Nghề "mục đồng" kiếm tiền triệu giữa thủ đô

Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 14/10/2014

Lên thủ đô xin đi chăn trâu. Nghe có vẻ lạ nhưng lại đang là công việc được nhiều người lựa chọn, giúp nhiều lao động nghèo hái ra tiền triệu mỗi tháng ở Hà Nội.

Thấy người lạ ông Nguyễn Văn Hiếu (48 tuổi, quê Hưng Yên) đang chăn đàn trâu gần 200 con cho ông chủ tên Tiến ở bãi cỏ giữa sông Hồng, hỏi to: “Chú đến xin việc à, đợt này nhiều người xin đi chăn trâu quá, nhà ông Tiến, ông Hạnh đang tuyển đấy”.

Nghề

Những đàn trâu tiền tỷ ở Hà Nội

"Ai bảo chăn trâu là khổ"

Mặc chiếc áo bộ đội đã cũ sờn, quần kéo lên quá gối ông Hiếu cùng hai “đồng nghiệp” là ông Bình (43 tuổi) và bà Lan (51 tuổi) đang hì hục lùa đàn trâu sang đồng cỏ khác ở bên kia bờ sông Hồng. “Bên đó cỏ non và tốt hơn, làm nghề này không khó, nhưng phải biết cách chọn bãi cỏ cho trâu ăn, để trâu đói là cuối tháng không có thưởng”, ông Hiếu nói.

Câu chuyện ông Hiếu bỏ nghề mộc đến với nghề chăn trâu cách đây gần 2 năm khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, ai cũng bảo ông Hiếu nói đùa. Thế nhưng, cuối năm thấy ông Hiếu mang ba bốn chục triệu về quê ăn tết khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng: “Trước tôi làm thợ cưa ở phố hàng Da nhưng công việc cứ bập bõm, thu nhập kém quá, đi qua cầu Thanh Trì thấy đàn trâu cả trăm con, thích mắt tôi lân la đến hỏi rồi được ông chủ thuê luôn”, ông Hiếu kể.

Hàng ngày cứ 7h sáng, ông Hiếu cùng hai “đồng nghiệp” lùa đàn trâu đi ăn, 10h lùa về, chiều 2h lại cho ra đi ăn đến 6h tối lùa về chuồng, vì là người có kinh nghiệm lâu năm nhất làm việc tại trang trại nên ông Hiếu được bầu làm tổ trưởng. Nhìn đàn trâu đang chăm chỉ gặm cỏ bên bờ sông ông Hiếu hào hứng: “Được cái ổn định, nhàn hạ mà tiền cũng cao, ăn ở rồi mỗi tháng còn được nhận 3,5 triệu đồng tiền lương, ai mới vào nghề cũng được cỡ hơn 2 triệu”, ông Hiếu cho biết.

Ngồi tựa lưng vào gò đất cao nổi lên giữa bãi cỏ, ông Hiếu móc chiếc điện thoại Iphoe 3s từ trong túi quần ra hí hoáy tìm số, bấm gọi “chỉ đạo” hai đồng nghiệp. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Hiếu cười xõa: “Đi chăn trâu bây giờ sướng thế đấy, đàn trâu cả trăm con, đồng cỏ lại rộng, mỗi người một góc nên ông chủ sắm cho con điện thoại để tiện liên lạc, ai lơ là để trâu tách khỏi đàn a lô cái là biết liền”.

Cũng như ông Hiếu, ông Bình bỏ nghề phụ hồ vất vả tìm đến các trại nuôi trâu bên bờ sông Hồng để xin việc. Với ông Bình, so vơi nghề phụ hồ, cả ngày vất vả trộn hồ, xách vữa, vác đá giữa trời nắng chang chang kiếm ngày 100.000 đồng, thì nghề chăn trâu có vẻ nhàn hạ hơn nhiều. “Phụ hồ ngày được ngày mất nên thu nhập cũng kém lắm, ngày đầu đi thử việc nghề chăn trâu ăn uống rồi cũng được 2,2 triệu đồng. Bây giờ tháng nào cũng được hơn 3 triệu, đủ để lo cho hai đứa con ăn học”, ông Bình phấn khởi.

