Kinh hoàng lễ phơi xác trong đám tang ở Hà Giang (Kỳ 2): Những ẩn họa khi lưu giữ xác người

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 25/10/2014

Tôi không khỏi ám ảnh và rùng mình khi tưởng tượng ra cảnh thi thể phân hủy, thối rữa, bốc mùi kinh khủng như thế nào. Nhưng có một sự thật rằng, đã có những hệ lụy đáng buồn xuất phát từ tục lệ này.

Việc tổ chức đám ma kéo dài, lãng phí từ lâu đã được chính quyền địa phương kiểm tra nhắc nhở, xử lý, nhất là từ khi có Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Thế nhưng trên thực tế, ở nhiều địa bàn xã huyện vùng sâu vùng xa, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

Giòi bọ bâu khắp xác người

Tôi đến thăm nhà ông Mua Chúng Thà ở thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng vào khoảng 3 tuần sau khi vợ ông mất. Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm phía sau trường cấp 2 của xã, trước mặt là khu nhà tập thể của giáo viên, đằng sau và sát bên cạnh nhà là chuồng bò, chuồng lợn, chuồng gà bẩn thỉu, nhếch nhác.

Vừa đứng xếp đá làm tường rào, ông Thà chỉ vào căn nhà tối om, bên trong có một chiếc giường con ọp ẹp và ngô chất đầy dưới nền đất. Ông kể trước vợ mất làm ma 5 ngày, mổ 4 con bò, trong đó có 2 con bò là của con rể dắt đến.

Do phong tục riêng của gia đình nên vợ ông không được cho vào quan tài, chỉ để vào cáng treo giữa nhà, đến ngày cuối cùng trước khi chôn mới mang ra phơi nắng từ sáng sớm.

Cô giáo Vương Thị Hoa (Hiệu trưởng trường mầm non xã Pải Lủng) làm phiên dịch tiếng Mông giúp tôi, cũng là họ hàng xa với ông Mua Chúng Thà, lại ở ngay khu nhà giáo viên đối diện.

Tuy cách nhau một mảnh vườn rộng, nhưng khi xác người được mang ra sân phơi, đứng từ khu nhà cô Hoa ở cũng ngửi thấy mùi xú uế nồng nặc bốc ra từ thi thể người chết.

Cái xác để lâu ngày, trong căn nhà ẩm thấp tối tăm, đến lúc mang ra ngoài ánh nắng mới nhìn rõ giòi bò khắp người, nhiều bộ phận trên cơ thể bắt đầu phân hủy. Hôm đó, tất cả các phòng nội trú giáo viên đều đóng kín cửa, không ai dám bước ra ngoài vì không chịu nổi mùi hôi thối.  

Kinh hoàng lễ phơi xác trong đám tang ở Hà Giang (Kỳ 2): Những ẩn họa khi lưu giữ xác người

Ông Mua Chúng Thà kể chuyện đám ma của gia đình

Giải thích về tập tục lưu giữ xác lâu ngày, ông Lý Sìa Sính (Trưởng xóm Khai Hoang 2, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết, trước đây đám ma người Mông để lâu vì quan niệm nhà có mấy người con phải để bằng đấy ngày.

Ngày nay tình trạng này đã cải thiện hơn, nhưng thực tế vẫn có nhiều hộ gia đình để 4-5 ngày, thậm chí vẫn có nhà để 1 tuần. Một phần bởi họ muốn kéo dài thời gian cho con cháu, họ hàng ở xa về đưa tiễn lần cuối, một phần vì nếp nghĩ, phong tục truyền thống đã ăn sâu vào nhận thức nên chưa thể thay đổi ngay được.

Kinh hoàng lễ phơi xác trong đám tang ở Hà Giang (Kỳ 2): Những ẩn họa khi lưu giữ xác người

Cảnh treo xác trong nhà của người Mông

Kinh hoàng lễ phơi xác trong đám tang ở Hà Giang (Kỳ 2): Những ẩn họa khi lưu giữ xác người

Sau thủ tục phơi xác dưới ánh nắng mặt trời, người Mông mới đưa thi thể đi chôn.

