Tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 4)
Xã hội - Ngày đăng : 09:21, 28/06/2014
KỲ 4: “TÔI TỰ TIN VÀO GIỚI TÍNH CỦA MÌNH”
Số đông vẫn thường áp đặt cho rằng người đồng tính hay tự ti với số phận của mình. Tuy nhiên, điều này không hẳn chính xác, bởi, đối với Nguyễn Huỳnh Anh Khoa (20 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), cộng đồng LGBT (những người đồng tính nữ, người đồng tính nam, song tính luyến ái, hoán tính/ chuyển đổi giới tính) vẫn thường biết đến với biệt danh Gió Lẻ thì hoàn toàn khác. Cậu cảm nhận mình là đồng tính ngay thuở nhỏ, nhưng, chưa bao giờ nghĩ đó là điều sai trái. Cậu thản nhiên sống, thản nhiên lớn lên.
Khoa hạnh phúc bên người yêu
Đừng tự tử vì giới tính của mình
Đối với Khoa, đồng tính là điều rất bình thường, bởi mọi người không thể tự chọn giới tính cho mình. Điều cậu quan tâm là người đó sống có ích hay không.
Lớn lên, Khoa tập tành vào mạng, viết blog, giãi bày tâm sự của mình. Bên cạnh những người phản bác, lên án, bình luận với những lời ác ý vẫn có rất nhiều người đồng cảm, chia sẻ với cậu. Bạn bè ban đầu cũng hơi bất ngờ khi cậu dám nói lên giới tính thực của mình. Nhưng theo thời gian mọi việc cũng trở lại bình thường, không ai bàn tán nữa. Chỉ có điều cậu không ngờ, chị gái cậu đã đọc được và kể lại với cha mẹ cậu.
Gia đình Khoa là gia đình gia giáo nên khi biết được sự thật cha mẹ cậu nổi giận tam bành, chửi rủa xối xả. Cậu khóc, cố phân bua nhưng bất lực. Nhìn thấy nước mắt mẹ rơi, trái tim cậu đau gấp mấy lần những roi đòn của cha giáng xuống. Suốt nhiều ngày liền, cậu bị cấm ra khỏi nhà để không gặp những “kẻ đồng tính”. Từ nhỏ, cậu cũng từng nghĩ sẽ có ngày cha mẹ phát hiện ra giới tính thật của mình. Thế nhưng, cậu chưa bao giờ lường trước được mọi chuyện lại tồi tệ đến mức như thế.
Thời gian trôi qua, không khí gia đình ngày càng trở nên bức bối. Cậu không dám đề cập đến vấn đề đồng tính với gia đình nữa. Nhưng mẹ cậu thì âm thầm tìm cách chữa trị cho cậu vì cho rằng đồng tính là bệnh và có thể chữa trị bằng cách tiêm hormon nam. Mẹ dẫn cậu lên bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) khám “bệnh” đồng tính.
Cậu run rẩy đẩy cánh cửa phòng khám. Vị bác sĩ nhẹ nhàng hỏi: “Cháu bị bệnh gì?”. Khoa ấp úng: “Con không bị gì hết”. Bác sĩ hỏi tiếp: “Không bị gì sao lại đến đây?”. Cậu lí nhí: “Con là đồng tính, mẹ cứ nghĩ đây là bệnh, có thể tiêm hormon nam là hết”. Bác sĩ lại hỏi: “Tại sao cháu biết mình đồng tính?”. Cậu cố giữ bình tĩnh: “Con có thể cảm nhận được điều đó. Con không có cảm giác trước các bạn gái mà chỉ rung động đối với bạn trai”. Sau một hồi trò chuyện, bác sĩ dắt cậu ra và phân tích với mẹ: “Đồng tính không phải là bệnh. Đồng tính tồn tại ngay khi con người mới sinh ra. Không phải tiêm hormon là có thể chữa được”. Hai mẹ con lại khăn gói về quê.
Từ đây, mẹ ít khi nhắc đến giới tính của con trai nhưng cậu vẫn cảm nhận được sự khắc khoải trong tiếng thở dài của mẹ. Trong thâm tâm, cậu luôn cảm ơn vị bác sĩ ấy vì những điều ông nói phần nào cởi trói được sự áp đặt của người thân đối với cậu. Tuy nhiên, cũng có một khoảng thời gian dài chịu không nổi áp lực, cậu bị trầm cảm nặng và ít nhất ba lần tìm đến cái chết. Giờ ngẫm lại, cậu vẫn còn rùng mình trước những khoảnh khắc ấy.
“Mình biết, tự tử là cách nhiều người đồng tính tìm đến khi không còn động lực nào để sống. Mình đã trải qua giai đoạn đó nên mình hiểu. Tuy nhiên, mọi người không biết cảm giác khi sắp từ bỏ cuộc đời này là thế nào đâu. Lúc đó, mình khát sống vô cùng. Mình nhớ lại còn rất nhiều mục tiêu vẫn chưa hoàn thành. Mình chỉ khuyên tất cả mọi người, dù vướng vào bất kỳ việc gì cũng không nên tìm đến cái chết”, cậu nói.
