Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 1)

Xã hội - Ngày đăng : 10:12, 18/04/2014

Từ nhiều năm nay, giải quyết hài hòa mối quan hệ trong sử dụng, quản lý tài nguyên rừng với cộng đồng người dân địa phương là bài toán khó.

Việc đảm bảo lợi ích của các Ban quản lý rừng, bảo vệ và phát triển bền vững rừng và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống trong khu rừng là việc làm không dễ. Đặc biệt là những khu vực dân cư sống trong lõi rừng, không có đất nông nghiệp để sản xuất khiến cho việc mưu sinh càng trở nên khó khăn gấp bội. Hệ quả tất yếu là rừng sẽ bị tàn phá, người dân trở thành lâm tặc hoặc tiếp tay cho kẻ xấu…

Kỳ 1: “Chảy máu” rừng

Chọn một ngày nắng ráo, chúng tôi tìm tới bản Nà Đang, thuộc xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa - nơi người dân sống lọt thỏm giữa rừng già. Trên đường hành quân vào bản, đập vào mắt chúng tôi là những gốc cây vừa mới bị đốn hạ, bên cạnh đó, có nhiều cây cũng cùng chung số phận nhưng chưa kịp lấy đi, dọc lối vào vẫn còn những bìa gỗ nằm la liệt… Rừng đang ngày đêm âm ỉ “chảy máu”.

Bước chân khỏi nhà là đất rừng!

Bản Nà Đang cách trung tâm xã Lâm Phú khoảng hơn 12km, sau hơn nửa ngày vật lộn với những đoạn đường lầy lội, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn hai bên là vực sâu thẳm thẳm, lối mòn chỉ rộng khoảng 50cm, chúng tôi mới vào được bản. Đây là vùng lõi của rừng phòng hộ Sông Lò, nơi giáp ranh giữa hai huyện Lang Chánh và Quan Sơn và gần với biên giới Lào.

Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 1)

Đường vào bản Nà Đang rất khó khăn

Sau nhiều lần nghỉ giải lao, được tiếp sức bằng gói mỳ tôm sống và vắt cắn đầy chân, chúng tôi cũng nhìn thấy những ngôi nhà sàn. Ông Vi Thiện Lương, Trưởng bản Nà Đang cho biết: Cả bản có 50 hộ, hơn 200 nhân khẩu, người dân tộc Thái. Diện tích trồng lúa 9ha và một ít đất khai hoang để trồng ngô, người dân không được giao đất rừng (đất 02). Ruộng bậc thang lại bị các quả đồi và cây cối che phủ nên năng suất rất thấp, mỗi sào thu hoạch được khoảng 40-50kg. Người dân bước chân xuống khỏi nhà là đất của lâm trường. Do đời sống quá khó khăn, diện tích làm nông nghiệp quá ít ỏi, năng suất lại chẳng được bao nhiêu, nhiều người nghe theo lời dụ dỗ vẫn đi chặt, vận chuyển gỗ thuê, có khi họ làm nhà thiếu vài cây cũng vào rừng đốn, rất khó quản lý hết. Cách đây mấy tháng, kiểm lâm vào lập biên bản, thu, vận chuyển gần 60 cây gỗ tại các nhà dân ra ngoài. Người dân ở đây chỉ mong sao Nhà nước dùng máy ủi san mặt đường cho dễ đi. Bà con sống trong vùng lõi rất khó khăn trong công tác giữ rừng, chưa nói đến bọn lâm tặc. Mặc dù chính quyền địa phương cùng với kiểm lâm đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng chặt phá rừng vẫn xảy ra. Rất khó để kiểm soát hết bởi lâm tặc theo dõi lúc nào vắng người là ra tay. “Dọc đường vào các chú thấy, những tấm bìa chúng xẻ xong vứt lại, chủ yếu chúng dùng xe máy chế thêm hai que sắt trên yên xe để dễ bề vận chuyển. Có hôm tôi ra xã đi họp, trên đường về, vì tránh bọn chúng mà ngã sưng cả chân, chủ yếu chúng đốn sến, táu, chúng phá rừng rải rác, không tập trung một nơi, có lúc chúng dùng cưa xăng, lúc dùng rìu hoặc cưa bằng tay”, ông Lương bức xúc.

Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 1)

 Ông Nguyễn Duy Vĩnh Hạt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh trao đổi với PV

Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú, các khu, điểm có nhiều gỗ bị đốn hạ nhất là khu lô 10, dốc Ông Viện, Mè Giàng, Lán Cháy. Những loạt gỗ bị chặt phá nhiều nhất là táu, sến, vàng cương, mỡ... Tại khu vực Lán Cháy, nhiều cây vừa bị đốn hạ. Bọn lâm tặc thường lợi dụng vào những hôm trời mưa, lúc còn tối, hay sáng sớm dùng cưa xăng đốn hạ những cây gỗ quý có đường kính từ 30 - 45cm, sau đó xẻ thành những tấm gỗ nhỏ, dùng xe máy hoặc trâu lôi ra khỏi rừng. Không khó để bắt gặp những gốc cây vừa mới bị khai tử, vết chặt đang còn đỏ thẳm như đang chảy máu; những cây to người ôm không hết đã bị đốn hạ nhưng chưa bị lâm tặc chuyển đi, có những cây nằm bên cạnh bờ suối chờ nước lớn để xuôi dòng… Cách đây không lâu, tại xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân, Thanh Hóa), tình trạng rừng chảy máu xảy ra một cách nghiêm trọng, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa phải vào cuộc gắt gao mới chấn chỉnh được tình trạng trên.

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Câu chuyện phá rừng vẫn cứ lặp đi lặp lại và điệp khúc “người dân sống ở vũng lõi nên rất khó khăn trong công tác bảo vệ rừng”… vẫn thường xuyên được nhắc đến mỗi khi rừng bị tàn phá. Thay vì tìm hướng giải quyết khác cho 60 hộ dân bản Nà Đang như giao khoán cho họ trông coi bảo vệ rừng, cấp đất thêm để họ canh tác, hoặc di dời họ khỏi vùng lõi… chính quyền các cấp nơi đây vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết. Nhưng con người vẫn phải sống qua ngày nên phương cách tốt nhất để họ tồn tại là… vào rừng.

Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 1)

Lâm tặc ngang nhiên xẻ gỗ dọc đường

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò cho biết: “Trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ phá rừng lẻ tẻ, chúng tôi đã kịp thời bắt giữ, xử phạt hành chính. Tại lô 10 là điểm nóng. Số bìa gỗ còn xót lại, chúng tôi đã kiểm tra là cây gỗ mỡ. Hiện, còn khoảng 4 khối gỗ chúng tôi đã xử phạt nhưng chưa thể đưa ra khỏi rừng vì đường lầy lội. Rừng phòng hộ Sông Lò với tổng diện tích khoảng 10.427ha. Riêng xã Lâm Phú (Lang Chánh) có khoảng 2.900ha nhưng lực lượng trên các địa bàn khá mỏng, rất khó khăn trong công tác bảo vệ rừng… Người dân sống trong vùng lõi không có đất canh tác, gây rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng”.

Sức ép giữa mưu sinh và bảo vệ rừng (kỳ 1)

Nhiều gốc cây bị đốn hạ

Ông Nguyễn Duy Vĩnh Hạt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh cho biết: “Người dân bản Nà Đang sống giữa rừng nhưng không được giao đất rừng, ngoài những vụ lâm tặc vào khai thác, rất nhiều trường hợp các hộ dân đốn gỗ làm nhà. Mấy tháng trước, sau khi kiểm kê số gỗ cũ tại các hộ, chúng tôi đã thu hơn 60 cây gỗ mà các hộ khai thác, cất giấu từ lâu để làm nhà. Việc khai thác gỗ trái phép dốc ông Viện, lô 10… thuộc bản Nà Đang là có thật. Cuối năm 2013, có những địa điểm lâm tặc khai thác hàng chục m3. Số gỗ này nằm dưới một cái khe trên đường vào Nà Đang nhưng không thể mang về Hạt để xử lý vì đường đi lại rất khó khăn. Chúng tôi thuê người dân địa phương bốc vác, vận chuyển đưa về Hạt nhưng người dân đều từ chối vì sợ lâm tặc trả thù. Hiện nay, Hạt đã tăng cường thêm hai cán bộ về xã Lâm Phú. Về lâu dài, cần phải xem xét đến việc ổn định đời sống cho người dân. Đặc biệt là chia sẻ lợi ích từ rừng, trình các cấp có thẩm quyền để chia đất cho dân, nếu không, vấn đề bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn...”.

(Còn nữa)

 

Thanh Phương