60 ngày đêm lịch sử qua ký ức tù nhân chính trị
Xã hội - Ngày đăng : 07:22, 06/10/2014
Gặp bà Nguyễn Thị Thành tại một căn nhà nhỏ trên phố Yên Bái vào một ngày đầu tháng 10, đúng dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, thật khó có thể tin được một người phụ nữ ở cái tuổi 86 vẫn còn giữ nguyên sự minh mẫn, nhanh nhẹn đến vậy. Bà đưa chúng tôi vào một căn phòng có rất nhiều sách, trên tường treo đầy những kỷ niệm chương, bằng khen, những bức ảnh hoen ố màu thời gian, tất cả tựa như một kho chứng tích lịch sử sinh động về một thời tuổi trẻ hào hùng không thể quên. Bà Thành là một nữ tù nhân chính trị thời đó.
Người thiếu nữ gan dạ, dũng cảm
Bà Nguyễn Thị Thành (bí danh Nguyễn Thị Thường), sinh năm 1928 ở vùng ven nội thành làng Lương Yên, xã Thanh Lương, nay thuộc phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
17 tuổi, người thiếu nữ trẻ ấy đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ngày đó, bà Thành là Phó hội trưởng phụ nữ xã, sinh hoạt trong đoàn thể Phụ nữ Cứu quốc Thủ đô. Nhiệm vụ của cô cán bộ phụ nữ cùng với các đồng đội của mình là đi vận động quyên góp tiền, hưởng ứng "Tuần lễ vàng để ủng hộ kháng chiến”, tổ chức dạy bình dân học vụ, vận động bà con bỏ hủ tục mê tín dị đoan, tổ chức cho chị em tập quân sự để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các đội nữ du kích, tổ cứu thương, tổ cấp dưỡng, nhà bếp… được thành lập để hỗ trợ tiền phương. Nhớ lại những tháng ngày chiến đấu dũng cảm không sợ hy sinh gian khổ đó, bà Thành vẫn không quên một kỷ niệm mà cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại bà vẫn phải bật cười.
Bà Nguyễn Thị Thành - một nhân chứng lịch sử, tù nhân chính trị ở trại giam An Trí Thanh Liệt.
Đêm 19/12, khi thủ đô chuẩn bị cắt điện, bà hô hào tất cả chị em vào cắt tóc, ai cũng phải cắt tóc ngắn để phục vụ kháng chiến. Sau khi tận tay cắt tóc cho mọi người, đến lượt bà thì bắt đầu cúp điện, lúc đó là 8h5 phút tối. Người cắt tóc cho bà Thành cuống cuồng đưa một nhát kéo lên tận gáy, tạo thành kiểu tóc độc đáo, một bên chấm vai, một bên đến tận vành tai. Sáng hôm sau, cả tiểu đội ai cũng cười nắc nẻ với mái tóc không giống ai của cô gái trẻ Nguyễn Thị Thành.
Tháng 2/1947, cuộc chiến đấu trong thành ngày càng ác liệt. Thực dân Pháp dùng chiến thuật gọng kìm tấn công Liên khu II từ khu Lò Lợn đánh chiếm Vĩnh Tuy sang ngã tư Trung Hiền. Bà Thành cùng đồng đội được lệnh rút sang Việt Nam học xá (nay là khu Đại học Bách Khoa) và rút ra Làng Tám về Yên Duyên sau vào cầu Chồm là căn cứ địa của các cơ quan Hà Nội đóng.
Đến cuối năm 1948, theo chủ trương của Thành ủy, bà Nguyễn Thị Thành được Hội phụ nữ cử vào nội thành hoạt động trong lòng địch, cùng chị em phụ nữ phối hợp với các đơn vị quân sự tổ chức các nhóm hoạt động, treo cờ, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu để khủng bố tinh thần địch. Bà Thành kể, có lần đang canh gác cho đồng chí Vương Tất Xoan lên treo cờ ở cây đa Nhà Bò thì bị địch phát hiện. Không kịp chạy trốn, bà vội núp sau cái máy nước cạnh đường, đợi địch đi qua mới chạy vào phía bên trong, chui xuống dưới hầm hố xí đầy phân tươi để trốn. Một lát sau, địch quay lại, soi đèn khắp nơi tìm nhưng không phát hiện ra. Đợi chúng bỏ đi, bà mới tìm cách lăn xuống vệ đê dưới rặng ổi, men theo sông Tô Lịch, chỉ để hở mỗi đầu lên trên mặt nước để tránh làn đạn địch. Trên đường chạy, phải đi qua một khu nghĩa trang, bà Thành từ bé rất sợ các bãi tha ma nhưng hoàn cảnh đó không còn biết sợ là gì nữa, cứ thế chạy một mạch.
