Trước dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ 171/2013: Liệu có… khả thi?

Pháp luật - Ngày đăng : 21:12, 20/02/2014

Với một số lỗi vi phạm đơn giản, Bộ Công an cho rằng người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, có luồng dư luận băn khoăn khi lo ngại việc “đưa tiền mặt” có thể sẽ gây hệ lụy xấu, khó tránh những tiêu cực có thể xảy ra.

Giảm phiền hà cho dân!

Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Điểm đáng quan tâm là theo dự thảo này, tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Như vậy,  theo dự thảo này thì sẽ có hàng loạt vi phạm bị xử phạt dưới 400.000 đồng có thể nộp phạt tại chỗ như: không chấp hành hiệu lệnh, biển báo khi điều khiển ô tô, xe máy; chạy quá tốc độ; dừng đỗ trái quy định; đi vào đường cấm; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách; chở quá người khi điều khiển xe máy…

Trước dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ 171/2013: Liệu có… khả thi?

Ảnh minh họa

Cá biệt, trường hợp vi phạm có mức phạt trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức, xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trả lời báo chí, ông Lưu Thanh Hiệp - Phó trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát, giao thông đường bộ - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an, giải thích quy định trên chỉ áp dụng đối với các lỗi, hành vi đơn giản mà CSGT trong thẩm quyền xử phạt của mình được ra quyết định xử phạt. Còn các trường hợp khác thì vẫn phải ra kho bạc nộp phạt như trước đây.

Liệu có khả thi?

Liên quan đến quy định nộp tiền phạt trực tiếp cho CSGT, dư luận đã có không ít lo ngại sẽ nảy sinh tiêu cực, đồng thời tạo ra hình ảnh không đẹp khi CSGT đếm tiền, trả  tiền thừa... trước nơi công cộng.

Vấn đề này, theo ông Lưu Thanh Hiệp thì quan trọng là cơ chế quản lý, giám sát như thế nào và hiện Bộ Công an đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ ngành chức năng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng việc thu tiền phạt tại chỗ đối với một số hành vi là nên làm. Bởi chi một lỗi vi phạm mà có nhiều khi người vi phạm phải đi nhiều lần nộp phạt cũng không xong thì cho nộp tại chỗ sẽ thuận tiện hơn.

Đã có ý kiến từ lãnh đạo trong  cơ quan CSGT cho hay đang đề xuất việc sẽ có cán bộ kho bạc đến các trạm CSGT để thu tiền phạt. Nếu như vậy, liệu biên chế của  Kho bạc NN sẽ “phình” bao nhiêu cho đủ, trong khi đang có chủ trương tinh giảm 10.000 biên chế và kèm theo là phương tiện, công cụ chuyên dụng để bảo đảm an toàn về tiền…

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn LS Tp. Hà Nội) thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm vì khá nhạy cảm. Ý tưởng của ban soạn thảo là tích cực, xuất phát từ việc giảm thiểu những khó khăn, bất lợi cho người có vi phạm. Họ sẽ không bị mất nhiều thời gian hoặc mất những việc khác khi phải lòng vòng, đi đi lại lại, vừa đến cơ quan công an lấy quyết định xử phạt, rồi đến kho bạc nộp tiền rồi mới quay lại xuất trình biên lai, nhận phương  tiện…Mục đích là tốt nhưng cần tính đến sự phù hợp với những quy định hiện hành cũng như những hệ lụy có thể phát sinh.

Về mặt pháp lý, ông Ứng viện dẫn: Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính (LXLVPHC) đã cho phép trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 250.000 đồng đối với cá nhân, phạt 500.000 đồng đối với tổ chức thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, thủ tục  nộp tiền vi phạm hành chính quy định tại Điều 78 Luật XLVPHC chỉ cho phép bên vi phạm nộp tại chỗ khi vi phạm xảy ra ở vùng sâu, vùng xa…mà việc đi lại gặp nhiều khó khăn, hoặc xử phạt trên biển ngoài giờ hành chính. Ông Ứng cho rằng quy định trong LXLVPHC đã khá “cởi mở” và đã là tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho người, tổ chức vi phạm rồi. Nếu lại “nới” thêm nữa e rằng tình răn đe sẽ ít hiệu quả bởi người, tổ chức vi phạm sẽ không phải mất công sức, thời gian đi nộp tiền, từ đó cần nhận rõ cần phải nghiêm chỉnh chấp hành…Hơn nữa, mức phạt mà CSGT được thực hiện theo dự thảo thông tư đang lấy ý kiến là 400.000 đồng còn cao hơn cả mức 250.000 đồng quy định trong LXLVPHC liệu có phù hợp không cũng cần được xem xét, cân nhắc. LS Ứng băn khoăn về việc đưa ra quy định về vấn đề này khi mà trên thực tế đã từng xảy ra hiện tượng đâu đó còn có tình trạng mãi lộ khiến dư luận cán bộ, nhân dân bất bình. Cho nên, theo ông Ứng, nếu dự thảo cho phép người nộp tiền phạt tại chỗ nhưng không quy định chặt chẽ về cơ chế, cách thức, biện pháp kiểm soát, giám sát thì sẽ không thể tránh được những hệ lụy xấu, chẳng khác nào “hợp thức hóa” mãi lộ.

Ngoài ra, cũng có ý kiến về việc cho nộp phạt vào tài khoản, khi Kho bạc Nhà nước nhận được tiền phạt sẽ thông báo cho cơ quan ra quyết định xử phạt về việc người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ xử lý hành chính. Lúc đó, cơ quan ra quyết định xử phạt mới gửi trả giấy tờ của phương tiện cho người dân qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm. Nếu như vậy sẽ là rất tiện ích và văn minh. Tuy nhiên, điều băn khoăn  là vấn đề phải có chữ ký của người vi phạm theo quy định tại LXLVPHC sẽ giải quyết ra sao? Và nếu nộp phạt qua ngân hàng thì các thủ tục hành chính không có chữ ký của hai bên sẽ giải quyết thế nào???

Vấn đề nộp phạt vào tài khoản, ông  Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng có rất nhiều ưu thế và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã từng đề xuất cho nộp phạt vào tài khoản nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó rất nhiều người dân chưa có tài khoản cá nhân, thiếu phương tiện kỹ thuật, hạ tầng… Do vậy, để thực hiện biện pháp này vẫn còn chờ nhiều chính sách điều hành vĩ mô.

Huy Anh