Giải oan cho loài cây “bị nguyền rủa” trên vùng đất thép Củ Chi
Xã hội - Ngày đăng : 19:25, 20/11/2013
Tương truyền rằng, gỗ cây Củ Chi khi đóng làm bàn ghế, ván nằm thì trơn láng và mát mẻ vô cùng, nhưng nếu chẳng may liếm phải thì tắt thở ngay tức khắc. Rất nhiều cái chết “bất đắc kỳ tử” liên quan đến cây Củ Chi, khiến người ta bắt đầu thêu dệt những câu chuyện huyền bí về “loài cây bị nguyền rủa”…
Loài cây mang lịch sử chết chóc
Phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm được cây Củ Chi hiếm hoi còn sót lại trên vùng đất thép thành đồng. Bởi người trẻ thì không ai biết đến, còn các lão niên lại tỏ ra e dè và không muốn chỉ dẫn. Có người còn dọa: “Đừng đến gốc cây Củ Chi đó, ma không à, hồi xưa có đôi trai gái đến đó hẹn hò, rồi bị ám đến mức luợm hạt nó về uống, chết tươi luôn cả hai đứa”. Cụ Nguyễn Tân Huỳnh, 62 tuổi, quê tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh kể lại: “Chuyện đôi tình nhân chết dưới gốc Củ Chi xảy ra lâu lắm rồi, tôi cũng chỉ được nghe ông bà kể lại thôi”. Theo lời cụ Nguyễn Tân Huỳnh, thì ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau thường xuyên đến gốc Củ Chi ở đầu làng để hò hẹn tâm tình. Bỗng một ngày nọ, dân làng phát hiện cả hai cùng nằm chết dưới gốc cây trong tư thế ôm nhau. Người ta đồn rằng, đôi tình nhân này bị ma ám đến quẫn trí, ăn cả hạt Củ Chi kịch độc để rồi chết tức tưởi. Từ đó, hễ ai đi ngang gốc Củ Chi nơi đầu làng là lại nghe thấy tiếng khóc thương thê lương, thảm thiết văng vẳng từ tán cây. Lại kể, có chị nông dân chạng vạng đi làm về, “ma xui quỷ khiến” làm sao lại ghé vào gốc cây Củ Chi để nghỉ mệt. Đến tối mịt, người nhà không thấy bóng dáng chị đâu, liền đổ xô đi tìm kiếm. Kinh hoàng thay, chị đã tắt thở dưới gốc cây bị “quỷ ám” này. Quan sở tại vào cuộc điều tra cái chết của chị, nhưng không hề có bất cứ manh mối nào ngoài kết luận chị chết bởi chất kịch độc từ lá cây Củ Chi.
Cũng theo lời cụ Nguyễn Tân Huỳnh, thì ngày xưa, nơi đây cây Củ Chi mọc thành rừng. Người xưa không biết loài cây này có chất kịch độc nên thường đốn gỗ về để đóng bàn, ghế, ván nằm. Nằm ngồi thì không sao, nhưng nếu vô tình liếm phải thì ngay lập tức bị cứng họng, cứng đờ tay chân rồi lăn ra chết. Rất nhiều cái chết “bất đắc kỳ tử” xuất phát từ những gia đình có dùng gỗ Củ Chi mà người ta vẫn không hiểu tại sao. Nên từ đó cây Củ Chi trên vùng đất này bị đốn sạch bởi người dân cho rằng nó đã “bị nguyền rủa”, khiến bất cứ gia đình nào “rước” nó về nhà thì đều có người chết. Cho đến khi các thầy thuốc kết luận rằng, sở dĩ loài cây này mang một lịch sử chết chóc như vậy là bởi trong các bộ phận của nó đều chứa chất kịch độc thì người dân mới vỡ lẽ.
