Bí ẩn từ quan niệm của tục “táng treo”
Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 03/10/2014
Người Xơ Đăng quan niệm, “rừng ma” là khu vực bất khả xâm phạm, nơi chỉ dành riêng cho thế giới người chết, nếu người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Thế nên, người dân không mấy ai dám bén mảng đến “rừng ma”, dù chỉ để chặt một cành cây. Thậm chí, người ta còn không dám nhìn thẳng vào rừng, bởi họ sợ con ma rừng nhìn thấy rồi theo về quấy phá gia đình và bản làng.
Nhờ rừng che chở linh hồn
Theo một số già làng ở Tu Mơ Rông kể lại thì tục thiên táng có từ ngày trước. Xuất phát từ việc vùng này là rừng cây rậm rạp, khi chôn cất người chết hay bị thú rừng, nhất là mèo rừng và cọp moi xác lên ăn. Vì vậy, ngoài phong tục cho rằng nhờ cây rừng che chở linh hồn thì còn bởi do suy nghĩ là treo lên cây sẽ không bị thú rừng ăn thịt. Đối với người Xơ - Đăng, nếu mộ người chết bị moi lên thì đó là con ma rừng đáng sợ nhất. Nó sẽ tìm đường về làng, bắt người nhà, bắt người làng theo nó. Ấy là chưa kể nó sẽ quấy phá làng liên tục, làm người đau ốm, đau chết, mùa rẫy thất bát. Vì vậy, ngày trước nhiều làng phải dời đi tìm nơi ở mới, tránh xa con ma rừng đáng sợ kia. Đây là lý do lớn nhất khiến đồng bào nghĩ đến cách “táng treo”.
Già làng A B’Lăng ở Măng Ry (Tu Mơ Rông, Kon Tum), kể rằng: Xưa kia, có đêm cọp gầm rú ngoài “rừng ma” bởi nó đánh hơi được thịt người nhưng không leo lên cây được nên mới gầm rú thế. Còn ban ngày, quạ bay đầy chỗ quan tài, nó là loài ăn thịt thối, bay quần qua lại để ăn xác chết. Thế nên, khi chết, người Xơ - Đăng thường được chôn dưới những tán cây rừng to như một lời cầu nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn.
Những người giàu có và uy tín sẽ được “táng treo”
Từ xa xưa, người Xơ - Đăng đã có sự đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, không phân biệt giữa con riêng và con chung, con đẻ và con nuôi, con của mình và con của anh em. Quan hệ buôn làng khá đoàn kết, có tục kết nghĩa với người cùng tuổi hoặc cùng tên. Con cháu cùng họ không được phép kết hôn với nhau. Trai gái lớn lên, sau khi đã cà răng theo phong tục, được tìm hiểu, yêu nhau. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên.
Coi trọng phụ nữ là vậy nhưng có một điều đặc biệt là ở Tu Mơ Rông, phụ nữ không được tham gia vào việc chôn cất người chết, cho dù người chết ấy là cha, chồng hay con do chính họ sinh ra. Và, quan trọng hơn là họ không bén mảng vào “rừng ma" trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà không có con trai, chỉ toàn phụ nữ thì đàn ông trong dòng họ, thôn bản nhận nhiệm vụ chôn cất. Sau khi xong việc, những người đi chôn sẽ tắm suối, uống rượu ngoài rừng, số còn lại trong làng tụ tập ở nhà người chết, mổ heo, gà hoặc bò, ăn uống suốt mấy ngày liền để tống tiễn linh hồn của người đã chết…
“Họ phải vui vẻ để người đã khuất biết người sống vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí vui như hội dù không có họ, để con ma không vì tiếc thương mà quay trở lại làng. Và người chết phải hoàn toàn bị xóa ra khỏi ký ức, không bao giờ được nhắc lại, không một ai nghĩ đến chuyện vào viếng thăm", già làng A B’Lăng nói thêm. Đối với họ, “con ma” trong “rừng ma” đáng sợ gấp ngàn lần con voi, con cọp…
Trong tín ngưỡng của người Xơ - Đăng thì họ luôn tin rằng, người chết có một năng lực siêu nhiên và họ có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này, kể cả việc "bắt" linh hồn của người sống đi theo. Chính vì vậy, người Xơ - Đăng không chỉ rất sợ hồn ma người đã chết mà còn xem hồn ma đó đang còn “sống” với một khả năng siêu phàm. “Mình có chôn người chết xuống đất, xây bốn bức tường kín mít thì cái hồn của nó vẫn ở trên thôi. Nó không nằm dưới đất đâu, xây kín nó cũng đi được, chỉ có mình là không đi được thôi. Nó giống như con mối, con mọt trong nhà mình ấy, xây nhà rồi mà nó vẫn đục tường, đục gỗ đi được, con ma cũng vậy”, già A B’Lăng giảng giải.
Niềm tin về một thế giới khác
Chính vì quan niệm trên nên người còn sống rất sợ người đã khuất. Sợ đến nỗi sau khi chôn cất người chết xong, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Hàng năm, mỗi khi đến Lễ mang nước hoặc Tết lúa mới, khi con lợn trong chuồng, con dê trên rẫy đã lớn, người Xơ Đăng sẽ tổ chức cúng ma để tưởng nhớ đến người thân đã mất.
“Người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông quan niệm, sống chết là thuận theo quy luật tự nhiên. Con người cũng như cái cây hay con thú trong rừng, có sinh - lão - bệnh - tử. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, cái nhà để ở, cái nước để uống, nên khi chết thì về với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi”, già làng A B’Lăng chia sẻ.
