Chuyện về “vua gió” của đồng bào J’Rai
Xã hội - Ngày đăng : 13:36, 28/02/2014
Nhằm mang đến sự thịnh vượng cho dân làng mùa màng xanh tốt, ngoài ra còn có thể chữa trị căn bệnh điên và nhiều bệnh khác mà dân làng gặp phải… Đó là niềm tin và phong tục của người đồng bào J’Rai trong hàng chục năm về trước, ngôi vị vua gió (Pơtao Agin) được truyền từ đời này sang đời khác cho những người thân cận trong dòng họ có huyết thống, dòng máu của dòng tộc mang sứ mệnh cao cả này. Tuy nhiên, đến đời vua thứ 6 khi nối ngôi vua gió đời thứ 5 Siu Bam được 4 năm thì bất ngờ không làm vua nữa, từ đó đến nay, ngôi vị vua gió đang bỏ ngỏ và có nguy cơ bị thất truyền.
Sự kỳ bí và trách nhiệm của các vị Pơtao Agin
Đi ngược từ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai khoảng 100km thì đến làng Plei Măng - trung tâm thị trấn Phú Thiện (xã Chư A Thai cũ), chúng tôi tìm hiểu về các đời vua gió, gặp bà Ksor H’ nhriu (con gái của vị vua gió đời thứ 5 Siu Bam) cũng là người lưu giữ những tín vật của vua gió để lại và nghe bà kể chuyện về vua cha của mình, vị vua có thể được xem là trọn vẹn cuối cùng của các đời vua gió.
Bà Ksor H’nhriu
Quá khứ về vị vua cha đã khuất của mình như dần hiện ra trước mắt bà, trong mắt bà và tất cả dân làng trong vùng, vua gió là một ông vua không giống như những ông vua khác, mà là một ông vua của sự yên bình, thịnh vượng và thân thiện.
Vị vua này có quyền lực cao siêu trong việc gọi mưa, gọi gió và giải quyết khó khăn của dân làng mỗi khi mùa màng thất bát, hạn hạn kéo dài và chữa trị một số bệnh dân làng gặp phải và chủ yếu là bệnh điên…
Tuy nhiên, mang tiếng là vua của cả vùng Tây Nguyên rộng lớn nhưng ông vua này khi đã qua thời gian thử thách thì phải thay đổi chỗ ở, không được phép ở giữa làng đông đúc dân cư mà chỉ được ở ngoài rìa của các bản làng, sống có phần biệt lập, tránh gặp dân chúng và nhất là trẻ em trong làng. Người J’Rai quan niệm là trẻ em gặp phải vua gió thì sẽ hay đau bụng vì có một luồng gió chạy ngang qua và chỉ khi vị vua này dùng nước miệng của mình cho lên bụng của người đó thì sẽ khỏi đau bụng.
Ngoài ra, khi đảm nhận ngôi vị này, nhà vua sẽ phải kiêng các loại thức ăn như thịt bò, dê, ếch… và không sát sinh, họ cho rằng nếu phạm phải điều này thì quyền lực sẽ không còn nữa, vua gió vẫn phải lao động và làm việc như những người bình thường và chỉ tỏ rõ quyền lực của một vị vua khi có yêu cầu của dân làng về hạn hán, mùa màng, dân làng kéo đến nhà vua gió và vị vua này sẽ theo yêu cầu của dân làng mà lập giàn cúng cầu mưa.
Tất cả các đời Pơtao Agin đều được sống cùng với vợ con nhưng tuyệt đối là không được ở chung nhà khi vợ đến kỳ sinh đẻ, cũng như tất cả dân làng không được chui xuống gầm nhà sàn của nhà vua đang ở vì họ tin rằng như vậy thì sẽ phạm phải tội lớn và sẽ phát cơn điên chạy khắp làng. Những người phụ nữ thân cận hoặc đến nhà để phục vụ cho vua gió trong việc cúng bái phải là những người đã qua tuổi sinh đẻ… Vua gió không được phép đi lại trên xe, ngựa hoặc các phương tiện khác mà chỉ đi bộ.
