Lời thề giữ rừng của người Pu Péo

Xã hội - Ngày đăng : 07:47, 26/12/2014

Những năm gần đây, nạn phá rừng đã trở thành vấn đề nóng gây nhức nhối dư luận cả nước. Tuy nhiên, trên vùng biên Phố Là thuộc huyện Đồng Văn (Hà Giang), dân tộc Pu Péo với số dân ít ỏi gần 700 người vẫn rất tự hào với khu rừng thiêng Chúng Chải của mình.

“Người Pu Péo còn thì rừng Chúng Chải còn. Rừng Chúng Chải còn thì dân tộc Pu Péo còn”, đồng bào luôn coi những cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi này là báu vật, đời nọ tiếp đời kia truyền nhau bảo vệ như một sứ mệnh thiêng liêng của mỗi người.

Tộc người thờ đuôi trâu và quả bầu

Già làng Củng Diu Suyền (thôn Củng Chá, xã Phố Là, huyện Đồng Văn) kể lại rằng: Trước đây, tổ tiên người Pu Péo cùng cụ tổ các dân tộc Hán, Mông, Clao đã thề với nhau ở ngôi miếu trước cửa rừng rằng, sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng. Chính vì lời thề ấy mà người Pu Péo ngay từ thủa nhỏ đã được truyền cho ý thức thờ thần rừng. Đến khi giã từ cõi sống, họ cũng nằm lại trong rừng. Rừng thiêng là một phần vừa tâm linh, vừa thực tế trong đời sống đồng bào. Đến nay, người Pu Péo đã trải qua ngót 13 đời định cư trên đất Việt (khoảng trên dưới 300 năm). 13 đời người trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, 13 đời người thay nhau bảo vệ để có được cánh rừng thiêng ngút ngàn như ngày hôm nay. Và, tín ngưỡng đó đã tạo nên một nền tảng mang tính văn hóa của cộng đồng...

Theo thống kê dân số năm 2009, tổng số dân thuộc dân tộc Pu Péo chỉ có gần 700 người, sống phân tán dọc theo dải đất biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Hà Giang. Có mặt ở các xã thuộc huyện Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Mê song dân tộc này tập trung đông nhất tại thôn Củng Chá, xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Cộng đồng người Pu Péo theo nếp người xưa thường tìm đến những vùng bồn địa trũng giữa núi rừng, có khí hậu á nhiệt đới để dựng nhà, lập bản. Ở địa thế này, người Pu Péo vừa có thể làm ruộng nước, lại vừa dựa được vào rừng với những nghề phụ như nuôi ong mật, lấy măng, nấm, mộc nhĩ dưới tán lá rừng xanh um, quanh năm ẩm ướt.

Trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý‎ Đôn được viết vào khoảng giữa thế kỷ 18 đã có đề cập đến sự hiện diện của người Pu Péo tại Hà Giang với tên gọi là La Quả. Cũng chưa có tài liệu nghiên cứu nào nói rõ về quá trình di cư của người Pu Péo đến khu vực đang sinh sống hiện nay, song các gia đình ở Phố Là có truyền thống, mỗi gia đình phải tự tay trồng một dây bầu để lấy quả dùng vào việc thờ cúng. Ngoài ra, họ còn có một vật thiêng khác thường được đặt trang trọng trên bàn thờ là chiếc đuôi trâu. Điều này được lý giải là bởi khi tổ tiên người Pu Péo gặp nạn đại hồng thủy, người chồng dùng quả bầu để chứa vợ con, còn mình nắm đuôi trâu, nhờ thế mà thoát cơn đại nạn. Người Pu Péo cũng còn có một báu vật khác là chiếc trống đồng có niên đại hàng trăm năm.

