Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em: Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 08:40, 25/10/2014
Tiến bộ và hạn chế
Ở Việt Nam, trẻ em chiếm khoảng một phần ba dân số. Đầu tư cho trẻ em vừa là đạo lý lại vừa là yêu cầu để phát triển kinh tế - và là một nhân tố cơ bản để Việt Nam phát triển bền vững. Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội (KH PTKTXH) là một khung pháp lý quan trọng để Việt Nam phát triển nền kinh tế và xã hội. Theo như những ưu tiên đã được xác định trong kế hoạch năm năm, 2011-2015, Việt Nam đã đạt được những cải thiện tích cực cho đời sống trẻ em: Tỷ lệ nghèo đã giảm 2% hàng năm; 90% trẻ em đã được tiêm chủng đầy đủ; 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận các trợ giúp xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhận định, những năm qua Chính phủ Việt Nam đã, đang quan tâm đặc biệt đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, cũng như phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng. Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách, đẩy mạnh thực thi pháp luật cũng như thanh tra xử lý triệt để các vụ việc vi phạm; bảo vệ, hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân. Đặc biệt Chính phủ đã nỗ lực hài hòa luật pháp, chính sách quốc tế với các cam kết liên quan mà Việt Nam đã tham gia nói chung và những tiêu chuẩn quốc tế về lao động trẻ em nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong giải quyết vấn đề lao động trẻ em, theo kết quả khảo sát năm 2012, có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em có độ tuổi từ 5-17 tuổi, chiếm 62% trong tổng số trẻ em hoạt động làm kinh tế, và chiếm 9,6% dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi; trong khi đó tỉ lệ này của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 9,3% và của toàn cầu là 10,6%.
Việt Nam hiện có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em
Theo dự thảo Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về vấn đề lao động trẻ em; Hoàn thiện luật pháp, chính sách về phòng ngừa và trợ giúp lao động trẻ em; Thực hiện mạnh mẽ cam kết quốc tế về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2016 và giảm thiểu lao động trẻ em vào năm 2020.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là trẻ em và người chưa thành niên dưới 18 tuổi có nguy cơ hoặc đã tham gia lao động trẻ em, đặc biệt là trong các hình thức lao động nặng nhọc, trong các ngành sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, khai khoáng, nghề thủ công truyền thống và giúp việc gia đình. Những đối tượng trẻ em được thụ hưởng sẽ được tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, được bảo vệ, được đưa ra khỏi lĩnh vực lao động trẻ em thông qua những can thiệp trực tiếp, các hoạt động giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội phù hợp và các dịch vụ bổ trợ khác. Những hộ gia đình ở nông thôn và thành thị có trẻ em được thụ hưởng dự án sẽ được hưởng các hoạt động nâng cao sinh kế, tạo thu nhập trong khuôn khổ phát triển chuỗi giá trị và phương pháp tiếp cận thị trường có định hướng.
Tại Hội thảo, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTNNĐ đã trình bày tóm tắt những phát hiện chính và khuyến nghị trong báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban về thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến lao dộng trẻ em. Theo bà Minh, khảo sát của Ủy ban được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Lào Cai và thành phố Hồ Chí Minh về lao động trẻ em trong giai đoạn 2009 - 2013.
Hoàn thiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khảo sát cho thấy, lao động trẻ em ở Việt Nam còn tồn tại với số lượng lớn, nhiều em phải bỏ học đi làm, điều kiện làm việc chưa đảm bảo, bị bóc lột sức lao động; Còn khá nhiều trẻ em phải lao động sớm, nhưng số liệu cụ thể về lao động trẻ em chưa được cập nhật đầy đủ; Nhiều địa phương và gia đình không nắm được thông tin về trẻ em đi làm ăn xa; Điều kiện lao động nhiều nơi chưa đảm bảo...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của các bậc cha mẹ còn nhiều hạn chế; Quy định về độ tuổi trẻ em trong Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em chưa thống nhất với quy định về tuổi của lao động chưa thành niên trong Bộ luật lao động và độ tuổi lao động theo quy định của tổ chức ILO nên khó theo dõi, kiểm soát, thống kê, đánh giá về lao động trẻ em; Luật pháp, chính sách hiện hành chưa quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em; thiếu những quy định cụ thể về cơ chế phát hiện, tố giác và xử lý vi phạm về quyền trẻ em; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chưa thiết kế được bộ công cụ riêng để nhận diện lao động trẻ em cùng các quy trình quản lý, đánh giá về lao động trẻ em để hướng dẫn các địa phương thực hiện...
Bà Lê Hồng Loan – Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của Unicef tại Việt Nam cho rằng, nội dung Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2015 - 2020 chưa đề cập đến vấn đề lao động trẻ em dưới hình thái bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại. Theo bà Loan, ở Việt Nam chưa có một báo cáo nào về tình trạng trên ngoại trừ báo cáo được công bố năm 2012 do Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Unicef tổ chức. Do đó, phía Unicef khuyến nghị Bộ LĐ-TBXH cần xem xét và ghi nhận nội dung này trong Chương trình.
Góp ý kiến hoàn thiện cho việc xây dựng Chương trình, các đại biểu cho rằng: Cần nghiên cứu, làm rõ hơn sự cần thiết, cơ sở xây dựng Chương trình này căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và kết quả triển khai các dự án về lao động trẻ em trong thời gian qua; Các mục tiêu cụ thể, hoạt động, dự toán kinh phí của Chương trình cần được làm rõ hơn, có chỉ số để làm cơ sở đánh giá kết quả triển khai thực hiện; Cần xác định rõ mối quan hệ của Chương trình này với các chương trình, chính sách khác về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để có biện pháp lồng ghép hiệu quả trong quá trình triển khai hoạt động.
Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung dự thảo Chương trình để trình các cấp xem xét, phê duyệt trong năm 2014 - 2015.