Bé trai 7 tuổi mang “bụng bầu” trong gia đình chờ “án tử”

Xã hội - Ngày đăng : 00:11, 01/10/2014

Trong ngôi nhà ấy, có tới một nửa thành viên mắc bệnh ung thư. Hiện giờ, tiền chữa bệnh của họ đã hết, họ phó mặc sự sống cho số phận đưa đẩy…

1. Dáng ông Trần Văn Độ (K7 –xã Thạch  Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ) liêu xiêu dưới cái nắng chiều nhạt. Ông thẫn thờ, mệt mỏi đưa ánh mắt nhìn khách bảo: “60 tuổi rồi, cũng chẳng sợ chết nữa. Bệnh ung thư gan của tôi mắc cũng lâu lắm rồi. Từ cái thời tôi đi bộ đội về (khoảng năm 1982). Chỉ thương cho bà nó và thằng cháu năm nay mới 7 tuồi đầu…”.

Bà Trần Thị Ty, 59 tuổi, vợ ông Độ ngồi ở mép giường cứ dùng tay quệt vội những dòng nước mắt chẳng nói nên lời. Sau cái chuỗi nghẹn ngào, bà Ty hướng mắt lên phía bàn thờ còn nghi ngút khói hương cho biết: “Hôm nay là ngày giỗ của con gái tôi. Nó mất khi tròn 22 tuổi. Cũng bị ung thư…”.

Bé trai 7 tuổi mang “bụng bầu” trong gia đình chờ “án tử”

Vợ chồng ông Độ và bà Ty

Người bà Ty nhắc tới là Trần Thị Lệ. Lệ mất năm 2006 vì căn bệnh ung thư vú. Bà Ty cũng mắc bệnh này, bệnh của bà được phát hiện năm 2002. Khi đó, gia đình bà có tới 4 người mắc căn bệnh quái ác. Thế mà con gái bà lại đi trước, bà cảm thấy rất đau xót.

Số tiền chữa bệnh của cả gia đình ông Độ hàng tháng mất đến cả thảy hơn 50 triệu đồng. Chữa trị được vài tháng thì tiền cũng cạn, đành túc tắc có đồng nào thì đi lấy thuốc đồng nấy, còn không thì phải chịu. Họ hàng, làng xóm cũng đã xúm lại giúp mỗi người một ít đỡ đần. Cũng là lá rách ít đùm lá rách nhiều. Thế cho nên, họ cũng không thể nào giúp mãi được trong khi bệnh ung thư này cứ triền miên, dai dẳng.

Trong gia đình bà Ty, cháu Trần Văn Tuấn năm nay mới lên 7. Bụng cháu lúc nào cũng như mang bầu vì căn bệnh đường ruột. Khi mới phát hiện ra bệnh, gia đình cũng đưa cháu xuống Hà Nội để điều trị, nhưng người ta trả về. So với đám bạn cùng trang lứa Tuấn còi cọc như đứa mới lên 2. Cái bụng cứ phình ra như bà chửa, nhưng đôi chân thì lại bé tẹo, trơ xương trông rất tội nghiệp.

Được cái, Tuấn nhận thức bình thường như tất cả những đứa trẻ khác. Bố mẹ Tuấn mới đây đã xin cho Tuấn vào học lớp 4 tuổi. Ban đầu các cô giáo không cho, nhưng đích thân ông chủ tịch UBND xã Thạch Sơn bảo phải cho cháu đi học thì mới được.

Bé trai 7 tuổi mang “bụng bầu” trong gia đình chờ “án tử”

Cháu Trần Văn Tuấn bụng to vì bệnh đường ruột

Hiện giờ, hễ nghe thấy ở đâu có bài thuốc hay là mọi người lại đổ xô đi tìm, mua về sắc cho Tuấn uống. Họ vẫn hy vọng chữa khỏi cho Tuấn dù đồng lương của hai vợ chồng công nhân nghèo nàn và phải chăm tới 3 người bệnh nặng…

Họ, cứ lay lắt sống và hy vọng vào một điều diệu kỳ ở phía trước.

2. Trước đây, Thạch Sơn được xem như là một làng ung thư. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, tính từ năm 1991 đến cuối năm 2005, tại xã Thạch Sơn có 304 người chết thì đã có tới 106 người (chiếm 34,86%) chết do mắc bệnh ung thư.

Để tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư tại Thạch Sơn, từ cuối năm 2005 đoàn khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường và Viện Công nghệ môi trường đã về Thạch Sơn lấy mẫu phân tích đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của đoàn khảo sát, môi trường không khí khu vực Thạch Sơn bị ô nhiễm rất nghiêm trọng bởi các chất khí sulfur oxide (SO2, SO3), chì (Pb), sulfur hydro (H2S), amoniac (NH3), acid hydro (HCl), hydro florua (HF), nitrite kim loại (NO2). Hàm lượng các thông số trên đều vượt quá tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép.

Các chất ô nhiễm tập trung chủ yếu xung quanh khu vực các công ty sản xuất hóa chất công nghiệp. Hàm lượng các chất khí lan tỏa trong cả vùng và theo chiều các hướng gió. Ngoài ra, môi trường không khí còn chịu ảnh hưởng của khí thải các lò gạch và mùi hôi bốc lên từ cửa xả nước thải của Công ty giấy Bãi Bằng đổ ra sông Hồng.

Nguy hiểm hơn cả là việc hầu hết các giếng tại Thạch Sơn đều không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm và nước dùng cho sinh hoạt. Nguồn nước ngầm và các mẫu rau, mẫu cá tại Thạch Sơn đều có hàm lượng kim loại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch UBND xã Thạch Sơn hồ hởi kể cho chúng tôi: Xã Thạch Sơn bây giờ khác so với thời điểm năm 2005 -2008 rất xa. 100% các hộ dân đã được dùng nước sạch.  

Cách đây mấy năm, hàng loạt các lò gạch thủ công nhả khói ồ ạt. Nay, tất cả các lò gạch thủ công đã bị xóa bỏ, thay thế bằng những lò gạch đảm bảo tiêu chuẩn. Con số những người mắc và chết vì căn bệnh ung thư cũng giảm trông thấy.

Được biết, Trạm y tế xã Thạch Sơn cũng là số ít Trạm y tế cấp xã đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ…Chỉ tiếc một điều rằng, những người ông Độ, bà Ty, cháu Tuấn và hàng chục, hàng trăm người khác ở Thạch Sơn đã đeo mang cái "án tử" của quá khứ.

 

Đức Hạnh