Theo hồi ức của những người già, trước kia, người Pu Péo ở nhà sàn nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu trở nên khó khăn. Vì vậy, họ đã phải chuyển sang ở nhà đất. Xóm Pu Péo ở xã Sủng Cháng huyện Yên Minh đã mọc lên san sát theo hướng Nam và Đông Nam - hai hướng được xem là tốt nhất theo quan niệm của họ. Màu vàng của đất hoàng thổ, màu đỏ sậm của ngói âm dương tạo cảm giác thân thuộc, khiến những ngày thu se lạnh như ấm áp hơn. Và hơn chục nóc nhà lẻ loi dưới lòng thung tựa lưng vào rừng, hướng cửa ra bãi ruộng cũng vì thế mà trông bớt lẻ loi, tản mát.

Những luật tục truyền đời

Những căn nhà của người Pu Péo có nhiều điểm tương đồng với nhà trình tường của người Mông, người Hoa anh em. Nhưng đường nét kiến trúc và cách bài trí của người Pu Péo đã khiến ngôi nhà có nhiều công năng hơn. Họ tự hoàn thiện cho mình một lối kiến trúc chuyên biệt phân bố không gian sinh hoạt trong một tầng nhà duy nhất một cách rất khoa học. Ngôi nhà trổ một cửa chính ở gian giữa, phía trên cao có thêm năm cửa sổ để hứng ánh sáng nên nhà ở của dân tộc này thường sáng sủa, phong quang hơn những ngôi nhà trình tường của người Mông.

Các cột đá kê dưới chân cửa thường được khắc hình con gà trống và mặt trời là biểu tượng cho âm dương tương hợp là nguồn gốc của sự tăng trưởng và phồn thịnh của con người cùng vạn vật trong vũ trụ. Có lẽ cũng bởi quan niệm này nên vào lúc Giao thừa, người Pu Péo còn có tục “đón giọng gà” hay “cướp giọng gà” để cầu mong may mắn cho năm mới.

Lời thề giữ rừng của người Pu Péo

Một góc rừng thiêng Chúng Chải

Trong ngôi nhà của đồng bào Pu Péo dứt khoát phải đặt hai bếp, được gọi tên là bếp thiêng và bếp phụ. Thoang plu - gian bên trái là gian giữ hồn của chủ nhà với chiếc bếp kiềng - bếp thiêng được đặt chính giữa, trên bếp luôn có chiếc ấm đồng để đun nước thờ cúng. Cạnh đó là dãy phản bày các đồ cúng và chiếc giường để quần áo, chăn màn của các cụ. Trên cao có ban thờ đặt bát hương và những chiếc hũ gốm tượng trưng cho một đời người. Mỗi ngày, chủ nhà có trách nhiệm nổi lửa ở bếp kiềng một lần, có vậy mọi sự mới được hanh thông, đại cát. Và chỉ có những cậu trai chưa lập gia đình mới được ngủ trong thoang plu.

Không gian dành cho phụ nữ là thoang p,sau - gian nhà bên phải. Ở đây có bếp lò dùng vào việc nấu ăn hàng ngày và nơi ở cho con gái. Cũng tại thoang p,sau, các cô bé sẽ được mẹ dạy nữ công và các luật tục mà người con gái phải tuân theo cho đến khi hai tay buông xuôi. Cũng có thể nói rằng, nếu thoang plu là nơi giữ hồn gia chủ, lưu giữ chí tráng nam nhi của người trai thì thoang p,sau là nơi ủ ấm ngọn lửa tình thân, dệt giấc mơ trở thành mẹ hiền, vợ đảm của thiếu nữ Pu Péo vậy.

Lời thề giữ rừng của người Pu Péo

Lễ cúng thần Rừng của người Pu Péo 

Đến với Phố Là, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ miệt mài ngồi khâu vá bên bậu cửa. Họ rất tinh tế trong việc kết những mụn vải nhiều màu theo một bố cục kết sức cân đối và hài hòa trên y phục. Không màu mè rực rỡ, đàn ông Pu Péo thường mặc áo chàm, còn phụ nữ thì mặc áo, váy đen có khâu những đường diềm vải màu hoặc những hình tam giác, hình quả trám hoặc hình vuông được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo. Đặc biệt, phụ nữ dân tộc này có cách vấn tóc thành búi ở trán và cài bằng chiếc lược gỗ, phía ngoài đội khăn tạo một điểm nhấn rất dễ dàng nhận biết.