Tôi hỏi ông Sính, để xác người trong nhà lâu như vậy, người nhà ngồi cạnh không sợ mùi hôi, không nhiều côn trùng bay vào à? Ông Sính thật thà trả lời: “Phải dùng một loại thuốc xịt của Trung Quốc bán đầy ngoài chợ, có 30 đồng tiền tàu/1 lọ, tính ra tiền Việt khoảng 60, 70 ngàn đồng thôi. Xịt cái thuốc đấy thì không côn trùng hay ruồi nhặng nào bay vào xác người đâu”.

Tôi hỏi ông nhớ tên thuốc hay còn vỏ thuốc ở nhà không cho tôi xem thì ông nói không nhớ, cũng vứt hết vỏ lâu rồi. Nhưng nếu muốn mua cứ đến ngày phiên chợ ra hỏi mua họ sẽ bán ngay.

Nhà ông Sính đã dùng thuốc đó khi người nhà mất nên lúc phơi xác, không có giòi bọ hay côn trùng đậu vào xác. Không rõ thuốc xịt đấy là loại hóa chất gì, người nhà ngửi mùi có bị ảnh hưởng đến sức khỏe không, nhưng không chỉ nhà ông Sính mà khá nhiều hàng xóm quanh nhà ông cũng từng mua và dùng thuốc này.

Chết vì bệnh lây nhiễm cũng giữ xác lâu ngày

Trên đường từ xã Xín Cái trở ra huyện Mèo Vạc, tôi ghé qua điểm khám bệnh trên đường. Gặp đồng chí Hoàng Đình Trãi, Phó phòng khám đa khoa Xín Cái (phụ trách y tế 3 xã Thượng Phùng, Sơn Vĩ và Xín Cái), người đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc khám chữa bệnh cho đông bào dân tộc các xã vùng cao biên giới, hiểu rõ tập tục dân cư ở đây, coi nơi đây như quê hương thứ 2 của mình.

Anh Trãi kể, có nhiều trường hợp người dân tộc Mông đến đây khám bệnh rồi qua đời, chết vì bệnh lây nhiễm như lao, xơ gan cổ trướng… nhưng khi về làm ma tại nhà, gia đình vẫn giữ tập tục để xác lâu ngày mới đem đi chôn.

Anh giở cuốn sổ ghi chép theo dõi bệnh nhân, chỉ cho tôi xem trường hợp của ông Hà Chứ Mua 67 tuổi, sống tại xóm Khai hoang 3, từ nhà ông Mua đến bệnh xá cách xa khoảng 3 tiếng đi bộ. Ông Mua mất ngày 4/2/2014 vì bệnh lao, từ phòng khám đưa về nhà, người thân để ông 6 ngày mới đem đi chôn. Hay trường hợp tự tử do ngộ độc lá ngón của anh Thò Mí Già (35 tuổi), anh Già sống ở xóm Khai Hoang 2 – xóm khó khăn nghèo đói nhất xã, xác anh cũng được để 4 ngày trong nhà sau đó mới được mang đi chôn cất.

Nhiều trường hợp xơ gan cổ trướng, bệnh nhân khi chết, để lâu ngày có hiện tượng trướng bụng, chảy dịch ra nhà nhưng người dân vẫn mù quáng làm theo phong tục, để vài ngày mới mang chôn.

Các bác sĩ và y tế ở phòng khám đã nhiều lần nhắc nhở, tuyên truyền để người dân nhận thức được sự nguy hại và hiểm họa ấn giấu từ việc lưu giữ xác lâu ngày trong nhà, có ảnh hưởng thế nào đến môi trường và sức khỏe người thân, nhưng vẫn chưa thể thay đổi được cái tập quán, tín ngưỡng đã hằn sâu trong ý thức người dân.

