Tiết lộ những tuyệt kỹ võ thuật trên đỉnh Thiên Cấm Sơn (kỳ cuối)

Xã hội - Ngày đăng : 09:36, 01/06/2014

KỲ CUỐI: HUYỀN TÍCH NAM CỰC ĐƯỜNG VÀ KIẾP TRẦM LUÂN CỦA VÕ PHÁI UY LỰC BẬC NHẤT THẤT SƠN

Võ thuật Thất sơn huyền bí và đa dạng vô cùng. Sự phát triển của các hệ phái võ thuật bắt nguồn hay được dưỡng dục tại đỉnh Thiên Cấm sơn đều mang trong mình sự bí hiểm và phục vụ mục đích cứu nước. Chính từ tôn chỉ đầy nhân đạo, yêu nước trên, nhiều hệ phái võ thuật Thất Sơn từng một thời “đứng riêng một cõi” dần bị thế lực thù địch, giặc ngoại xâm dìm vào con đường trầm luân, tan tác. Một trong số đó có võ phái Nam Cực Đường do đạo sĩ yêu nước Bảy Do sáng lập trên đỉnh núi Cấm.

Tiết lộ những tuyệt kỹ võ thuật trên đỉnh Thiên Cấm Sơn (kỳ cuối)

Chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm được xây dựng khang trang trên nền móng Nam Cực Đường của ông Bảy Do

Luyện công, luyện thức để cứu nước

Chùa Phật Lớn nguy nga, tráng lệ sừng sững trên đỉnh núi Cấm đang trở thành địa điểm du lịch thu hút khách vãn cảnh ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, ngoài nét đẹp thủy mặc, mây núi như chốn bồng lai của ngôi chùa gắn liền giai thoại của dãy Thất Sơn hùng vĩ, chùa Phật Lớn còn được biết đến như một huyền tích còn sót lại của hệ thống võ phái Nam Cực Đường với tôn chỉ luyện võ, rèn sức để cứu nước, cứu đời.

Trở thành vị đạo sĩ cuối cùng trụ lại chùa Phật Lớn, đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Trước khi tôi về chùa này thì chùa đã bị giặc Pháp đốt trụi. Tàn tích cũ không còn bao nhiêu, võ phái Nam Cực Đường cũng gần như thất truyền. Tôi là người cuối cùng đến tá túc và lưu lại chùa. Hiện nay, tôi đang là Trưởng ban Quản tự chùa Phật Lớn”. Theo ông, Nam Cực Đường thực chất là vỏ bọc của tình yêu nước và chí cứu quốc của ông Bảy Do. Được biết, người này là cháu của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa nên chịu ảnh hưởng khí tiết kiên trung, yêu nước của gia đình họ Bùi Hữu.

Không như tiền nhân Bùi Hữu Nghĩa, ông Bảy Do (tên thật là Nguyễn Văn Do - PV) không lập thân, thành danh trên con đường thi họa, quan lại mà cố công rèn luyện võ thuật chờ dịp trả thù nhà, cứu nước. Nhận biết tư tưởng lớn lao của Do, giặc Pháp tìm mọi cách giam cầm, thủ tiêu anh thanh niên khí phách khiến ông nhiều bận tha hương. Đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Những năm đầu thế kỷ 20, vùng núi Thất Sơn, đặc biệt là Núi Cấm nổi lên như một khu vực quần hùng tề tựu. Lúc bấy giờ, núi Cấm rậm rạp um tùm, cổ thụ, núi đá, hang hốc ngổn ngang, dễ thủ khó công là nơi để các anh hùng tụ hội, tu thân luyện phép. Đó cũng là lý do ông Bảy Do tìm đến núi này tu luyện”.

