Dấu lặng buồn bên dòng Nậm Mức

Xã hội - Ngày đăng : 10:33, 12/12/2013

Từ thị trấn Mường Chà vào bản Pa Ít (xã Huổi Mý, huyện Mường Chà, Điện Biên) chỉ gần 30km, thế nhưng chúng tôi phải mất gần 5 tiếng đồng hồ mới vượt qua cung đường bò ngoằn nghèo như “ma trận” giữa rừng già.

Bên dòng Nậm Mức, bản Pa Ít hiện ra với những mái nhà tranh xiêu vẹo, đổ nát nằm im lìm trong sương lạnh. Cơn bão trắng" tràn qua cách đây chừng 10 năm về trước...

 

"Bão trắng" tràn qua...

 

Phải mất khoảng thời gian khá lâu, đứng như chôn chân nơi đầu bản Pa Ít, anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi mới cất lên lời. Bởi, cái sự nghèo khó của đồng bào Khơ Mú ở đây quả là ngỡ ngàng đến khó tin. Hàng chục đứa trẻ trần truồng đùa ngịch trên đống đất, cát ven những ngôi nhà toang hoác, xiêu vẹo; phụ nữ phần lớn chỉ mặc độc chiếc váy, trên môi ngậm điếu thuốc cuốn to bằng ngón chân, phả khói mù mịt lên trời; những người đàn ông nước da đen đúa, môi xám ngắt vật vờ sưởi nắng nơi đầu bản… Tất cả những hình ảnh đó gợi lên cho con người ta nhiều chiều cảm xúc. Pa Ít giống như một thế giới bị bỏ quên. 

 

Dấu lặng buồn bên dòng Nậm Mức

  Bản Pa Ít với ngôi nhà tranh xiêu vẹo như sắp sập

 

Trên hiên căn nhà sàn của Trưởng bản Khoàng Văn Xương, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát cả bản và đếm được 3 nhà lợp pờrô ximăng còn lại toàn gianh tre nứa lá, nghiêng ngả, xiên xẹo như sắp sập. Trưởng bản Xương cho biết: Pa Ít có 47 hộ, 279 nhân khẩu, 100% đói nghèo và mỗi năm nhiều hộ có 6 - 7 tháng ăn sắn, ăn ngô. Sau 24 năm, bản di chuyển từ Pa Ham, thị xã Mường Lay đến nơi chỗ ở mới định cư, thiết tưởng đến nơi mới thuận lợi, đất đai nhiều dễ dàng làm ăn, người Khơ Mú sẽ có cơ hội mở mày, mở mặt, ai ngờ chỉ trong 10 năm chịu sự tàn phá của "cơn lốc ma túy", bản như con thú bị thương nằm phủ phục bên dòng suối Nậm Mức.

 

Ông Xương chậm rãi kể chuyện quá khứ: Năm 1989, bản Pa Ít khi đó chỉ có 17 hộ di chuyển đến khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất hoang sơ và thanh bình. Các hộ dân đều là người Khơ Mú nên đoàn kết và thương yêu, đùm bọc nhau, dù rằng, đời sống kinh tế có khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào tự nhiên đi rừng, làm nương. Năm 2002, cơn lốc ma tuý như một ngọn gió độc bắt đầu tràn về bản do người từ thị xã Điện Biên Phủ về thu mua bông chít, trả công bằng thứ bột trắng chết người. Cuộc sống của người dân bị xáo trộn bởi lần lượt nhiều người chết bất thường và người sống thì rũ rượi không còn sức lực để cầm nổi con dao, cái cuốc... 

 

Dấu lặng buồn bên dòng Nậm Mức

 Bà Giàng Thị Kẻo nuôi hai đứa cháu 

 

Tính đến giờ, bản đã mất đi 11 người con vì "ết", trong đó có 9 đàn ông và 2 phụ nữ. Vào bản Pa Ít, chúng tôi thấy gần như vắng bóng của thanh niên. Theo như lời của trưởng bản Khoàng Văn Xương cho biết thì họ đều đi làm thuê mướn ở nơi khác, trong đó có 28 người là thanh niên được phát hiện lây nhiễm HIV, được quản lý, theo dõi của Trạm Y tế xã. Năm 2012, chỉ lần xét nghiệm tại Phòng khám OPC, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà đã phát hiện thêm 10 cặp vợ chồng, do chồng bị HIV lây sang vợ. Hiện các cặp vợ chồng này đều tứ tán mỗi cặp một nơi. Dù đã được Phòng khám tư vấn, khuyến cáo điều trị thuốc ARV, nhưng rất ít người sử dụng thường xuyên vì đường xa, không có phương tiện đi lại và cũng tại nghèo. Khi miếng cơm manh áo thúc vào sườn bức bối thì họ cũng chẳng nghĩ gì đến thuốc. Thậm chí, nhiều người còn chẳng quan tâm đến việc phải bằng mọi cách để phòng, chống cho người thân trong gia đình. Chính vì thế, việc lây nhiễm HIV từ chồng sang vợ, sang con không còn là chuyện lạ? 