Kiếm tiền tỷ nhờ nuôi trâu

Công việc mà ông Hiếu, ông Bình gọi là nhàn hạ này cũng không hề đơn giản, để trâu được ăn no cả nhóm phải cho trâu đi ăn xa, đến những bãi đất có nhiều cỏ, có ngày cả đi cả về cũng hơn chục cây số: “Đàn trâu cả trăm con, con thì rất hiền nhưng có con lại rất hung dữ, chăn làm sao để trâu ăn no, không đi lạc, không phá hoa màu của người dân cũng khó lắm, nếu để trâu đi lạc, mất xem như mất toi một năm tiền công”, ông Hiếu chia sẽ.

Nghề

Ông Hiếu đang lùa đàn trâu đi ăn cỏ ở triền đê sông Hồng

Điểm chăn trâu của đội quân ông Hiếu, quân ông Tương dọc theo triền đê sông Hồng còn hái ra tiền nhờ dịch vụ cho thuê trâu chụp ảnh cưới. Ông Hiếu bảo: “Mỗi lần thuê trâu chụp ảnh cưới họ cho 30 ngàn đồng, có khi cả chục đôi thuê để chụp, khoản tiền này ông chủ không lấy nên anh em cũng kiếm được ít đồng uống nước”.

Ông Tiến chủ trang trại nuôi trâu cho biết, ban đầu từ hai bàn tay trắng, làm đủ thứ nghề nhưng kinh tế vẫn khó khăn. Thấy những đồng cỏ bên triền đê sông Hồng xanh mơn mởn ông nảy ra ý định nuôi trâu. Nói là làm, đến nay ông đã có đàn trâu lên tới gần 200 con. “Trâu mỗi con loại 3 đến 4 tạ thịt bây giờ giá cũng trên 30 đến 40 triệu đồng/con. Trừ chí phí mỗi con cũng lãi được vài chục triệu. Không chỉ mình thoát được cái nghèo mà còn tạo được công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động khác”, ông Tiến chia sẻ.

Cùng ý tưởng với ông Tiến anh Thiện, ông Cường ở Hà Đông cũng nhờ những đồng cỏ ở các khu đô thị, khu chung cứ bỏ hoang mà giàu sụ lên từ nghề nuôi trâu. Sau hai năm, đàn trâu của ông chủ Nguyễn Xuân Cường đã lên tới 130 con, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Ông Cường vui vẻ: “Cũng nhờ kinh nghiệm hơn 10 năm làm “mục đồng” nên tôi làm liều vay vốn để phát triển đàn trâu. Trâu thịt nuôi khoảng gần 2 năm là bán được. Chăm bẵm tốt có con bán được 40 đến 50 triệu đồng, lãi kinh lắm”.

Theo cái nghiệp chăn trâu đã hơn 7 năm nay ông Bùi Văn Quang (28 tuổi, quê Lào Cai) đang chăn trâu cho ông chủ Thiện tâm sự: “Ngày lên Hà Nội kiếm việc khó quá nên lang thang ra Hà Đông chơi, thấy đàn trâu của ông Thiện thế là mê tít luôn. Thấy ông chủ trả lương cao nên em về quê đón mẹ xuống cùng đi chăn trâu, chứ ở quê đi rừng vất vả lắm. Không chỉ mua được xe máy đẹp, em còn kiếm đủ cả tiền để cưới vợ”.

Nghề chăn trâu thuê giờ đây không phải chỉ có ở những vùng quê, mà đang dần trở thành nghề không còn lạ ở thành phố. Những đàn trâu đen bóng, béo tròn chăm chỉ gặm cỏ dọc hai bên triền đê sông Hồng, ở những khu chung cư bỏ hoang, khu đất dự án ngay giữa trung tâm thành phố ngày một nhiều, đã và đang tạo ra công ăn việc làm ổn định cho một bộ phận người lao động ngoại tỉnh.

Lê Phương