Tấm bia trấn yểm long mạch nước Nam ở chùa cổ Bồng Lai

Xã hội - Ngày đăng : 21:13, 02/11/2013

Hơn 300 năm trước, nghĩa quân Thiên Địa hội phản Thanh phục Minh của nước láng giềng phương Bắc đã lập một đạo bùa trấn yểm tại vùng núi Thất Sơn.

Phát hiện được đạo bùa hiểm độc, ông Đạo Lập đã quật tấm bia lên, đục bỏ chữ “bùa”, rồi đem về “giam” trong một căn miếu nhỏ. Từ đó, hành trình giành lại long mạch nước Nam tại vùng sông nước Cửu Long chính thức bắt đầu…

Cao Biền trấn phù bia

Hiện tấm bia đã được giải ếm vẫn còn nằm trong căn miếu nhỏ phía sau chùa Bồng Lai, thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chùa Bồng Lai nằm bên cạnh bờ kênh Vĩnh Tế còn được gọi là Bài Bài, Bà Bài hay chùa Ông Đạo Lập. Ông Đạo Lập tên thật là Phạm Thái Chung, quê ở Cồn Tiên, làng Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sở dĩ gọi là Đạo Lập vì ông chính là người lập nên làng Bài Bài (xưa thuộc quận Tịnh Biên, Châu Đốc) và dựng chùa Bồng Lai. Ông còn là một trong 12 vị đệ tử của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. 12 vị đệ tử này được tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi là “Thập nhị hiền thủ”. Chính ông Đạo Lập đã giải ếm cho tấm bia trấn yểm long mạch nước Nam tại vùng sông nước Cửu Long.

Các nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng đều ghi lại rằng, vào khoảng năm 1850, trong một lần cùng các vị đệ tử đi viếng Thủy Đài sơn (núi Nước), Phật thầy Tây An phát hiện dưới gốc cổ thụ có một tấm bia đá lạ. Tấm bia làm bằng sa thạch, không có mồ mả xung quanh, chôn giấu nơi heo hút và bao năm qua đã bị đất đá lấp chìm gần hết. Với sự tinh anh về lý số, kinh dịch của mình, Phật thầy Tây An biết thế đất nơi đây chính là một trong những điểm long mạch của nước Nam, việc xuất hiện một tấm bia đá lạ lùng khiến Phật thầy không khỏi hồ nghi. Ngay lập tức, Phật thầy sai ông Đạo Lập khai quật tấm bia lên thì quả nhiên đây chính là một đạo bùa trấn yểm của người Tàu, chính là “Cao Biền trấn phù bia” dùng để trấn yểm linh khí của một vùng đất. Nơi nào bị trấn yểm, nơi đó đời đời sẽ không xuất hiện nhân tài, dân chúng sẽ mãi mãi thuần phục người trấn yểm.

 Tấm bia trấn yểm long mạch nước Nam ở chùa cổ Bồng Lai

“Cao Biền trấn phù bia” đã giải yếm được thờ ở hậu liêu chùa cổ Bồng Lai

Cao Biền là một nhân vật có thật, người Trung Quốc, tên chữ là Thiên Lý, sinh vào năm 821, mất năm 887. Ông vốn là một thầy phong thủy, thầy pháp cao tay nhất trong lịch sử Trung Quốc. Các đạo bùa của Cao Biền, qua hàng ngàn năm vẫn được các thế hệ thầy phong thủy lưu truyền và sử dụng. Cao Biền vốn là tướng nhà Đường, được giao chức Tiết Độ Sứ (Thái Thú) có nhiệm vụ cai quản đất Giao Châu – tên Trung Quốc gọi nước Việt ta thời còn Bắc thuộc. Cao Biền làm Thái Thú trên đất Việt được 9 năm, từ năm 866 – 875. Trong khoảng thời gian này, Cao Biền đã 3 lần lập đàn tế thần, lập bia trấn yểm linh khí của nước ta, hòng xưng vương một cõi. Biết được tham vọng bá vương của Cao Biền, vua Đường liền tìm cách chiêu dụ Cao Biền về lại kinh đô. Sau, tiếp tục tìm đủ mọi cớ để gán tội chết cho Cao Biền và xử tử ông vào năm 887. Các đạo bùa Cao Biền lập ở nước Nam đều ở dạng bia trấn yểm, được gọi là “Cao Biền trấn phù bia”.

