Giải mã những câu chuyện kỳ bí dưới chân núi Bà Đen
Xã hội - Ngày đăng : 11:14, 04/07/2014
Chỉ biết rằng, thung lũng được hợp 3 ngọn núi là hòn Ba, hòn Phụng và hòn Heo ấy đang ngày càng có nhiều câu chuyện được thêu dệt mang đậm màu sắc liêu trai.
Thực hư chuyện “rắn thần hiển linh”
Ma Thiên Lãnh là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa núi Phụng, núi Heo và núi Bà Đen, thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh). Điều kiện tự nhiên cho thung lũng một vẻ đẹp được ví như Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ. Khí trời mát mẻ, buổi sáng có sương bay la đà trắng xóa, buổi chiều có khói chìm lúc dày, lúc thưa. Dọc theo các sườn núi là những cánh rừng bạt ngàn, xanh thắm, có khá nhiều cổ thụ quý hiếm, xen lẫn trong cây rừng là những vườn chuối, xoài, mãng cầu... bên cạnh những túp lều nhỏ của chủ vườn cất tạm để canh giữ hoa màu, cây trái.
Kèm với vẻ ngoài hùng vỹ, Ma Thiên Lãnh còn ẩn chứa nhiều huyền bí mà nhiều người khao khát khám phá. Ngoài cảnh vật ngoạn mục, kỳ vỹ hiếm thấy, Ma Thiên Lãnh còn có nguồn động vật khá đa dạng, vô cùng độc đáo. Từ trên đỉnh núi Bà Đen nhìn xuống sẽ thấy Ma Thiên Lãnh như một lòng chảo khổng lồ với những cánh rừng nguyên sinh bất tận. Đường vào thung lũng phải vượt qua rất nhiều quanh co, khúc khuỷu và trơn trượt. Thảng hoặc lại bắt gặp một con suối róc rách như ai đó dạo đàn bên vách đá. Với những sắc thái và đặc trưng riêng đó, Ma Thiên Lãnh mang nhiều tiềm năng du lịch sinh thái, đã và đang được ngành du lịch Tây Ninh đầu tư, phát triển.
Một góc Ma Thiên Lãnh
Thế nhưng, từ xưa đến nay, Ma Thiên Lãnh cũng còn nổi tiếng là thung lũng có nhiều loài rắn độc, là “thủ phủ” của các loại bò sát. Nhất là thời gian gần đây, không hiểu từ đâu rộ lên tin đồn trong thung lũng xuất hiện rắn khổng lồ, nặng hàng trăm kg, có mào khiến người dân không dám vào rừng. Thậm chí, nhiều phương tiện thông tin còn loan tin rằng “rắn thần hiển linh” khiến nhiều người bức xúc, kẻ xấu lợi dụng vào rừng phá dược liệu.
Người già ở Thạnh Tân lý giải rằng, những tin đồn và các câu chuyện mang màu sắc kỳ bí ở Ma Thiên Lãnh xuất hiện từ mấy chục năm về trước, khi đó, vùng đất này còn đang ngập trong khói lửa chiến tranh. Có lần, trong một trận càn, hàng trăm tên lính Mỹ - Ngụy đã truy đuổi một số chiến sỹ cách mạng và những người dân mà chúng nghi ngờ là cộng sản. Nhưng khi vào đến thung lũng này thì chúng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một ai ngoài tiếng cây rừng xào xạc. Tìm mãi không được, chúng đành tìm đường thoái lui nhưng cũng không cách nào thoát ra khỏi mênh mông rừng rậm. Nhiều ngày sau nữa, người dân sống cạnh bìa rừng cũng không hề nhìn thấy tên lính nào bước ra từ thung lũng. Họ nghĩ bọn lính đã chết rục trong rừng. Từ đó, người ta càng đồn đại thung lũng này là nơi hội tụ của các hồn ma.
