Lật lại vụ án gây chấn động Sài Gòn xưa (kỳ 14)

Xã hội - Ngày đăng : 14:23, 18/09/2014

Vợ thầy thông Chánh nghe vậy mừng rỡ kêu lên: “Đúng là trời cao có mắt! Mà nhân vụ này thì mình mới nhớ ra, tại sao từ lâu nay mình không làm đơn gửi tố cáo hắn ta để bây giờ thiên hạ họ làm trước mình rồi”.

KỲ  14: CUỘC THI NHAN SẮC PHÁ TAN GIẤC MƠ VỀ QUÊ “CHỒNG CÀY VỢ CẤY” CỦA GIA ĐÌNH THẦY THÔNG CHÁNH

Thím Chánh và con gái mừng rơn reo lên: “Vậy là đỡ quá rồi!”. Nhưng thầy thông Chánh thì lại lắc đầu chép miệng: “Cũng chưa chắc là đỡ đâu, nhưng dẫu sao được chấp nhận cho làm trở lại, nhất là việc lão ta biết chuyện thằng Jaboin quấy nhiễu mình, thì sau này có lẽ mình sẽ đỡ khổ hơn”.

Nhiều đơn thư tố cáo tay biện lý

“Mà tôi nói thiệt, không phải tôi tự hào nói giỏi cho mình chớ ở cái tỉnh Trà Vinh này, ngoài tôi ra khó có người nào làm thông ngôn được vừa lòng mấy tay Tây già trong ngành tòa án. Bọn này nghe nói là dân ở đảo Corse sang đây công tác, nên giọng nói của dân xứ đảo ấy khó nghe hơn bọn Tây ở các tỉnh đất liền bên Pháp. Mà nhờ đã qua nhiều đời làm với tụi nó rồi nên tôi nghe và thông dịch lại tụi nó dễ hiểu và thích tôi làm hơn là mướn người mới. Có lẽ vì vậy cho nên thằng chánh án này mới lập tức cho tôi phục hồi chức. Bởi nghe nói sắp tới ở tỉnh mình sẽ có nhiều việc cần thông ngôn như tôi lắm. Chỉ có điều là tôi vái cho thằng Jaboin nó đừng trở lại nhiệm sở nữa…”, thầy thông Chánh nói với vợ. Thím Chánh nói không sợ độc mồm, độc miệng: “Vái cho nó đi tàu thì chìm tàu, đi xe thì đụng xe, chết cho rồi, chớ cái bộ mặt quỷ sứ của nó mà còn trên cõi đời này ngày nào thì tôi còn ăn không ngon ngủ không yên ngày nấy!”. Cô ba Thiệu chen vào nói: “Chìm tàu thì nhiều người nữa chết chung tội cho người ta. Con vái cho nó bị gió thổi rớt xuống biển cá mập ăn cho rồi. Cái thằng quỷ vương!”. Sư Lục Nghiêm cũng có mặt sau đó, cung cấp một thông tin: “Mai thầy thông Chánh đi làm ắt sẽ nghe câu chuyện có đơn thưa tay biện lý Jaboin. Hồi nãy có lẽ tay chánh án không tiện nói ra, chớ vụ này ở xứ Trà Vinh mình ai cũng nghe đồn cả. Hắn bị tố cáo là nhũng nhiễu dân lành, làm nhiều điều xằng bậy khác nữa”.

 Lật lại vụ án gây chấn động Sài Gòn xưa (kỳ 14)

 

Thầy thông Chánh dự định làm thêm thời gian ngắn tại nhiệm sở để lãnh hưu non rồi đưa cả gia đình về quê sinh sống

Vợ thầy thông Chánh nghe vậy mừng rỡ kêu lên: “Đúng là trời cao có mắt! Mà nhân vụ này thì mình mới nhớ ra, tại sao từ lâu nay mình không làm đơn gởi tố cáo hắn ta để bây giờ thiên hạ họ làm trước mình rồi”. Thầy thông Chánh lắc đầu nói: “Thưa thì chắc chắn là có người thưa, nhưng có làm gì được nó hay không thì mới quan trọng. Bởi ở xứ này ngoài quan tham biện chủ tỉnh ra, thì nghe nói thằng biện lý Jaboin có thời thế còn muốn hơn lão chánh án nữa. Nghe nói nó còn có người đỡ đầu trên phủ toàn quyền ở Sài Gòn, cho nên nhằm nhò gì ba cái đơn thưa lẻ tẻ đó”. Cô ba Thiệu chen vô nói: “Thế thần gì thì thế thần, thưa gởi nó không ai xử, ắt có ngày trời Phật cũng xử nó thôi!”.

Thầy thông Chánh nhìn ngôi nhà của mình thì lắc đầu than thở: “Lâu nay mình bỏ nhà đi, nhà cửa xuống cấp hư hỏng quá nhiều rồi nên có lẽ kỳ này tạm ở yên nơi đây. Trước sau mình cũng phải gia cố nó lại, chớ để như thế này qua mùa mưa làm sao ở. Càng nhìn cảnh nhà cửa như thế này tôi càng nghĩ hay là tôi bỏ quách cái nghề công chức này đi để về quê kiếm vài mẫu ruộng mà làm, có lẽ yên thân hơn”. Cô ba Thiệu che miệng cười nói: “Lâu nay ba làm việc bằng cái miệng quen rồi, bây giờ đòi làm ruộng thì cái tay cái chân nó có cho ba làm hay không. Hay là chỉ làm được một hai ngày, ba lại kêu trời rồi bỏ ruộng không ai làm cho coi!”.

