Cuộc sống cùng cực của ông lão 70 năm mưu sinh ở đất Hà Thành
Xã hội - Ngày đăng : 12:16, 25/09/2014
Hồi ức đắng cay
Nằm chênh vênh giữa dòng nước chảy xiết bên bờ sông Gạo (thuộc tổ 30, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) là túp lều rách nát của hai cha con ông Nguyễn Văn Sắn.
Trong túp lều tơi tả như “ổ chuột”, ông Sắn nằm co ro quấn tấm chăn mỏng, ướt sũng phe phẩy chiếc quạt nan. Thấy có người đến thăm, ông lão tỉnh giấc, nhưng không gượng dậy được, ông bảo: “Đêm qua mưa to, nước rỉ từ trên nóc xuống, hai cha con ôm nhau ngủ mà vẫn lạnh, giờ vẫn thấy mình đau ê ẩm”. Nói rồi ông hỏi chúng tôi đã mấy giờ để đi thổi cơm.
Túp lều rách nát nằm cuối con sông Gạo là nơi sinh sống của cha con ông Nguyễn Văn Sắn
Vẻ mặt hom hem, in hằn những nếp nhăn khắc khổ, ông cho biết, vốn quê gốc ở Bắc Ninh, do mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh chị em ly tán, ông lưu lạc tại đất Hà Nội từ những năm bao cấp. Không nhà, không một tấc đất cắm dùi, ông làm ôsin cho hết nhà này đến nhà khác, làm thuê làm mướn đủ thứ nghề để kiếm sống.
Ông Sắn ngậm ngùi nhớ lại những ngày lang bạt, khổ ải
Trong khoảng thời gian lang bạt ở Hà Nội, ông quen bà Hoàng Thị Gái, cũng là người đồng cảnh ngộ, rồi hai người yêu thương nhau, nên nghĩa vợ chồng mà chẳng cưới xin gì cả.
Sống với nhau, hai vợ chồng không có công việc gì ngoài làm đi làm thuê cho người ta, gom góp được chút tiền, ông thuê một căn phòng để có chỗ tá túc, nghỉ ngơi.
Ông kể, thời đấy khổ vô cùng, hai vợ chồng nay thì đi thông nhà xí, mai đi thông cống rãnh, gánh nước thuê, chật vật lắm mới kiếm được đồng tiền.
Hạnh phúc cũng đã mỉm cười với người đàn ông lam lũ này khi bà Gái sinh được hai người con trai khỏe mạnh, kháu khính. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuộc đời không ai biết trước được chữ ngờ. Sau khi sinh đứa con trai thứ hai, bà Gái mắc bạo bệnh qua đời, một mình ông “gà trống nuôi con”.
Vật lộn mưu sinh giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, người đàn ông bất hạnh này làm việc quần quật để nuôi sống các con.
Càng đau đớn và bất hạnh hơn khi người con trai thứ hai càng lớn càng có những biểu hiện ngây dại.
Biết con mắc chứng bệnh tâm thần, nhưng người đàn ông này cũng đành lực bất tòng tâm, bởi thời đó có cái ăn đã khó huống chi đưa con đến bệnh viện, lấy đâu ra tiền”, ông Sắn ngậm ngùi.
Số phận cơ cực
Mấy chục năm đằng đẵng mưu sinh ở Hà Nội, nếm trải biết bao sương gió, bụi trần đắng cay, nhưng cuộc sống của cha con ông Sắn vẫn chật vật trong cảnh túng thiếu đủ bề.
Không có nhà để ở, ông Sắn cùng người con trai mắc bệnh tâm thần sống vật vờ trong túp lều ổ chuột
Người con trai lớn của ông Sắn là anh Nguyễn Văn Tiến cũng không được học hành, lớn không có nghề ngỗng, đi làm thuê, làm mướn, tha hương cầu thực khắp nơi.
Sau nhiều năm lao lực, sức khỏe giảm sút rõ rệt, đôi chân đã mỏi không thể đi làm được như trước đây, ông Sắn cùng người con trai mắc bệnh tâm thần ngày ngày đi bơm vá xe đạp kiếm chút đồng bạc lẻ.
Hành trang của ông là một chiếc bao tải cũ rách, một cái bơm và một chiếc chậu sắt hoen rỉ.
Từ ngày chuyển sang bơm vá xe, cuộc sống của cha con ông Sắn càng thêm bế tắc hơn. Những ngày đông khách còn kiếm được vài chục, nhưng có những hôm ngồi cả ngày cũng chỉ được vài nghìn mua rau, mua mắm sống qua ngày.