Vua gió đời thứ 6 Siu Pon
Vị vua cuối cùng Siu Bam
Siu Bam (Ơi Bam - Pơtao Agin) sinh năm 1920 tại xã Chư A Thai tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ và mất năm 1988, là vị vua đời thứ 5 của dòng họ có quyền lực gọi mưa, gọi gió…
Bà Ksor H’nhriu kể rằng, vua cha đời thứ 5 của mình - ông Siu Bam - khi tại vị cũng là người thường xuyên cúng cầu mưa, tạo gió, chữa trị bệnh tật cho dân làng bằng quyền lực cao siêu của mình nhưng ông chỉ cúng khi có yêu cầu của dân chúng chứ không được phép tùy tiện bày ra cúng.
Khi kế vị vua gió, ông Siu Bam cũng được truyền lại những bài cúng cũng như những tín vật thiêng liêng và dụng cụ để bày giàng cúng như ghè, chiêng, kiếm thần, lục lạc và vài cái chum… Đây là những thứ cần thiết cho một vị vua.
Khi tại vị, cũng như các đời vua khác, ông Bam cũng sống ở rìa làng và làm theo tất cả những gì mà các đời vua khác đã làm, ông đã nhiều lần cầu mưa, gọi gió cũng như chữa trị căn bệnh điên mà người làng gặp phải.
Bà Ksor H’nhriu còn nhớ như in câu chuyện về một lần thách đố của quân Pháp với vua cha của mình về việc họ không tin về quyền lực của vua gió, khi cần phải đốn cây trong làng, họ liền ra điều kiện: Nếu như ông Bam có thể chặt cây mà điều khiển cây gỗ nghiêng vào phía ngược chiều lại thì họ sẽ chết. Và, họ thật không ngờ ông đã có thể làm được điều tưởng như không thể đó.
Có một điều không may là khi đang trong thời gian làm vua, ông đã làm thất lạc đi các tín vật như kiếm, lục lạc cũng như chiêng cúng nên giờ kỷ vật đó chỉ còn lại là hai cái chum to mà bà Ksor H’nhriu vẫn đang lưu giữ lại.
Cuộc sống của gia đình bà cũng như những gia đình khác trong làng, ngoài việc phải sống ở rìa làng thì ngày ngày họ lên nương, làm rẫy nhưng hàng năm thường là vào tháng 3, tháng 4, khi xảy ra hạn hán thì dân làng mới kéo đến và xin vua gió cầu mưa để giải quyết khó khăn của mình.
Dân làng khắp các vùng lân cận, mỗi làng đại diện là già làng và một vài người lớn tuổi có uy tín trong làng kéo nhau mang ghè rượu, heo và lễ vật đến nhà ông Bam xin cúng cầu mưa, sau đó thì chỉ việc về và chờ đợi những cơn mưa tới.
Theo bà Ksor H’nhriu, khi ông Bam cầu mưa như vậy thường thì trời sẽ đổ mưa nhưng cũng có một vài lần không xảy ra việc này nên sau đó ông Bam phải đi khắp các làng trong vùng và khi đến làng nào ông cũng đều bày giàn cúng ở phía đầu làng. Sau đó, ông quay trở lại ngôi làng mình đang ở và chờ đợi vài ngày, tự nhiên trời đổ mưa.
Nói về những điều mà dân làng phạm phải đối với vị vua của mình, một trong những điều tối kỵ nhất là người trong làng đã không tin chui xuống gầm nhà sàn của vua gió và gặp tai họa phát bệnh điên thì điển hình có ông Kpa pơ (thời này đang làm ở Trạm y tế xã), sau đó nhờ vào việc vua gió cúng cầu nên mới có thể thoát nạn được.