Đồng tính không phải là cái tội
Khoa khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBT không chỉ vì những hoạt động nhằm tìm lại sự công bằng, được pháp luật thừa nhận đối với những người đồng tính mà còn là sự tự tin, tự hào với giới tính đang mang. Thời gian qua, cậu khiến cư dân mạng xôn xao với một câu chuyện đầy tính nhân văn nhưng khiến không ít người xúc động khi chia sẻ lên trang cá nhân: “Có một cô phóng viên hỏi một bạn đồng tính rằng bạn ấy nhận biết mình thích người cùng giới năm mấy tuổi? Bạn ấy hỏi lại cô phóng viên rằng cô ấy biết mình thích người khác giới năm bao nhiêu tuổi.
Cô phóng viên hỏi bạn ấy làm sao biết mình đồng tính và cảm giác yêu người cùng giới như thế nào? Bạn ấy vui vẻ hỏi lại cô phóng viên, bằng cách nào cô ấy biết mình yêu người khác giới (dị tính), và cảm giác khi cô ấy yêu người khác giới như thế nào, thì yêu người cùng giới cũng giống như vậy. Không có sự khác biệt trong tình yêu.
Cô phóng viên lại hỏi bạn ấy có gặp khó khăn khi phải sống giả với chính mình không? Bạn ấy hỏi lại cô rằng, làm sao mới gọi là sống giả, như thế nào mới là sống thật, liệu cô và bao người dị tính khác có cần phải sống thật hay sống giả không. Người đồng tính cũng vậy, họ là chính họ thôi. Không ai đủ tư cách để làm cái chuẩn trong cuộc sống này cả. Và hơn hết, dù là đồng tính hay dị tính cũng đều có những lúc gặp khó khăn, trở ngại.
Cô phóng viên hỏi bạn ấy có định come out (công khai) việc mình đồng tính với gia đình và bạn bè không? Bạn ấy hỏi lại cô phóng viên rằng cô ấy có cần come out việc mình thích người khác giới không.
Cô phóng viên hỏi bạn ấy rằng bạn có sống tự hào khi là người đồng tính không? Bạn ấy hỏi lại cô rằng cô có tự hào màu da của mình nếu bị phân biệt chủng tộc không?
Cô phóng viên hỏi bạn ấy có tin vào sự chấp thuận hôn nhân đồng giới không. Bạn ấy nói, làm gì có hôn nhân đồng giới. Cũng chẳng có hôn nhân khác giới. Từ bao giờ hôn nhân là đặc quyền của 1 nhóm người? Hôn nhân là hôn nhân. Bình đẳng hôn nhân.
Cô phóng viên hỏi bạn ấy cảm thấy thế nào khi mình là thành phần trái tự nhiên, bất bình thường trong xã hội? Bạn ấy nói rằng, làm gì có ai là trái tự nhiên hay bất bình thường, chỉ có những người tự cho rằng mình tự nhiên, bình thường hơn người khác. Đa số không phải là cái bình thường, đa số là sự phổ biến. Thiểu số không có nghĩa là bất thường, thiểu số làm nên sự đa dạng. Cô phóng viên cám ơn bạn đã chia sẻ và không quên gửi lời động viên “Dù em đồng tính nhưng hãy sống tốt nhé!”. Bạn ấy cười tươi và nói: “Cám ơn chị. Em là người đồng tính và em sẽ luôn sống tốt. Đồng tính không có gì là tiêu cực nên ta hãy bỏ chữ “dù” và “nhưng” chị nhá!”. Đồng tính không tiêu cực. Trong một xã hội, dù là đồng tính hay dị tính đều có kẻ tốt người xấu. Tất cả bình đẳng”.
Khoa bảo, đồng tính không phải là cái tội cũng không phải là xấu. Vấn đề là có nhiều người đang kỳ thị đồng tính. Tuy nhiên, dị tính có người tốt, kẻ xấu và đồng tính cũng giống thế. Thậm chí, có nhiều người đồng tính đang sống tốt, có nhiều thành tựu lớn, đặc biệt trong nghệ thuật. Cậu cũng như những người đồng tính chỉ mong rằng, xã hội không còn kỳ thị, dị tính hay đồng tính.
Câu chuyện của chúng tôi rẽ sang chuyện tình yêu. Khoa chia sẻ, trước đây cũng trải qua vài ba mối tình nhưng đều tan vỡ. Đến năm 12, trong lúc thiếu động lực sống thì người yêu hiện tại xuất hiện. Cậu tự hào: “Người yêu của mình tên Trương Trần Trung H., đẹp trai, cao to, hiền lành và rất thông minh”. H. nhỏ hơn cậu hai tuổi, cùng học trường phổ thông. Tình yêu của hai người đến một cách nhẹ nhàng, lãng mạn.
Mơ một ngôi nhà hạnh phúc Ba năm không quá dài cho một chuyện tình đẹp nhưng cũng đủ để Khoa thấy cuộc đời mình đã có điểm tựa. Cậu hay mơ về giây phút hai đứa cùng ký giấy kết hôn, rồi có một lễ cưới nhỏ, một ngôi nhà nhỏ, tràn ngập yêu thương. Nhưng cậu e sợ một ngày không xa, gia đình H. và cả gia đình mình sẽ đạp đổ mọi mong ước của hai người. |