Người cựu chiến binh "gánh" 3 người tàn tật, 7 người điên
Xã hội - Ngày đăng : 05:00, 24/11/2014
Ông Nguyễn Văn Tưng (SN 1941), hiện sống tại xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông Tưng từng là lính trong một đơn vị hóa học, chiến đấu dọc chiến trường Bình - Trị - Thiên. Sau hòa bình, ông về quê lập gia đình và sinh được 8 người con gồm 3 con trai và 5 con gái. Để rồi giờ đây, khi từ chiến trường khói lửa trở về với đôi tai gần như đã hỏng vì tiếng bom đạn, ông lại phải gánh trên mình những đứa con ngớ ngẩn, những đứa cháu tâm thần và người vợ già tàn tật.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng người cựu chiến binh này lại đang phải cáng đáng một gia đình đầy nỗi bất hạnh
ông Nguyễn Văn Tưng nhập ngũ khi tròn 18 tuổi và được điều động vào đơn vị chiến đấu dọc chiến trường Bình - Trị - Thiên. Năm 1970, ông được xuất ngũ và về quê lập gia đình với bà Đỗ Thị Xúi (sinh năm 1945). Những tưởng cuộc đời của người lính ấy sẽ trôi qua êm đềm sau những năm tháng phải đối mặt với nhiều gian khổ, thế nhưng, ông trời lại không cho ông cái hạnh phúc bình dị ấy. Ông Tưng đang chạy ăn từng bữa để kéo dài sự tồn tại của hầu hết đám con cháu của mình.
Người con trai đầu của ông tên Tăng (39 tuổi) vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo mà đã mất khi còn rất trẻ. Anh con thứ hai là Thêm (38 tuổi) mắc bệnh thần kinh. Theo lời kể của bà Xúi thì anh Thêm từ khi sinh ra đầu óc đã chậm chạp, không tỉnh táo, đến khi trưởng thành anh kết hôn với cô gái cùng làng cũng bị thần kinh. 2 vợ chồng tính khí cũng thất thường, hàng ngày đang đi ngoài đường có khi đùng đùng nằm lăn quay ra và sùi bọt mép. Nhiều người thấy thế cũng sợ không ai dám đến gần.
Anh thứ ba đặt tên Tươi (37 tuổi) với hi vọng cuộc đời người con thứ ba này sẽ sáng sủa hơn. Tuy không bị bệnh, nhưng anh Tươi không được tinh nhanh như người ta. Còn 5 cô con gái, 2 cô lấy chồng xa, 2 cô sống ở tận miền Nam, còn cô út tên Đượm chưa chồng, mắt kém, bỏ đi vào miền nam suốt mấy năm nay chưa về.
Hiện anh Tươi là người con trai "tạm ổn" nhất của ông bà đã lập gia đình và sinh được 3 người con. Tuy nhiên, ông trời cũng chỉ thương tình để cho anh Tươi có được một đứa con gái đầu bình thường, còn lại người con thứ 2 bị điếc, đứa thứ 3 lại mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh. Không có tiền để mổ tim hay chữa trị. Số phận của em bé này được trao lại cho chính em, cũng không biết em sẽ chống chọi lại được với bệnh tật đến bao giờ.
Về hai vợ chồng anh Thêm từ lúc “chắp vá” đến với nhau không một giấy tờ, không hôn lễ thì cũng sinh được 5 đứa con. Song, đứa nào đứa nấy đều nhếch nhác, không bình thường và đều mù chữ.
Trong 5 đứa con anh Thêm, có Thuận là "đỡ đỡ" nhất, là niềm an ủi duy nhất của ông nội, 14 tuổi, em đã đi theo ông ngoại làm thuê kiếm miếng ăn. Em Hòa, em Chiểu nghĩ mãi mới nói được một câu. Còn em Tư (7 tuổi), em Năm (4 tuổi) thì từ bé đến giờ không thấy nói một câu nào.
Những ngày tính khí bình thường 2 vợ chồng anh Thêm cũng đi ra ruộng để cấy cầy, bắt cua, bắt ốc kiếm cái ăn nuôi con, còn không thì cũng đều ở nhà thẩn thơ, chả biết làm gì. Ông Tưng kể “Có hôm 2 vợ chồng nó đi làm không hiểu đi đứng kiểu gì, mà ra đồng không tìm được đường về, đến tối ngủ luôn ở ruộng chẳng thấy về”
Bà Đỗ Thị Xúi vợ ông Tưng nay đã liệt 2 chân không thể đi lại, giờ cũng chỉ nằm nhà trông mấy đứa cháu bị tâm thần
Nhìn những đứa cháu nhem nhuốc, đi vệ sinh không biết, sạch bẩn cũng không, khiến ông chua xót: “Chắc cũng do tôi trước đi chiến trường nhiễm chất độc màu da cam, nên bọn trẻ giờ mới bị vậy. Trước có biết chất độc đó là gì đâu, chỉ thấy lá cây rừng trụi hết, tôi đâu có ngờ… ”. Bà Xúi vợ ông năm nay đã sang tuổi 70 bị liệt 2 chân nằm trên giường nghe chuyện, 2 dòng nước mắt cứ âm thầm chảy ngược vào trong.
Hiện tại, cả gia đình ông Tưng chỉ trông chờ cuốn sổ hộ nghèo và số tiền trợ cấp ít ỏi để có cái ăn qua ngày. Nhà 8 sào ruộng nhưng 9 người trong nhà người thì già, người thì tâm thần, mấy đứa trẻ nhỏ dại, nên ông bà cũng không thể làm được, đành cho họ hàng thuê ruộng làm lụng, đến mùa họ trả công bằng mấy chục cân thóc.
Ông Tưng cũng chỉ mới nhận được tiền trợ cấp chế độ từ mấy năm nay, số tiền ít ỏi này cũng không đủ nuôi ăn cho 9 người, chưa kể, số tiền nợ từ hồi vay mượn cho con trai đi chữa bệnh ông cũng chưa trả hết. Ông ngậm ngùi: “Mấy chục năm nay, làng xóm thương tình, ai cho gì chúng tôi nhận lấy. Người cho quần áo, người cho thức ăn, cả nhà cứ rau cháo nuôi nhau mà sống qua ngày, có nhiều người cho gạo, nhưng tôi cũng không dám nấu vì lại tốn gas, mất tiền điện”.
Nhìn những tấm bằng khen, những chiếc huy chương đeo trên ngực ông, tôi không khỏi chạnh lòng, cả một đời người lính trung chinh, kiên cường không gục ngã trước quân thù, nay lại đang như ngọn nến leo lét trước cuộc đời đầy giông bão. Rồi không biết rằng, những đứa con, đứa cháu kia sẽ ra sao khi có một ngày ngọn nến ấy không còn cháy nữa?