6 ngày về ngắn ngủi của người phụ nữ sau 20 năm lưu lạc xứ người

Xã hội - Ngày đăng : 05:00, 09/11/2014

20 năm trước, người dân tại xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trở nên hoang mang vì sự mất tích của một cô gái trẻ. 20 năm sau, câu chuyện mất tích bí ẩn tưởng chừng đã vùi vào dĩ vãng lại trở nên dậy sóng khi cô trở về.

Đó là câu chuyện của chị Đậu Thị Hương( SN 1976, trú tại xóm 1, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu), một thôn nữ vùng lúa cách đây 20 năm không may mắn trở thành con mồi của bọn buôn người.

Giấc mộng đổi đời

Chị Hương vốn là con gái đầu trong một gia đình nghèo, tuổi thơ phải chứng kiến cảnh lục đục của gia đình khi bố mẹ thường xuyên đánh cãi nhau. Nhưng rồi cảnh tượng ấy cũng chấm dứt khi bố mẹ chị đường ai nấy đi tìm hạnh phúc riêng. Từ ngày gia đình ly tan, hai chị em Hương sống với ông bà nội, rồi thì cha mẹ Hương cũng nhanh chóng tìm được hạnh phúc riêng, có con cái và tất bật xây dựng cuộc sống mới. Một thời gian sau, vì sức khỏe của ông bà nội già yếu, Hương lại về sống chung cùng bố là ông Đậu Xuân Sỹ và người mẹ kế.

Những đứa em cùng cha khác mẹ lần lượt chào đời, cuộc sống của gia đình Hương vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn. Hương cũng sớm phải rời xa ghế nhà trường khi chưa học hết lớp 4 để phụ bố mẹ ngoài ruộng lúa, nương ngô. Cũng may mắn, cảnh mẹ ghẻ con chồng trong gia đình không phức tạp như câu nói ngàn đời. Hương được người mẹ kế thương yêu và chăm sóc không khác gì con ruột.

17 tuổi, mặc dù phải lam lũ, vất vả với cuộc sống sớm trưa ngoài đồng nhưng cô lại may mắn sở hữu được ngoại hình xinh đẹp khiến nhiều người mơ ước. Cô thôn nữ tuổi mới lớn nhận được rất nhiều sự quan tâm, săn đón của trai làng. Bằng tuổi như Hương, các thiếu nữ trong làng đã biết hẹn hò, biết yêu, rồi xây dựng cuộc sống riêng. Thậm chí, có những người bạn đã tay bế tay bồng. Riêng Hương lại có quan điểm khác, thương cha mẹ chân lấm tay bùn, cô chưa nghĩ đến việc lập gia đình mà muốn cùng bố mẹ để chăm sóc, đỡ đần và nuôi những đứa em khôn lớn. Cô mong sau này có thể kiếm được một chút tiền để học nghề may để cuộc sống đỡ khốn khó hơn.

Cũng trong thời gian ấy, cô thiếu nữ xinh đẹp, ngoan hiền trở thành tâm điểm của kẻ buôn người đội lốt một lái buôn. Hồ Thị Loan vốn là người cùng xã nhưng lấy chồng về xã khác trong huyện. Hàng ngày, thị vẫn thường xuyên có mặt tại vùng quê nghèo, hành nghề buôn lợn. Những ngày ghé lại nhà ông Sỹ mua đàn lợn con, Hương đã lọt vào tầm ngắm của Loan và người đàn bà này bắt đầu dàn dựng lên một kịch bản khá hoàn chỉnh để đưa cô thôn nữ trẻ vào bẫy.

Từ ngày ấy, Loan thường xuyên đến nhà rủ rê Hương đi Hà Nội làm nghề may, lương vừa cao lại được rời xa cảnh chân lấm tay bùn, những hứa hẹn như rót mật vào tai làm cho cô bé mới lớn xiêu lòng, Hương đã mường tượng ra viễn cảnh ngọt ngào trên đất khách và chỉ chờ cơ hội để khăn gói ra đi.