Hai chum cổ được lưu giũ tại nhà Ksor H’nhriu
Bà Ksor H’nhriu với vẻ mặt đầy tự hào khi kể về khoảng thời gian cha mình làm vua gió, bà và những người thân của mình đều được tất cả dân chúng trong vùng nể trọng, bà với cương vị là một “bia” (có nghĩa là công chúa) thì đi đâu cũng được dân chúng chào hỏi và tôn trọng hết mực…
Theo lời kể của dân làng và bà Ksor H’nhriu thì các đời vua gió ít khi bị bệnh tật, đau ốm, cả đời chỉ bị ốm một lần và sau lần đau bệnh ấy cũng đồng nghĩa với việc vị vua gió ấy sẽ không còn tồn tại trên thế gian này nữa mà sẽ về với giàng (trời).
Sau khi truyền ngôi cho ông Siu Pon được hai năm và hướng dẫn ông này tập sự để trở thành một vị vua gió quyền năng thì vua gió đời thứ 5 đã qua đời. Đúng ra theo luật tục thì các vị vua gió từ xưa sẽ được chôn cất riêng nhưng với ông Bam, khi mất đã không làm vua nữa nên theo di nguyện của mình, ông được chôn chung với khu nhà mả của dân làng và bên cạnh những người thân yêu của mình.
Pơtao Agin huyền bí đang dần bị thất truyền và quên lãng…
Siu Pon - cháu gọi vua gió đời thứ 5 là cậu ruột được sự tín nhiệm của dân làng đã được vua gió đời thứ 5 chọn để truyền lại ngôi vị và trở thành vị vua gió đời thứ 6 của đồng bào J’Rai.
Nghi lễ truyền ngôi cũng tổ chức vô cùng trịnh trọng, mỗi làng đại diện vài người chung heo và rượu ghè, tập trung đứng trước khu nhà mồ, sau đó ông Bam cúng và tất cả mọi người ngước nhìn lên trời (giàng), xin cho ông Pon từ giờ phút ấy trở đi sẽ là vị vua gió của buôn làng J’rai.
Khi được cậu ruột của mình truyền ngôi và đang trong thời kỳ thử thách để trở thành một vị vua gió thực thụ đầy quyền năng, ông Siu Pon cũng đã cố gắng hết sức làm tròn số mệnh của mình nhưng trong lúc ấy thì gia đình vị vua này lại xảy một sự cố mà theo ông là không hề mong muốn.
Theo sự chỉ dẫn của dân làng, chúng tôi cũng đã đi tìm gặp vị vua gió đời thứ 6 nhưng bỏ ngôi vị giữa chừng là Siu Pon và được ông chia sẻ nỗi lòng của mình.
Thời mới được truyền ngôi vua và thực hiện quyền năng của mình mặc dù chỉ vỏn vẹn trong vòng 4 năm ngắn ngủi nhưng ông Pon cũng đã có khá nhiều lần cúng cầu mưa và xua đuổi các bệnh tật cho dân làng.
Lẽ ra, ông Siu Pon sẽ không từ bỏ ngôi vị sớm như vậy và sẽ còn muốn kéo dài và duy trì cho đến ngày hôm nay. Thế nhưng, theo luật định, đã là vua gió thì bản thân và gia đình không theo bất kỳ một đạo nào khác nhưng khi đó, con trai ông lại theo đạo Thiên chúa giáo và lúc đau bệnh lại nhờ cha đạo cầu nguyện. Sợ phạm luật cũng như quá thương và lo cho con nên ông đành phải từ bỏ ngôi vị của mình mặc dù biết rằng dân làng có nhiều thắc mắc. “Nếu như con trai tôi không theo Thiên chúa giáo cũng như không bị bệnh thì có lẽ tôi sẽ còn làm vua gió cho đến bây giờ”, ông Pon tâm sự.
Vậy là các đời vua gió đã trọn vẹn sứ mệnh của mình sau 5 đời duy trì, nỗ lực và phát huy nhưng đến đời vua thứ 6 thì không còn tồn tại nữa. Song, trong tiềm thức của người J’rai cũng như những người trong dòng họ vua gió vẫn luôn tin là vua gió hoàn toàn có đủ quyền năng và họ tin rằng, vẫn còn tồn tại trong vạn vật, hiện hữu và chờ đợi một ngày sẽ có người kế nhiệm để có thể là niềm tin và sức mạnh của buôn làng mình.