Bí mật về “thiên đường cờ bạc” tại vùng biên giới Campuchia (kỳ 4)

Xã hội - Ngày đăng : 11:49, 08/11/2014

Thế lực” trong “đại bản doanh” Longlaichhueng buộc con nợ phải bằng mọi cách thực hiện trách nhiệm trả nợ của mình.

Với  sự kiểm soát cẩn trọng 24/24 bởi một đám “cai ngục” hung tợn, việc “vượt ngục” thành công khỏi nơi này là điều hy hữu và quá đỗi may mắn của “tù nhân”. Nếu “vượt ngục” bất thành, có thể con nợ sẽ bị chúng giết ngay tại chỗ để bịt đầu mối...

Kỳ 4: Cuộc “vượt ngục” đầy máu và nước mắt khỏi “địa ngục trần gian”

Thời cơ có một không hai

Với anh Lê Bá Hùng (SN 1973, ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM), thì sau 80 ngày bị giam giữ tại casino Longlaichhueng, anh thoát được là nhờ gia đình mang gần 200 triệu đồng sang Campuchia chuộc về.  Thế nhưng, với ông Lê Tuấn (SN 1963, ngụ quận Tân Phú, TP. HCM) và chị Trần Thị Thu (SN 1989, ngụ huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) thì lại khác. Sự tự do của họ được đổi bằng cơ hội và sự liều lĩnh. Họ đã cùng nhau hợp sức để vượt qua nỗi sợ và thực hiện một cuộc “vượt ngục” vô tiền khoáng hậu khỏi “địa ngục trần gian” Longlaichhueng.

Bí mật về “thiên đường cờ bạc” tại vùng biên giới Campuchia (kỳ 4)

 Hình ảnh bên trong một sòng bài ở Campuchia

Theo lời kể của ông Tuấn, cùng vượt ngục với ông và chị Thu còn có anh Lê Văn Tuân (SN 1982, ngụ tỉnh Đồng Nai). Tất cả họ đều bị giam giữ, tra tấn ở Longlaichhueng hơn 3 tháng trời. Trong suốt thời gian ấy, chúng hành hạ ông và một người bạn thân của ông đến “thân tàn ma dại”. Chưa hết, bọn “cai ngục” còn bàn nhau cho một trong hai người về Việt Nam gom tiền sang chuộc người còn lại với giá cao gấp đôi. Suy đi nghĩ lại, ông Tuấn quyết định ở lại “chịu trận” thay bạn thêm một thời gian, nhường cho bạn mình về trước để xoay tiền.

Thế nhưng, sau khi bạn ông về nước, đám “cai ngục” lại lo sợ mọi việc có thể bị tố giác với cơ quan chức năng nên bọn chúng nhanh chóng tìm cách “di lý” ông cùng với hai bạn tù khác là chị Thu và anh Tuân (cả hai người này cũng bị chúng nghi ngờ đã nhờ các tù nhân được chuộc ra nhắn tin về cho người thân). “Nói là làm, ngay đêm hôm đó, họ bịt mắt chúng tôi lại, đưa lên 1 chiếc ô tô và chở đến một căn nhà nhỏ trong khu dân cư đông đúc tại TP. Phnôm Pênh để giam giữ”, ông Tuấn nhớ lại.

“Tại đây, chúng giam chúng tôi  trong một căn phòng kín. Để phòng ngừa chúng tôi bỏ trốn, chúng cắt cử 3 tên thay nhau canh gác ngày đêm. Đó là Hải, Sáu và một đứa cháu của Sáu khoảng 15 tuổi. Tuy nhiên, khoảng vài ngày sau, thấy chúng tôi ngoan ngoãn, chúng có phần lơ là trong việc canh gác. Ở đây, mỗi khi  đi vệ sinh cá nhân, chúng tôi thoải mái hơn ở casino Longlaichhueng rất nhiều”, chị Thu kể lại sự việc.

Trao đổi thêm với PV, chị Thu cho biết: “Vào một buổi sáng ngày thứ 6, chúng tôi được chuyển tới một căn nhà khác ở TP. Phnôm Pênh. Tại đây, đối tượng Sáu nhận được lệnh đi đón một con bạc khác chờ người nhà mang tiền chuộc. Lúc này, canh gác các con bạc chỉ còn tên Hải và thằng cháu của Sáu. Nhận thấy thời cơ có một không hai để thoát khỏi nơi đây đã đến, ba “tù nhân” nháy mắt nhau, lập kế hoạch “vượt ngục” chỉ trong một phút”.

Theo đó, ông Tuấn là người có tuổi nên chúng ít cảnh giác hơn sẽ nhận trách nhiệm là người tiên phong xử lý tình huống đầu tiên. Để chu toàn, ông Tuấn xin tên Hải cho đi vệ sinh và sẽ đánh úp hắn ngay khi hắn mở cửa nhà vệ sinh ra. Anh Tuân và chị Thu sẽ lo phần thằng cháu của tên Sáu. Ông Tuấn nhớ lại: “Lúc ấy run lắm, vì tên Hải nhìn như một đô vật, từng thớ cơ bắp nổi cuồn cuộn và chắc nịch. Nếu không quật được hắn ngã ngay ở cú đầu tiên mà để hắn “bật lại” thì coi như bể chuyện”.