Nhưng lạ một điều là từ đó, những câu chuyện huyền bí về “loài cây bị nguyền rủa” lại nhiều hơn, lan truyền rộng rãi hơn. Và cho đến tận bây giờ, người dân Củ Chi vẫn tin rằng những gốc Củ chi còn sót lại mang trong nó những ma lực rất kinh hoàng. Như khi hỏi cụ Huỳnh về gốc cây Củ Chi còn lại tại xã Phú Hòa Đông, cụ đã tỏ ra rất e dè, sợ hãi mà rằng: “Gốc cây đó bây giờ người ta xây xi măng bịt kín hết rồi. Ghê lắm, mấy chú tìm tới đó làm chi”. Quả thật khi tìm đến nơi, thì gốc cây Củ Chi này đã được xây xi măng cách li với các loài cây khác. Thấy chúng tôi quan sát, chụp ảnh, một số người dân đã lắc đầu chỉ bảo: “Đừng có chụp hình, gốc cây này thiêng lắm đó, người ta tới đây mà không kiêng không cữ bị “khiến” ra đây hái lá về uống chết hoài à”. Nhưng theo anh Trần Văn Thành, 43 tuổi, ngụ Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi thì hoàn toàn chẳng có ma cỏ gì ở gốc cây này cả. Anh Thành cho biết: “Tôi ở đây mấy mươi năm rồi, nghe người ta đồn có tiếng khóc, có bóng người treo cổ trên cành cây, rồi có “quỷ ám” khiến người ta tự ăn lá, ăn hạt của nó để chết, … ôi thôi nhiều lắm. Nhưng mà tôi có thấy gì đâu, nhiều đêm nhậu xỉn, không biết gì vẫn hay ngồi tựa vào chỗ tường xây bảo vệ cho đỡ mệt rồi về”. Theo anh Thành cho biết, sở dĩ những câu chuyện ma quái được thêu dệt quanh gốc cây này là bởi trước kia, khi chưa xây tường bảo vệ rất nhiều trẻ con thấy trái Củ Chi nhìn vui mắt nên lượm về chơi. Không ít đứa trẻ đã nhiễm độc và phải cấp cứu vì độc tính của loài cây này. Nên người ta mới dựng nên những chuyện li kỳ để dọa con trẻ, khiến chúng sợ mà không dám bén mảng đến gốc cây ấy nữa.
Hạt cây Củ Chi được dùng để ngâm rượu xoa bóp trị đau lưng nhức mỏi
Giải oan cho loài cây bị nguyền rủa
Các sách Đông y ghi lại Củ Chi còn có tên gọi là Cổ Chi, Hoàng Đàn, hay Võ Doản… Trong tất cả các bộ phận của cây Củ Chi từ thân, lá, hạt, đến vỏ… đều chứa hàm lượng chất Strychnin rất cao. Đây là loại chất cực độc, chỉ cần một lượng rất nhỏ là đủ làm tê liệt tất cả mọi hoạt động của một cơ thể khỏe mạnh, khiến người bị nhiễm độc bị trụy tim mạch rồi tử vong tức khắc. Xưa kia, tại vùng đất phía Tây Bắc thành Gia Định này, cây Củ Chi mọc hoang rất nhiều, chính vì thế cây đã trở thành tên đất. Về sau, do độc tính của loài cây này quá mạnh, gây nguy hiểm cho nhiều người, nên người dân đã chặt bỏ hết. Đến nay, tại huyện Củ Chi chỉ còn sót lại một cây duy nhất tại xã Phú Hòa Đông.
Tuy độc là vậy, nhưng trên thực tế, cây Củ Chi lại là loài cây quý rất hữu dụng trong y học. Hạt và vỏ cây Củ Chi sau khi chế biến sẽ được dùng ngâm rượu để làm thuốc trị đau lưng, nhức mỏi vô cùng thần hiệu. Theo đó, người ta thường nhặt trái chín của cây Củ Chi, đem về bổ ra lấy hạt, loại bỏ các hạt lép non hay phần ruột thối đen, đem phơi nắng hoặc sấy khô, rồi để nơi khô ráo tránh mối mọt. Khi cần dùng chỉ cần lấy phần hạt đã phơi khô ngâm vào nước vo gạo một ngày một đêm (36 giờ đồng hồ) đến khi mềm, cạo bỏ vỏ ngoài, lấy nhân, bỏ mầm. Sau đó, thái mỏng tiếp tục sấy khô, tẩm dầu mè một đêm, rồi đem sao lên cho vàng đậm thì bắt đầu dùng được.
