Những mảnh đời "sống mòn" ở trại phong Quả Cảm

Xã hội - Ngày đăng : 11:23, 01/10/2014

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng họ có chung một nỗi đau mang trong mình căn bệnh phong quái ác. Có những bệnh nhân bị phong ăn cụt hai chân, cụt hai tay, mù hai mắt sống cô đơn đến chết vẫn không có người thân đến nhận.

Chuyện ghi ở trại phong Qủa Cảm

Bài 1: Những mảnh đời bất hạnh

Trại phong Qủa Cảm nằm biệt lập, u tịch sau những quả đổi thuộc xã Hòa Long, (Yên Phong, Bắc Ninh). Nơi đây được xem như là “ngôi nhà” thứ hai dành cho những phận người khốn khổ tận cùng của xã hội.

Ám ảnh

Chúng tôi đến thăm trại phong Quả Cảm vào một ngày cuối tháng 9. Trong cái nắng vàng nhạt ảm đạm của mùa thu, hình ảnh những bệnh nhân phong lầm lũi với thân thể tàn tạ, từng lớp da thịt trên người thâm tím, tróc vảy khiến những người chứng kiến phải rùng mình.

Bên trong mỗi căn phòng chừng 10m2 là cuộc sống tủi cực của những bệnh nhân đang ngày ngày bị phong (hủi) ăn mòn, gặm nhấm thể xác. Những đôi tay cụt lủn, bàn chân bên cao bên thấp, những khuôn mặt biến dạng,  hơi thở khó nhọc, nhăn nhó trong 4 bức vách kín như bưng. Đau đớn hơn, những con người này sống vò võ trong cảnh đơn chiếc, người thân ruột thịt bỏ bê, bạn bè xa lánh.

Giơ đôi bàn bàn tay cụt cả 10 ngón, cụ ông Hoàng Văn Thỏa (76 tuổi) cười chua chát: “Tôi bị bệnh phong từ khi còn nhỏ, năm 9 tuổi bố mẹ đưa tôi vào đây nhưng rồi cũng không thấy quay trở lại…”.

Những mảnh đời

        Bệnh nhân phong bị ăn mòn cụt dần các đốt ngón tay, ngón chân

Quê gốc ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nhưng ấy chục năm qua, cụ Thỏa sống chung với căn bệnh phong cho đến già. Không con, không cháu cũng chẳng người thân đến thăm, bạn bè với cụ có chăng là những người đồng cảnh ngộ.

Cụ Thỏa thều thào: “Từ khi bước chân vào đây, tôi  không còn có người thân nào nữa, bệnh này bị người ta kỳ thị lắm, tôi cũng không muốn về quê, sống ở đây, chết cũng chôn ở đây”.

Sát vách  với cụ Thoả là cụ Lê Văn Bang (73 tuổi) ở Quan Sơn, Thanh Hóa bị phong ăn loang lổ một phần hông, bàn chân phải bị cụt. Cùng là hàng xóm với nhau nhưng cụ Bang  may mắn hơn khi đã có vợ và một đứa con trai.

Những mảnh đời

                Cụ Bang bỏ làng ra đi vì bị coi là bị ma làng ám

Thế nhưng khi người con trưởng thành, lấy vợ, có con đã quay sang ghẻ lạnh chính cha đẻ mình chỉ vì người  cha mang mầm bệnh phong, hủi. Đứa con duy nhất và cũng là vô cảm nhất đã tìm mọi cách không cho ông nội gần cháu, xua đuổi, thậm chí dọa nếu không chịu đi sẽ chôn sống. Uất nghẹn cụ Bang tìm đến trại phong Qủa Cảm sống những năm tháng cuối đời.

Cụ Bang tâm sự: “Quê tôi  người ta ác cảm với những người bị bệnh phong, đến bệnh viện bác sỹ cũng sợ không trực tiếp đo huyết áp, không cặp nhiệt độ, không dám sờ vào người bệnh nhân. Về quê họ gọi tôi là bị bệnh ma ám, bắt phải sống xa khu dân cư đi đâu cũng bị hà khắc, đối xử lạnh nhạt”.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, cụ Bang vẫn còn giữ được sự tỉnh tảo, cụ  lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê hương, muốn được nhìn mặt con, cháu lần cuối nhưng từ khi sống trong trại phong này, cụ chưa một lần được hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy.

Cụ bảo, thằng con nó coi tôi như người đã chết. Tôi về quê cũng chẳng biết đi đâu, lo sợ bị xua đuổi, bị ám ảnh gọi là con ma làng.

