Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 1): Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo

Xã hội - Ngày đăng : 20:39, 23/05/2014

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Cồn Cỏ hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”...

50 năm đã qua đi, những con người “mình đồng, da sắt” vượt muôn ngàn trùng khơi, dưới mưa bom, bão đạn để chiến đấu, tiếp tế cho đảo vẫn vẹn nguyên ký ức hào hùng năm xưa. Trong đó, một món quà đặc biệt là chiếc đài cát - sét do Bác Hồ gửi tặng...

Đảo Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, ở vị trí 17,2 độ vĩ bắc; 107,7 độ kinh đông, cách địa đạo Vĩnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị khoảng 25km về phía Đông, điểm cao nhất so mặt nước biển là 63,4m. Tổng diện tích tự nhiên là 230ha nhưng Cồn Cỏ lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Trung Bộ, có vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải, là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.

Cuộc chiến dưới mưa bom, bão đạn

Chúng tôi tìm về thôn Vĩnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị), ông Hồ Hữu Cống, Bí thư thôn niềm nở tiếp đón khách và nhiệt tình đưa đi gặp những con người lịch sử. Nhấp chén nước trà, ông Hồ Văn Xuyên (79 tuổi) tiếp tục dẫn PV qua nhà ông Hồ Văn Triêm (gần 80 tuổi, cùng thôn) để cùng kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt và quá khứ hào hùng của đời mình. Tuy giọng nói có chút yếu nhưng những chiến tích năm xưa vẫn khắc ghi trong tâm trí người lính già. Giữa lúc đất nước bị chia cắt làm hai miền, đảo Cồn Cỏ cách đó không xa cũng chịu sự bắn phá ác liệt của kẻ thù, các ông cùng hàng triệu người Việt Nam khác đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất hai miền. Vĩnh Thạch nằm gần với đảo, nên được đơn vị giao trọng trách tiếp tế lương thực, đạn dược phục vụ đồng đội ở ngoài tiền tiêu.

Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 1): Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo

Ông Triêm và ông Xuyên nhớ lại ký ức năm xưa

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) một thời gian dài, đảo chưa có người ở. Mùa thu năm 1959, trước âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn lăm le chiếm đảo, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh và Chính ủy E270 thuộc đặc khu Vĩnh Linh, một Trung đội pháo 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy, vượt sóng gió trùng dương ra đảo. Đúng 11 giờ ngày 8/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. Hai ngày sau khi lực lượng vũ trang đặt chân lên đảo, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền đưa tàu chiến đến vây đảo, ta nổ súng cảnh cáo buộc chúng phải bỏ chạy.

Bị thất bại trong chiến tranh cục bộ tại miền Nam, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ để lấy cớ liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Đảo Cồn Cỏ là một trong những mục tiêu mà kẻ địch muốn tiêu diệt đầu tiên. Ngày 8/8/1964, Mỹ, Ngụy huy động 60 lần chiếc máy bay chia thành nhiều hướng tấn công vào Cồn Cỏ. Trận đầu ra quân, cán bộ chiến sỹ Cồn Cỏ đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, bắn tan hai máy bay và bắn bị thương một máy bay khác của địch, mở đầu cho những chiến công nối tiếp của 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù với gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ của Cồn Cỏ bất khuất, anh hùng.
Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo

Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 1): Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo

Những ụ súng trên đảo Cồn Cỏ

Đảo sống là nhờ có đất liền. Từ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước ngọt đều nhờ vào đất liền tiếp tế ra. Từ tháng 5/1965 trở đi, tình hình trên đảo khá nguy nan: Gạo ăn đã cạn, đạn bắn phải tính từng viên, nước ngọt thiếu thốn. Sau trận đánh phá đầu tiên, một quả bom rơi trúng bể chứa nước mưa, đảo hết sạch nước ngọt. Bộ đội ta phải chặt chuối rừng vắt lấy nước uống. Trong lúc đó, địch cho tàu chiến vây quanh bịt kín mọi lối ra vào giữa đảo với đất liền. Địch hy vọng trong một thời gian ngắn, đội quân nhỏ bé trên đảo không đầu hàng cũng phải chết gục vì đói khát. Đầu tháng 6/1965, Đảng uỷ khu vực phát đi lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”, phát động toàn bộ Đảng bộ quân dân Vĩnh Linh quyết tâm giữ đảo đến cùng. Ở đảo nêu khẩu hiệu “Còn đất liền, còn đảo”. Đất liền đáp lại “Còn đảo, còn đất liền”. Có hàng ngàn lá đơn gửi lên xã, lên khu vực xin đi tiếp tế đảo, trong đó có những lá đơn viết bằng máu.