Ông Phan Lợi, 53 tuổi, ngụ tại xã Phú Hòa Đông nghe kể về loài cây kịch độc này liền cười nói: “Thiệt, từ xưa đến nay chắc hiếm có loài cây nào lại độc như Củ Chi. Giả sử đóng làm bàn ghế, mà lè lưỡi liếm nó một cái thôi, cũng ngộ độc đến cứng lưỡi. Lá cây, vỏ cây chỉ cần giã nát hòa với nước uống vào một chút thôi là chết ngay, còn thân cây hồi đó ông bà kể, đốt làm củi, khói bay lên say khói hôn mê hết cả nhà”. Nhưng nếu dùng với liều lượng thích hợp, Củ Chi có thể kích thích dây thần kinh, điều hòa hoạt động thần kinh, đặc biệt là hệ thần kinh tủy, lại có tác dụng khai thông vị giác, tốt cho tiêu hóa. Rượu thuốc dùng để xoa bóp được ngâm từ hạt và vỏ cây Củ Chi trị phong thấp, đau nhức rất hiệu quả, lại thêm tác dụng khiến cho bắp thịt trở nên cứng cáp, săn chắc. Theo ông Lợi, cây Củ Chi thường ra trái vào mùa khô, rồi rụng nhiều vào mùa mưa. Nhưng cây Củ Chi lại rất khó trồng, tỉ lệ này mầm rất thấp, cứ 1000 hạt thì chỉ có khoảng 5 – 7 hạt có thể nảy mầm thành cây. Cũng vì lý do này mà Củ Chi ngày càng khan hiếm, đồng nghĩa với việc giá trị kinh tế của loài cây kịch độc này lại được nâng cao. Ông Lợi kể, cứ mỗi mùa trái rụng, người dân xung quanh lại đến gốc cây này lượm về, rồi phơi khô đem bán lại cho các nhà thuốc với giá khá cao. Hiện nay, huyện Củ Chi đã chủ động khôi phục loài cây này bằng cách trồng thử nghiệm khoảng 50 cây Củ Chi tại rừng di tích Bến Đình. Nhưng sau 10 năm, cây chỉ mới có đường kính khoảng 15cm và có dấu hiệu chậm lớn.
Tuy vậy, đến tận ngày hôm nay, người dân tại Củ Chi vẫn còn khá e dè với loài cây mang chất kịch độc này. Một số người vẫn cho rằng đó là loại cây bị ma ám, bị nguyền rủa khiến ai động vào cũng chết. Ngay cả khi chúng tôi hỏi người dân đường đến gốc cây Củ Chi tại xã Phú Hòa Đông cũng liên lục bị từ chối vì lý do “ma ám”. Nhưng sau đó, cụ Nguyễn Tấn Huỳnh đã nói thật với chúng tôi rằng, sở dĩ người dân nói vậy, và cương quyết không dẫn đường đến gốc cây Củ Chi vì sợ người lạ đến bứt lá, hoặc nhặt hạt Củ Chi về để hại người. Cụ Huỳnh nói: “Vả lại, hù như vậy cho trẻ nít nó sợ, chứ cây Củ Chi độc như thế, mà con nít thì nó lại tò mò. Nó lượm hột, nó ăn một cái là hối hận không kịp”. Xem ra, với “lý do chính đáng” này, thì nỗi oan “bị nguyền rủa” của loài cây được đặt tên cho cả một vùng đất – Củ Chi, còn lâu mới được hóa giải.