 

Trưởng bản Khoàng Văn Xương bảo rằng, có một sự thật là mấy năm nay, Pa Ít không phát hiện ra "con nghiện" nào mới. Một phần là do các đợt truy quét ráo riết của các cơ quan chức năng, phần nữa là do dân bản giờ nghèo quá, có muốn nghiện cũng chả có tiền! Những người nghiện từ trước thì giờ sức khỏe chẳng còn, không làm nổi để đắp đổi miếng ăn, người thì dính "ết" đang chực chờ thần chết gọi tên. Có một điều đau xót ở Pa Ít là không ít cảnh "lá xanh rụng trước lá vàng", như trường hợp gia đình bà Giàng Thị Kẻo. Bà Kẻo có hai đứa con trai thì đều bập vào ma túy rồi nằm xuống vì dính HIV. Chúng mãi mãi ở tuổi 25 và 30. Giờ trong căn nhà rách bươm nằm hiu buồn bên dòng Nậm Mức, chỉ còn lại 5 người đàn bà với 2 đứa trẻ. 

 

Nỗi đau không làm thức tỉnh

 

 Bản Pa Ít với gần 300 con người nhưng hiện chỉ trông chờ vào 12ha lúa nương, 8ha ngô, 9ha sắn và 7 con trâu bò, không có một mô hình phát triển kinh tế. Ruộng, nương… ít lại mắc nghiện nhiều năm nên nhiều những trụ cột gia đình số thì chết, số thì sức khỏe yếu nên nay việc gánh, gồng chuyển sang chị em chân yếu tay mền. Nhiều gia đình ở bản Pa Ít mà khi được Trưởng bản Khoàng Văn Xương dẫn đến thăm, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà không cửa rả, người ra vào tự do, gió giật tan hoang tứ bề. Chủ nhà không cần đến khóa, bởi có chong đèn tìm thì cũng chả thấy vật dụng nào đáng giá, như nhà của Lý Thị Sơn ở ngoài rìa bản. Năm nay mới 21 tuổi nhưng Sơn hiện đang phải nuôi 5 người cả con và em, bởi bố mẹ đã chết vì AIDS. Căn nhà chưa đầy 10m² chỉ có một chiếc sạp gỗ vừa là chỗ ăn, ở. Tổng cộng 5 con người, với hai cái xoong và một tấm chăn rách nát, chẳng có thóc gạo và chỉ vài củ sắn chỏng chơ nơi góc bếp. Nếu có gạo nấu cơm thì cả nhà đều ăn bốc, còn chủ yếu là ăn sắn, ngô gần như quanh năm. Trưởng bản Xương bảo, trường hợp như thế này trong bản còn nhiều, nhà sập họ chuyển luôn vào nương, rẫy nên trẻ con không thể đến trường học được.

 

Ngôi nhà tiếp theo mà chúng tôi đến là nhà bà Giàng Thị K. Người đàn bà già nua, khắc khổ ấy đang bóc củ sắn cho hai đứa trẻ ăn. Hai đứa trẻ là con của 2 đứa con trai bà đã chết vì AIDS. Giờ, trong nhà chỉ còn lại đúng 3 người đàn bà góa bụa với hai đứa trẻ. Hàng ngày, hai cô con dâu của bà K phải bươn trải trong rừng kiếm măng, kiếm củi mang xuống chợ đổi gạo. Hai người lo cho 5 miệng ăn, bữa đói nhiều hơn bữa no, cuộc sống lần hồi tăm tối. Bà K bảo, lâu lắm rồi không được một bữa cơm có thịt, họa hoằn lắm con dâu mới kiếm được vài con cá suối mang về để cả nhà... bồi dưỡng. Miếng ăn còn như thế, nên cái chuyện học của hai đứa trẻ trong nhà tịnh không thấy ai nhắc đến. 

