Nghề xiếc- Nụ cười và nước mắt (Kỳ 1)

Xã hội - Ngày đăng : 06:14, 06/10/2014

Để đem tới cho khán giả những màn biểu diễn đẹp mắt họ đã phải trải qua chặng đường dài khổ luyện đau đớn và không ít mất mát. Với những người đeo đuổi nghệ thuật xiếc thì nụ cười luôn đi liền nước mắt.

Một tiết mục biểu diễn của những học sinh năm cuối Trường Trung cấp Nghệ Thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam

Trong một giờ tập luyện

Tôi có mặt ở phòng tập của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, khi ấy, một tốp học sinh năm cuối đang tập tiết mục “Cầu bật nhảy người”. Trên những hàng ghế khán giả, các em nhỏ khoảng 12, 13 tuổi, ngồi chăm chú dõi theo từng động tác của các anh chị khóa trên. Khi tiết mục vừa kết thúc, thì cũng là lúc các em nhỏ ùa xuống sàn tập, thực hiện những động tác uốn dẻo, bẻ xoạc…

Khóc trên sàn tập

Những cô bé có gương mặt xinh xắn, thân hình nhỏ nhắn nhanh như những con sóc lao xuống sàn tập, lăn lộn với các động tác bẻ xoạc, uốn dẻo. Có đôi khi những gương mặt ấy bỗng nhăn lên vì đau, nhưng ngay sau đó lại cười giòn tan làm huyên náo cả phòng tập. Các cô bé cho biết, đây là những động tác đầu tiên mà các em được học từ khi vào Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Để bẻ xoạc và uốn dẻo được như bây giờ, các em đã phải trải qua hơn 1 tháng khổ luyện.

Trong những ngày luyện tập đầu tiên, đã có không biết bao nhiêu nước mắt và những ý định bỏ học về nhà. Thế nhưng, sau khi được bố mẹ, thầy cô động viên, nhất là khi được xem các anh chị khóa trên biểu diễn những tiết mục xiếc người, xiếc thú, các em lại muốn mình được đứng trên sân khấu, biểu diễn như những diễn viên xiếc thực thụ. Chính mong muốn đó đã giúp các em vượt qua những đau đớn khi luyện tập và vô vàn khó khăn khi phải sống xa nhà ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Dù đang trong giờ nghỉ và không có thầy, cô giáo bên cạnh hướng dẫn, đốc thúc nhưng các em vẫn chăm chỉ luyện tập và hỗ trợ nhau trong từng động tác.

Em Triệu Thị Thu Hường (12 tuổi) cho biết, hai động tác uốn dẻo và bẻ xoạc là hai động tác ám ảnh nhất đối với bất kỳ học sinh nào mới nhập trường. Chẳng thế mà sau buổi tập đầu tiên, Hường đã có ý định bỏ học về nhà.

“Khi được tuyển vào trường, cả nhà em mừng lắm, em cũng có nghe các thầy, cô nói là lúc đầu luyện tập sẽ đau nhưng em không nghĩ là nó lại đau đến thế. Buổi tập bẻ xoạc đầu tiên, cả lớp em ai cũng khóc. Em gọi điện về cho bố mẹ, nói rằng con tập đau lắm, con muốn về nhà. Khi nghe em nói, mẹ em cũng khóc, còn bố thì bảo, con cố gắng ở trường tập luyện chỉ mất mấy hôm đầu tiên là đau thôi, thứ 7 bố lên đón con về nhà chơi với em”, Hường kể.

Thế rồi những buổi tập cũng trôi đi, đau đớn giảm dần và ý định bỏ học trong em không còn nữa mà thay vào đó là ước mơ trở thành một nghệ sĩ xiếc, để được đứng trên sân khấu, biểu diễn xiếc cho bố mẹ và khán giả xem những tiết mục hấp dẫn.

Cũng giống Hường, cô bé Trần Thị Thu (13 tuổi) đã khóc thút thít trong buổi tập đầu tiên. Khi mẹ gọi điện thoại, cô bé không nói được lời nào mà chỉ khóc. Biết con gái tập luyện đau đớn nên mẹ Thu động viên con bằng cách thường xuyên lên thăm và xin phép các thầy cô giáo được đón con về nhà vào những ngày cuối tuần.

Thu nhẩm tính từ ngày nhập trường mẹ em đã lên thăm 10 lần. Em tâm sự: “Mẹ em bảo khi nào đau thì con gọi điện về cho mẹ, mẹ mua thuốc xoa cho con”.

Những cô bé có gương mặt xinh xắn, thân hình nhỏ nhắn chăm chỉ luyện tập các động tác bẻ xoạc, uốn dẻo

Các em đang tập động tác bẻ xoạc

Tự lập từ nhỏ

Để trở thành học sinh của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, các em phải trải qua 3 vòng thi: Sơ tuyển, chung tuyển và phúc tuyển. Khi trúng tuyển, các em phải chuyển về ở trong ký túc xá của nhà trường để tiện cho việc học văn hóa cũng như chuyên môn. Điều đó đồng nghĩa với việc, các em phải sống xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập từ khi còn nhỏ.

Em Hường cho biết, một ngày của em bắt đầu từ 6h30 đến 21h sau khi đã hoàn thành xong bài tập về nhà các thầy cô giáo giao cho. “Ở nhà, em ít khi phải tự giặt quần áo, còn bây giờ thì em phải tự làm tất cả mọi việc. Trước khi đi học, bố mẹ em dặn là ở tập thể thì phải giữ gìn sạch sẽ, sống hòa đồng để được các bạn và thầy cô quý mến. Nhưng nhiều hôm chúng em ngủ quên giờ dậy, may mà có cô quản sinh lên nhắc không thì bị muộn học”, Hường kể. Còn với Thu thì những công việc như nấu cơm, giặt quần áo ở nhà em vẫn thường xuyên làm giúp mẹ, nên khi phải sống xa gia đình em không gặp nhiều khó khăn. Thu cho biết, bố mất sớm, nhà có 3 mẹ con, mẹ em làm may cho một công ty trong huyện nên em và người anh trai đã sớm phải sống tự lập.

Thu cho biết, vì quá nhớ mẹ, nhớ nhà nên em ngồi ở một góc giường khóc như mưa, khiến cả 7 bạn trong phòng khóc theo. Hôm sau, khi thức dậy, Hường, Thu và những bạn khác nữa, hai mắt đều sưng húp vì khóc nhiều. Các em nói rằng, đây là lần đầu tiên các em sống xa nhà, xa vòng tay bố mẹ lâu như thế. Thu chia sẻ, hôm đầu tiên ở ký túc xá, phòng nào cũng có bạn khóc.

Khi câu chuyện về những đau đớn, khó khăn, thử thách trong những ngày đầu đến trường học xiếc giữa tôi và các em tạm ngừng, thì những đôi chân nhỏ bé kia lại thoăn thoắt bước đi về phía có ánh đèn sân khấu để tập luyện, để ước mơ sau này trở thành một nghệ sĩ xiếc thực thụ trong tương lai. 

 

Hoài Đan