Chuyện về người nữ dân công hỏa tuyến ở Định An
Xã hội - Ngày đăng : 13:34, 25/04/2014
Người nối liền hậu phương với tiền tuyến
Chúng tôi tìm về xã Định An (Yên Định, Thanh Hóa) tìm gặp “gia đình Điện Biên” năm xưa vào một ngày đầu tháng Tư, khi những bông hoa gạo ngời lên sắc đỏ. Dừng xe đầu xã, hỏi thăm nhà bà Đỗ Thị Biêng, dân công hỏa tuyến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tất cả dân làng đều lắc đầu, họ bảo: “Năm xưa ở đây, cả làng, cả tổng ai cũng tham gia chiến dịch thì làm sao nhớ được. Với lại, hầu hết đều “về với tổ tiên” cả rồi. Giờ còn lại vài người nhưng toàn gọi bằng tên con, tên cháu thôi!”. Như cái duyên kỳ ngộ, khi chúng tôi vào một nhà thì trúng ngay địa chỉ cần tìm.
Nghe tôi ngỏ lời muốn nghe kể lại kỷ niệm hồi tham gia dân công Điện Biên, bà Đỗ Thị Biêng cười: “Tui già quá rồi, nhớ gì được nữa!”. Nói vậy nhưng trong mắt bà có điều gì đó rưng rưng, xúc động. Thấy có khách lạ, anh con trai của bà Biêng cũng kéo ghế góp chuyện. Anh bảo: “Có đến mấy chục năm nay, chú là người duy nhất gợi lại ký ức thời tuổi trẻ của mẹ tôi!”. Hóa ra, trong chiến dịch Điện Biên năm xưa, không chỉ có bà Biêng mà cả gia đình bà gồm gần chục người con, cả trai, gái, dâu, rể đều tham gia chiến trường. Người thì đi dân công, người tham gia bộ đội. Nay, người còn, người mất, ký ức xưa ùa về, bà phải cố mãi mới có thể sắp xếp cho thành chuyện.
Đoàn xe thồ đi vào huyền thoại (ảnh tư liệu)
Ngày ấy, vào khoảng đầu năm 1953, khi bà Biêng vừa tròn đôi mươi. Nhìn cha mỗi đêm hối hả cùng bà con trong làng gom thóc, xay, giã, đóng gạo vào xe thồ vận chuyển lên chiến trường Điện Biên, rồi lại chứng kiến các anh em trong gia đình lần lượt khoác ba lô ra trận, bà Biêng cũng ao ước có ngày được cha đồng ý cho tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến. Ao ước ấy rồi cũng thành hiện thực, ngày bà nhập vào đoàn dân công của xã, cha đã chuẩn bị cho bà hai chiếc bồ nhỏ, mỗi chiếc có thể đựng được 10kg gạo, một túi ruột tượng đựng 5kg gạo để bà ăn dọc đường. “Trước khi lên đường, ông ân cần căn dặn tôi phải chịu khó, chịu khổ đi cho đến nơi đến chốn. Tuyệt đối không được đụng vào một hạt gạo của bộ đội. Hết thì phải xin ăn ở của đồng bào dọc đường. Rồi ông động viên, “giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh con ạ”!, bà Biêng bồi hồi nhắc lại kỷ niệm xưa.
Theo đoàn dân công tải lương lên Điện Biên Phủ, bà và đoàn phải đi nhiều đường khác nhau và luôn phải đánh lạc hướng mật thám, máy bay địch. “Khi mới tham gia vận chuyển lương thực, cứ mỗi lần nghe tiếng máy bay oanh tạc là tôi sợ lắm, nhưng sau vài chuyến rồi thành quen. Chúng quần đảo mặc kệ, mình cứ đi, miễn sao ngụy trang cho tốt để tránh lộ đội hình là được”, bà Biêng cười để lộ hàm răng đen nhánh. Theo bà thì ngày ấy, không chỉ đường ra trận mới vui như đi hội mà ở quê nhà cũng nhộn nhịp, khẩn trương, tất cả vì Điện Biên, vì cụ Hồ. Ngay sau khi nhận được chỉ thị cung cấp người và của cho chiến trường Điện Biên, mỗi gia đình trong làng đã tự nguyện hiến cho kháng chiến một tạ thóc, rồi chủ động gia công thành gạo, và tiếp tục tham gia vận chuyển. Người không có điều kiện đi dân công, đi bộ đội thì ở nhà lo tăng gia sản xuất, đảm việc cho người ra đi. Cả làng, cả xã Định An đêm nào cũng nhộn nhịp như chuẩn bị cho ngày hội lớn.
