11 năm tù chỉ vì… ổ chó con
Xã hội - Ngày đăng : 19:06, 27/11/2013
Nỗi lo của Sì không phải không có cơ sở bởi nhà anh ta ở sát đường biên, chuyện dẫn người qua biên giới bán thi thoảng vẫn xảy ra mà anh ta là một minh chứng.
Bắt con hàng xóm đem đổi lấy ổ chó
Lý Pó Sì, SN 1976 ở Mèo Vạc, Hà Giang, đang thụ án 11 năm ở trại giam Quyết Tiến có dáng vẻ cù lần và một gương mặt thoáng trông chậm chạp. Ấy thế nhưng, Sì lại biết đem con người khác qua biên giới bán. Chính vì cái tội ấy mà Sì vào tù, để rồi, mỗi khi có ai đó nhắc đến con cái, anh ta lại vò đầu bứt tai, kêu lo cho mấy đứa con ở nhà.
Lý Pó Sì bên trái hàng trên cùng đang làm phép tính tương đương chương trình lớp 3 phổ thông
Sì là người dân tộc H’mông, lại sống tít trên núi cao, tận xứ sở của cao nguyên đá, chẳng học hành, ít tiếp xúc nên sống theo bản năng là chính. Nghĩ sao nói vậy, Sì bảo từ ngày đi tù lại thấy sướng vì được ăn uống đầy đủ chứ không như ở nhà, bữa có bữa không, mà cũng chỉ có mèn mén làm từ bột ngô chứ lấy đâu ra cơm trắng. Nhắc đến cơm, Sì chép miệng bảo thương mấy đứa con ở nhà, một năm may ra có vài ngày biết đến hạt cơm.
Không được học hành, công việc chính của Sì là làm rẫy và uống rượu nhưng cả năm chỉ có một vụ ngô, đủ để nấu rượu nên đói vẫn hoàn đói. Cuộc sống cứ rau cháo lần hồi vậy mà Sì cũng có tới ba đứa con. Đứa lớn nhất 15 tuổi đã đi lấy chồng, ở nhà chỉ còn hai đứa con trai lên 9, lên 10. Cả hai đều không được học hành vì còn phải theo mẹ lên nương, vào rừng bẫy con dúi, con chuột và đào măng. Sì cũng đi nương nhưng việc chính vẫn là uống rượu và đi chợ.
Một lần đi chợ đường biên, thấy một người Trung Quốc rao bán một ổ chó, Sì nhìn thích quá nhưng trong túi không có tiền. Nghĩ nhà mình nghèo, đem một đứa con đổi lấy ổ chó thì con vừa không phải nuôi mà lại có đàn chó sau này bán được tiền, Sì liền gạ người đàn ông kia. Lưỡng lự một lúc, ông ta hỏi Sì đứa trẻ mấy tuổi rồi, trai hay gái. Sì đáp bừa là lên 7 tuổi, con trai. Thỏa thuận xong, Sì đi thẳng về nhà. Tuy nhiên, khi Sì đem chuyện đổi chác ở chợ ra kể thì vợ anh ta không đồng ý. Hai đứa trẻ thấy thế liền chạy tót vào lán trong nương. Còn lại một mình, Sì nghĩ cách phải làm sao mang được ổ chó về nuôi.
Chợt nhớ tới nhà chị Mua ở đầu bản, một phụ nữ góa chồng đang nuôi hai đứa con nhỏ, Sì liền đi tới. Anh ta nói với Mua rằng, có người nhà giàu ở bên kia biên giới đang muốn nhận con nuôi, Mua nghèo lại nuôi hai con, tốt nhất là cho đi một đứa cho đứa trẻ được sung sướng. Tin lời Sì, chị Mua gọi đứa con út ra, bảo đi theo Sì.
Dẫn đứa bé quay lại chợ đường biên, Sì giao cho người đàn ông nọ rồi ôm ổ chó con về nhà. Hai hôm sau, chị Mua sang hỏi Sì về con mình, thấy anh ta có ổ chó liền hỏi lấy tiền ở đâu mua. Sì bảo được người ta trả công tìm hộ con nuôi. Chị Mua đòi Sì phải chia cho mình nửa đàn chó. Sì đồng ý nhưng rồi thấy tiếc nên không cho Mua con chó nào. Tức quá, chị Mua lên xã trình báo, thế là Sì bị bắt.
“Em có bán ai đâu mà Tòa khép tội em là buôn người. Họ cần con, em cần chó, đổi cho nhau thôi mà”, Sì lý sự. Vào tù hơn 4 năm rồi, cũng có được một chút ít kiến thức về pháp luật, hiểu nội quy trại làu làu nhưng xem ra “cái lý của người Mèo” trong Sì vẫn không thay đổi.
Và nỗi lo con bị lừa bán
“Em bị bắt, vợ con em xấu hổ, nó dẫn con bỏ về làng nó rồi, giờ em chẳng biết đang ở đâu nữa”, Sì kể. Đã 4 năm ở trại giam nhưng chưa một lần Sì được vợ con tới thăm.
Vì không biết chữ nên khi về trại giam Quyết Tiến cải tạo, Sì được theo học lớp xóa mù. Tuy nhiên, cũng phải gần hai năm sau, anh ta mới đọc được, viết được. Sì bảo tại có tuổi rồi, cái chữ không chịu vào trong đầu, lúc nào cũng nghĩ tới con, sợ con bị kẻ khác dắt sang Trung Quốc bán nên không học được.
“Ngày xưa em dắt thằng con nhà Mua cho người ta lúc ấy nó 8 tuổi, bằng tuổi con em bây giờ. Em đi tù rồi, ở nhà hai thằng con chẳng có ai trông nom, chỉ sợ chúng lại gặp phải thằng buôn người giống em thì chết”, Sì khẽ khàng. Bán con người ta nên giờ Sì lo con mình cũng bị kẻ khác lừa bán.
“Em viết hai lá thư gửi về cho vợ rồi mà nó chẳng chịu gửi cho em lấy một chữ để em yên tâm”, Sì than vãn.
Hỏi Sì không nhận được thư vợ thì định làm gì, anh ta cười ranh mãnh: “Thư tới em sẽ gửi cho Trưởng bản, thế nào ông ấy cũng viết lại cho em, cho em biết tin về gia đình”.
Nỗi lo, suy nghĩ của Sì thật đơn giản nhưng đôi lúc anh ta cũng thông minh, ít nhất là trong chuyện này.
Lam Trinh