Vợ thầy thông Chánh vội nói: “Con đừng coi thường ba con, hồi trước thời còn đi học thì ba con đã biết cày bừa ruộng và làm nông cũng có hạn, chứ đâu phải dài lưng tốn vải theo kiểu học trò khác đâu con”. Cô ba Thiệu cũng nói: “Con nói vậy thôi chớ về quê làm ruộng con còn khoái nữa. Nói thiệt, ở đây càng lúc con càng thấy vợ của thầy này thầy nọ, rồi con cái họ nữa bắt chước theo mấy thằng Tây con đầm mà sống kiểu sống văn minh không ra văn minh, nửa mùa rất khó chịu. Con chán ngấy cảnh sống ở thị thành chớ đâu phải ham ba má. Mà biết chừng đâu về quê sống rồi vài năm nữa con sẽ có chồng ở dưới đó, rồi sẽ được yên thân không bị ai quấy nhiễu làm phiền nữa. Con nói vậy chắc ba đồng ý hả ba?”.

Cuộc thi nhan sắc định mệnh

Thầy Chánh gật đầu đáp nhanh nói: “Ý con hạp ý với ba lắm. Được rồi, năm nay tính ra thì con sắp mười bảy tuổi rồi và càng nhìn con lớn thì ba càng lo. Bởi vậy cho nên…”. Thầy nói tới đó thì chợt thở dài, rồi sắc mặt của thầy biến đổi đột ngột. Chỉ có vợ thầy thì mới biết rằng trong đầu thầy đang nghĩ tới cái gì. Hình ảnh con gái càng lớn càng trổ mã, càng làm cho vợ chồng thầy lo lắng nhiều thêm. Chợt quay sang nhìn con lòng dạ của vợ thầy thông Chánh thắt lại khi nhớ tới những chuyện phiền toái đã xảy ra đôi ba lần có liên quan tới thằng biện lý Jaboin. Đột nhiên thím Chánh quay sang chồng nói: “Hay là để em đưa con ba Thiệu về quê ngay sáng mai đi, chớ sao bụng dạ em không yên chút nào hết…”.

Thầy thông Chánh chợt nhìn lên tờ lịch treo tường rồi lắc đầu bảo: “Tuần sau thì đã tới tết Tây rồi. Tôi mới chợt nhớ lại nếu ngày mai này tôi vô nhận nhiệm sở, thì phải đợi đến cuối tháng Bảy tới, tôi mới đủ niên hạn mười năm trong nhiệm sở. Và tròn ngày tháng để hưởng lương hưu khi mình nghỉ việc. Cho nên tôi tính rằng ta ráng nấn ná chờ để hết tháng Bảy thì xin nghỉ hưu non. Lúc ấy, lãnh được một số tiền hưu kha khá rồi mình đưa nhau về quê mà sinh sống. Cùng với số tiền hưu đó, tôi sẽ mua đất đai và cất một căn nhà ở dưới Cầu Kè như vừa tính với mình lúc nãy. Mình thấy tui tính như vậy có được hay không?”.

Vợ thầy thông Chánh có vẻ âu lo một lúc, nhưng vẫn gật đầu đáp lại chồng. Chợt cô ba Thiệu lên tiếng: “Tháng Bảy hình như là có một cái lễ gì lớn lắm của tụi Tây phải không ba? Ngày gì đó mà tụi Tây nói bằng tiếng Tây con không rành, nhưng vẫn thường nghe người mình gọi ngày đó là ngày Chánh Chung. Con nghe nói là năm nay ngày này tỉnh mình sẽ làm lớn lắm, rồi nhân dịp đó sẽ có cuộc giới thiệu điều mà nhà cầm quyền cho rằng là niềm tự hào của tỉnh nhà. Đó là giới thiệu chức danh hoa hậu, hoặc là sẽ cho người đi dự thi hoa hậu, sắp tổ chức vào ít ngày sắp tới”.

Thầy Chánh gật đầu đáp: “Ngày đó Tây gọi là Cat Toa Juillet (có nghĩa là ngày 14 tháng Bảy tức là ngày Quốc khánh hàng năm của nước Pháp). Ngày đó là đại lễ của Pháp. Mà mấy tháng trước khi còn làm việc, ba từng nghe các quan chức bàn với nhau chuyện các xứ Nam kỳ của mình sẽ tổ chức một cuộc thi hoa khôi toàn cõi, để chọn ra một người đẹp nhất của Nam kỳ lục tỉnh. Mấy thằng Tây thì háo hức chuyện này lắm cho nên hôm trước ba nghe tụi nó bàn là kỳ này Sài Gòn sẽ đứng ra tổ chức và bắt các tỉnh cử người về dự. Gái tuổi từ mười bảy cho tới hai mươi đều được dự và chọn ra một người đẹp nhất để phong là hoa khôi. Nhưng mà chuyện đó là chuyện của tụi Tây và của những gia đình thừa tiền, chớ mắc mớ gì dân tỉnh lẻ nghèo khó như mình. Vậy con quan tâm làm gì cho mệt!”.

 

Linh tính của người mẹ

Chợt vợ thầy Chánh thở dài trước sự ngạc nhiên của chồng. Rồi không nghe vợ nói gì nên thầy Chánh vội hỏi: “Mình nghĩ gì vậy? Bộ mình cũng muốn đi thi hoa khôi, hoa hậu nữa hay sao mà quan tâm?”. Vợ thầy vỗ mạnh lên vai chồng một cái, vừa nói: “Tui đã là gái già bốn mươi tuổi rồi, chớ phải còn mười bảy mười tám như con gái của ông đâu mà mơ mộng tới chuyện đó! Mà nói thiệt, nhìn con ba Thiệu đây tui vừa mừng vừa lo”.

(Còn nữa…)

Nhà văn Thượng Hồng