Bỏ kiếp tha phương, ông Bảy Do lên núi giao du với những bậc anh tài Bửu Sơn Kỳ Hương và theo học đạo, sống đời đạo sĩ. Ban ngày, ông ngồi xếp bằng trên các tảng đá lớn cheo leo giữa vực thẳm để tụng kinh niệm Phật nhưng đêm xuống lại khổ luyện các chiêu thức võ thuật. Đạo sĩ Ba Lưới nhận định: “Ông Bảy Do là bậc tiền bối, những chuyện của ông tôi cũng chỉ được người xưa kể lại. Sinh thời ông là bậc kỳ tài võ học từng theo nhiều hệ phái trước khi lên núi Cấm. Tuy nhiên, khi lên núi, ngoài việc tự luyện lại vốn võ mình đã có, ông cũng theo các thầy võ Thất Sơn thần quyền trên núi luyện công, luyện phép. Sau cùng, ông kết hợp những gì mình học được, nghiên cứu và sáng tạo ra một loại võ mới rồi thành lập võ đường gọi là Nam Cực Đường”.

Theo đạo sĩ Ba Lưới, uy lực của Nam Cực Đường rất lớn và cũng ảnh hưởng ít nhiều võ thuật Thất Sơn như đọc các bài thần chú khi luyện công, tập thức. Môn phái này chú trọng sức mạnh cơ thể, thiên về cương từng trở thành một võ phái phát triển mạnh nhất khu vực núi cấm lúc bấy giờ. Cộng thêm lòng yêu nước sục sôi, chí lớn cứu nước, ông Bảy Do thu hút được nhiều môn sinh theo học. Để che mắt địch, ông cho dựng võ đường trên đỉnh núi Cấm làm nơi luyện võ thuật, truyền bá tư tưởng yêu nước, tập trung lực lượng. Các buổi khổ luyện võ thuật thường được cụ tổ chức vào giữa đêm khuya trên những tảng đá xanh.

Nói về đặc điểm võ phái trên, ông Ba Lưới cho biết: “Nam Cực Đường ra đời khá sớm nhưng cũng lụi tàn không lâu sau đó nên không mấy ai hiểu, biết nhiều về môn võ này. Chỉ có người từng tu luyện nhiều năm trong núi, có qua lại với những đạo sĩ khác cùng thời với ông Bảy Do mới hiểu chút ít. Tôi cũng không rành lắm, chỉ được nghe kể lại là võ Nam Cực Đường rất uy lực. Người luyện võ này thiên về sức mạnh cơ thể, chỉ cần họ đụng vào đâu là chỗ ấy tan nát, tay họ chụp vào đâu là chỗ đó rách da, lòi xương ngay”.

Kiếp trầm luân của võ phái uy lực bậc nhất thất sơn

Theo lời đạo sĩ, ban đầu võ Nam Cực Đường không chú trọng các bài quyền mà chỉ chú ý các thế đánh uy lực. Võ phái này hướng tới việc lấy ít địch nhiều, lấy một chọi trăm nên võ sinh của môn phái đều được khổ luyện trong những điều kiện khắc nghiệt vô cùng. Trải qua những bài tập như gánh nước lên núi, đeo đá nhảy hố,… cùng các bài thần chú võ sinh có sức mạnh kinh người.

“Vì có chí trả thù nhà, cứu nước, ông Bảy Do chú trọng việc phát triển lực lượng, truyền bá tư tưởng yêu nước, rao giảng đạo pháp. Khi đã có nhiều người theo học, ông Bảy Do không cho luyện các chiêu thức võ thuật như các môn phái khác nữa mà chuyển sang dạy các bài giáp chiến, kỹ thuật đánh giáp lá cà, cách sử dụng đao, thương chiến trận. Do vậy mà sau này, không còn ai nhớ, biết đến tên quyền, chiêu thức của Nam Cực Đường như các môn võ khác. Đặc biệt là từ khi môn phái này bị giặc Pháp theo dõi, tìm cách hủy diệt”, đạo sĩ Ba Lưới cho biết.