Sau đó một thời gian, người dân ở quanh khu vực này lại phải chứng kiến cái chết hết sức đau lòng của hai cha con ông H, nhà ở bìa rừng. Ông H, dù bệnh nặng nhưng cuộc sống quá nghèo khổ nên hàng ngày vẫn phải cùng con trai vào Ma Thiên Lãnh để chặt củi, hái thuốc về bán lấy tiền. Đến một hôm, ông H gửi nhà cho hàng xóm để tiếp tục vào rừng. Người hàng xóm chờ mãi không thấy ông H trở về liền rủ mấy thanh niên trai tráng vào rừng để tìm. Tìm mãi thì thấy thi thể hai cha con ông H nằm tựa lưng vào một phiến đá, chân tay tím thẫm, mặt trắng như đá vỡ. Người thì bảo bố con ông H chết vì không may ngã bệnh và sốt rét, người thì lại nói do các oan hồn hiện hình về bắt… Những lời đồn đoán cứ thế lan đi, nhanh như gió thổi đỉnh rừng.
Ông Tiến, anh Thịnh dẫn đường vào hang rắn
“Cha con ông tiều phu cũng bị chết rét trên một tảng đá như thế. Nghe các cụ già bảo có lẽ hồn ma làm cho người ta lạnh lẽo và chết khi xâm phạm vào thung lũng mà chưa xin phép hoặc cầu cạnh gì. Nhưng tôi cũng không tin lắm đâu. Có mấy lần đêm khuya, nhất là những khi trời động, tôi rủ thêm mấy người làng, tính mon men vào thung lũng xem có hiện tượng gì lạ lẫm như nhiều người vẫn truyền kể không, nhưng thấy âm u quá cũng hơi sợ và không dám vào nữa. Ở đây hiếm có người dân nào dám vào thung lũng đó vào ban đêm lắm”, anh Đoàn Văn Thịnh, 47 tuổi, nhà ở xã Thạnh Tân kể.
“Vương quốc” của các loài bò sát
Ông Nguyễn Văn Tiến, 65 tuổi, sống ở bên rìa thung lũng Ma Thiên Lãnh kể: “Cái tên thung lũng này từ thế hệ cha ông chúng tôi đặt, chứ từ lúc tôi sinh ra cho đến giờ đã có ai kể cho biết hết gốc tích ngọn ngành của cái thung lũng này đâu. Nói chung, đây là thung lũng của các loài bò sát độc. Trong các loài bò sát độc thì nhiều nhất là rắn độc. Tôi có hàng chục lần bạo gan xâm nhập vào thung lũng này nhưng cũng chỉ dám vào ban ngày thôi. Dây leo chằng chịt bám khắp người, muỗi ở thung lũng này con nào cũng to như hạt đậu ấy”.
Cũng theo ông Tiến thì bây giờ số lượng rắn đã giảm đi rất nhiều, khoảng 10 năm về trước ít ai dám vào thung lũng, nếu có vào cũng phải trang bị quần áo mưa, nai nịt kín mít, tay cầm theo chiếc gậy để xua rắn. Bởi lúc đó chúng bò lổm ngổm khắp nơi, trên cây, dưới mặt đất đều có, thậm chí, chúng còn chạy loăng quăng trước mặt người mà không hề sợ sệt. Đó là chưa tính đến các loài bọ cạp. “Bọ cạp ở đây màu xanh lè, lại to và hung lắm. Thấy người là nó giơ càng lên như sẵn sàng trực chiến. Nhìn nom dữ dằn thế thôi, chứ thực ra nó rất ít khi tấn công người trước…”, ông Tiến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hà, người đàn bà bám Ma Thiên Lãnh bán quán cho khách tham quan và mấy thợ săn rắn, ốc núi, thằn lằn trong suốt 15 năm qua kể: Năm đó, hai vợ chồng chị mới từ quê lên đây lập nghiệp, núi rừng còn hoang rậm tứ bề. Một hôm, vợ chồng chị đang phát cỏ làm rẫy thì phát hiện từ hang đá một con trăn khổng lồ trườn ra phía bờ suối, hai người không ai dám mở miệng, chỉ biết nín thở nhìn nhau. Con trăn bò xuống suối rồi nhanh chóng rúc vào một bụi cây um tùm. Chị Hà chắc mẩm, những con rắn khổng lồ trong câu chuyện của người địa phương sống lâu năm ở đây đồn đại có lẽ là loài trăn mà hai vợ chồng chị nhìn thấy. Đó là loài trăn gấm có kích thước to vào hàng bậc nhất của loài bò sát, cơ thể có nhiều họa tiết lưới, có màu sẫm.
