Chuyện về một tộc người hồi sinh trên đá

Xã hội - Ngày đăng : 04:00, 24/12/2014

Trong 54 dân tộc anh em, Clao là "những người anh em nhỏ bé" với số dân chưa đến 2.400 người. Cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao rừng thẳm đã đẩy họ đến bờ vực suy thoái giống nòi và điều kiện sống hết sức khó khăn, vất vả.

Nhưng giờ đây, "những người anh em" ấy đã và đang có dấu hiệu hồi sinh dưới chân Tây Côn Lĩnh.

Truyền thuyết về một cuộc thiên di

Theo chiết tự, cái tên Túng Sán mang nghĩa là ngọn núi phía Đông. Đó cũng là tên gọi hành chính của một trong những xã vùng sâu của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Nằm trọn trong khu vực núi cao thuộc khu vực thượng lưu sông Chảy với những đỉnh núi cao nhất dãy Tây Côn Lĩnh (2032m so với mặt nước biển), địa hình của Túng Sán có độ dốc lớn và bị nhiều con suối chia cắt khiến đất canh tác của người dân hạn chế, đồng thời giao thông đi lại khó khăn.   

Khí hậu của miền rừng này cũng hết sức khắc nghiệt với hai mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 và thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau kèm theo hạn hán và rét đậm kéo dài, đôi khi có mưa tuyết nên việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng vì thế mà gặp không ít khó khăn. Hơn 250 năm qua, Túng Sán được coi là thủ phủ của dân tộc Clao, một dân tộc hiện chỉ có khoảng 2.400 nhân khẩu.

Chuyện về một tộc người hồi sinh trên đá

Chị Vương Thị Thảo (ngoài cùng, bên trái) - "Người con ưu tú" của dân tộc Clao

 

Căn cứ vào một số thư tịch hiện còn lưu trữ trong các hộ gia đình người Clao và các bài cúng, bài dân ca cổ, nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy cho rằng, người Clao thường tự gọi là “Kề Lau”, theo phiên âm Hán ngữ là “Kưa Lảo”, tức là Ngật Lão. Tuy ít người nhưng dân tộc này cũng chia thành ba nhóm khác nhau căn cứ theo trang phục cổ, bao gồm: Clao đỏ, Clao xanh và Clao trắng.

Nhóm Clao trắng chủ yếu sống tại bản Mã Chề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, nhóm Clao tại xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì là thuộc nhóm Clao đỏ và một số ít người Clao xanh sống tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh. Tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Thái - Ka đai song thời gian mai một, đa số người Clao không còn nói được tiếng mẹ đẻ mà có nhiều pha tạp, đồng hóa với các dân tộc láng giềng Mông, Nùng, Hán... Có lẽ cũng chính bởi lý do này mà các nhóm có sự khác biệt rất lớn về tiếng nói và phong tục tập quán.

Cuốn gia phả của gia tộc ông Min Hùng Sài ở Túng Sán cho chúng tôi những hình dung mờ nhạt về hành trình thiên di của họ. Chuyện rằng, các họ người Clao bản địa Túng Sán đều có nguồn gốc từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Do phải sống dưới tầng áp bức của bọn phong kiến triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc), để mau chóng thoát ra khỏi cảnh áp bức bóc lột đó, có một bộ phận người Clao phải di cư đến Việt Nam tìm một vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp khoảng từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ thứ XIX, cùng thời với các dân di cư của người Hmông, họ đã sang định cư ở nước ta, cùng sinh sống với nhiều dân tộc anh em khác.

