đắt tiền chạy ầm ầm khắp làng rồi”.
Sự thay da đổi thịt nơi đây bắt nguồn từ chính việc kế thừa và phát triển nghề truyền thống, làm ra sản phẩm comple, veston của thôn ngày càng chất lượng, trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ đối với riêng ngành hàng may mặc, mà còn với khách hàng gần xa nhiều địa phương cả nước.