Ông Xuyên kể: Giữa tháng 6/1965 trở đi, nhiều đoàn thuyền chở vũ khí, lương thực, nước ngọt rời bến ra tiếp tế cho đảo. Có những chuyến đi trót lọt nhưng có nhiều chuyến bị tàu chiến địch bắn đuổi, bao vây, có người, có thuyền không trở về. Con đường mở ra bao thử thách, hy sinh. Ban đêm, tàu địch dàn hàng ngang nã đại bác vào bờ, bắn pháo sáng. Ban ngày, chúng cho máy bay trinh sát thám thính từ sáng đến chiều, hễ thấy thuyền và người trên biển là chúng gọi máy bay phản lực đến bắn phá. Lúc này, thuyền gỗ trở thành phương tiện chủ yếu và lợi hại nhất trong việc tiếp tế đảo vì thuyền nhỏ dễ luồn lách cơ động. Để bảo vệ lực lượng tiếp tế cho đảo, một số hoả lực của ta được trên điều ra gần sát bờ biển, đồng thời trang bị vũ khí, huấn luyện cách đánh cho những người đi biển, ta cũng tổ chức hợp đồng tác chiến giữa pháo mặt đất và pháo ở đảo với những dân quân tiếp tế đảo. Hàng ngàn tấn vũ khí pháo 85 ly, cao xạ pháo 14,5 ly, lương thực, vật dụng đã được đất liền chuyển ra đảo, làm cho các chiến sĩ ở đảo đỡ thiếu thốn và đủ sức chiến đấu liên tục. Nhưng cái giá phải trả cho mỗi viên đạn, mỗi bát gạo phải đổi bằng cả tính mạng.

Đảo Cồn Cỏ ngày càng bị bắn phá hết sức dữ dội. Tình thế nguy cấp khi tàu của ta không thể tiếp cận được với đảo để tiếp tế lương thực và đạn dược. Ngoài biển luôn có tàu tuần tiễu của Hạm đội Mỹ canh giữ. Tàu của ta đến với đảo luôn bị phục kích và bắn phá. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đã có biết bao nhiêu người lính đã dũng cảm vượt mưa bom bão đạn vận chuyển lương thực, đạn dược từ đất liền tiếp tế cho đơn vị ở đảo Cồn Cỏ, nhiều người một đi không trở lại. Ông Xuyên nhớ lại: Trận đánh ngày 8/4/1965, đơn vị xuất phát bốn thuyền, mỗi thuyền 6 người, cách đảo 15km thì xuất hiện bốn tàu địch từ phía Nam ập tới. Khi đó, chỉ huy đất liền đề nghị rút lui để đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa. Tuy nhiên, ta mới rút được khoảng 500m thì bị địch bao vây. Quân ta chỉ có súng nhỏ, ĐKZ, B40, B41, khó mà chọi được với hỏa lực của địch. Khi địch bắn pháo sáng, thuyền ta nổ súng đánh phủ đầu. Địch có súng máy bắn như mưa về phía ta. Trong khoảng 30 phút giao tranh ác liệt, hai thuyền ta bị dính nhiều đạn, đồng chí Nguyễn Trí hy sinh (lúc này anh 19 tuổi), ông Xuyên và anh Sung thì bị thương nặng, lặn xuống biển, dìu nhau bơi vào bờ. Thấy không giữ được thuyền, anh Triêm chỉ huy anh em ném hàng hóa, súng đạn xuống biển, rời tàu lặn xuống biển. Đồng chí Toàn bơi được khoảng 2km thì hy sinh, do trước đó đã bị trúng đạn. Đồng chí Kiên lênh đênh trên biển hai ngày, hai đêm thì được cứu sống.

