Cuộc sống khó khăn của người đồng tính, chuyển giới trong tù
Pháp luật - Ngày đăng : 10:13, 07/03/2015
Những người đồng tính ở trong tù có cuộc sống khó khăn hơn những phạm nhân khác. Ngay từ đầu bước vào cuộc sống tù tội, người đồng tính phải xác định lại giới tính để phân loại giam giữ. Tuy nhiên, những người đồng tính không được sống theo giới tính mà mình mong muốn, nó phụ thuộc vào giới tính thật mà Bộ Y tế kiểm định. Chính vì điều này dẫn đến tình trạng “bi hài” của người đồng tính trong tù.
Số phận phạm nhân đồng tính nữ trong tù
Với vẻ bề ngoài cùng với tính nết và cách cư xử của mình, phạm nhân Trương Mỹ Hồng khiến cho nhiều người nghĩ cô là một người đàn ông đúng nghĩa. Mặc dù là người đồng tính nam nhưng Hồng vẫn bị giam ở trại giam của nữ giới.
Phạm nhân Trương Mỹ Hồng
Cuộc sống bươn chải khó khăn và vì muốn người bạn gái của mình được hạnh phúc nên nhiều lần “ngựa quen đường cũ”, Hồng bị bắt do tội trộm cắp. Lần thụ án thứ hai tại trại giam Z30D, Hồng được các chị em trong trại đối xử bình thường, không kỳ thị, cô được các cán bộ quan tâm giúp đỡ. Có lẽ hy vọng điều này sẽ khiến cho cô trở thành con người lương thiện hơn khi ra trại.
Phạm nhân chuyển giới bị quấy rối trong trại giam nam
Ngay từ khi được đưa vào trại giam Phước Hòa thuộc Tổng cục VIII (Bộ Công an) năm 2010, "kiều nữ" chuyển giới Lan Anh khiến các cán bộ công an tỏ ra lúng túng. Trại có khoảng 2.600 phạm nhân nam và thi thoảng cũng tiếp nhận những người đồng tính phạm tội, song Cao Phước Nguyên (tên thật của Lan Anh) là một trường hợp hiếm hoi bởi mái tóc dài đến thắt lưng, gương mặt, vòng một cùng giọng nói hoàn toàn là nữ.
Phạm nhân Lan Anh
Khi vào trại giam, mái tóc thướt tha của Lan Anh được cắt ngắn nhưng cơ thể và gương mặt của cô vẫn giống một người con gái. Cuộc sống của cô có nhiều khó khăn, ngày bị bắt vì tội Cướp giật và Trộm cắp tài sản cũng là ngày Lan Anh phải chia tay với bạn trai. Nhưng sự đau đớn đó càng tăng lên khi cô được phân vào trại giam nam.
Nhớ lại những ngày đầu tiên vào trại, Lan Anh cho biết luôn cảm thấy bối rối trước những ánh nhìn như xuyên vào da thịt của những bạn tù trong phòng giam vốn chật hẹp nhưng có đến 60 người. "Người thì chọc tôi là pê đê, người nói lời khiếm nhã. Mấy ngày đầu tôi không dám tắm cũng không dám thay đồ vì sợ bị nhìn vòng 1. Muốn tắm phải đợi lúc mọi người tắm xong hết. Muốn thay quần áo cũng phải đợi khi không có ai", phạm nhân chuyển giới 28 tuổi nói.
Không dừng lại ở mức nhìn ngó trêu chọc, trong gần 4 năm tù không ít lần cô bị bạn tù quấy rối đến mức phải khóc lóc van xin. Cố quay người đi mỗi khi có ai đó nhìn, lẳng lặng tránh khi có người sát lại gần nhưng cô vẫn không thể tránh khỏi.
Tuy ở trong tù nhưng Lan Anh vẫn thích làm đẹp, cô vẫn cảm thấy hạnh phúc mỗi lần mẹ đến thăm và đưa cho mấy cây son, hộp phấn hay bút vẽ chân mày. Do phạm nhân đặc biệt này lao động và có biểu hiện cải tạo tốt, sau một thời phân công may quần áo, thấy bất tiện trong việc khám xét cơ thể mỗi khi ra vào phân xưởng, cán bộ trại giam đã cho Lan Anh được phụ giúp bếp ăn của trại giam. Hiện, mỗi sáng cô cùng một vài người khác lo phần nấu nướng cho toàn bộ phạm nhân ở khu mình bị giam giữ. Buổi chiều không phải phụ bếp, cô được giám thị phân công quét dọn các buồng giam.
Sống những ngày tháng cực khổ vì bị bao nhiêu ánh mắt soi mói của bạn tù, Lan Anh đang cố gắng cải tạo tốt hơn để mong được giảm án và ra tù sớm hơn thời hạn để trở thành công dân tốt, tiếp tục làm việc kiếm tiền báo hiếu bố mẹ.
Lúng túng trong công tác quản lý phạm nhân đồng tính
Hiện tại, không có khu trại giam riêng biệt cho người đồng tính vì vậy khi gặp những trường hợp này, các cán bộ trại giam thường cảm thấy lúng túng.
Nguyễn Văn Ri bị đưa về thi hành án tại Trại giam An Điềm (Bộ Công an) nhưng cán bộ không biết xếp vào trại nam hay nữ và phải trưng cầu giám định pháp y về giới tính
Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (Isee) đưa ra kết quả nghiên cứu năm 2014 do cơ quan này thực hiện với 219 người chuyển giới tại Việt Nam đã cho thấy có khoảng 42,9% người chuyển giới nữ từng có trải nghiệm giam/giữ bị giam chung với người nam, hơn 1/3 số họ đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận cơ thể. Khi được hỏi mong muốn, 58% ý kiến muốn ở khu riêng và 38% muốn ở khu nữ.
Với hai trường hợp người chuyển giới nữ sang nam từng bị giam/giữ, thì một người đã phẫu thuật bộ phận sinh dục được ở khu riêng và một người ở khu nữ. Ý kiến của nhóm chuyển giới nữ sang nam là 72,4% muốn ở khu riêng, 15,9% muốn ở khu nữ và chỉ 11,7% muốn ở khu nam. Xu hướng chung dù là người chuyển giới nam hay nữ, phẫu thuật hay chưa đều là muốn ở khu riêng và không giam/giữ chung với khu nam, vì sẽ dễ gặp rủi ro bị xâm hại hoặc bạo hành hơn.
Người đồng tính và chuyển giới trong môi trường giam giữ là đối tượng bị xâm hại tình dục nhiều nhất. Isee cho biết số liệu ở bang California (Mỹ) cho thấy 67% người đồng tính và chuyển giới ở trại giam đều từng bị xâm hại thể xác, trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong các nhà tù.