Đó là lần đầu tiên cũng như duy nhất mà vợ chồng chị Hà tận mắt nhìn thấy một con trăn khổng lồ. Trước đó, cũng đã vài lần, chị bắt gặp những mẩu da rắn đã khô vừa lột còn bỏ lại, to bằng bắp vế người lớn. “Rắn ở Ma Thiên Lãnh chưa thấy cắn chết người bao giờ nhưng chúng hay ăn gà vịt. Nhiều khi, rắn bò xuống nhà dân dưới chân núi bắt gà, chó ăn thịt, làm người dân hoang mang nhưng loài bò sát này chẳng bao giờ gây sự với con người nếu không bị tấn công trước”, chị Hà chia sẻ.
Mười lăm năm gắn bó với Ma Thiên Lãnh, chị Hà dường như đã mất đi cảm giác sợ hãi trước người lạ và cảnh vật, thú rừng ở cửa vào Ma Thiên Lãnh. Đồng thời, chị cũng là người am hiểu từng ngõ ngách, thuộc làu những câu chuyện về rắn khổng lồ và rành rọt địa hình như lòng bàn tay. “Hai vợ chồng tôi lên đây làm rẫy cả ngày nên chỗ nào có nước, chỗ nào mát, chỗ nào nằm ngủ, chỗ nào nguy hiểm tôi biết rõ hết. Khách du lịch lên đây mà không biết đường tham quan, tôi chỉ chi tiết từng góc, từng cảnh cho mà xem. Còn quán này tôi chỉ mở cửa bán ban ngày thôi, chứ cứ trời nhập nhoạng tối là thu đồ đạc về. Bị rắn ở đây cắn chỉ có nước chết”, chị Hà cho biết.
Cách đây khoảng chục năm, Ma Thiên Lãnh luôn có sự hiện diện của nhiều kẻ săn bắt rắn nhưng hiện nay, kiểm lâm bảo vệ ráo riết, kiểm kê rất gắt gao nên người đi bắt rắn dần thưa thớt. Giờ chỉ còn một số đồng bào thảng hoặc vào rừng hái lá thuốc, còn đâu toàn là khách du lịch. Bởi, Ma Thiên Lãnh không chỉ nổi tiếng là “Thủ phủ của các loài rắn độc”, mà nó còn được biết đến như là một vựa dược liệu quý. Tuy nhiên, theo nhiều người hành nghề bốc thuốc trong vùng thì những dược liệu hái từ Ma Thiên Lãnh phải biết cách hái và sơ chế, nếu không thì dễ bị phản tác dụng. Người dân không thể cứ bị cái gì cắn là cũng hái bừa mà uống được, có khi độc không hết mà còn nặng thêm cũng không chừng.
Khi được hỏi về chuyện “rắn thần hiển linh” làm cho một số người nửa khùng nửa điên, sống dở chết dở, người dân sống quanh khu vực đều lắc đầu cho đó là những lời đồn đại hoang đường. Ông Nguyễn Văn Tiến khẳng định: “Không có chuyện rắn thần có mào quấy phá dân đâu. Có lẽ, những đối tượng xấu muốn làm người ta hoang mang không dám bén mảng đến thung lũng này nữa để chúng đi lấy gỗ hoặc dược liệu đó thôi. Các loại rắn ở thung lũng này nếu biết cách tiếp cận, nó còn thân thiện với người nữa ấy chứ. Những trường hợp bị rắn cắn cũng là số ít. Ban ngày, người dân vẫn có thể tụ thành tốp vào thung lũng bình thường”.
Kể từ ngày chính quyền tỉnh Tây Ninh quyết định đầu tư, phát triển xây dựng khu vực núi Bà Đen, trong đó có thung lũng Ma Thiên Lãnh thành khu du lịch sinh thái, người dân ở đây đã hết sức phấn khởi. Cũng từ đó, bên cạnh lực lượng kiểm lâm, những người dân sống quanh khu vực này còn thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng cách tích cực tham gia vào việc bảo vệ các loài rắn, bảo vệ rừng. Với thời tiết khá ôn hòa, nhiều khoảnh rừng hoang sơ với lượng bò sát phong phú, cộng với tinh thần trách nhiệm của người dân như thế, có thể trong thời gian không xa, Ma Thiên Lãnh sẽ biến thành một khu du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn và lý thú.
Huyền Thương