Món quà đặc biệt của Bác Hồ

Ông Hồ Văn Triêm hào hứng kể: Ngày 29/6/1965, ông Thiêm, anh Xuyên và hai đồng chí khác được lệnh lên gặp Ban Chỉ huy. Cả nhóm được giao nhiệm vụ vận chuyển một chuyến hàng đặc biệt, sau này mới biết là ngoài súng, đạn hàng hóa còn có chiếc đài cát - sét do Bác Hồ tặng cho chiến sỹ trên đảo. Hôm đó, anh em ăn cơm sớm, chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Khi xuất phát khỏi bờ chưa xa thì máy bay địch phát hiện, ném bom tới tấp, ta buộc phải rút lui đảm bảo an toàn. Không nản trí, nhóm xiết lại đội hình tiếp tục lao ra biển. Vì cấp trên tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng nên các đồng chí khi lên đường đã xác định thà hy sinh chứ không chịu lùi bước. Bốn thuyền của ta xuất phát vượt qua muôn trùng sóng gió, khi còn cách đảo vài km thì địch phát hiện bắn phá dữ dội. Ta cố hết sức nhanh chóng chèo vào bờ và tránh các quả pháo của địch, một thuyền trúng đạn nhưng chỉ có hai đồng chí bị thương được dìu lên thuyền khác. Ba thuyền còn lại nhanh chóng chèo, pháo ta từ đảo bắn ra yểm trợ nên thoát được. Khi dỡ hàng mới biết có chiếc đài của Bác Hồ tặng, Chỉ huy mở đài và mang đi khắp đảo, tất cả các chiến sỹ reo hò, vui sướng, quyết chiến, quyết thắng để không phụ lòng tin tưởng của Bác, của Đảng.

Sức sống trên đảo tiền tiêu (Kỳ 1): Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo

Bom, đạn mà kẻ địch đã trút xuống đảo

Cuộc chiến ngày càng ác liệt, Đại tá Trần Tha ra lệnh phải mở đường máu tiếp tế cho đảo. Đêm 26/6/1966, bốn thuyền, 24 đồng chí nhận lệnh xuất quân. Khi ra cách đảo khoảng 10km thì bốn tàu địch xuất hiện, hai bên giao tranh ác liệt hơn 50 phút. Thuyền anh ruột tôi là Hồ Văn Tỷ bị bắn phá ác liệt. Đồng chí Xuyền anh dũng hy sinh, anh Tỷ bị thương nặng, thuyền chìm xuống biển. Cả nhóm được lệnh nhanh chóng tiến về phía đảo để bốc hàng. Xong, quay ra tìm các anh em bị thương, đi được 800m vớt được hai thương binh là Hồ Tân (em trai đồng chí Xuyên) và Lê Tiêm. Sáng ngày 27/6, anh Duệ, anh Đức dìu anh Tỷ vào bờ nhưng do vết thương quá nặng, anh Tỷ đã hy sinh. Ông Triêm nhớ lại.

Trong những năm 1967-1968, Mỹ điên cuồng dùng máy bay đánh phá Cồn Cỏ. Dưới mưa bom bão đạn, gian khổ hy sinh, nhiều chiến sỹ đã viết thư bằng máu với lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo”. Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, Cồn Cỏ anh hùng đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Gần 200 đồng bào, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh để dựng nên một tượng đài Cồn Cỏ anh hùng, mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc. Với những thành tích đã đạt được, đảo Cồn Cỏ hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Lần thứ nhất vào ngày 1/1/1967, lần thứ hai vào ngày 25/8/1970; ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì; ba Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; bốn Huân chương Chiến công hạng Nhất và hàng chục phần thưởng cao quý khác. Có năm cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

Kỳ 2: Sức sống trên đảo Cồn Cỏ

Thanh Phương