 

Nằm cuối bản Pa Ít là nhà của vợ chồng Khoàng Văn Sơ, Khoàng Thị Vên. Ngôi nhà nằm ngửa mặt ra đường cái, gió lồng lộng thốc vào. Hai vợ chồng Sơ đã lần lượt nằm xuống do dính "ết" nên từ lâu trong căn nhà này chỉ còn lại 4 đứa trẻ, đứa lớn nhất 16, nhỏ nhất mới vừa lên 8 tuổi. Từ ngày bố mẹ mất đi, Khoàng Thị M phải bỏ học để gồng gánh nuôi em. Hàng ngày em hết lên nương lại vào rừng, xuống suối, cứ kiếm được bất cứ thứ gì ăn được lại mang về mấy chị em san sẻ với nhau. Góc nhà M có kê 3 hòn đá làm bếp, nhưng lạnh tanh, 2 cái nồi chỏng chơ đầy đất, cát. M bảo, 3 ngày nay nhà em không nổi lửa nấu cơm, mấy chị em lấp đầy cái bụng bằng những củ khoai sống mót được trên những mảnh nương nằm chênh vênh sườn núi.

 

Phần lớn đồng bào ở Pa Ít sống nhờ vào nương rẫy, đất đai cằn cỗi nên rất khó để phát triển các mô hình kinh tế khác như chăn nuôi, trồng trọt. Cứ hết mùa làm nương rẫy, thanh niên, trung niên của bản lại phải rời nhà đi làm thuê kiếm sống. Trưởng bản Khoàng Văn Xương cho biết, ở bản này hầu như chẳng bao giờ có Tết, nhà nào khá lắm chỉ được 1 - 2 kg thịt, còn không chỉ được 1- 2 lạng cho trẻ con ăn.

 

Trong bản giờ thương nhất lũ con trẻ, bởi chúng chỉ học xong được lớp 5, họa may ra xã học được đến cấp 2 là bỏ về nhà, cuộc sống khó khăn, khổ sở. Nhiều đứa bố mẹ chết, anh chị phải nuôi em, đến cái ăn còn phải lo từng ngày nói gì đến cái chữ. Phần lớn các em cứ rời lớp học là nên rừng đào cây khúc khắc để bán, chúng xem chuyện đi học biết đọc được cái chữ là may lắm rồi! Thế cho nên suốt 24 năm kể từ khi chuyển về đây, ở Pa Ít chưa có ai học được đến THPT, và cũng không biết đến bao giờ nơi đây mới có được niềm vinh dự có học sinh tốt nghiệp THPT.

 

Thầy Nguyễn Tiến Thuật, giáo viên dạy lớp ghép 1 + 2 điểm bản Pa Ít chia sẻ: Nhiều học sinh khi vận động ra lớp các em đi người không: Không sách, bút, không giấy khai sinh nên chẳng biết các em ở độ tuổi nào để sắp xếp vào lớp học. Gia đình các em hoàn cảnh khó khăn nên nhiều em đến lớp học đói không chịu được học xong ra chơi bỏ về, các em thuộc diện hộ nghèo nên được trợ cấp học tập nhưng hiện có trên 20 học sinh từ lớp mầm non đến lớp 5, không thể hoàn thành thủ tục giấy tờ để làm chế độ cho các em, bởi gia đình các em không có hộ khẩu, và các em cũng không hề có giấy khai sinh. Khi thầy cô đến vận động, tuyên truyền, các bậc phụ huynh hoặc người thân của các em đều nại ra lý do vì đường xa đi lại khó khăn..nếu thấy cần thì các thầy cô tự đi mà làm!

 

Cơn bão ma túy đã tràn qua cả thập kỷ nay, nhưng con đường đi lên của bản Pa Ít xem chứng vẫn mờ mịt, tối tăm. Hậu quả của "cơn bão" để lại một phần, phần nữa là do sức ỳ của những con người từng một thời lầm lỗi quá lớn, họ không đoạn tuyệt hẳn với quá khứ, quyết vươn lên thoát ra khỏi vũng lầy. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến họ, mà còn tác động xấu đến cả thể hệ tương lai. Thế nên, thật khó biết được bao giờ Pa Ít mới xóa hết được đói nghèo, đuổi hết được nỗi ám ảnh của ma túy ra khỏi những căn nhà xơ xác, để khi đến đây, người ta không còn phải chứng kiến những đứa trẻ bơ vơ, những người già âu sầu bên bậu cửa? Câu hỏi đó thật khó có lời hồi đáp.

 

Kiên Cường