Mặc dù đã ẩn mình, tu tiên trong vai một đạo sĩ rao giảng đạo pháp, bốc thuốc cứu đời, tinh thần yêu nước của cao nhân Bảy Do không qua mắt được lũ giặc cướp nước. Khi có tin về vị đạo sĩ có y thuật cao minh, võ nghệ cao cường xuất hiện trên núi Cấm, ngay lập tức chúng cài người theo dõi ông. Để cản trở việc ông tu tập, chúng nhiều lần xua đuổi, đốt phá hang động, nơi ông dùng để nghỉ ngơi, sinh hoạt. Để che mắt, ông tự tay đắp tượng Phật, mở võ đường dạy võ. Tuy nhiên, không được bao lâu sau ngày Nam Cực Đường ra đời với số môn sinh lên đến hàng ngàn người thì chùa Nam Cực Đường bị đốt trụi. Mở đầu cho kiếp trầm luân của môn võ uy lực bậc nhất Thất Sơn.

Ông Ba Lưới kể: “Võ đường mở được vài năm đã có hàng ngàn người tham gia. Tuy nhiên, giặc Pháp cũng bắt đầu nghi việc ông Bảy Do tụ tập, chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa. Chưa bắt được quả tang, bọn chúng cài người giả xin vào học võ rồi mật báo về cho chủ tỉnh Châu Đốc. Cuối cùng, sau khi đã biết hết các cơ sở bí mật, những khu vực chứa vũ khí, thuốc men, chúng cho quân ập lên núi lục soát và phát hiện giáo mác, gươm đao, thuốc men, nồi, chảo lớn, gạo để nấu cho cả một đội quân ăn. Chúng gạt phăng lý do là những đồ vật ấy dùng vào việc trị thương, luyện võ, nuôi đệ tử của chùa và bắt ông Bảy Do cùng những đệ tử thân tín. Chùa Nam Cực Đường bị đốt trụi, võ phái Nam Cực Đường tan hoang”.

Sự sụp đổ của võ phái này nhanh chóng đến nỗi, đến nay, ngoài đạo sĩ Ba Lưới hiện đang là Trưởng ban Quản tự chùa Phật Lớn (ngôi chùa được xây trên nền móng cũ của Nam cực đường – PV), không còn ai biết về võ phái Nam Cực Đường của ông Bảy Do. Theo lời ông Ba Lưới, sau ngày ông Bảy Do bị bắt nhốt ở Sài Gòn rồi bị đày ra Côn Lôn cũng có vài đệ tử chạy thoát, quay về chùa nhang khói nhưng không được bao lâu. Đặc biệt, việc cụ Bảy Do cắn lưỡi tuẫn tiết ở Côn Lôn trước sự cám dỗ, lôi kéo của giặc Pháp lan xa, càng khiến các đệ tử môn phái trên đau lòng, không còn đủ tự tin khôi phục võ phái Nam Cực Đường. Võ đường gần như biến mất.

Từng là môn phái uy lực nhất, đông đệ tử nhất Thất Sơn

Đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Sau khi ông Bảy Do chết, võ phái tan hoang, có một để tử của võ phái trốn thoát trở về chùa cũ, dựng một cái am nhỏ để nhang khói cho ông Bảy Do. Nhưng, người này cũng chỉ được dạy các bài học giáp chiến và thời gian gia nhập Nam Cực Đường chưa lâu nên không biết gì về các chiêu thức của môn võ này. Từ đó, chùa càng ngày càng vắng. Mãi đến sau này, có một người tên là Trương Minh Thành tìm đến, xây chùa ở nơi có tượng Phật do ông Bảy Do để lại để tu tập. Ông đổi tên chùa là chùa Phật Lớn. Sau đó cũng nhiều đạo sĩ tới lui nhưng không ai gắn bó lâu bền cả, duy chỉ có tôi ở lại từ đó đến giờ. Nhưng thú thực, tôi không phải là người của môn võ này, môn phái này cũng không còn ai là truyền nhân nên không ai biết tường tận về chiêu thức, kỹ năng, thậm chí là khẩu quyết của Nam Cực Đường nữa. Cho đến giờ, không ai biết là Nam Cực Đường từng là môn phái uy lực nhất, đông đệ tử nhất Thất Sơn”.

 

Khổng Tước