Những người chết, không kể trường hợp chết do bệnh tật hay tai nạn, thông thường chỉ nên để 1-2 ngày rồi đưa đi chôn là hợp lý. Những trường hợp người chết bị mắc bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hay chết khi thi thể không còn nguyên vẹn thì càng chôn sớm càng tốt, tránh để thi thể phân hủy, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm lý của người thân cũng như khách đến viếng thăm gia đình, anh Trãi chia sẻ.

Để phong tục truyền thống không trở thành hủ tục

Người Mông ở Hà Giang là dân tộc có có số dân đông nhất, chiếm 30% trong tổng số các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Họ đến đây sinh sống, định cư từ bao đời nay, hình thành cộng đồng dân cư có lịch sử lâu đời với một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa truyền thống Mông có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người Mông. Trong các phong tục tập quán lâu đời của mình, người Mông rất tôn sùng và coi trọng nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tổ chức ma chay chu đáo, cẩn thận. Thanh niên đến tuổi trưởng thành sẽ được người già truyền lại kinh nghiệm từ sớm để đề phòng khi ra đi, con cháu trong nhà biết cách làm ma chay theo đúng nghi lễ.

Kinh hoàng lễ phơi xác trong đám tang ở Hà Giang (Kỳ 2): Những ẩn họa khi lưu giữ xác người

Hầu hết người Mông làm nông nên cơ nghiệp của cả gia đình chỉ có con bò là có giá trị lớn nhất

Kinh hoàng lễ phơi xác trong đám tang ở Hà Giang (Kỳ 2): Những ẩn họa khi lưu giữ xác người

Bên trong nhà ông Mua Chúng Thà ở xã Ngài Lầu, sau đám ma hơn chục con bò, gia đình ông tiếp tục sống trong căn nhà lụp xụp có duy nhất chiếc giường

Mỗi dòng họ người Mông lại có cách làm đám ma khác nhau, dựa trên cơ sở là phong tục truyền thống của dân tộc, song từng gia đình lại có những quy tắc riêng. Khi có người mất, thường thì gia đình sẽ treo xác trong nhà, bón cơm cho người chết vào bữa ăn và trước khi đưa đi chôn phải làm thủ tục phơi xác.

Vì yêu quý, thương tiếc người thân đã mất, cộng với tâm lí sùng bái tín ngưỡng, tôn trọng phong tục của tổ tiên để lại, người Mông từ bao đời nay vẫn quan niệm khi gia đình có người chết, làm đám ma càng lâu, mổ càng nhiều lợn dê bò, người chết sẽ có thêm nhiều của cải để khi về thế giới bên kia sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ hơn, có nhiều bò để làm nương, không phải chịu cảnh nghèo đói cơ hàn như khi còn sống.

Cứ thế từ đời này sang đời khác, thói quen dần thành phong tục, phong tục dần thành nhận thức, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.  Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực để tuyên truyền phổ biến cho người dân thực hiện nếp sống mới, nhưng sẽ cần phải có nhiều hình thức khác để tiếp cận gần gũi với người dân hơn, thông hiểu và chia sẻ khó khăn, hạn chế trong nhận thức của bà con, khi đó mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân dẹp bỏ những hủ tục vốn đã không thích hợp với sự phát triển của xã hội.

Người Mông vốn thật thà, hiền lành, lại chủ yếu theo nghề nông nên cộng đồng người Mông giống như một xã hội nông nghiệp truyền thống thu nhỏ, mang nặng tính tự cung tự cấp. Họ sống gần gũi với nhau, có tinh thần đoàn kết và yêu thương nhau.

Từ xưa đến nay, mỗi khi ở đâu có đám hỏi, đám ma, có công việc trọng đại, anh em họ hàng cho đến láng giềng, thông gia đều tìm đến, san sẻ với nhau từ của cải vật chất đến tinh thần.

Đó là một truyền thống đáng quý, một nét văn hóa đẹp được lưu truyền ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Mỗi một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc anh em người Việt Nam lại có những biểu hiện khác nhau, tạo nên bức tranh phong phú, sinh động, một thế giới văn hóa tâm linh vô cùng đặc sắc và thần bí, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Hồng Hạnh