Trong quá trình thiên di, một nhóm gồm bảy gia đình do ông Chảo Lù Chín dẫn đầu được một người giới thiệu rằng có một địa điểm đất đai màu mỡ, đặc biệt là cây bí ngô trồng ở đây quả to bằng chiếc bồ gánh thóc và rất sai quả. Nghe lời người đó, các hộ gia đình đã lên đường thiên di đến định cư tại thôn Tà Chải, xã Túng Sán ngày nay. Thói quen cư trú của người Clao cũng giống như người Hmông, tức là thường ở trên sườn núi cao, dốc đá tai mèo, hoặc bám vào các ven sườn núi đất giống như người Dao. Họ sống định cư thành làng bản, có từ 15 đến 20 nóc nhà. Nhà ở là kiểu nhà đất truyền thống, có một gian hai chái, mái lợp bằng cỏ tranh hoặc bằng phên nứa, vách nhà bưng ván hay tấm liếp. Riêng đối với nhóm người Clao Đỏ thì ở nhà trình tường bằng đất.

Vươn lên từ đá

Cùng chị Vương Thị Thảo (đại biểu Quốc hội khóa XI của tỉnh Hà Giang), một "người con ưu tú" của dân tộc Clao, chúng tôi vượt hơn 20km đường đất trơn trượt để đến với Túng Sán. Vẻ đẹp thiên nhiên cùng những mái ấm cổ truyền của đồng bào nơi đây khiến chúng tôi cảm thấy sự gần gũi và thân thiện. Trên xe, chị Thảo dìu dặt hát cho chúng tôi nghe bài dân ca quê chị. “Người thương ơi, nếu có nhớ đến em thì hãy lên đỉnh núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh, sẽ gặp em trong muôn ngàn sắc hoa của núi rừng quê hương…”.

Lời hát như mời gọi người phương xa hãy đến với miền di sản của ruộng bậc thang, miền đất của cộng đồng các dân tộc rẻo cao phía Tây Hà Giang để cùng thỏa sức ngắm nhìn những điệp trùng sắc vàng trên lưng núi, nghe thỏa tai tiếng sáo, tiếng hát mang hơi thở vùng biên. Điều đáng quý‎ là người Clao đỏ hiện vẫn còn giữ được nhiều bài dân ca truyền thống, trong khi người Clao trắng ở Sính Lủng chỉ có thể hát dân ca theo giai điệu của dân tộc mình, còn lời chủ yếu là tiếng Quan Hỏa.

Cách đây 5 năm, vùng dân tộc này được Ủy ban dân tộc đánh giá là một trong những điển hình của nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn với tỷ lệ đói nghèo cao tới hơn 78%, tỷ lệ tảo hôn là 80% và 50% dân số mù chữ... Trước những vấn đề rất cấp bách nói trên, Ủy ban dân tộc đã trình Chính phủ đề án nhằm bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội cho một số dân tộc đang trên đà suy thoái, trong đó có dân tộc Clao. Với thời gian thực hiện đề án kéo dài 10 năm (2011 - 2020), đề án này được các địa phương có các nhóm dân tộc thuộc diện thụ hưởng đề án như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang đánh giá là một chương trình có tính đồng bộ, tầm nhìn chiến lược dài hạn với nguồn lực đủ mạnh để giúp đồng bào đặc biệt khó khăn nâng cao đời sống, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia vào bảo vệ môi trường sinh thái.

Chuyện về một tộc người hồi sinh trên đá

 Kèn Pí Lè, nhạc cụ truyền thống của người Clao trắng ở Sính Lủng

Một điểm nhấn khá quan trọng của đề án đã thực hiện khá thành công là việc ưu tiên nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào thông qua các hoạt động xóa mù chữ, dạy tiếng phổ thông và các chính sách hỗ trợ cho giáo viên và học sinh người Clao. Điều đó đã làm nên một cuộc cải cách trong nhận thức của dân tộc này, giúp bà con thiết lập được một nếp sống, nếp nghĩ mới rằng: “Muốn thay đổi cuộc sống, muốn thoát nghèo thì phải biết chữ, phải cho con em đi học”. 

