Tuổi công chức bổ nhiệm chức danh lần đầu

Pháp luật - Ngày đăng : 22:36, 01/07/2014

Quy định về việc bổ nhiệm lần đầu với công chức vào vị trí cấp phòng và việc bổ nhiệm cấp phó giúp việc khi không có văn bản đề nghị của thủ trưởng đơn vị.

Hỏi:  Xin quý Báo cho biết tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với công chức vào vị trí cấp phòng có hệ số trách nhiệm là 0,6 (cấp Trưởng) và 0,4 (cấp Phó) đối với cơ quan trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ được quy định thế nào?

Trong cơ quan quản lý Nhà nước, nếu Thủ trưởng cơ quan không có văn bản đề nghị cơ quan cấp trên bổ nhiệm lại cấp phó giúp việc nhưng cơ quan cấp trên (có thẩm quyền bổ nhiệm) vẫn thực hiện việc bổ nhiệm thì đúng hay sai?
                                                                                                                                                                                                

Lê Quang Thắng
                               (179 Cách Mạng Tháng 8, Q 3,Tp. Hồ Chí Minh)
 

Trả lời:
  

   + Về tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với công chức vào vị trí cấp phòng như bạn hỏi, tại Mục I, Chương 2 Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ, công chức lãnh đạo quy định: Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm; đối với một số cơ quan, đơn vị đặc thù có thể quy định thời hạn mỗi lần bổ nhiệm ngắn hơn. Tuổi bổ nhiệm của cán bộ, công chức bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ.
    

  + Tại Điều 11, Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế bổ nhiệm lại quy định trình tự, thủ tục  bổ nhiệm lại như sau:
    

   1. Cán bộ, công chức lãnh đạo làm báo cáo tự nhận xét đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ theo hướng dẫn tại Quy chế đánh giá cán bộ, công chức gửi Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền;
     

   2. Tập thể cán bộ, công chức (hoặc tập thể lãnh đạo) trong cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến. Sau đó gửi biên bản lên Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền;
     

   3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức lãnh đạo đánh giá và đề xuất ý kiến bổ nhiệm lại hay không bổ nhiệm lại; 

   4. Sau khi trao đổi trong tập thể lãnh đạo, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

Như vậy, nếu cơ quan bạn không tiến hành các thủ tục như trên và cũng không có văn bản đề nghị cơ quan cấp trên bổ nhiệm lại, nhưng cơ quan cấp trên (có thẩm quyền bổ nhiệm) vẫn thực hiện việc bổ nhiệm là sai quy định.
 

Luật gia Vũ Linh