"Luật ngầm" giữa rừng xanh

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 13/10/2014

Mới đây, TANDTC tại Đà Nẵng đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án giết hại 5 phu trầm ở vùng biên giới phía Tây Quảng Trị. Trước Tòa, Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành đã phải cúi đầu nhận tội.

Bản án tử hình dành cho Thành và Công là hoàn toàn thỏa đáng. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là từ lời khai của hai kẻ thủ ác này, người ta không khỏi giật mình về một “thế giới ngầm” đã và đang tồn tại giữa rừng xanh.

Muốn qua “cửa” rừng phải chi tiền

Trước đó, tại Cơ quan điều tra, Hồ Văn Công (38 tuổi, còn gọi Pả Trí, trú thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Hồ Văn Thành (40 tuổi, còn gọi Pả Thục, trú bản Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị) - hai trong số ba hung thủ đã khai rằng: Trước khi thảm sát 5 phu trầm quê ở Quảng Bình, chúng đã từng là thủ phạm trong nhiều vụ trấn lột phu trầm ở khắp vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị. Anh Đỗ Văn Hiền (ở Quảng Trạch, Quảng Bình), người may mắn trốn thoát và sống sót trong số những phu trầm bị Thành, Công và Nguyên bắt giữ cũng cho biết: Nhóm của anh đã vài lần bị các băng nhóm khác nhau cướp và đánh đập giữa rừng.

Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành trước Tòa

Theo lời kể của anh Hiền và một số người đi tìm trầm ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị thì hiện có hai đến ba băng trấn lột hoạt động khắp miền Tây từ Quảng Bình vào đến Quảng Trị. Các băng này thuộc quyền cai quản của một trùm phía Lào, được trang bị cả súng, lưỡi lê, mã tấu. Mỗi người đi trầm vào địa bàn chúng tự nhận lãnh địa của mình, phải làm luật từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Khi có trầm càng phải chung chi nhiều hơn để “mua đường” an toàn về quê.

“Để vào những vùng trầm, bọn em thường phải đi lén lút, tránh gặp các lực lượng chức năng, vì đó là nghề bất hợp pháp. Biết được điểm yếu này của phu trầm nên các băng nhóm chuyên cho người phục để “làm luật”. Ở vùng này có khoảng 2 - 3 băng nhóm người địa phương và người Lào lập lãnh địa thu tiền. Tuy các nhóm tìm trầm đều đi đông người, khoảng trên dưới chục người, thế nhưng khi gặp cướp, do chúng được trang bị vũ khí, lại hung hãn và liều lĩnh nên dân tìm trầm bọn em không mấy người dám phản kháng”, anh Hiền tâm sự.

Không chỉ riêng nhóm của anh Hiền mà kể từ khi Thành và Công bị bắt, đã có rất nhiều phu trầm mạnh dạn lên tiếng tố cáo về chuyện đang có một “thế lực ngầm” chuyên “làm luật” giữa rừng xanh. Hồ Văn Vinh, một phu trầm ở Quảng Trạch, Quảng Bình chia sẻ rằng, không chỉ bắt ép người đi tìm trầm “làm luật”, “mua đường” rồi mới được phép đi tiếp, mà những “kẻ cướp rừng xanh” nhiều khi còn tung “chim mồi” đi thám thính khắp nơi. Khi phát hiện nhóm tìm trầm nào vừa “trúng quả”, chúng sẽ báo về cho “ông trùm” để phân công, cắt cử người mật phục, giăng bẫy và “xin lộc”.

“Cuối năm 2012, chúng em đi cũng khá, mỗi người tính sơ cũng được vài ba chục triệu đồng sau khi trừ chi phí, tìm thấy trầm là liên hệ để bán ngay cho các “chân rết” của chủ trầm ở trong rừng. Nhưng bán xong chưa đầy vài tiếng, khi về đến vùng rừng Hướng Hóa, Quảng Trị thì cả nhóm bị một toán người đeo súng và cầm mã tấu chặn lại. Bọn chúng lấy hết lương thực, tiền bạc, thậm chí cả quần áo rồi đi”, anh Vinh kể.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

“Đời trầm bạc lắm! Các cụ nói cấm có sai, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Tôi đi trầm đã ngót nghét hai chục năm, khi được thì có tiền, khi không trúng thì đói rách, nợ nần chồng chất. Ngày xưa đi trầm còn có dư dả vì trúng được nhiều, ngày nay đi trầm chỉ mong đủ ăn, rồi có thêm chút đỉnh lo toan nhà cửa thôi chứ không mơ được giàu sang. Bởi vì vùng có trầm thường có các băng nhóm xin đểu và làm luật”, ông Nguyễn Văn Hoa, một cựu phu trầm quê ở Hướng Hóa, Quảng Trị, chia sẻ.

