Hy sinh thầm lặng của Mẹ Việt Nam anh hùng

Xã hội - Ngày đăng : 19:19, 27/07/2014

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng sự hy sinh, mất mát vì chiến tranh vẫn là vết thương khó lành, trong đó có lẽ sự mất mát của những bà mẹ là lớn lao nhất.

Vẫn đợi chồng về!

Đôi mắt của mẹ Đỗ Thị Quyến, ở thôn Phú Yên, xã Hra, Mang Yang, Gia Lai, vợ liệt sỹ Bùi Văn Giác (sinh năm 1921) giờ đây không còn nước mắt để khóc khi mẹ gánh chịu những nỗi đau quá lớn.

Hy sinh thầm lặng của Mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Đỗ Thị Quyến tại buổi công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ kể: Hai vợ chồng mẹ quê ở Phù Cát, Bình Định, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đất nước chiến tranh loạn lạc nên quyết định lên Tây Nguyên để có thể thay đổi cuộc sống bằng nghề buôn bán kiếm sống nuôi con. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, bà con làng xóm nhắn ông về làng tham gia cách mạng đánh đuổi đế quốc xâm lăng. Sau khi nghe tin ông đã quay trở về Phù Cát cùng với dân làng tham gia kháng chiến. Để chồng có thể yên tâm hoạt động cách mạng, mọi công việc gia đình đều do một tay mẹ quán xuyến lo liệu.

Không chịu cảnh mất nước chịu kiếp nô lệ, mẹ cũng quyết chí theo chồng tham gia hoạt động cách mạng bằng cách nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc. Đến năm 1954 thì ông Giác đi tập kết ra Bắc để lại mẹ với ba con thơ ở nhà. Khi đó nguồn an ủi lớn nhất của mẹ là các con khỏe mạnh, hằng đêm vẫn cầu mong cho ông vượt qua mưa bom bão đạn để trở về bình.  Sau này, ông trở lại miền Nam hoạt động cách mạng. Năm 1965, ông hoạt động ở căn cứ Sông Côn - Vĩnh Thạnh. Đến năm 1968 ông bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng nhất quyết không khai, vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Không khai thác được gì từ ông nên chúng đã  thủ tiêu. Ngày nhận được giấy báo tử của chồng, mẹ như chết đứng, không tin vào mắt mình nữa.

Kể đến đây, giọng mẹ như nghẹn lại, nỗi đau giấu kín trong lòng bấy lâu lại dâng lên khiến mắt mẹ nhòa đi.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Thấu hiểu được nỗi khổ của người dân mất nước và truyền thống yêu nước căm thù giặc của gia dình mà các con của mẹ cũng lên đường theo tiếng gọi của Đảng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Anh Bùi Ngọc Cẩn và chị Bùi Thị Cúc đã cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước. Nhưng có lẽ anh Cẩn may mắn hơn chị Cúc là có thể trở về bình an. Còn chị đã ra đi mãi không về.

Liệt sỹ Bùi Thị Cúc tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ, lúc đầu chị tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương sau đó chị trở thành bộ đội thuộc Sư đoàn 3 Phù Cát, Bình Định. Chị hy sinh ở núi Bà - Phù Cát trong một lần quân Đại Hàn đi càn, lúc đó chị mới tròn 18 tuổi, tuổi đẹp nhất của cuộc đời . Ngày mẹ Quyến nhận giấy báo tử của chị vào năm 1968, mẹ như chết thêm một lần nữa. Mẹ không tin đứa con gái bé bỏng của mẹ lại ra đi mãi mãi ở lứa tuổi thanh xuân. Chị đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc.

“Ngày tiễn con lên đường nhập ngũ, hai mẹ con khóc rất nhiều và cháu hứa sẽ gặp mẹ trong ngày đất nước hòa bình thống nhất. Nhưng tôi không ngờ hôm đó là ngày cuối cùng tôi nhìn thấy mặt con”. Mẹ tâm sự.

Hy sinh thầm lặng của Mẹ Việt Nam anh hùng

Người con trai út của mẹ - ông Bùi Hồng Phong đang trao đổi với PV

Nỗi đau chồng chất nỗi đau lên người phụ nữ bé nhỏ khi chồng và con ra đi cách nhau có vài tháng. Mẹ dường như ngã gục trước những biến cố của gia đình nhưng mẹ tự nhủ phải mạnh mẽ vượt qua nỗi đau. Đó là nỗi đau chung của cả dân tộc chứ đâu riêng gia đình mẹ.

Giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước cùng chung niềm vui độc lập thống nhất thì mẹ vẫn chưa thể vui vì chồng, con mẹ vẫn chưa về... Đến giờ mẹ vẫn chưa thể yên lòng khi nghĩ về họ. Họ vẫn nằm đâu đó lạnh lẽo ngoài kia càng làm cho nỗi đau trong lòng mẹ không thể nguôi.

Hy sinh thầm lặng của Mẹ Việt Nam anh hùng

Ngôi nhà hiện tại mẹ Quyến đang sống

Ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của gia đình, năm 2014, mẹ Đỗ Thị quyến đã được Nhà nước công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng tháng mẹ được nhận tiền trợ cấp của Nhà nước cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương nên cuộc sống của mẹ đỡ vất vả hơn. Giờ mẹ chỉ mong sao có thể tìm được hài cốt của chồng và con gái để họ được yên nghỉ và mẹ có thể được gần họ hơn thì lúc ấy mẹ mới có thể yên lòng.

Để có được cuộc sống thanh bình, ấm no như ngày hôm nay, biết bao gia đình phải chia lìa, rất nhiều bà mẹ vĩnh viễn không được gặp con. Tổ quốc mãi ghi công những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng. Hình ảnh của những người phụ nữ kiên trung như mẹ Quyến mãi là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo.

Nguyễn Hải