Bộ Công an đính chính Thông tư 28 về hoạt động điều tra hình sự
Chính trị - Ngày đăng : 18:24, 26/08/2014
Theo đó, những nội dung mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị đã được Bộ Công an tiếp thu, kịp thời sửa chữa, đính chính cho phù hợp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho việc hành nghề của luật sư trong tố tụng hình sự.
Nội dung đính chính Điều 38 củaThông tư 28 được điều chỉnh cụ thể:
Tên điều: Thay cụm từ “việc xử lý vi phạm đối với” bằng cụm từ “trường hợp phát hiện hành vi vi phạm của”.
- Khoản 1: Bỏ các cụm từ “cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như:”, “ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật”, “có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành các biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ”. Thay cụm từ “kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác” bằng cụm từ “tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật hoặc tiết lộ bí mật điều tra”. Cụ thể, khoản 1 Điều 38 sau khi đính chính, được thể hiện lại như sau:
"1. Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên".
Trước đó, ngày 7/7/2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BCA (TT28) quy định về hoạt động điều tra trong lực lượng Công an nhân dân. Ngay sau khi TT28 được ban hành, một số Đoàn Luật sư và nhiều luật sư trong cả nước đã có ý kiến phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, thể hiện sự bất bình đẳng trong thực thi, hành nghề theo quy định của pháp luật giữa Điều tra viên và Luật sư thể hiện trong Điều 38 TT28.
Tiếp nhận kịp thời ý kiến của các Luật sư và Đoàn Luật sư địa phương, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chính thức ban hành Văn bản số 176/LD0LSVN ngày 7/8/2014 nêu ra những căn cứ và nội dung Điều 38 TT28 thể hiện sự mở rộng quyền hạn của Điều tra viên chưa phù hợp với các quy định của BLTTHS, nhiều hành vi bị coi là vi phạm của người bào chữa không được định lượng rõ ràng, dễ dẫn đến nhận thức không đầy đủ, thậm chí có thể bị lạm dụng, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động bào chữa của luật sư trong tố tụng hình sự. Đồng thời cũng đề xuất sửa đổi cụ thể tên gọi và nội dung Điều 38 TT28.