Ông Hoa còn cho biết thêm, hiện các đối tượng hành nghề cướp giật không nhiều, nhưng băng nhóm chuyên “làm luật” thì rất nhiều. Gần như bất cứ khoảnh rừng nào nghe đồn thổi có trầm đều có một nhóm người tự đứng ra nhận lãnh địa của mình rồi cai quản. Rừng núi mênh mông, các đối tượng này thoắt ẩn thoắt hiện, rất khó cho các cơ quan chức năng tổ chức truy quét và chặn bắt. Gần như con đường nào dẫn vào khu vực rừng có trầm chúng đều có mặt, nhiều khi chúng còn vào tận lán trại để làm “luật tươi”. Với những toán đi đông, mỗi người đi tìm trầm phải nộp 500.000 đồng, còn đối với toán đi ít chừng 3 - 4 người thì nộp chung khoảng 1.000.000 đồng. Nếu không đưa tiền, lán trại của phu trầm lập tức sẽ bị phá tanh bành. Đôi khi giữa đêm, chúng đốt cháy cả lán, cháy hết hành lý, phu trầm lại phải kéo ra khỏi rừng về nhà vay mượn lấy tiền đi tiếp.

Đường tìm trầm là chặng đường gian khổ, đầy máu và nước mắt, thậm chí, nhiều người đã phải bỏ lại mạng sống của mình giữa rừng xanh núi đỏ mênh mông, thế nhưng vì kế sinh nhai, vì ước mơ đổi đời thúc giục nên vẫn có nhiều người bất chấp tất cả khoác bô lô để lội rừng. “Trước kia đi rừng chỉ sợ nước độc, đá đè, đói khát, bệnh tật, nhưng giờ đây, chúng tôi còn phải đối mặt với một nỗi sợ lớn hơn nhiều. Đó là các băng nhóm xin đểu và ăn cướp. Gặp xin đểu còn “may”, chứ gặp cướp thì vừa bị đánh, vừa trắng tay”, phu trầm Đào Văn Khang ở Lệ Thủy, Quảng Bình than thở.

Anh Đỗ Văn Hiền: “Tôi may mắn khi trốn thoát và sống sót...”

Ông Phan Văn Tiến (SN 1954), một trong những người săn trầm hương kỳ cựu ở Minh Hóa, Quảng Bình, thời ấy kể: Vào những năm 1970, cuộc sống của người dân ở khu vực mấy huyện biên giới Quảng Bình rất khó khăn. Nhiều gia đình chỉ toàn ăn sắn và rau. Quá khổ, người ta bắt đầu nghĩ đến việc vào rừng kiếm kế sinh nhai và cuộc chiến với rừng xanh để tìm kiếm trầm hương như là một điểm sáng ở cuối đường hầm tăm tối. "Hồi ấy, xứ này là vùng tiên phong trong việc đi trầm. Sau này, có nhiều người kiếm được tiền nhờ trúng trầm, dân ở các vùng lân cận mới bắt chước đi theo", ông Tiến nhớ lại.

Cũng theo ông Tiến, ngày trước, người đi tìm trầm nhiều như đi trẩy hội. Tại các bến tàu, bến xe người đi tìm trầm ngồi la liệt, không biết cơ man nào mà kể. Mỗi người đều mang trên lưng một gùi nặng vài chục ký gồm lương thực, áo quần để có thể sống cả tháng trời ở chốn rừng sâu. Họ chỉ đi tàu xe đến địa phận các tỉnh, sau đó, chặng đường lên rừng hoàn toàn là đi bộ. Do đặc thù của nghề trầm nên cánh phu không ai đi rừng một mình. Thường thì anh em trong gia đình dòng họ hoặc bà con xóm làng rủ nhau lập thành một nhóm (gọi là xâu) để cùng đi. Một xâu ít nhất phải có ba người. Lý giải cho con số 3 đó rất đơn giản, bởi, nếu chẳng may một người bệnh, sẽ có hai người để khiêng về.