Để có được chiến thắng chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954, đã có hàng ngàn, hàng vạn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến như bà Biêng ngày đêm vận tải lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên xung phong cũng góp phần không nhỏ trong việc mở đường và các công việc hậu phương cho chiến dịch. Mở đầu chiến dịch, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo (giao tại Hồi Xuân), 100 tấn thực phẩm (giao tại Sơn La). Đợt 2, đầu tháng 3/1954 Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22 đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn ba ngày. Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, Trung ương giao Thanh Hóa huy động đợt 3 với chỉ tiêu 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm. Lúc này, thóc dự trữ của tỉnh không còn, mùa cũng chưa đến kỳ thu hoạch, bà Biêng cùng các cán bộ cách mạng phải đến từng gia đình vận động. Nhân dân đã “dốc bồ” cung cấp cho tiền tuyến những hạt thóc cuối cùng, nhiều gia đình phải ăn ngô non, khoai sắn thay cơm để dành gạo cho tiền tuyến. Những tấn gạo mà các mẹ, các chị, các em thức thâu đêm để vò đập, rang, giã là nghĩa tình sâu đậm của hậu phương được gửi ra tiền tuyến. Trong cả ba đợt vận chuyển lương thực đó, bà Biêng đều tham gia từ đầu đến cuối.
Không chỉ đi đầu cả nước về phong trào dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, quê hương Thanh Hóa của bà Biêng còn tự hào là nơi đã phát kiến sử dụng xe đạp thồ để vận chuyển lương thực ra chiến trường. Ngày đó, hình ảnh những đoàn xe đạp thồ từ miền Tây Thanh Hóa băng rừng, lội suối, trèo đèo rồi vượt qua suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi, đến Sơn La đã trở nên quen thuộc với đồng bào sinh sống trên khắp các cung đường Tây bắc.
Bà Đỗ Thị Biêng (bên trái) và em gái kể về một thời hào hùng khi tham gia đoàn dân công hỏa tuyến
Đường đi từ Thanh Hóa lên chiến trường Điện Biên ngày đó vô cùng khó khăn, hiểm trở. Nhiều đoạn không chỉ có núi cao, vực thẳm, suối sâu, thác ghềnh mà những dân công hỏa tuyến như bà Biêng còn phải đối mặt với muỗi, vắt, côn trùng, đó là chưa tính đến nỗi lo bom đạn của giặc có thể trút xuống bất cứ lúc nào… Lúc mới chở, mỗi người trong đội của bà Biêng chỉ thồ được 80kg hàng, sau đó động viên nhau lên 100kg, 150kg. Khi trọng lượng hàng hóa lên đến 200kg thì nhiều người không tin có thể nâng lên nặng hơn được nữa vì nhiều đoạn đường khó khăn, chênh vênh trên sườn núi cao, lại phải đi trong đêm tối, đường trơn, mưa rét. Nhưng, với tình thần “tất cả cho tiền tuyến”, nhiều anh chị em trong đội của bà Biêng thi nhau lập kỷ lục về trọng tải thồ. Không bao lâu, phong trào thi đua này đã lan ra toàn tuyến...
Thoắt cái mà đã 60 năm, sau bao dâu bể đổi thay, chiến trường xưa giờ đã hóa những đồng lúa bát ngát, con đường tải lương huyền thoại xưa của dân công hỏa tuyến giờ đã được rải nhựa phẳng lỳ và trở thành con đường huyết mạch của miền Tây tỉnh Thanh Hóa nối với các tỉnh và thông thương với nước bạn Lào. Những con người làm nên chiến thắng Điện Biên năm xưa cũng lần lượt về với đất mẹ, hòa mình với núi sông. Nhưng, những gì họ đã hiến cho non sông này sẽ mãi là bản anh hùng ca bất tử.
Bà Biêng bảo: “Những người cùng thế hệ tham gia dân công hỏa tuyến với tôi giờ hầu như đã khuất bóng cả. Đến khi chết cũng không một lời kể công, đòi hỏi chế độ này, chế độ nọ. Cả thế hệ chúng tôi đều xem đó là kỷ niệm hào hùng một thời son trẻ, xem việc được góp chút sức lực nhỏ bé của mình vào chiến thắng lừng lẫy của cả dân tộc là một niềm vinh dự, tự hào”.
Có lẽ, đó cũng là suy nghĩ của mỗi người dân Việt Nam ở thế hệ bà Biêng. Họ luôn cháy bỏng lòng yêu nước và trách nhiệm với non sông. Chính điều đó cộng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp quân và dân ta làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.