Đặc biệt, những người phụ nữ Clao ở Túng Sán bấy lâu nay chỉ quen cúi mặt sau lưng trâu, lặng lẽ nơi góc bếp giờ đây thêm tự hào khi có hàng chục chị em vốn mù chữ đã tốt nghiệp cấp 3. Có nhiều người còn phấn đấu học cao hơn tại các trường sư phạm của tỉnh Hà Giang. Trong số đó có hai em Vàng Thị Thùy Linh, hiện là giáo viên mầm non của xã và Sú Thị Dần, giáo viên hỗ trợ điểm trường thôn 4 xã Túng Sán. Một thế hệ  mới với nhiều khát vọng về cuộc sống no ấm, về quyền bình đẳng và tự chủ của người phụ nữ đang dần khiến cho miền rừng Túng Sán ngày càng gần hơn với miền xuôi, giúp cho dân tộc Clao bé nhỏ sống nơi thâm sơn ngày càng hòa nhập hơn với cộng đồng cả nước.

Góp phần giữ vững biên cương

Những ngày tháng 7 âm lịch vừa qua, chúng tôi trở lại Túng Sán theo lời mời của bà con để dự lễ cúng Hoàng Vần Thùng, một trong những nghi lễ tâm linh quan trọng, thể hiện tính gắn kết cộng đồng của người Clao trên đỉnh rừng Túng Sán. Nhìn lại lịch sử dân tộc này, có thể thấy cuộc sống du canh du cư, phụ thuộc vào thiên nhiên đã bó chặt các cá nhân trong cộng đồng vào một mối và tập trung quyền lực vào các trưởng họ hoặc thầy cúng. Nhân vật là Hoàng Vần Thùng, tức Hoàng Văn Đồng được tôn vinh là người có công lớn trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của cộng đồng. Miếu thờ Hoàng Vần Thùng được đặt trên đỉnh núi cao nhất của thôn Tà Chải.

Tham dự lễ cúng mới thấy hết tính cộng cảm và gắn bó trong các tộc họ người Clao. Vào ngày này, không phân biệt giàu có hay nghèo hèn, mỗi gia đình đều chuẩn bị chút lễ mọn, tùy theo khả năng kinh tế để mang đến miếu. Thầy cúng đọc văn khấn nhắc đến công lao của vị phúc thần, điểm tên các lễ vật và cầu mong ông phù hộ cho bách gia trăm họ được bình an, mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, trong bản không có dịch bệnh.

Điều lý thú nhất là sau phần cúng, thầy cúng cầm trên tay một chiếc lưỡi cày được hơ nóng giơ về bốn phương, tám hướng rồi đưa cho mọi người cùng chạm tay vào cày, thể hiện sự sùng kính và ước vọng no đủ cho năm mới. Sau phần lễ, các gia đình đều được chia lộc và cùng nhau ăn uống thỏa thuê. Các nghệ nhân lại trổ những ngón nghề tài hoa nhất trên chiếc kèn Pí Lè réo rắt và tiếng hát dân ca tình tứ vang trên khắp đỉnh rừng khiến trai gái cũng thấy xôn xao trong lồng ngực.

Xét về khía cạnh văn hóa, có lẽ người Clao ở Túng Sán đã có sự giao thoa, tiếp biến văn hoá với một số các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn. Song quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào nơi đây cũng có nhiều sắc thái riêng biệt do đã được đúc kết, tích tụ một thời gian dài. Sự đồng nhất và dị biệt ấy đã hòa quyện để tạo thành sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng.

Cộng đồng người Clao nhỏ bé trên vùng cao biên giới Hoàng Shu Phì đã và đang nắm bắt cơ hội từ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ để tạo sức bật cho mình. Cùng với việc phát triển kinh tế, giáo dục, những người anh em nhỏ bé trên đỉnh rừng Túng Sán cũng đang nỗ lực duy trì bản sắc và sự đa dạng của cộng đồng mình, đồng lòng góp sức tạo thêm màu sắc cho bức tranh văn hóa, bức tranh thiên nhiên hồn hậu mà say đắm lòng người. 

Nơi đầu nguồn sông Chảy, nơi đỉnh cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh, người Clao đã và đang làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ định mệnh dân tộc mình để cùng các dân tộc anh em khác góp phần bảo vệ một vùng biên giới phía Tây Hà Giang vẹn toàn một dải. 

Vân Phạm