Trường hợp éo le nhất là hoàn cảnh của cụ Ngộ Thị Mây 84 tuổi ở Cao Bằng. Từng có một gia đình êm ấm, có con trai, có con gái, cháu dâu, cháu rể, cháu nội cháu ngoại nhưng số phận đưa đưa đẩy khiến bà Mây mang trong người mầm bệnh phong. Kể từ khi phát hiện mẹ mình mắc bệnh, các con cụ trở nên lạnh nhạt, xa lánh, mỗi khi gần con gần cháu cụ lại bị la ó, mắng nhiếc thậm tệ.

Những mảnh đời

                Bệnh nhân phong sống trong nỗi đau ám ảnh

Chồng bà, ông Nông Văn Cối cùng quẫn đã ăn lá ngón tự tử, còn một mình bà Mây sống cô đơn trong căn chòi mái cọ do chồng để lại. Những tưởng vậy được yên thân, nhưng áp lực từ những người hàng xóm, định kiến xã hội lúc bấy giờ đẩy cụ rơi vào thảm cảnh có nhà không ở được mà  phải bỏ làng ra đi. Gần 10 năm sông trong trại phong, nhưng các con cũng chưa một lần một lần vào thăm, bản thân cũng không biết mẹ mình còn sống hay đã chết.

“Nói đến phong người ta sợ hãi, né tránh, không muốn ngồi gần. từ ngày vào đây tôi mới được sống những tháng ngày yên ổn… Chết tôi  cũng chẳng muốn về làm gì”. Cụ Mây ngậm ngùi.

Chết không có người đến nhận

Trại phong Quả Cảm hiện có 96 bệnh nhân phong được điều trị chăm sóc miễn phí, chủ yếu là những người già. Các bệnh nhân đến từ nhiều miền quê khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng họ có chung một nỗi đau mang trong mình căn bệnh phong quái ác. Có những bệnh nhân bị phong ăn cụt hai chân, cụt hai tay, mù hai mắt, sống vò võ cô đơn đến chết vẫn không có người thân đến nhận.

Y tá Nguyễn Thị Xuân, người có thâm niên 30 năm sống, phục vụ bênh nhân phong cho biết: “Bệnh phong, người ta vẫn hay gọi là bệnh hủi, bệnh cùi. Căn bệnh do vi rút hansand gây ra, nếu không được điều trị, những người mắc bệnh, có thể bị phong mòn thể xác, cụt dần các đốt ngón tay, ngón chân, có người mất cả tứ chi, mặt biến dạng, đau đớn khi thời tiết thay đổi”.

Những mảnh đời

           Hầu hết bệnh nhân ở trại phong Qủa Cảm đều có hoàn cảnh trớ trêu

Theo y tá Xuân, nói đến bệnh phong, có nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhưng cũng có nhiều người yếu sợ hãi không dám nhìn. Người dân vẫn còn mang nặng sự kỳ thị, tâm lý sợ lây bệnh, luôn tìm cách, hăt hủi , xa lánh. Một số vùng quê coi vẫn còn coi căn bệnh phong là hiểm họa, tồn tại  những định kiến hủ tục như dọa chôn sống, thiêu sống đẩy những bệnh nhân váo thế cùng đường, không có lối thoát khiến họ phải bỏ làng ra đi.

Những mảnh đời

                     Bữa cơm chan đầy nước mắt của bệnh nhân phong

“Có những bệnh nhân đi đến đây một mình, chết cũng cô đơn một mình”.

Những người không may mắn mắc bệnh phong trở thành một nỗi ám ảnh của gia đình làng xóm. Họ luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, bị xã hội kỳ thị, bạn bè xa lánh, con cháu bỏ bê. Khi bị hắt hủi, bản thân người bệnh cảm thấy bị tổn thương, họ lang thang, tìm đến trại phong, và ở đây cho đến lúc chết.

Những mảnh đời

Một mình lầm lũi 

Hầu hết bệnh sống ở trại phong Quả Cảm đều có hoàn cảnh trớ trêu, số phận éo le. Có những cụ ông  không con, không cháu, hay có những người cụ bà có có con có cháu, có quê quán nhưng bản thân gia đình lại bỏ bê. Ngay cả khi chết đi, việc ma chay người nhà cũng phó thác luôn cho bệnh viện. Thi thể họ được chôn tại nghĩa trang sau những quả đồi khô cằn, bạc phếch nắng.

Việt Văn