Giữa cuộc sống ồn ào tấp nập, nguồn sống duy nhất của cha con ông Sắn dựa vào chiếc bơm xe đạp. Không có tiền trả tiền thuê nhà, hai cha con ông Sắn bị đuổi ra đường. Không một tấc đất cắm dùi, ông Sắn tự dựng lều, bạt làm nơi tránh nắng mưa bên dòng nước chảy xiết của sông Gạo. Nói là nhà nhưng đó là một túp lều “ổ chuột” vá chằng vá đụp.
Túp lều ổ chuột của cha con ông Sắn nằm phía cuối bờ sông Gạo
Cả gia tài của ông Sắn chỉ là một chiếc gường ọp ẹp, vài chiếc nồi trống trơn, một cái chăn cũ mục nát và vài bộ quần áo nhàu nhĩ.
Ông bảo: “Ở đây tối đến muỗi nhiều vô kể, muỗi kéo về vo ve suốt đêm không ngủ được. Đêm đến phải đốt lửa xua muỗi đi…”
Khổ nhất là những hôm trời mưa, nước rỉ xuống chăn chiếu ướt sũng, hai cha con ông chỉ còn cách lấy áo mưa trùm lên người, ôm nhau thức.
Không có điện, ông Sắn kê gạch nấu cơm, đốt củi xua muỗi
Sống trong cảnh không điện, không nước, hằng ngày, mỗi lần ra ngoài, ông Sắn đều xách theo một chiếc can nhựa 5 lít dùng để xin nước về thổi cơm. Muốn tắm rửa, hai cha con ông đều phải tắm nhờ nhà người dân gần đó.
Trăn trở cuối đời
Người con trai thứ hai của ông Sắn là anh Nguyễn Văn Hồng đã ngoài 40 tuổi, bị bệnh tâm thần, hàng ngày, chỉ biết đi nhặt sắt vụn, vỏ chai đi bán. Người con trai cả của ông Sắn là anh Nguyễn Văn Tiến cũng đã trưởng thành, lấy vợ sinh con nhưng cái nghèo vẫn bám riết. Cuộc sống của vợ con anh lay lắt trong cảnh ở trọ, nên cũng không đỡ đần được là bao cho người cha già khắc khổ.
Nhiều năm qua, ông Sắn sống cùng người con trai mắc bệnh tâm thần trong túp lều tơi tả
Ông Sắn tâm sự: “Thằng cả (anh Tiến – PV) vất vả nhất, nhà cửa chưa có, vợ con nheo nhóc, nhưng tháng nào nó cũng mang gạo, mua thịt đến cho hai bố con tôi thổi cơm”.
Nay đã ở cái tuổi gần đất xa trời, sức cùng lực kiệt, sức khỏe ông Sắn yếu dần, nhiều hôm không đi lại được chỉ nằm một chỗ trong túp lều tơi tả, mong ngóng người con đi nhặt sắt vụn về để bán lấy tiền đong gạo. Biết hoàn cảnh của hai cha con ông, những người hàng xóm thương tình có người cho gạo, người cho tiền.“Nhiều hôm thằng con tôi về muộn, hàng xóm họ lại mang cho cơm và thức ăn, bà con ở đây tốt lắm”, ông Sắn kể.
Trăn trở lớn nhất của ông Sắn trước khi nhắm mắt là tương lai của cậu con trai mang bệnh tâm thần
Cô Nguyễn Thị Mấy, người hàng xóm chia sẻ: “Bố con ông Sắn sống ở đây nhiều năm nay, xét về hoàn cảnh thì không ai khổ bằng. Điện không có, nước không có, nhiều hôm quá trưa không thấy anh con trai về, ông ấy lọ mọ đi kiếm củi, kê gạch nấu cơm ăn một mình rất đáng thương. Có hôm tôi sang chơi thấy ông Sắn co ro trong chăn ướt do nước mưa dột từ trên nóc xuống. Trông tội lắm. Bà con ở đây có người mang gạo, mang cả thức ăn chín đến cho nhưng chỉ giúp được phần nào…".
Điều khiến ông Sắn trăn trở nhất là người con trai mắc bệnh tâm thần. “Tôi khổ quen rồi, chỉ lo thằng Hồng, nó không được khôn ngoan, tôi nhắm mắt đi không biết nó sẽ sống như thế nào…”, ông Sắn rầu rĩ nghĩ về tương lai của con.