Trước kia, khu vực “rừng ma” ở Tu Mơ Rông là một vạt rừng um tùm cỏ dại vắng dấu chân người. Trong đó là lúp xúp những nhà mồ rệu rã, hoang mục bởi thời gian. Xen kẽ giữa những chiếc quan tài treo là những nấm mồ rất mới, không bia mộ. Xung quanh các cỗ quan tài, nấm mộ này treo ngổn ngang nào chăn, màn, chén, bát và đầy đủ những vật dụng sinh hoạt khác của con người, đây chính là phần của cải mà người còn sống chia cho người đã chết.
Già làng A B’Lăng
Những chiếc quan tài được treo hoặc đặt trên những giá gỗ với bốn cây cọc, cách mặt đất chừng gần một mét. Ngoài quan tài bằng gỗ còn có cả quan tài làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng gò hàn rất đẹp. Phía trên được lợp mái tôn hoặc cây lồ ô lật sấp ngửa, xung quanh vứt đầy rẫy những vật dụng mà người chết được "chia phần". Một số "con ma" còn được chia cả heo, gà sống buộc vào chân cột quan tài. Có nhà còn chia cả radio, bàn ghế, xe đạp, vàng, bạc… Ở chiếc quan tài bục ra thấy mờ mờ trong đó những lớp xương.
Phần lớn những cỗ quan tài trong khu “rừng ma” này trước đây đều được làm bằng những loại gỗ tốt. Nhiều chiếc quan tài bằng gỗ tròn, nặng đến cả tấn được làm bằng gỗ quý chúc đầu xuống đất bởi cọc đỡ đã mục nát. Khi gỗ rừng bắt đầu khan hiếm và bị cấm khai thác, người dân bắt đầu mua những cỗ quan tài bằng nhôm hoặc tự chế bằng tôn sắt...
Hầu hết, những chiếc quan tài này được treo cách đất không quá 70cm. Lý giải điều này, một số người cao tuổi ở Măng Ry cho rằng, làm như thế để con ma “tiện bề đi lại”. Bởi, đối với họ, “cõi ma” là nơi mà mọi thứ đều ngược với cõi trần. Ví như người dương gian đi hai chân chạm đất, người cõi ma hai chân bước giữa trời. Ở trần gian gốc rễ cái cây ăn sâu vào đất còn ở chốn “ma rừng” mọi chuyện ngược lại…
Chia của cho người chết
Cũng vì suy nghĩ “cõi ma” là có thực nên người Xơ - Đăng quan niệm, người chết chỉ là đi “ngao du” ở một thế giới khác, nên vẫn cần con trâu, con bò để cày, vì thế họ gửi trâu, gửi bò cho người chết để họ “có cái mà làm ăn sinh sống”! Hơn nữa, việc chia của cải cho người người chết cũng là một cách để người sống thể hiện sự chu toàn của mình đối với người đã khuất. Không chỉ vậy, nhằm tránh bị “con ma” về trù ẻo và tìm cách hãm hại, sau khi mai táng người đã khuất, nhiều gia đình còn làm thịt trâu, bò, lợn, gà để cúng tế.
Dù ông và người dân trong làng chưa từng nhìn thấy “con ma” lần nào nhưng già A B’Lăng vẫn giải thích: “Mình phải làm thịt trâu ở nhà cúng để người chết về lấy linh hồn con trâu mang theo, còn mình và dân làng ăn thịt. Nó sống ở bên kia cũng nghèo, mình cho nó cái hồn con trâu, con bò... để nó tạo điều kiện cho mình làm ăn, nó không về hại mình nữa”.
Chính vì tục “táng treo” phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian nên chỉ một số ít gia đình giàu có mới làm được. Hơn nữa, để được “táng treo”, người chết phải là người có uy tín trong làng. Mỗi khi có người sắp chết, già làng sẽ cùng các bô lão họp và quyết định xem người đó có được “táng treo” hay không. Sau đó, khoảng 20 - 30 thanh niên khỏe mạnh sẽ cùng nhau lên rừng tìm gỗ tốt để làm quan tài. Tất cả các công đoạn làm quan tài cho người chết được làm hoàn toàn bằng thủ công. Để thể hiện sự kính trọng người chết, những ngày diễn ra đám tang, tất cả dân làng đều tình nguyện đến làm bất cứ việc gì phục vụ tang chủ. Để đáp lễ dân làng, thân nhân người chết phải mổ trâu, làm tiệc liên tục ít nhất ba ngày.
Khoảng chục năm trở lại đây, các cơ quan đoàn thể cùng với chính quyền địa phương ở Tu Mơ Rông đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân Xơ - Đăng bỏ tục táng treo. Tuy nhiên, người đã khuất vẫn được chôn theo phong tục vợ chồng đặt cạnh nhau. Và cho đến hôm nay, trong tiềm thức người Xơ - Đăng” thì người chết vẫn còn “sống”, chỉ là ở thế giới khác, thế nên dù chôn như thế nào, những người sống cũng không dám ra nghĩa địa.
Tục “táng treo” không còn nữa nhưng khu “rừng ma” vẫn luôn là khu vực linh thiêng. Mặc dù sống bám vào rừng song người Xơ - Đăng không ai dám chặt phá hay làm điều gì sai quấy trong khoảnh rừng này. Nếu gia đình, dòng họ hay ai đó bên ngoài có việc gì cần đến gỗ thì phải xin phép người đứng đầu họ. Sau đó, vị này sẽ đứng ra làm lễ cúng. Nếu giàu thì giết mấy con bò, con trâu, còn nghèo thì phải có gà trống để cúng “thần rừng” mới được vào lấy củi, lấy gỗ về. Bởi, đối với họ, bảo vệ “rừng ma” cũng giống như việc bảo vệ phần hồn của cha ông mình, của những người đã khuất…