Minh bạch chính sách để hạn chế tham nhũng

Pháp luật - Ngày đăng : 10:13, 05/07/2014

Pháp luật “chết yểu”, không đi vào cuộc sống vì thiếu khả thi hay tham nhũng gia tăng, ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây… có một phần từ nguyên nhân của sự thiếu minh bạch chính sách, minh bạch thông tin mà ra.

Hội thảo “Đối thoại minh bạch chính sách” được tổ chức mới đây với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành cũng đã đề cập đến một góc của vấn đề này trong việc ban hành văn bản pháp luật hiện nay.

 

Minh bạch chính sách thế nào cho phù hợp?

 

Theo quy định hiện hành, việc lấy ý kiến của người dân, tổ chức được thực hiện bằng nhiều cách, nhiều con đường, trong đó có việc đăng tải công khai dự thảo văn bản trên các trang thông tin chính thức của cơ quan Nhà nước, tổ chức. Song, khảo sát trang thông tin của một số Bộ, ngành, có nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân thì số ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn bản rất khiêm tốn so với số người sẽ chịu sự điều chỉnh của văn bản sau khi được ban hành.

 

Ngay cả việc cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý đó như thế nào cũng không được thể hiện rõ ràng. Chính điều đó khiến người dân “không biết nói sẽ có ai nghe” và hậu quả là có những văn bản quy phạm pháp luật "trên trời” điều chỉnh các quan hệ xã hội “dưới đất”, thậm chí “chết yểu”, không thể triển khai trong thực tiễn vì thiếu tính khả thi. Trong khi đó, số lượng VBQPPL được ban hành hàng năm vẫn rất lớn, với nhiều hình thức văn bản, nhiều cấp độ hiệu lực khác nhau.

 

Chẳng hạn như Thông tư 20 "siết" quy định nhập khẩu, kinh doanh ôtô của Bộ Công thương được ban hành. Sau một thời gian, những quy định bất hợp lý của thông tư này mới được sửa đổi. Hay Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định điền họ tên cha mẹ lên CMND; Thông tư của Bộ NN&PTNT quy định đăng ký chính chủ gia súc vật nuôi như chó mèo, các loại; ngực lép không được điều khiển xe gắn máy của Bộ Y tế… Đáng chú ý, từ 1/7 này áp dụng quy định phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn, chất lượng của Bộ Công an. Quy định này đã biến mũ bảo hiểm trở thành mặt hàng thiết yếu của người đi xe máy. Và, thực tế hiện nay, chúng ta chưa kiểm soát được tình trạng mũ bảo biểm “rởm” bán tràn lan trên thị trường. Trên diễn đàn Quốc hội từ các kỳ họp trước, nhiều đại biểu cũng đã lo ngại về vấn đề này, khi chúng ta chưa ngăn chặn được tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng thì lại đẩy “khó” sang cho người dân.

 

Cho rằng tiến trình xây dựng một số VBQPPL có liên quan đến vai trò tham gia của các tổ chức xã hội như dự thảo các Luật về hội, tiếp cận thông tin, ban hành VBQPPL, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đều cho rằng: Cần mở rộng các cơ hội tham gia của công chúng trong tiến trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, để “pháp luật đi vào đời sống và đời sống hiện diện trong các quy định của pháp luật”.

 

Ông Lê Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ, cho rằng: Các tổ chức xã hội “là các tổ chức gần dân nhất nên hiểu nhất nhu cầu của người dân, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội”, khi tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách, pháp luật với những thông tin cần thiết sẽ giúp pháp luật, chính sách có hiệu quả thực tế hơn, bớt đi những quy định “áp đặt” từ các “phòng máy lạnh” đối với đời sống.

 

Còn ông Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, khi việc lấy ý kiến đóng góp của người dân, tổ chức được cải thiện, sẽ khai thác được “kho thông tin” từ đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật và các đối tượng có liên quan, đủ để có lựa chọn đúng nhất trong xây dựng pháp luật. Từ đó, chất lượng văn bản pháp luật được đảm bảo, có tính khả thi và có thể đi vào cuộc sống.

 

Minh bạch, giải trình để phòng ngừa tham nhũng

 

Minh bạch chính sách và minh bạch thông tin có quan hệ mật thiết với nhau, nhất là trong vấn đề phát triển xã hội và công tác phòng, chống tham nhũng. Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền công dân trong tham gia quản lý Nhà nước, xã hội và góp phần tích cực trong phòng chống tham nhũng.

 

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đã công bố con số, từ năm 2011-2013 phát hiện 184 vụ, 517 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản 301,59 tỷ đồng, 9,4ha đất; đã thu hồi 138,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 17 tập thể, 218 cá nhân, chuyển Cơ quan điều tra 111 vụ, 235 người; xử lý trách nhiệm 117 người đứng đầu.

 

Minh bạch chính sách để hạn chế tham nhũng

Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo về “Minh bạch chính sách”

 

Ông cũng nhận định, tình trạng tham nhũng ngày càng tăng; chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, có khả năng che dấu hành vi tham nhũng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nên khó phát hiện, xử lý. Nguyên nhân thì nhiều, song thiết yếu và quan trọng để giải quyết vấn đề này là việc minh bạch, thông tin, minh bạch tài sản và trách nhiệm giải trình chưa triệt để. 

 

Về bản chất, tham nhũng là một hiện tượng gắn liền với quyền lực và việc sử dụng quyền lực trong xã hội khi người nắm giữ quyền lực đã lợi dụng quyền lực đó vì lợi ích riêng. Do vậy, việc thiếu công khai, minhh bạch, giải trình trong quản lý cũng sẽ góp phần đẩy tham nhũng tăng cao.

 

Minh bạch thể hiện quyền của người dân và cũng là điều kiện cần có để người dân giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước tiếp thu trí tuệ của người dân trong thực hiện nhiệm vụ để người dân giám sát bộ máy hoạt động của Nhà nước. Sai phạm trong quản lý có thể bắt nguồn và được che đậy bởi tình trạng thiếu công khai, minh bạch. Quy định của pháp luật hiện nay đã có nhiều tiến bộ song chưa thực sự tạo ra bước ngoặt để công khai, minh bạch được thực hiện đầy đủ, nhất là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động quản lý.

 

Theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện khoa học thanh tra, cơ chế quản lý tài chính công, mua sắm công, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải qua nhiều khâu, nhiều “cửa”. Nhiều lĩnh vực khác như y tế, văn hóa, giáo dục, chính sách xã hội đất đai… vấn đề công khai minh bạch vẫn chưa được thực hiện tốt. Do cơ chế kiểm soát còn lỏng lẻo nên tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thất thoát.

 

Cũng theo ông Khanh, trách nhiệm giải trình là một cơ chế quan trọng đảm bảo minh bạch thông tin trong quản lý, bảo đảm người dân được tiếp cận thông tin, là cơ sở để phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi chức trách, công vụ; tăng cường sự đối thoại, hiểu biết giữa cơ quan Nhà nước với người dân, góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở hơn giữa các cơ quan công quyền với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

 

Thực tế cho thấy, thực hiện tốt trách nhiệm giải trình bên cạnh việc công  khai, minh bạch chính sách, minh bạch tài sản… sẽ góp phần to lớn vào công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay cũng chỉ mới được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa phát huy tác dụng trong phòng chống tham nhũng.

 

Mai Thoa