Vãn hồi trật tự trên mỗi khoảnh rừng

Đến giờ, khi nhắc nhớ lại thời đi “săn lộc rừng”, ông Tiến cũng không thể lý giải tại sao mình và những người bạn trầm lại có nhiều sức khỏe để chịu đựng được những gian khó ghê gớm ấy. Với chiếc ba lô nặng vài chục ký trên vai, người đi tìm trầm hương lùng sục khắp núi cao, vực sâu, băng rừng vượt núi ngày này qua ngày khác. Với họ, thời ấy vào rừng tìm trầm hương là con đường duy nhất để bảo tồn sự sống cho gia đình mình. Nhưng, để mua được sự sống, có khi họ phải bán cả sinh mạng của chính mình giữa rừng sâu.

Những trường hợp xấu số ngã xuống trong “cuộc chiến tìm trầm” thời bấy giờ chủ yếu là do thiên tai, bệnh tật mang lại, hoặc do làm việc quá sức, thiếu cái ăn, thiếu thuốc men. Hầu như những người đi trầm không ai không bị những cơn sốt rét rừng hành hạ đến vàng da rụng tóc. Sên, vắt, muỗi mòng, nước độc, thú dữ hay những tai nạn trên đường tìm kiếm trầm luôn đeo bám và rình rập nhưng chẳng thể nào làm nao núng bước chân của những kẻ tìm trầm.

Nhưng giờ, khi nhắc đến những khó khăn, nguy hiểm mà lớp “phu trầm con cháu” phải đối mặt, ông Tiến không khỏi ngao ngán: “Đã chấp nhận nghề “săn lộc rừng” thì chuyện phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ, côn trùng rắn rết là chuyện bình thường. Đi miết rồi cũng có kinh nghiệm để mà đối phó, thế nhưng khó nhất là chuyện đối phó với con người. Chúng súng đeo lủng lẳng, dao rựa sáng quắc thì liệu có phu nào dám chống đỡ? Đành chịu mất thôi, toàn mạng đã là may mắn lắm rồi. Mà bọn chúng cứ như vạch đá chui lên, nào ai biết chúng ẩn nấp, mai phục ở đâu mà tránh? Và dù có bị cướp hay xin đểu đi chăng nữa, nhưng cũng chả mấy phu trầm dám đứng ra tố cáo. Bởi ngay việc làm của phu cũng đã vi phạm pháp luật rồi...”.

Quả đúng như lời ông Tiến nói, phải đến khi xảy ra vụ 5 phu trầm bị sát hại dã man ở vùng rừng núi biên giới Quảng Trị, người ta mới giật mình về sự tồn tại của một thế giới ngầm giữa rừng xanh. Thông thường, các phu trầm khi gặp nạn, họ đều có một cách ứng xử chung, đó là im lặng. Im lặng vì một phần họ sợ tự “vạch áo cho người xem lưng” về những việc làm sai trái của mình, phần nhiều nữa là họ sợ trả thù. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được luật của “thế giới ngầm”. Thế nên, dù gặp chuyện “làm luật” hay “xin đểu”, họ đều nhắm mắt cho qua. Điều đó dẫn đến chuyện dù cơ quan chức năng có rốt ráo, nỗ lực nhường nào thì việc tìm bắt, ngăn chặn hay xử lý những đối tượng xấu kia cũng gặp muôn vàn khó khăn, vất vả, chả khác gì chuyện “mò kim đáy bể”.

Hiện nay, trước những thông tin trên từ những người đi tìm trầm, các cơ quan chức năng của hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã và đang nỗ lực nhằm vãn hồi trật tự trên mỗi khoảnh rừng. Nhờ thế, tình trạng lộn xộn và khai thác trầm trái phép trên địa bàn hai tỉnh đã giảm đi rõ rệt. Hơn nữa, nhờ các cơ quan đoàn thể tích cực tham gia trong việc tuyên truyền, vận động nên phần nào người dân đã hiểu được những mối hiểm nguy rình rập đối với nghề trầm. Thế nên, giờ rừng xanh cũng dần được bình yên...

Nam Hoàng