Rồi một ngày cuối năm 1993, khi Hương đang chuẩn bị bữa cơm tối cho cả nhà thì Loan tìm đến. Biết không có người lớn ở nhà nên bà ta nhanh chóng đề nghị Hương đi theo bà ra Hà Nội làm công nhân. Bà ta nói với Hương đây là cơ hội cuối cùng, nếu không đi lần này thì vĩnh viễn không còn có cơ hội để "đổi đời". Nghe vậy, Hương bỏ dở công việc, vớ mấy bộ quần áo nhét vội vào túi ni lông mỏng, theo chân người đàn bà ấy đi bộ ra đường Quốc lộ 1A mà không hề biết rằng mình đang đi vào địa ngục.

6 ngày về ngắn ngủi của người phụ nữ sau 20 năm lưu lạc xứ người

Gia đình ông Sỹ (bố Hương) kể lại cuộc đời đầy tủi cực của con gái mình. Ảnh Hồ Duy

Kiếp tủi nhục nơi đất khách, quê người

Khi Hương ra đến đường Quốc lộ thì đã có một chiếc xe khách 24 chỗ đợi sẵn. Trên xe, có thêm 8 người phụ nữ khác cũng ngang tuổi như Hương và cũng đang vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp sau khi ra Hà thành. Hương và 8 người phụ nữ kia được Loan đưa cho mỗi người một bộ quần áo truyền thống của Trung Quốc bảo thay ngay trên xe rồi đưa ra cửa khẩu Móng Cái. Đến nơi, Loan xuống xe rồi gặp một người đàn bà Trung Quốc. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi bằng tiếng Tàu kết thúc, người đàn bà ấy bước lên xe rồi lướt mắt qua một lượt như để điểm mặt. Rồi bà ta xuống xe đưa cho Loan một số tiền lớn.

Nhận được tiền, Loan giao tất cả các cô gái trên xe cho người đàn bà ngoại quốc rồi ra về. Lúc Hương nhận ra mình chỉ là một món hàng để người ta trao đổi thì đã quá muộn. Mọi đồ đạc, tiền bạc của các cô gái bị tịch thu, chúng dồn tất cả vào một nhà chứa, từ trong ra ngoài được canh gác nghiêm ngặt. Bị nhốt nhiều ngày trong một căn nhà tối, vừa đói lại vừa rét nên nhiều cô không chịu được đã mở lời xin bọn lính gác thương tình cho chút gì để ăn, thay vì bố thí thức ăn, chúng lại dí dao vào cổ dọa nạt, đánh đập, các cô gào khóc thì bị chúng dùng roi đánh tới tấp vào người rồi dọa giết ngay tại chỗ.

Vài ngày sau, số phụ nữ trên phiêu bạt mỗi người một nơi, rồi bị bán vào nhà chứa theo yêu cầu của một người phụ nữ có tên là Hai. Bà ta nói tiếng Việt lơ lớ với giọng thách thức: “Ở đây tiếp khách, tao mua bọn mày rất nhiều tiền. Con nào trái lệnh, tao giết”. Cũng từ đó, công việc của Hương cùng 8 người phụ nữ kia là tiếp khách làng chơi, ngày đêm nuốt lệ để mặc chúng chà đạp lên thân xác.

Sau hơn hai năm chịu đắng cay, tủi nhục, Hương bị bán cho một người đàn ông hơn tuổi cha mình với giá 700 nhân dân tệ. Thêm một lần, Hương đành theo chân người đàn ông ấy đến một vùng đất nghèo ở huyện Quảng Tây (Trung Quốc). Người ta mua cô về để làm vợ và sinh con.

Từ ngày đó, Hương bắt đầu cuộc sống của một người vợ. Một mình bơ vơ nơi đất khách, không người thân, không tiền bạc và bất đồng ngôn ngữ. Hằng ngày, Hương phải sống như một kẻ nô lệ, cáng đáng tất cả những công việc nặng nhẹ mà gia đình “chồng” sai bảo. Tối đến, Hương nuốt nước mắt để người “chồng già” dày vò thân xác.

Không ít lần vì bất đồng ngôn ngữ nên làm trái ý hoặc chưa xong việc như yêu cầu, Hương phải chịu những trận đòn giáng xuống cơ thể gầy gò yếu đuối. Rồi 4 đứa con thơ lần lượt ra đời, đó như niềm vui duy nhất mà Hương có được. Từ ngày có con, gia đình người chồng cũng bắt đầu nhìn Hương bằng những ánh mắt thiện cảm hơn.