Cuộc đào thoát nghẹt thở

Hơn 3 tháng bị tra tấn như “tù nhân” thời trung cổ, ngồi trong phòng vệ sinh, ông Tuấn tự dặn lòng không thể chịu đựng mãi. Ông hạ quyết tâm phải thực hiện “kế hoạch” đã bàn với chị Thu và anh Tuân bằng mọi giá. Lấy hết can đảm, ông Tuấn gọi tên Hải nhờ mở cửa nhà vệ sinh cho mình đi ra. Vừa bước khỏi cánh cửa, trong lúc tên Hải đang loay hoay cài chốt nhà vệ sinh lại, ông Tuấn luồn ra sau lưng và dùng hết sức lực của đôi tay đánh một cú trời giáng vào sau gáy Hải, khiến hắn chao đảo và ngã nhoài về phía trước. Bị bất ngờ, Hải hoảng hồn cố lao về phía cầu thang và miệng ú ớ liên tục kêu cứu với đồng bọn.

Thế nhưng, rất may mắn là lúc này, đứa cháu của tên Sáu lại đang nghe tai phone ở trong phòng và bật nhạc rất to nên không hề hay biết chuyện đang xảy ra. Biết vậy, chị Thu nhanh trí lẻn qua rồi nhẹ nhàng đóng cửa phòng của hắn và khóa trái lại là xong. Sau đó, chị lao ra giúp sức cho anh Tuân và ông Tuấn. Trong căn phòng khách rộng chưa đầy 20m2, ba “tù nhân” chung sức “quần” một tên “quái thú” hung hãn nhất Longlaichhueng. Trong giây phút gay cấn, hình ảnh những tháng ngày bị tra tấn dã man ở Longlaichhueng bất chợt hiện về, biến ba “người tù” thành ba ngọn đuốc sống, sẵn sàng thiêu cháy bất kỳ kẻ thù nào ở phía trước. Họ đoàn kết và chiến đấu kiên cường từng hành động một.

Nhưng tên Hải là người to con và rất khỏe nên chịu trận khá tốt, nhiều lần hắn cố gắng vùng lên đánh trả, nhưng đều bị ông Tuấn và anh Tuân đè ép xuống nền nhà. Sau khoảng 10 phút quần nhau, ba người đã quật ngã được tên Hải và lôi hắn vào căn phòng gần đó khóa lại. Cuộc chiến kết thúc, cả ba người đều bị thương nhưng họ đã mở cửa và lao ra ngoài.

Sau đó, cả ba lên chiếc xe tuk-tuk của một người dân Campuchia nhờ chở đến đồn cảnh sát. Nhưng khi xe chạy được 3km, họ sợ nếu nhờ cảnh sát can thiệp rất có thể sẽ bị bọn “đầu gấu” tóm trở lại phòng biệt giam, nên quyết định xuống xe và chạy tiếp.

Chị Thu kể: “Khi ba người chúng tôi chạy qua một công trình xây dựng thì may mắn gặp được anh Hòa, một người Việt Nam rất tốt bụng. Anh ấy mua đồ uống và thức ăn cho chúng tôi và hỏi thăm sự tình. Chúng tôi kể hết mọi chuyện đã trải qua và đề nghị xin anh giúp đỡ để có thể về nước ngay trong đêm, vì lo sợ rằng nếu ở lại có thể sẽ bị đám “đầu gấu” tìm ra. Nhưng anh Hòa bảo, cả ba cứ yên tâm ở lại đây đêm nay, sáng mai anh sẽ tìm cách đưa tất cả về nước an toàn. Đồng thời, anh cho mỗi người một bộ quần áo để tắm rửa và một đôi dép để đi... Sáng hôm sau, tôi mượn điện thoại của anh Hòa liên lạc với người anh trai hằng ngày vẫn qua Campuchia buôn bán. Ngay buổi sáng hôm đó, anh trai tôi đã thuê một chiếc xe từ Tây Ninh lên TP. Phnôm Pênh đưa cả ba chúng tôi về nước, kết thúc một hành trình đầy máu và nước mắt”.

Bài học đắt giá

Về nước an toàn, cả ba người ai về nhà nấy. Riêng chị Thu lại phải tiếp tục “đấu tranh” thêm một tuần nữa để tìm phương cách chuộc chồng mình vẫn còn trong phòng biệt giam tại “địa ngục trần gian” Longlaichhueng. Có lẽ, những con bạc như anh Hùng, ông Tuấn, chị Thu hay anh Tuân là những số phận rất may mắn đã được trở về nhà, vậy những con nợ khác thì sao? Và liệu bài học đắt giá này của họ có giúp những con bạc đang ngày ngày thiêu thân ở các casino vùng biên Campuchia quay đầu lại hay không? “Sống phải biết đến ngày mai, chứ đừng như chúng tôi, lúc “ngã ngựa” ở Longlaichhueng rồi mới biết mình không có cơ hội sống sót để trở về...”, ông Tuấn đúc kết.

* Tên nạn nhân được thay đổi.

Còn tiếp...

Nhóm PVĐT