Sự hy sinh thầm lặng của những người thầy
Xã hội - Ngày đăng : 08:28, 20/11/2013
Bằng tất cả sự nhiệt thành, họ đã và đang hàng ngày, hàng giờ mang ngọn lửa tri thức thắp sáng vùng cao.
Mẹ đi “cắm bản”, con không nhớ mặt
Cheo leo trên vách núi, điểm trường lớp 1 cắm tại bản Nà Lìa nhỏ như một dấu chấm, tinh ý lắm mới nhận ra vì ở đó có cắm lá cờ đỏ sao vàng. Lớp có 8 em, chủ yếu là học sinh người dân tộc Tày. Xã Hữu Kiên, một trong những xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Chi Lăng, Lạng Sơn có tới 4 điểm trường như thế. Mỗi bản xa lại có một điểm trường.
Cách đây hơn 10 năm, khi mới nhận quyết định về đây công tác, ngoái nhìn về bốn phía đều thấy núi rừng vây bủa, cô giáo Hoàng Thị Hằng đã khóc, khóc một tuần liền. Bản xa quá, heo hút quá, từ huyện vào tới mấy chục cây số, đường nhựa chỉ có một nửa, còn lại là đường mòn treo trên miệng vực, sóng điện thoại thì không có, Hằng như sống tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Gieo chữ trong khốn khó
Bản nhỏ chỉ có 18 nóc nhà, chủ yếu là người Tày và người Nùng. Bà con mang đến gửi Hằng 8 đứa trẻ, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ vừa đủ tuổi vào lớp 1, tất cả đều chưa đứa nào nói được tiếng phổ thông. Mấy ngày đầu, công việc đầu tiên của Hằng là tắm rửa, chải đầu, vệ sinh và dạy cho lũ trẻ bỏ thói quen dùng tay quệt mũi. Nhưng cũng chỉ vài hôm, đám học trò của Hằng đứa nhớ mẹ, đứa nhớ em đòi về, có hôm lớp còn đúng 3 em. Không nản chí, Hằng hỏi thăm đường rồi lặn lội đến từng nhà để vận động các em đi học. Thấy cô giáo ân cần, gần gũi, lũ trẻ cũng dần “hợp tác”. Chúng bắt đầu chăm chỉ, chịu khó đến lớp thường xuyên hơn để bắt đầu học a, b, c. Con chữ cứ thế thầm dần vào bọn trẻ. Chừng hơn một tháng, học trò bám Hằng hơn bố mẹ, cô không còn phải tới từng nhà vận động…
Hằng kể: “Ngày đó, bản làng còn nghèo khó, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, gần như không thể đi được xe, chỉ có thể “cuốc bộ”. Ở đây, em không chỉ phải dạy chữ, gọi học sinh đi học mỗi ngày mà còn cùng người dân làm việc đồng, hướng dẫn người dân cách chăm con, vừa phải tranh thủ học tiếng dân tộc… Kể cả khi em lập gia đình, sinh con thì nhiều tối vẫn phải nhờ hàng xóm trông giúp để đi dạy xóa mù chữ cho đồng bào, có hôm đến tận 11 - 12 giờ khuya mới về. Từ lúc thằng bé nhà em lớn lên một chút thì gửi về xuôi cho bà ở TP Lạng Sơn trông hộ, chứ ở trên này điều kiện chăm sóc không có, nhìn con tội lắm. Nhưng gửi con về dưới đó mình cũng khổ, nhớ nhung đứt ruột. Ban ngày còn đỡ vì có lũ học trò quấn quýt, chứ mỗi khi chiều xuống lại nhớ chồng, nhớ con anh ạ! Có dạo em đi lâu quá, về con nhất định không theo vì không nhớ mặt mẹ…”.
Trung bình mỗi năm, Hằng thường chỉ được về vài ngày để thăm chồng, thăm con. Mỗi kỳ nghỉ hè, được đoàn tụ với gia đình là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Hằng. Chính vì lo sinh con sẽ vất vả cho chồng, cho gia đình, nên đứa con đầu của Hằng đã gần vào lớp 1 mà cô chưa hề dám nghĩ đến chuyện mang thai đứa thứ 2, mặc dù gia đình hai bên đều thúc giục. Bên cạnh chuyện gia đình, con cái, Hằng lại trăn trở về cuộc sống còn cơ cực, khốn khó của học sinh. Các em ở đây phần lớn đều có gia cảnh nghèo, ăn không đủ no, mùa rét không đủ áo ấm. Cô từng nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của mình mua sách vở và đồ dùng học tập, quyên góp quần áo, chăn màn cho học sinh, đến tận từng gia đình học sinh để tìm hiểu, động viên các em đi học. Đến nay, đã có nhiều thế hệ học sinh của cô trưởng thành, nên người. Học trò và người dân nơi đây chẳng ai không biết cô và cảm phục cô bởi tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề tha thiết.
Nhiều học sinh vùng cao phải học trong những ngôi trường như thế này
Hằng bảo: “Ở thành phố, ngay từ ngày đầu, các em có thể học nhận biết mặt chữ, con số. Còn ở đây, đầu tiên, việc quan trọng nhất đối với cô giáo là làm cho các em yêu thích lớp học, đồng thời dạy các em nói, nghe và hiểu được tiếng phổ thông. So sánh như vậy mới thấy, việc dạy và học nơi đây còn khoảng cách rất lớn, khó bề rút ngắn về môi trường và vật chất để thầy và trò của điểm trường có được một chất lượng giáo dục như vùng đồng bằng. Chúng em bây giờ thấy hạnh phúc hơn rồi, vì ngày nay trong bản đã có phong trào học, cha mẹ và các em học sinh đều có nguyện vọng cho con đến lớp”.
Nhiều lúc thèm nghe tiếng phổ thông
Cũng người miền xuôi lên vùng cao dạy học nhưng cô giáo Đặng Thị Huệ lại may mắn hơn Hằng. Cô được ở cùng với chồng con. Giờ, khi đến xã giáp biên Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, Hà Giang), đồng bào vẫn thường kể về chuyện tình đẹp giữa cô giáo và một chàng trai của bản. Huệ gốc ở Quảng Xương, Thanh Hóa, lên gắn bó với học sinh vùng cao từ hồi trường chỉ có hai lớp học, thầy cô giáo phải tạm trú ở trạm biên phòng. Chuyện tình yêu của cô giáo Huệ với chàng trai người Nùng tên Sân Sài Sồ là cả một thiên tình sử lãng mạn. Trước Sân Sài Sồ làm đủ nghề từ làm ruộng, làm rẫy rồi đi buôn vặt. Nghề gì cũng lận đận cho đến khi anh quyết tâm đi học lại và thành thầy giáo. Huệ yêu chàng trai người Nùng này bởi cảm phục ý chí của anh và Sồ yêu Huệ cũng vì thương cô gái Kinh can đảm, vác chữ lên non khai sáng giúp đồng bào.
Lúc đầu khi nghe chuyện tình của Huệ và Sồ, bà con trong bản người Nùng Na Lình bàn tán ghê lắm. Chẳng biết cô giáo có nhập gia tùy tục với người Nùng được không? Cái tay nó nhỏ và mềm như những búp măng trúc mới mọc thế kia chẳng biết vác nổi cuốc, đeo nổi quẩy tấu lên nương không? Song, tình yêu có lý lẽ của nó, Huệ và Sồ vẫn quyết định gắn bó suốt đời với nhau. Giờ thì bà con dân bản, nhà chồng đã hết lòng yêu quý Huệ.
Chăm sóc học trò là công việc hàng ngày của những cô giáo “cắm bản” như Hằng
Ở đây, giữa một vùng toàn người Mông, chẳng mấy ai nói nổi vài câu tiếng Kinh cho sõi nên nhiều khi Huệ cảm thấy nhớ quê, nhớ tiếng mẹ đẻ vì cả tháng không được nghe, không được nói. Lắm lúc thèm được nghe một hai câu giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng Kinh mà Huệ phải đi bộ vài tiếng đường núi ra tận trung tâm xã hay sang các điểm trường gần đó.
Huệ bảo: “Khó khăn, gian khổ là thế nhưng nhiều khi việc vận động học sinh đi học, em phải nhờ cả bộ đội biên phòng dẫn đường vì các anh quen với đồng bào. Thuyết phục được các em đến trường rồi, làm thế nào để các em thích đi học hơn đánh quay, tung còn, ném pao, múa khèn lại càng là bài toán khó. Người Mông quen sống trên đỉnh núi cao chót vót, mùa khô, giọt nước quý hơn vàng nên vài tháng không tắm cũng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Việc đầu tiên sau khi gom học sinh đến trường là các thầy cô phân công nhau bê từng chậu nước thật đầy nhất có thể, bảo các em xếp hàng rồi lần lượt người rửa tay, rửa mặt, người gội đầu, chải tóc cho các em. Lắm đứa, đầu lúc nhúc chấy…”.
Nghĩa Thuận có tới 8 điểm trường, điểm trường xa nhất ngày nắng đi bộ từ trung tâm xã vào mất 4-5 tiếng, ngày mưa thì nội bất xuất, ngoại bất nhập. Từ đồn biên phòng Nghĩa Thuận phải vượt đỉnh Phìn Chư, cao hơn 1.300m mới đến được điểm trường. Mỗi khi thấy người lạ, học sinh trong các lớp ùa ra, vây kín lối. Đứa nào, đứa nấy mặt mũi lấm lem, có em mặc độc chiếc áo cộc dù mùa đông trên núi rét thấu xương.
Gian nhà ở của bốn cô giáo ở ngay sát lớp học. Trong ánh sáng le lói của cái lỗ thông hơi be bé, tôi nhìn thấy một chiếc phản rộng làm chỗ nghỉ, dưới gầm lô lốc xô chậu chứa nước. Mấy cô lâu lâu được nghỉ một vài ngày phép nhưng vì đường xá xa xôi nên chẳng về thăm gia đình nổi. Năm thì mười họa cũng có ông chồng sốt ruột chịu khó gùi hàng lên tiếp tế, thăm vợ. Cứ thế, các cô đã và đang hàng ngày, hàng giờ mang ngọn lửa tri thức thắp sáng vùng cao này.
Nguyễn Quỳnh Anh