6 ngày về ngắn ngủi của người phụ nữ sau 20 năm lưu lạc xứ người

Bức ảnh cũng là kỷ vật duy nhất chị Hương để lại cho gia đình ông Sỹ sau ngày đoàn tụ (ảnh gia đình cung cấp)

Ngày đoàn tụ ngắn ngủi

Suốt 20 năm đằng đẵng sống xa quê, nhiều lần Hương xin phép được về lại quê hương nhưng đều bị từ chối thẳng thừng, thậm chí còn dọa nạt, đánh đập tàn nhẫn. Và rồi cơ hội đã mỉm cười với người phụ nữ bạc phận.

Bao nhiêu lần như vậy, cô như hết hy vọng được trở về với quê hương, nhưng rồi nỗi nhớ nhà đã tiếp thêm nghị lực và thêm một lần nữa cô lên tiếng. Lần này, với lý do cha bị ốm nặng có thể không qua khỏi nên cô mạnh dạn quỳ xuống xin gia đình chồng cho phép được về gặp lại cha lần cuối. Nghe vậy, gia đình chồng chấp nhận cho cô trở về quê hương trong vòng 6 ngày, với điều kiện là đi một mình, không được mang theo con.

Về phần gia đình ông Sỹ, cũng từ buổi chiều định mệnh ấy, gia đình cũng như bà con hàng xóm không ai biết cô đi đâu. Chẳng ai gặp lại hay biết được cô còn sống hay đã chết. Vợ chồng ông Sỹ suốt bao năm trời vẫn mòn mỏi chờ đợi phép màu một ngày con gái trở về.

Một buổi tối cuối năm 2013, gia đình ông Sỹ đang chuẩn bị đón tết trong căn nhà cấp 4 tồi tàn thì chị Hương xuất hiện. “Lúc đó tôi đang loay hoay nấu bánh chưng trong bếp thì nghe thấy có tiếng động lạ ở ngoài sân. Tôi chạy ra thì thấy một người phụ nữ lạ, tay xách một chiếc valy nhìn tôi rồi khóc nức nở. Chỉ trong chốc lát, tôi nhận ra đó là cái Hương. Tưởng mình bị hoa mắt, tôi chạy vào trong nhà gọi chồng tôi dậy. Ông ấy đã khóc như một đứa trẻ con khi nhận ra con gái mình. Nhìn hai cha con ôm nhau khóc nức nở, tôi như thỏa mãn tâm nguyện”, bà Huệ kể lại ngày gặp lại con riêng của chồng.

Chưa kịp vui mừng vì sự trở về của cô con gái sau 20 năm xa cách, gia đình ông Sỹ lại nghẹn ngào khi biết được Hương chỉ về thăm nhà được 6 ngày. Đó là thời gian mà gia đình chồng nơi xứ người đã quy định. Nhớ lại ngày tiễn con gái ra đi, ông Sỹ nghẹn ngào: “Gần cuối đời gia đình mới được đoàn tụ, vậy mà chưa kịp vui mừng đã phải bất lực nhìn con ra đi. Âu cũng là số phận. Nó đã có gia đình, có cuộc sống riêng và chúng tôi đã có thêm 4 cháu ngoại. Vợ chồng tôi chưa một lần gặp mặt hay được trò chuyện cùng các cháu dù chỉ qua điện thoại nhưng như vậy cũng đỡ an ủi cho con tôi được phần nào. Giờ đây, mỗi lần nhớ con, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn lên tấm hình, kỷ vật duy nhất con gái để lại cho thỏa lòng mong nhớ”. 

Ông Sỹ cũng cho biết thêm, dù về trong thời gian ngắn nhưng chị Hương cũng đã làm đơn tố cáo tội ác của kẻ buôn người Hồ Thị Loan trú tại phường Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An và mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết để những cô gái trẻ tuổi, nhẹ dạ không bị vướng vào những cái bẫy "ngọt ngào" mà bọn buôn người giăng ra.

Hồ Duy