Trách nhiệm từ chùa Bồ Đề

Pháp luật - Ngày đăng : 10:08, 08/08/2014

Vụ nhân viên lợi dụng sơ hở trong quản lý và pháp luật để làm bậy đến nỗi bị khởi tố bắt giam để điều tra ở chùa Bồ Đề, Hà Nội, khiến dư luận một phen giật mình…

 Sao lại có chuyện kinh khủng như thế ở nơi vốn cưu mang biết bao đứa trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, người già không nơi nương tựa nhỉ? 

Hay nghe Thượng toạ Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giãi bày. Thượng tọa nói, sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề là do việc nhà Phật của các thầy cũng nhiều nên buông lỏng quản lý. Chúng ta cần nghiêm túc trong vấn đề này. Còn việc mua bán ở đây, đối tượng buôn bán như thế nào cơ quan điều tra đã và đang làm rõ.

Trong thời gian sớm nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ ban hành văn bản tới tất cả các Giáo hội tỉnh thành yêu cầu, rà soát và báo cáo lại công việc làm từ thiện để có phương hướng hoạt động cụ thể. Đồng thời, các Giáo hội địa phương tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất các thủ tục cần thiết. Thượng tọa khẳng định, sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có ý lảng tránh, đổ lỗi cho người khác. Nhưng, trước khi có phát ngôn chính thức cần phải xem xét rất kỹ sự việc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không được báo cáo cụ thể về sự việc này. Còn trong hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì việc làm từ thiện của Chùa Bồ Đề vẫn được nhắc đến, nhưng không phải là kế hoạch giao cho phải làm từ thiện như thế nào.

Trách nhiệm từ chùa Bồ Đề

Nguyễn Thị Thanh Trang - người nuôi trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt bị bắt về hành vi mua bán trẻ em

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam biết việc chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn. Nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là cơ quan chuyên môn như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có phòng, ban chức năng chuyên đi kiểm tra về sự đúng sai của sự việc” - Thượng toạ Thích Đức Thiện nói. Cho nên trong thời gian tới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ cho rà soát tất cả các chùa thuộc Giáo hội Việt Nam thuộc các tỉnh thành có tổ chức việc nuôi các trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi, người già cô đơn để cùng làm sao công việc quản lý được tốt hơn. Đồng thời phối kết hợp với chính quyền địa phương được chặt chẽ để tình thương của mình đúng nghĩa, không bị lợi dụng.

Bây giờ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lên tiếng này nọ về việc, là không được phép. Thế tại sao cả chục năm rồi tịnh không có việc nhắc nhở nhà chùa?

Vụ án hình sự về việc mua bán trẻ em đang được điều tra, chắc chắn sẽ làm sáng tỏ mọi góc khuất xung quanh vụ việc đang là điểm nóng của dư luận này. Ai vi phạm, chắc hẳn cũng phải được xử lý, bình đẳng trước pháp luật. Nhưng ngay từ bây giờ, vụ việc đã cho thấy một nguyên nhân lớn, một trách nhiệm lớn trong việc buông lỏng quản lý kéo dài của chính quyền địa phương và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. 

Bảo Dân