Họa sỹ và nghệ thuật Thủy mặc Việt
Xã hội - Ngày đăng : 08:31, 21/06/2014
Đối với nền hội họa Việt Nam thì sao? Tất nhiên các tác phẩm thủy mặc còn lưu lại trong một số di tích kiến trúc cổ: đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, trên gốm sứ, sơn mài, đồ đồng, pháp lam, các tranh minh họa trong văn bản cồ, các bản kinh khắc gỗ cổ, thậm chí còn lưu lại tại các bảo tàng Việt Nam, Trung Quốc…
Thời nay vẫn còn có các nhóm họa sĩ sáng tác trong lĩnh vực tranh thủy mặc này, tại Hà Nội có nhóm “Quốc họa” Anh Việt, tại Huế có nhóm “Thư họa” Từ Quảng, Sài Gòn có CLB Mỹ Thuật quận 5 của người Việt gốc Hoa, nhóm họa sĩ Văn Hải… nhưng vẫn còn ảnh hưởng sâu nặng nền quốc họa Trung Quốc từ nội dung, hình thức đến chất liệu, kỹ thuật.
Họa sĩ - Tu sĩ Hoàng Đức Chỉnh Tuệ (đạo hiệu Tuệ Nhật Mặc Nhân), người sáng lập Trung tâm Việt Nam Thư Đạo, ngay sau khi tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Sài Gòn, ngoài thời gian tu đạo, Họa sỹ - Sư thầy đã dành thời gian nghiên cứu sâu về dòng tranh thủy mặc (bộ môn này không có trong chương trình giảng dạy tại Đại Họa Mỹ thuật), với tâm nguyện phục dựng lại thủy mặc trên chất liệu của Việt Nam.
Trên 25 năm hoạt động, sáng tác, nghiên cứu, tổ chức triển lãm, sự kiện… hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ đã được giới thiệu đến với quần chúng và nhiều giới chuyên môn trên mọi miền đất nước. Họa sĩ chủ trương sử dụng phương tiện tinh gọn là mực nước và những chất liệu truyền thống của Việt Nam như giấy dó, lụa tơ tằm hoặc các loại hình cao cấp như pháp lam, gốm sứ… Tính chất Việt luôn được thể hiện rõ nét trong tác phẩm: hiền hòa, giản dị, tinh tế nhưng bản lĩnh, kiên định.
Thoạt nhìn tranh của Hoàng Đức Chỉnh Tuệ, cứ ngỡ là giản đơn, nhưng càng ngắm nhìn lâu càng phát hiện ra chất tinh tế, điêu luyện.
Điều đặc biệt trong tranh thủy mặc của Họa sỹ - Sư thầy có sự chứa đựng chất Thiền của Phật giáo trong mỗi tác phẩm, năng lượng bình an và tĩnh tại mang lại cho người thưởng thức một cảm nhận sâu lắng thú vi.
Muốn vậy, yêu cầu người vẽ phải có năng lượng thanh tịnh trong đời sống hằng ngày thật sự. Trước khi vẽ thầy thường ngồi thiền, đi thiền, buông xả…để tạo nên được bức tranh thủy mặc thanh thoát, nhẹ nhàng, sâu lắng thoải mái.
Tranh thủy mặc của Họa sỹ - Sư thầy giúp cho mọi người có được cảm giác bình an, thanh tịnh và tự tại.
Nhằm tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn Việt, họa sĩ vẽ nhiều về sen và trúc. Việt Nam đã bình chọn hoa sen làm quốc hoa, tranh sen của họa sĩ thể hiện tính chất bình dị, hiền hòa, tinh túy và lòng yêu chuộng hòa bình của dân Việt. Tranh trúc của họa sĩ nêu bật tính dẻo dai, cần cù trong lao động sản xuất, kiên cường anh dũng trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc của người Việt.
Chủ đề tranh thường là mùa xuân với Mai, Đào, Cúc, Trúc, hoa sen, …
Hoa SEN trong tác phẩm thủy mặc của Họa sỹ - Sư thầy, là loài hoa hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học - nhân sinh cao quý, ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt. Họa sỹ cũng muốn gửi ngắm thông điệp hòa bình của người Việt Nam vào trong mỗi tác phẩm Sen.
“Loài hoa ngọc,
từ bùn đen thẳm vực
Đã chuyển luân,
vô nhiễm,
nở bình minh.
(Thơ Hoàng Đức Chỉnh Tuệ)
Hình ảnh “Trúc (Tre) trong tác phẩm của Họa sỹ - Sư thầy là biểu tượng của mẫu người chính trực, bởi loài cây này trần thân lên thẳng, rất vững vàng, cứng cáp mà vẫn dẻo dai trước phong ba bão táp, đổ mà không gẫy, rỗng ruột như tinh thần an nhiên tự tại, không mê đắm quyền vị vật chất.
“Vươn mình thẳng vút trời cao
Bốn mùa luân chuyển,
ngẩng đầu ung dung”
“Trần thân hiến khúc độc hành
Nguyệt rung bóng trúc
một cành diệu âm”
(Thơ Hoàng Đức Chỉnh Tuệ)
Với tác phẩm thủy mặc của thầy ta phải nói đến với những tác phẩm vẽ về “Mai vàng” (tức Hoàng mai), chất chứa đạo lý và tâm tình Việt.
