Người phụ nữ với quyết tâm làm giàu bằng cây nấm
Xã hội - Ngày đăng : 22:04, 24/09/2014
Chị Thiện kể về chuyện trồng nấm làm giàu
Vươn lên nhờ cây nấm
Khi chúng tôi đến, chị Thiện, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất, Chế biến và Tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện (thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đang phân loại nấm. Nào là nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm linh chi, nấm dược liệu tất cả được chị đóng túi nilon rồi cho vào tủ lạnh bảo quản.
Nhìn người phụ nữ có nước da ngăm đen, bàn tay gân guốc trong bộ đồ lao động, không ai nghĩ chị là chủ một hợp tác xã nấm cho thu nhập một năm lên tới hàng tỷ đồng.
Trò chuyện chân thành, cởi mở về quá khứ nghèo khó, chị kể cho tôi nghe về khoảng thời gian năm 2006. Khi ấy, gia đình bốn miệng ăn chỉ trông vào vài sào ruộng, thường xuyên phải chạy ăn từng bữa những khi giáp hạt. Nhiều khi vợ chồng chị trắng đêm, vắt tay lên trán nghĩ cách mưu sinh.
Ngặt nỗi, làm gì cũng cần có vốn, còn đi làm thuê thì cũng như đi câu, hôm có việc hôm không. Trong lúc bí bách, không biết làm gì ra tiền để trang trải cuộc sống, chị Thiện thấy trên ti vi hướng dẫn cách trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không cần đầu tư quá nhiều vốn. Có 2 triệu đồng dành dụm được, chị bàn với chồng làm đơn vay thêm 8 triệu đồng nữa của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để trồng nấm.
Vốn ít, kiến thức về quy trình trồng, chăm sóc và bảo quản nấm có hạn, nhưng chị vẫn quyết tâm làm nghề với hy vọng cây nấm sẽ giúp gia đình chị thoát nghèo. Vậy là chị bắt tay vào công việc.
Cả gia đình hì hụi trồng, chăm sóc lứa nấm đầu tiên, sau ba tháng cho thu hoạch sản lượng thấp. Chị Thiện vắt óc suy nghĩ nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng, chị quyết định đi làm không công cho các trang trại nấm trong huyện để học hỏi kinh nghiệm và mua thêm sách về tự học. Không chỉ có vậy, chị còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về nấm ở Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật - Viện Di truyền Hà Nội.
Nhờ sự ham học hỏi, chịu thương, chịu khó mà lứa nấm thứ 2 đã không phụ công vợ chồng chị. Nhưng, làm thế nào để tiêu thụ được số nấm làm ra lại là một bài toán khó. Chị cùng con trai gánh nấm ra chợ bán, ngồi từ sáng tới chiều mà bán chẳng được là bao. Cứ thế, ròng rã mấy tháng trời chị và con trai có mặt ở hầu hết các chợ lớn, nhỏ trong huyện để giới thiệu sản phẩm nấm tới bà con và thương lái.
Một thời gian sau, chị nhờ các trang trại nấm có uy tín bao tiêu sản phẩm giúp mình. Chị đặt ra tiêu chí chất lượng nấm phải được đặt lên hàng đầu, nên nấm của gia đình chị sản xuất luôn tươi ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếng lành đồn xa, các đầu mối và hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã tìm về tận nơi đặt hàng.
Trong trang trại trồng nấm
Sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn
Ở thời điểm đó, nhu cầu của thị trường về nấm là rất lớn. Nắm bắt được điều này, chị quyết định mở rộng quy mô sản xuất bằng việc thành lập Hợp tác xã nấm Sáng Thiện vào năm 2010 với 9 thành viên tham gia góp vốn. Từ khi Hợp tác xã nấm Sáng Thiện ra đời đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 60 lao động thời vụ.
Năm 2013, tổng sản lượng nấm của Hợp tác xã nấm Sáng Thiện đạt 75 tấn, ước tính tổng thu nhập lên tới 2,7 tỷ đồng, trừ tất cả chi phí, còn lãi hơn 900 triệu đồng. Đặc biệt, vào tháng 11/2013, sản phẩm nấm của Hợp tác xã nấm Sáng Thiện đã được cấp giấy chứng nhận an toàn đầu tiên của TP. Hà Nội. Chị Thiện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tiến hành trồng thử nghiệm các loại nấm mới, đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng.
Giờ đây, sau 8 năm gắn bó với nghề trồng nấm, chị đã có cho mình một vốn kiến thức, kinh nghiệm mà không phải người trồng nấm nào cũng có được. Chị quyết định mở các lớp chuyển giao công nghệ, dạy nghề cho những ai có nhu cầu học trồng nấm, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống.
Chị Thiện cho biết: “Trong thời gian vừa qua, nhiều bạn trẻ ở tận Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên tìm đến để học nghề. Và, tôi nói với các bạn ấy rằng, tôi sẵn sàng cung cấp giống, nhận bao tiêu sản phẩm cho các bạn với điều kiện nấm phải đảm bảo chất lượng”.
Hàng năm, chị trích 20 triệu đồng để ủng hộ quỹ từ thiện, ủng hộ các cháu bị tàn tật, trẻ nhiễm chất độc màu da cam… giúp đỡ, động viên những người kém may mắn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2011, chị được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam sáng tạo; nhận giấy khen, bằng khen của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.
Năm 2012, Chị Thiện vinh dự được nhận cúp vàng “Thương hiệu truyền thống và báu vật gia truyền" do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng.
Năm 2013, chị là đại diện duy nhất của Hà Nội có tên trong danh sách 62 cá nhân được vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.