Tấm bia trấn yểm do ông Đạo Lập quật lên cao 90cm, ngang khoảng 40cm, và theo tài liệu nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Văn Quế về Bửu Sơn Kỳ Hương thì chính giữa tấm bia trấn yểm có chữ “Bùa” rất lớn. Ngoài ra, nơi viền mép phải của bia có khắc một dòng chữ Hán: “Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, Trọng thu, Cốc đán”, nghĩa là: “Đời nhà Thanh, vua Càn Long năm thứ 57, vào tháng 8, mùa thu”. Theo đó, dựa trên dòng chữ còn sót lại thì tấm bia này được lập vào năm Càn Long thứ 57 tức là năm 1792. Thời kỳ này, tại những vùng núi non hiểm trở của phía Nam nước Việt, vẫn có rất nhiều người của Thiên Địa hội với khẩu hiệu “phản Thanh, phục Minh” ẩn nấp. Theo các di tự của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng như phân tích của một số nhà nghiên cứu thì rất có thể bức “Cao Biền trấn phù bia” này được Thiên Địa hội lập nên với ý đồ hùng cứ dãy Thất Sơn huyền linh, và yểm long mạch nước Nam, phá thế Cửu Long tụ hội của miền đất Tây Nam Bộ.

Tấm bia trấn yểm long mạch nước Nam ở chùa cổ Bồng Lai

5 cây thẻ của Phật thầy Tây An được cắm theo dịch đồ Ngũ long trấn phục

Giành lại long mạch nước Nam

Phát hiện được đạo bùa hiểm độc, Phật thầy Tây An đã chỉ dẫn ông Đạo Lập cách giải yếm phù bia. Ông Đạo Lập liền đục bỏ chữ “Bùa” chính giữa phù bia rồi mang về “giam” tấm bia trong một căn miếu nhỏ, phía hậu liêu chùa Bồng Lai. Ông Đạo lập còn dùng dây xích sắt, có yểm bùa chú, quấn quanh chân đế nơi đặt tấm bia, rồi cho đặt chìm dưới lòng đất để đảo ngược tác dụng của “Cao Biền trấn phù bia”. Nghĩa là từ giờ, vùng đất này nảy sinh nhiều nhân tài, dân lành đời đời thịnh vượng. Bây giờ khi đến viếng thăm tấm bia trấn yểm này tại chùa Bồng Lai, người ta dễ dàng phát hiện ra vùng giữa tấm bia có dấu đục xóa trắng, và dù là bia trấn yểm nhưng vẫn phải hương khói thường xuyên.

Nhưng rõ ràng, bức “Cao Biền trấn phù bia” này chưa hẳn là đạo bùa trấn yểm long mạch nước Nam duy nhất ở vùng sông nước Cửu Long. Rất có thể còn nhiều đạo bùa hiểm khác được đặt ở những nơi heo hút, hoặc qua thời gian đã bị đất đá vùi lấp. Hơn nữa, từ chính trong lịch sử xa xưa có ghi lại, Sư Vạn Hạnh đã tâu lên vua Lê Đại Hành, khẩn thiết xin vua dời đô đến Thăng Long để tránh sự yếm đối ám muội của người láng giềng phương Bắc. Phán đoán được điều này, nên vào năm 1851, Phật thầy Tây An đã chỉ giáo cho Quản cơ Trần Văn Thành - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bãi Thưa (1871-1873) dùng cây rừng đẽo 5 trụ trấn phù. Sau, đem đi cắm ở 4 phương, một trụ cắm ở trung tâm, vừa để hóa giải những đạo bùa trấn yểm còn chưa được phát hiện và vừa để đánh dấu ranh giới vùng kháng chiến.

Phật thầy Tây An, người có công đầu trong việc giải bùa yếm, giành lại long mạch nước Nam, có tên thật là Đoàn Minh Huyên, mất năm 1856, phần mộ của ông còn nằm ở núi Sam, Châu Đốc, An Giang. Theo tài liệu của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, thì vào năm Kỷ Dậu, tức 1849 Dương lịch, miền Tây Nam Bộ bị một trận dịch tả kinh hoàng, người chết vô kể. Thời điểm này, tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) có một người tu sĩ tên là Đoàn Minh Huyên tự nhận mình là dân địa phương. Quan sở tại liền triệu người họ Đoàn trong làng đến nhận mặt nhưng không ai biết Đoàn Minh Huyên là ai, nên quan đã sai lính đuổi vị tu sĩ ra khỏi làng. Ông đi đến làng An Thạnh Trung (giáp ranh An Giang và Đồng Tháp), thấy người dân nơi đây chết nhiều vô kể, ông đã dựng lều trị bệnh và đồng thời truyền đạo. Ông đã cứu sống hàng ngàn người, khiến dân nơi đây một lòng tôn kính, lập nên tôn giáo mới gọi là Bửu Sơn Kỳ Hương. Lo sợ tôn giáo mới là một kiểu “trá hình” tụ tập nhân dân chống lại ách đô hộ thực dân Pháp, nhà cầm quyền buộc ông Đoàn Minh Huyên phải cạo đầu vào một một ngôi chùa để tu tập cho … “chính danh”. Ngôi chùa ấy là Tây An Cổ Tự tại núi Sam, Châu Đốc. Từ đó, ông dùng nơi đây làm điểm truyền giảng và thu nhận đệ tử và được các tín đồ tôn là Phật thầy Tây An.

Tấm bia trấn yểm long mạch nước Nam ở chùa cổ Bồng Lai

5 trụ trấn phù của Phật thầy Tây An gọi là “cây thẻ”, được làm từ gỗ Lào Táo, một loại gỗ rất chắc, thường mọc ở núi cao và hay dùng để làm kèo cột nhà. “Cây thẻ được vuốt búp sen và khắc 4 chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” và do lòng tôn kính của người dân với Phật thầy Tây An nên các đạo hữu thường gọi 5 cây thẻ là 5 Ông Thẻ. 5 Ông Thẻ được cắm theo dịch đồ “Ngũ long trấn phục” bao bọc vùng đất Thất Sơn. Cây thẻ số 1 được cắm ở làng Vĩnh Hanh thuộc Đông phương Thanh Đế, nay thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nằm trên đường vào lộ tẽ Tri Tôn. Cây thẻ số 2 cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung, thuộc Bắc phương Hắc đế, nay thuộc ngọn Thạnh Mỹ, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Đốc tỉnh An Giang, cách kinh số 7 khoảng 5km. Cây thẻ số 3, thuộc Tây phương Bạch Đế cắm ở Bài Bài, Vĩnh Tế, hiện vẫn còn được thờ ở chùa cổ Bồng Lai, nơi “giam giữ” Cao Biền trấn phù bia. Cây thẻ số 4 cắm ở Giồng Cát, thuộc Nam Phương Xích Đế. Thẻ này ở rừng Tràm làng Vĩnh Điều, Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, vì ở giữa rừng Tràm nên vị trí không xác định, do đó thất lạc đến ngày nay. Cây thẻ số 5 đặt tại Núi Cấm, trong Hang Ông Thẻ, được gọi là Trung Ương Huỳnh Đế vì là cây thẻ chính, nằm vị trí trung tâm và được 4 cây thẻ khác bao quanh ở 4 phương.

Tương truyền, Phật thầy Tây An và thập nhị hiền thủ đã rất lao tâm để cắm được 5 trụ trấn phù này, nhằm giành lại long mạch nước Nam, hóa giải những đạo bùa yểm còn sót lại tại vùng địa linh Cửu Long tụ hội. Tuy phong thủy và các pháp thuật trấn yểm vẫn là chuyện hư hư thực thực, nhưng di tích Năm Ông Thẻ và tấm bia trấn yểm trong chùa cổ Bồng Lai chính là minh chứng hùng hồn nhất của lòng yêu nước, thể hiện sự tự hào về một dải non sông hình chữ S tự cường, tự chủ của các thế hệ cha ông xưa.

Kỳ tới: HUYỀN BÍ TỤC NHẬP QUAN CÙNG RẮN ĐỘC

Hồ An Ngọc