Trong tranh thủy mặc truyền thống, ít có họa sĩ vẽ mai vàng, người Trung Quốc chỉ chuộng màu đỏ nên chỉ vẽ mai đỏ, đào đỏ cầu phúc lộc.
“Mai Vàng” được người Việt yêu chuộng không hẳn chỉ biểu hiện màu sắc, biểu hiện sức sống mùa Xuân, “vàng” còn chứa đựng cốt cách, sự sang trọng, cao quý trong tư chất sống, đạo đức, nhân cách và lợi ích thật sự cho dân tộc, cộng đồng xã hội. Người ta có thể học tập, rèn luyện kỷ năng sống từ “Mai vàng” để cuộc sống có ý nghĩa hơn, mạnh mẽ hơn.
“Xin hẹn một lời với cây ngàn đá cội
Kiếm cung xưa trả cho đất chôn vùi
Xin lặng nhìn trước mai vàng già cỗi
Phút Xuân giao cánh mỏng nở tung trời”
(Thơ Hoàng Đức Chỉnh Tuệ)
Nói đến hoa Mai và Đào ta thường nói đến sắc đẹp, mảnh mai nhưng cứng cỏi, đồng thời như cái lộc trong đầu năm.
Chúng ta thử thưởng thức và chiêm nghiệm: cả 3 lĩnh vực Thi, Thư, Họa của tác giả Hoàng Đức Chỉnh Tuệ:
PHÚC:
Hiếu nghĩa tích hồng phúc
- Nghĩa ân trọn giữ câu thề
Tích đầy quả phúc đường về kết hoa
LỘC:
Trung tín phát lộc tài
- Lộc đời nở giữa tâm tư
Ý thường an tịnh chân như hiện về
THỌ:
Nhàn tâm đắc trường thọ
- Thành nhân ích nước lợi người
Tu thân dưỡng đức sống đời trường niên
Ngoài ra, trong tranh của họa sĩ còn chứa đựng mục đích tôn vinh và nhắc nhở về công ơn dưỡng dục của cha mẹ, về tri đạt, về những bài học làm người, về lẽ vô thường, hay cả những chiêm nghiệm “độc hành vô cô”…
Họa sĩ – Sư thầy còn sử dụng rất nhiều những hình tượng trong tác phẩm của mình. Mỗi hình tượng đều mang những ý nghĩa tâm linh khác nhau rất phong phú.
Nhìn thật kỹ những gì phía sau những tác phẩm thủy mặc này, chúng ta sẽ cảm nhận được tấm lòng của tác giả, cũng là một Họa sỹ - Sư thầy với pháp danh Thích Chỉnh Tuệ. Được biết Thượng tọa ngoài thư họa còn sáng tác âm nhạc, cho hay tất cả đều là phương tiện, hành giả cứ việc sử dụng tùy duyên để hoằng dương đạo pháp.
Họa sỹ tên thật là Hồ Tấn Nghiêm, Bút hiệu: Hoàng Đức - Chỉnh Tuệ, Pháp hiệu: Tuệ Nhật Mặc Nhân. Sinh năm 1963 tại Phú Cát, TP Huế. Họa sỹ Hoàng Đức Chỉnh Tuệ đã từng tốt nghiệp: Cao cấp Phật học, ĐH Mỹ Thuật SG, ĐH MTCN HÀ NỘI. Hiện nay là Ủy viên TW GHPGVN, Ủy viên Ban Văn Hóa Phật Gíao TP HCM, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam Thư Đạo, Trụ trì: Chùa Linh Hội, Hà Tây, Hà Nội. Họa sỹ Hoàng Đức – Chỉnh Tuệ có một đời sống văn học nghệ thuật sôi động, đã xuất bản hàng chục tập thơ, văn, tiểu luận, nghiên cứu; với hơn 25 năm hoạt động trên mọi miền đất nước gồm các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, tổ chức sự kiện, lễ hội, … Ở Huế, họa sỹ đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm, đáng nhắc đến là Triển lãm Thành Tựu Kỷ Niệm 10 năm Giải phóng Cố đô Huế (1985), Triển lãm tại Trường Văn Hóa Nghệ Thuật tại Văn Thánh, Huế (1986). Triển lãm tại Công ty Mỹ thuật Huế tại Gia Hội Huế (1987), Triển lãm các kỳ Festival Huế, Triển lãm Từ thiện “Tình Mẹ” tại TT VH PG Liễu Quán Huế (1996)… Ở các tỉnh thành, họa sỹ đã tham gia tổ chức triển lãm hằng năm Mừng Tết nguyên đán, Phật Đản, Vu Lan; Tham gia Tổ chức Bán Đấu Giá Tranh ủng hộ nạn nhân sóng thần tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM (2002), tổ chức Hội Ngộ Ông Đồ Việt Nam lần 1 tại Hoa Lư Ninh Bình (2010), Triển lãm “Đất Nước Lời Ru” tại TT Văn Hóa Thể Thao Tân Bình, TP HCM (2013)… |