Xét xử vụ Đồng Tâm: Người thân bị hại rơi nước mắt, các bị cáo cúi đầu nhận tội
Pháp đình - Ngày đăng : 13:00, 08/09/2020
Nhiều bị cáo ân hận về hành vi của mình
Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 8/9
Theo đó, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lê Thị Loan đã nói về việc góp tiền mua lựu đạn. Bị cáo Loan là một trong những người đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn cho các đối tượng sử dụng, ném về phía cảnh sát vào rạng sáng 9/1 tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) và hiện đang bị truy tố về tội “Giết người”.
Theo cáo trạng, vào tối 8/1, ông Lê Đình Kình – người đứng đầu Tổ đồng thuận đã gọi mọi người tới nhà để bàn bạc chống đối lực lượng chức năng. Sáng hôm sau, khi cảnh sát vào bảo vệ các mục tiêu, nhóm này ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công và thậm chí đổ xăng thiêu tử vong 3 cảnh sát.
Về số lựu đạn, cơ quan truy tố khẳng định do bị cáo Nguyễn Quốc Tiến mua theo chỉ đạo của Lê Đình Kình. Khai báo về nguồn tiền mua lựu đạn, bị cáo Lê Đình Công (con trai ông Kình) khai từ nguồn cả nhóm đóng góp để thuê luật sư còn thừa, sau đó mọi người góp thêm trong đó Công, Tiến cùng Nguyễn Văn Tuyển góp 1 triệu đồng.
Nguyễn Quốc Tiến sau đó đã cầm 30 triệu đồng để mua 10 quả lựu đạn từ một đối tượng không quen biết trên mạng Internet. Tại tòa, Tiến cho biết rất hối hận vì hành vi của mình và: “Xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ, mong được tha thứ”.
Trả lời HĐXX, bị cáo Lê Thị Loan khai cầm từ chồng 3,5 triệu đi chăm con dâu sắp sinh cháu nhưng sau đó được bị cáo Tuyển hỏi vay để mua lựu đạn nên đã ủng hộ 1 triệu. Tuy vậy, bị cáo này nói không có động cơ giết người vì: “Cha bị cáo cầm súng bảo vệ quê hương, đã hi sinh nên bị cáo không bao giờ nghĩ đến giết người”.
Bị cáo Lê Đình Công
Một bị cáo khác là Mai Thị Phần (SN 1963) thừa nhận đưa 2 triệu để mua lựu đạn nhưng trong đó chỉ có 500 nghìn đồng của mình, còn lại của nhiều người khác nên mong tòa xem xét.
Bị cáo Phần khai được Lê Đình Kình nhờ làm thủ quỹ, cầm tiền của Tổ đồng thuận và nhận lời, bị cáo Phần nói: “Ông Kình nói đất của mình cố giữ rồi chia cho, mỗi người được 200m2 tức khoảng hơn 1 tỷ đồng… Tôi đã thấy hành vi của mình là sai trái”.
Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Bùi Viết Hiểu (SN 1943) xin chủ động được nói, bị cáo Hiểu trình bày: “Xin lỗi chủ tọa vì chiều hôm qua tôi khai về nguồn gốc đất từ 1981 là quá lạc hậu vì từ 1990, chính sách đất đai thay đổi nhiều nhưng bị cáo không biết. Bị cáo thấy hành vi, lời nói của mình sai, không theo kịp tình hình nên không nắm được. Mong chủ tọa đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại, cho bị cáo hưởng khoan hồng”.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu cũng xin đính chính lời khai về lý do vào nhà ông Kình trong tối 8/1, rạng sáng 9/1. Bị cáo Hiểu nói: “Tối 8/1, cháu Công cho người vào đón bị cáo ra ông Kình ngủ vì cháu bảo có khả năng hôm nay công an vào bắt ông, ra đấy có người bảo vệ ông”.
Tương tự, các bị cáo khác đều khai vào tối 8/1, họ được Lê Đình Công gọi vào nhà Lê Đình Kình để chuẩn bị đối phó lực lượng chức năng. Đến nay, họ thừa nhận hành vi của mình là sai lầm, xin được hưởng khoan hồng từ pháp luật.
Cũng trong phần xét hỏi sáng nay, nhiều bị cáo đã có lời xin lỗi gửi đến các gia đình nạn nhân. Theo đó, bị cáo La trình bày: Bị cáo nhận thức về hành vi của mình là không hiểu biết, vi phạm pháp luật. Bị cáo La mong tòa xem xét, cho bị cáo xin lỗi và chia buồn cùng gia đình các nạn nhân.
Bị cáo Trần Thị Phượng cũng thừa nhận hành vi của bị cáo là sai trái, mong tòa xem xét giảm nhẹ tội để sớm được về chăm con nhỏ. Nói đến đây bị cáo khóc và nói lời xin lỗi, chia buồn với gia đình các chiến sỹ bị sát hại. Bị cáo Phượng nói: “Bị cáo không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 chiến sỹ, nhưng bị cáo xin lỗi, chia buồn với 3 gia đình”.
Toàn cảnh phiên xử sáng nay
Đại diện gia đình bị hại nói gì?
Cũng tại phiên toà sáng nay, đại diện gia đình các các bị hại là các chiến sĩ công an Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân đã được HĐXX cho đề nghị nguyện vọng và yêu cầu bồi thường dân sự.
Theo đó, trình bày tại tòa, ông Phạm Công Lâm, bố của người bị sát hại trong vụ án là anh Phạm Công Huy (SN 1992, cán bộ Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Phòng CS PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội) đã không cầm được nước mắt. Ông nói trong nghẹn ngào: "Con trai tôi là cán bộ chiến sỹ thực thi nhiệm vụ, bị một số đối tượng dã tâm giết hại. Tôi mong HĐXX cứ xử theo quy định của pháp luật".
Tiếp đó, đại diện hợp pháp của người bị giết hại trong vụ án là anh Nguyễn Huy Thịnh (SN 1972, Phó Trung đoàn trưởng E22- Bộ Tư lệnh Cảnh sát điều tra) và Dương Đức Hoàng Quân (SN 1993, cán bộ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát điều tra) đều đề nghị xử lý các bị cáo theo quy định của pháp luật.
Khi được hỏi có đề nghị gì về phần bồi thường dân sự, đại diện của những người bị hại cũng đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Được mời lên trình bày trước HĐXX, đại diện của UBND huyện Mỹ Đức cho hay, từng có những đối tượng chửi bới, lăng mạ cán bộ xã, gây rối trật tự... Đến nay đời sống nhân dân xã Đồng Tâm đã trở lại bình thường.
Khi được chủ toạ Trương Việt Toàn hỏi về việc xử lý đối với các bị cáo đứng trước toà ngày hôm nay, vị đại diện này đã đề nghị HĐXX xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Hình ảnh một số bị cáo trả lời thẩm vấn trước HĐXX: