Những tỷ phú nhờ...trồng cam
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 22/12/2014
“Riêng thị trấn Cao Phong này mà đếm sơ sơ có đến gần 70 hộ gia đình thu nhập từ một tỷ trở lên, 9 hộ thu nhập từ 3 - 8 tỷ. Còn những hộ thu vài trăm triệu thì nhan nhản”, chị Văn Thị Hòa – một thương lái ở thị trấn Cao Phong nói với chúng tôi từ ngoài. Quả thực, bước vào thị trấn Cao Phong, điều đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những nhà cao tầng mọc san sát, dọc Quốc lộ 6 chạy qua thị trấn là những cửa hàng cam được bày bán nhiều khó đếm xuể.
Thay đổi cuộc sống nhờ trồng cam
Cách đây khoảng 10 năm, tại thị trấn Cao Phong, các hộ gia đình trồng cam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mặc dù cây cam đã có mặt ở đất Cao Phong khá lâu, nhưng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhiều gia đình vẫn còn mơ hồ. Việc trồng cam thời gian đầu của các hộ chỉ để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, còn thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Từ việc tập trung tăng gia sản xuất, đến vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, vì thế, trải qua bao nhiêu năm cái nghèo vẫn đeo bám đất Cao Phong.
Chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình cô Hòa (62 tuổi, khu 4 thị trấn Cao Phong). Được biết năm 2002, gia đình cô có 7,5 ha đất nông nghiệp. Khi bắt tay đầu tư vào việc cải tạo lại khu vườn để trồng cam, gia đình cô còn nhiều băn khoăn, vì cây cam là “cây nhà giàu”, nếu không chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, thì cam sẽ cho năng suất, chất lượng thấp. Khi đó thì lãi chưa thấy đâu, mà còn thiệt hại thêm về kinh tế.
Những trái cam đã có thương hiệu nổi tiếng, đang mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho những người nông dân nơi đây
Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, gia đình cô vừa trồng, vừa đi học hỏi thêm kinh nghiệm từ những gia đình đã trồng trước đó. Sau 4 năm vất vả chăm bón, đầu tư tiền của, vườn cam của gia đình cô cũng bắt đầu cho quả bói, nhưng hiệu quả cũng chẳng được bao nhiêu. Gia đình lại tiếp tục đổ công sức chăm bón, học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới áp dụng vào thực tế, thời gian sau, năng suất và chất lượng cây cam ngày càng ổn định hơn. Đến nay, trong vườn cô Hòa đã trồng thêm nhiều loại, như: cam Canh, xã Đoài, cam lòng vàng, quýt đường, quýt dẹt. Trong đó, 5 ha đang cho thu hoạch, còn lại 2,5 ha sắp sửa bói quả.
Do đang là giữa vụ nên dọc dường quốc lộ qua thị trấn Cao Phong cam, quýt nhiều vô kể, phía sau đó là những đồi cam bát ngát. Tại các vườn cam, những người nông dân nơi đây, ai cũng đang bận rộn với việc thu hoạch để nhập cho thương lái ngay tại gốc. Năm nay, cam được mùa, được cả giá, nên các hộ lại càng phấn khởi.
“Gia đình tôi năm nay bội thu, hơn 6ha cam đều đạt chất lượng, cam loại cũng ít hơn, mà giá lại cao nhất từ trước đến nay. Cam Canh hiện nay chúng tôi đang bán tại vườn với giá 50.000/kg, còn cam lòng vàng thì được khoảng 32.000/kg. Nhà tôi chưa phải là hộ có thu nhập cao nhất từ trồng cam ở đất Cao Phong này, nhưng từ khi chuyển sang trồng cam nay đến nay, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, cam Cao Phong sẽ có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý để có thể yên tâm sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình”, anh Phong (34 tuổi) chia sẻ.
Đi thăm vườn bằng... ô tô
Một trong những "đại gia cam" ở Cao Phong phải kể đến ông Nguyễn Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong là chủ vườn cam có diện tích 32 ha - lớn nhất vùng. Ông chia sẻ: “Năng suất cam V2 của tôi đạt 50 tấn/ha, bán tại vườn 56.000 đồng/kg (2,8 tỷ/ha). Tính ra, mỗi quả cam được mười mấy ngàn đồng. Mỗi vụ thu hoạch, anh em trồng cam vẫn đùa nhau lên đồi để "hái tiền”".
Còn anh Trần Văn Tuyên (tiểu khu 4, thị trấn Cao Phong), người cũng khá nổi tiếng về nghề trồng cam ở đây cho biết, đến nay, gia đình anh đã có gần 15ha cam, quýt và bưởi. Ngoài tạo thu nhập cho gia đình, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ tháng và nhiều lao động thời vụ địa phương khác. Năm nay vườn cam của gia đình anh cho thu khoảng 250 tấn. Với giá hiện nay, thu hoạch bán được khoảng trên 4 tỷ đồng. Trồng cam lâu nay đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Từ nguồn thu nhập đó, gia đình anh đã xây được nhà, mua ô tô và anh cũng đang đầu tư thêm cho cửa hàng bán vật liệu xây dựng của mình.
“Thực ra mới đầu ghe nói tiền tỷ ai cũng ham, nhưng quan trọng là có “dám” hay không. Bởi đầu tư cho cây cam phải đầu tư lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gia đình tôi cũng có 2 vụ vụ gặp sương muối, mưa đá, ra vườn nhìn thấy cam rụng đầy gốc, mất trắng cả vườn cam”, anh Tuyên chia sẻ.
Anh Tuyên thu nhập từ 4 - 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cam
Hiện nay, thị trấn Cao Phong có khoảng hơn 100 hộ mua ô tô, mà tất cả họ đều đi lên từ người nông dân trồng cam. Hình ảnh các "đại gia" lái ô tô đi thăm vườn là chuyện rất đỗi bình thường ở đây. "Bây giờ, các ông chủ chỉ có lái xe đi thăm vườn còn việc chăm sóc, thu hái đã có công nhân chúng tôi. Anh chị cứ đi khắp đồi cam này ô tô đậu ở bờ nhiều lắm”, một công nhân chia sẻ.
Năm 2014, thị trấn Cao Phong có khoảng 565 ha tổng diện tích trồng cam, sản lượng cam của thị trấn đạt 15.000 tấn (khoảng 30% được tiêu thụ ngay trên Quốc lộ 6 đoạn huyện Cao Phong từ hoạt động kinh doanh của trên 130 sạp hoa quả). Định hướng đến năm 2017, toàn huyện Cao Phong sẽ duy trì diện tích cam 1.500 ha (tăng 300 ha so với hiện tại), sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 500 tỷ đồng. Ngoài ra, thị trấn kiên quyết không mở rộng diện tích trồng cam Cao Phong ngoài vùng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.
Trò chuyện với những tỷ phú ở thị trấn Cao Phong, chúng tôi cảm nhận ở họ đều có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm một cách khoa học, họ biết tận dụng lợi thế, tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng sẵn có. Họ quyết tâm và khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Thành quả họ có được và đang xây đắp không chỉ dừng lại những biệt thự sang trọng, ô tô đời mới, mà đang dần hình thành lớp người mới năng động, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo ra hàng hóa chất lượng cao ngay trên chính mảnh đất họ sinh ra và lớn lên.
“Cách đây chục năm, gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo, nhưng bây giờ tôi có thể tự tin rằng ở đất Cao Phong này, xét về kinh tế, thì gia đình tôi cũng chẳng thua kém ai. Cây cam và sức lao động, sự sáng tạo mà chúng tôi bỏ ra đã làm nên thành quả xứng đáng của ngày hôm nay” anh Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.
Từ chuyện người dân Cao Phong làm giàu nhờ cây cam, là điều đáng để bà con nông nhiều địa phương khác học và làm theo.