Vào tù vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng
Cuối năm 1951, trong một lần hoạt động cách mạng trên khu vực Phố Huế bị một tên chỉ điểm tên Chi bắt gặp. Ngay lập tức, bà Thành bị bắt về Nha Công an Bắc Việt (nay là Sở Công an Hà Nội). Trên đường ngồi xe kéo về trụ sở, bà đã nhanh trí nuốt hết số tài liệu mật mang theo trong người.
Những ngày tháng trong tù là ký ức mà cả cuộc đời, bà Thành không bao giờ có thể quên được. Đưa cho chúng tôi quyển sách “Hồi ức cách mạng ở trại An Trí Thanh Liệt”, cuốn sách ghi lại những câu chuyện của các tù nhân chính trị trong đó có mình, bà kể lại quãng thời gian tù đày khủng khiếp nhất trong cuộc đời cho chúng tôi.
Sau khi vào tù, cô cán bộ phụ nữ bị tra tấn dã man để khai thác thông tin về cơ sở và lãnh đạo của ta. Từ tra điện, đánh đòn bộ, treo người lên cao, đổ nước cống thối vào mồm, vào mũi cho đầy bụng nước, sau đó đánh vào bụng cho phun nước ra, không thiếu hình thức tra tấn nào mà bà Thành không phải trải qua.
Dùng mọi nhục hình mà không moi được thông tin, vài ngày sau bà Thành được chuyển sang trại giam tại nhà lao Hỏa Lò rồi xuống nhà giam Thanh Liệt. Lúc này, bà được đồng chí Nguyễn Văn Phúc là Bí thư chi bộ giao cho phụ trách buồng nữ.
Tại nơi giam giữ, tuy phải chịu đau đớn vì gông cùm, bà Thành cùng đồng đội vẫn kiên quyết đấu tranh, tổ chức tuyệt thực toàn trại chống chào cờ địch. Bọn địch càng điên cuồng khủng bố, phun nước vào phòng giam rồi bắt đi 150 người đưa lên Hòa Lò tra tấn, trong đó có 4 đồng chí nữ, bao gồm cả bà Thành.
Đến cuối năm 1953 số tù nhân này mới được đưa về nhà giam Thanh Liệt. Sau nhiều diễn biến, đến ngày 25/8/1954, bà cùng với hơn 170 tù nhân ở trại giam Thanh Liệt mới được thực dân Pháp trao trả tự do tại Ninh Giang (Hải Dương).
Huân chương kháng chiến Hạng Nhất và Bằng khen được treo trang trọng trong căn phòng nhỏ nơi bà Thành sống.
Ký ức không quên
Sau 3 năm bị giam cầm trong tù, trải qua bao lần bị áp bức tra tấn dã man, người chiến sĩ cách mạng năm ấy vẫn một lòng kiên trung, giữ lòng trung thành với Tổ quốc, với cách mạng. Trở về sau ngày quân ta đã tiếp quản thủ đô, Hà Nội sạch bóng quân thù, nữ tù nhân gan dạ ấy không thể kìm nén niềm vui và xúc động trào dâng trong trái tim mình. Lúc ấy, những đau khổ trong ngục tù kìm kẹp đã không còn, chỉ còn lòng tự hào dân tộc và niềm hạnh phúc hân hoan, cháy lên cùng ngọn lửa sống mãnh liệt nơi những người tù nhân chính trị như bà Thành.
60 năm đã trôi qua từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, nhịp sống nơi đây đã thay đổi nhiều, từ một vùng đất nghèo khó đã dần dần phát triển, phồn vinh, là trung tâm chính trị, văn hóa giáo dục của cả nước. Còn cụ Nguyễn Thị Thành – một trong những tù nhân chính trị năm nào, nhân chứng lịch sử hiếm hoi của thế hệ chiến sĩ cách mạng kiên trung, ở tuổi gần đất xa trời vẫn hàng ngày theo dõi tình hình đất nước. Bà chưa bao giờ quên một thời thanh niên oai hùng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc.