Hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày thành lập lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2013): Người anh hùng của mảnh đất Tây Nguyên
Xã hội - Ngày đăng : 08:02, 16/08/2013
Nhiệt huyết tuổi thanh xuân
Cách đây tròn 30 năm, khi vừa tốt nghiệp xuất sắc Đại học An ninh, Nguyễn Xuân Hà đã tình nguyện vào công tác tại Tây Nguyên. Ở thời điểm đó, đất nước vừa giải phóng thì bọn ngụy đã quay lại Tây Nguyên câu kết với Fulro và các thế lực thù địch bên ngoài nhằm chống phá cách mạng. Các buôn làng chìm trong sợ hãi bởi bọn chúng luôn rình rập trên đường lên rẫy, ra suối để bắt cóc, cưỡng ép người dân theo chúng làm phản.
Giữa những tháng ngày hoang mang, lo sợ đó, có biết bao người lính trẻ của lực lượng Công an từ khắp miền Tổ quốc đã đến đây vì sự bình yên của Tây Nguyên. Trong đoàn quân tiên phong ấy, có một người con sinh ra và lớn lên giữa Thủ đô Hà Nội, đó là Nguyễn Xuân Hà. Hành trang lên đường của người sĩ quan trẻ tuổi này chỉ là chiếc ba lô con cóc, bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân cùng những lời dặn dò của cha, một cán bộ lão thành cách mạng.
Khi mới vào nhận nhiệm vụ công tác, Nguyễn Xuân Hà chưa có nhiều kinh nghiệm gần gũi đồng bào dân tộc thiểu số, anh phải dựa vào những đồng đội đi trước, lắng nghe họ truyền đạt kinh nghiệm. Thời điểm ấy, những kẻ xấu lén lút ẩn náu ở Tây Nguyên như những con thú hoang, chỉ chực chờ sơ hở của các cán bộ chiến sĩ và người dân để cướp phá, bắt người. Tổ công tác của Nguyễn Xuân Hà cũng như nhiều đơn vị khác phải tự xây dựng kế hoạch công tác thường xuyên, mỗi người được trang bị một khẩu súng AK, một súng ngắn với đủ cơ số đạn cùng tăng võng, chăn màn, lương thực, thực phẩm. Mỗi ngày, họ phải đi hàng chục km đường rừng để đi đến các buôn làng trọng điểm, nắm bắt mọi biểu hiện nghi vấn trong khu vực. Lúc nào tinh thần cũng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trải qua những tháng ngày lăn lộn ở những vùng trọng điểm như thế, người trai Hà Nội đã dần trưởng thành và trở thành người chiến sĩ an ninh giàu bản lĩnh.
Đồng bào Tây Nguyên xem đại tá Hà như người thân
Nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo đơn vị, sự đoàn kết, đồng lòng của đồng đội và tấm lòng thương quý, chở che của đồng bào mà trong những tháng năm chống Fulro ác liệt nhất, Nguyễn Xuân Hà đã trực tiếp tham gia nhiều kế hoạch nghiệp vụ, nhiều chuyên án đấu tranh với tổ chức Fulro các cấp, tham gia hàng chục trận đánh Fulro và tổ chức đấu tranh, bóc gỡ cơ sở ngầm Fulro ở rừng và lẩn khuất trong dân. Nhờ có kiến thức sâu rộng mà trong hàng chục lần trực tiếp truy bắt những đối tượng Fulro cầm đầu lẩn trốn ở rừng, trong các cuộc làm việc với các đối tượng phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, anh đều chủ động thuyết phục, tấn công và mang lại kết quả. Những đối tượng có thái độ ngoan cố, cực đoan, cố tình phủ nhận thành quả của cách mạng, xảo biện với những hành vi giả dối, anh công khai đối chất đấu tranh cả bằng tiếng Jrai, Bahnar và sẵn lòng cung cấp những thông tin, vật chứng cần thiết. Cung cách ứng xử đúng mực, làm việc cương quyết và khôn khéo giúp anh thu thập thêm nhiều tài liệu quan trọng, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm.
Những chiến công thầm lặng
Trong 10 năm (từ 1983 đến 1992), bản thân Đại tá Hà trực tiếp tham gia gọi hàng 15 tên, bắt 17 tên, phá gần 100 khung chính quyền ngầm Fulro các cấp; bóc gỡ, cảm hóa hàng trăm cơ sở cốt cán Fulro trong dân, đồng thời góp phần xóa tổ chức ZG27 của Fulro, làm trong sạch địa bàn các xã trọng điểm và giải quyết toàn bộ toán Fulro hoạt động ngoài rừng, bóc gỡ toàn bộ tổ chức Fulro ở Gia Lai - Kon Tum vào năm 1991 - 1992, góp phần làm tan rã tổ chức Fulro.
Nhưng, kẻ thù vẫn chưa chịu buông tay. Một số đối tượng cầm đầu các tổ chức người Thượng lưu vong ở Mỹ đã ráo riết chuẩn bị các kế hoạch thù địch, chống phá Việt Nam, âm mưu chia cắt Tây Nguyên với cả nước. Chúng tiếp tục câu móc, lợi dụng vấn đề dân tộc để lén lút hoạt động trong vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, xúi giục bà con biểu tình, gây bạo loạn đòi thành lập Nhà nước Đềga. Lời độc lan xa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk… đâu đâu cũng thấy những cơn chuyển động rùng rùng mỗi đêm. Rồi cái khối chuyển động ấy nhập nhoà, lẫn dần vào bóng tối, để lại những buôn làng trống vắng tiếng người. Đã có biết bao bà con bỏ lại buôn làng, nương rẫy để tham gia biểu tình rồi trốn sang Campuchia chỉ với niềm tin mông muội vào lời hứa đầy ảo tưởng của Ksor Kớk về một cuộc sống an nhàn.
Gánh nặng đặt trên vai người lính an ninh Tây Nguyên mỗi ngày một lớn. Những tháng ngày u ám ấy, đã bao đêm Đại tá Nguyễn Xuân Hà cùng đồng đội thức trắng với hàng trăm phương án tác chiến được đề ra. Nếu trước đây, họ cầm súng để chiến đấu thì ngày nay, chỉ có thể dùng trí chứ không thể dùng lực. Anh hiểu, với bà con các dân tộc Tây Nguyên, do trình độ lạc hậu, thông tin hạn chế nên dễ bị lừa bịp. Vì vậy, trong quá trình đấu tranh cần phải xác định đâu là đối tượng cầm đầu, đâu là đối tượng bị lợi dụng để phân hóa, giúp họ hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó quy tụ được mọi tầng lớp của dân tộc trong đấu tranh với cái sai, cái xấu.
Được cấp trên tin tưởng, đồng đội yêu mến, năm 2004, Đại tá Nguyễn Xuân Hà được giao giữ chức Phó cục trưởng Cục an ninh Tây Nguyên, Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Ở cương vị mới, anh cùng với tập thể lãnh đạo Cục đã phát huy những thành quả từ thực tiễn công tác, đề ra nghị quyết tăng cường hoạt động của cán bộ chiến sĩ xuống cơ sở. Cán bộ chiến sĩ thường xuyên bám dân, bám buôn, làng để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với việc phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2008, đại tá Nguyễn Xuân Hà vinh dự được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Trong suốt 30 năm qua, đã có biết bao bằng khen, danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho người con Tây Nguyên Nguyễn Xuân Hà. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực giúp anh thêm quyết tâm cống hiến. Giản dị mà khiêm tốn, thẳng thắn mà chân thành, nhân ái và bao dung… những gì anh và đồng đội đã, đang và sẽ làm, tất cả cũng chỉ vì màu xanh bình yên của đại ngàn Tây Nguyên, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của bà con các dân tộc nơi đây.
30 mùa xuân bám đất Tây Nguyên, những cây thông xanh ở thị trấn Măng Yang đã trở thành cổ thụ. 30 mùa xuân là người Tây Nguyên, người chiến sĩ an ninh năm nào đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh đã sống và chiến đấu xứng đáng với sự kì vọng của cha, niềm tin yêu của đồng đội, sự thương mến của bà con. Anh thực sự là dòng sông mùa xuân, đem bình yên, hạnh phúc đến với mỗi buôn làng Tây Nguyên.
Tuệ Lâm - Trung Thành