Cùng với việc giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, bà con đã bắt đầu mặc quần áo giống người Kinh, song đồng bào Pu Péo vẫn rất quý‎ trọng trang phục cổ truyền của mình và thường mặc vào những dịp quan trọng như lễ, Tết, đám cưới, đám ma hay hội bản…

Tín ngưỡng thờ Thần rừng

Dù định cư đã nhiều đời, song bà con Pu Péo vẫn giữ thói quen sử dụng lịch nhà Chu, mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Tuy cách tính khác nhau nhưng hoàn toàn khớp với cách tính lịch âm của chúng ta hiện nay. Sau khi tính toán, già làng Củng Chiu Suyền biết đã đến ngày mồng 5/5 âm lịch, là ngày mời tổ tiên về ăn Rằm. Vì thế, cụ lên rừng lấy cây “suy sáng phù” để treo trước cửa nhà. Đây là một loại cỏ thơm, có thể dùng để chữa chướng bụng. Treo như vậy với mục đích chống tà ma, ngoài tổ tiên của gia đình ra thì những linh hồn lạ hoặc ma quỷ không thể vào nhà.   

Sau lễ cúng Rằm tháng năm, người Pu Péo lại tổ chức lễ hội cúng thần Rừng vào ngày mồng 6/6 âm lịch vì họ cho rằng, đây là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng. Tại cửa rừng thiêng, đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao.

 Lễ cúng được tiến hành qua bốn bước là dâng những lễ vật còn sống. Sau đó, các lễ vật được đem đi làm thịt tiếp tục dâng cúng phần thịt sống đó. Rồi chúng được nấu chín và đem trở lại đàn cúng một lần nữa. Bước cuối cùng, thầy cúng sẽ mời hương hồn của tổ tiên người Pu Péo về chứng kiến lễ cúng thần rừng và cùng ghi nhận những lời cầu nguyện của tộc người Pu Péo. Rồi già làng và dân bản tới chỗ cây tổ cao và to nhất khu rừng để thắp hương và báo cáo với thần Rừng là buổi lễ cúng thần Rừng đã hoàn tất. Sau đó, thầy cúng xin thần Rừng một ít cây non để bà con dân tộc Pu Péo trồng vào những khoảng đồi còn trống.

Lễ cúng này nhằm mục đích cầu mong sự bình yên, sinh trưởng cho vạn vật. Lễ cúng không chỉ mang lại giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên, là một hoạt động bảo vệ rừng hết sức hữu hiệu ở vùng cao núi đá.              

Rừng thiêng Chúng Chải đã và đang chứng kiến những thay đổi của cộng đồng người Pu Péo. Những công trình dân sinh như đường xá, hồ chứa nước được Nhà nước đầu tư đồng bộ đã giúp các dân tộc thiểu số nơi đây bớt đi những tháng ngày khô hạn, thiếu nước sinh hoạt. Giờ, lớp thanh niên Pu Péo đã biết bảo nhau trồng rừng, nhận chăm sóc những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng vành đai biên giới để khai thác kinh tế rừng hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, toàn bộ 7 thôn, xóm của xã đều có rừng. Có thể thấy rằng, mặc dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà việc giữ rừng bị sao nhãng. Những cánh rừng thiêng vẫn ngút ngàn xanh và trường tồn dài lâu như lời thề giữ rừng của bà con các dân tộc trên biên giới. Đó là một nét văn hoá tâm linh hết sức đang trân trọng của những chủ nhân một vùng đất nơi địa đầu đất nước.

Nam Hoàng