Dùng tiền tỉ để cảm ơn việc nâng điểm
Pháp đình - Ngày đăng : 21:37, 15/10/2019
Theo đó, mở đầu trong phần xét hỏi chiều nay, HĐXX TAND tỉnh Sơn La đã tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Bị cáo Nga và các bị cáo trong vụ án cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga được công an dẫn giải đến phiên tòa
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nga cho biết việc quét bài thi mà không niêm phong bài ngay không phải là nhiệm vụ của bị cáo; đó là nhiệm vụ của bị cáo Cầm Thị Bun Sọn.
Ngày 30/6/2018, bị cáo lấy bài thi và mang đi sửa, thực tế, bị cáo không gặp bị cáo Hưng nhưng trong cáo trạng lại đề cập đến việc này. Kết luận của cáo trạng có nêu: Nga 2 lần chủ động lấy bài thi, tuy nhiên bị cáo khẳng định thực tế chỉ một lần chủ động. Lần khác là do bị cáo Hưng đã về nên không hẹn được mọi người để lấy bài thi.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Nguyễn Thị Hồng Nga được phân công công việc là ủy viên hội đồng thi, ban thư ký hội đồng thi, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, thành viên tổ vận chuyển đề thi.
Các nhiệm vụ cụ thể của Nga trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 là làm thành viên ban thư ký, tổng hợp số liệu của kỳ thi, các công việc quản lý chương trình thi trên máy tính, xử lý bài thi trắc nghiệm.
Bị cáo Trần Xuân Yến, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm phân công Nga quét bài thi, sửa lỗi kỹ thuật trong quá trình quét, gửi kết quả thi về Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bị cáo đã làm sai với chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Cụ thể, bị cáo đã sửa chữa câu trả lời trong bài thi trắc nghiệm, dùng phần mềm xóa dữ liệu trên máy tính theo yêu cầu của bị cáo Yến.
HĐXX trong vụ án
Theo sự chỉ đạo của bị cáo Yến, trước kỳ thi, Yến có gọi điện cho Nga và hỏi về việc nâng và sửa điểm bài thi trắc nghiệm tại phòng làm việc của bị cáo Yến. Bị cáo Nga nói: “Ông Yến nói có một số con em trong Sở, có trường hợp con sếp là ông Hoàng Tiến Đức, Phó GĐ Sở GD&ĐT”.
Để nâng điểm, bị cáo nói chỉ có cách xóa và tô lại. Muốn nâng điểm thì túi bài thi không được niêm phong và cần sự hỗ trợ của bên công an để rút bài thi nhằm nâng điểm. Công an ở đây có nhiệm vụ bảo vệ, giám sát tổ chấm thi trắc nghiệm.
Trong phần xét hỏi chiều nay, bị cáo trình bày lại cách thức nhận thông tin của các thí sinh cần nâng điểm.
Trước tiên, bị cáo nhận thông tin từ em dâu của bị cáo (Đinh Thị Lan). Trước ngày thi vài ngày, bị cáo lên nhà em dâu chơi và em dâu cho biết có cháu thi tốt nghiệp và nhờ bị cáo giúp đỡ. Bị cáo trả lời “không biết được đâu, phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Ngoài ra, Nga còn nhận lời giúp đỡ Trần Văn Điện trong việc nâng điểm cho 4 thí sinh. Bị cáo Nga thừa nhận: “Anh Điện có nói là các trường hợp sẽ cảm ơn sau, cảm ơn bằng tiền. Trong đó có một trường hợp sẽ cảm ơn 350 triệu đồng”.
Với trường hợp của Trần Văn Phúc, Hiệu trưởng trường THPT Cò Nòi, ông Phúc có hai người cháu thi nên nhờ Nga giúp đỡ và dặn các môn thi cần nâng điểm với lời nhắn “giúp cho cháu điểm cao cao”.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Ngoài ra, Nga còn nhận lời giúp ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó GĐ Sở GD&ĐT một trường hợp là con gái của ông Hoàng. Ông Hoàng nhờ Nga nâng điểm cho con gái với số điểm khoảng 27 điểm.
Bên cạnh đó, Nga còn nhận từ Trần Xuân Yến thông tin 13 thí sinh thông qua 3 danh sách (2 tờ đánh máy, 1 tờ viết tay có chữ của ông Nguyễn Ngọc Hà). Tổng cộng, Nga nhận lời và giúp nâng điểm cho 39 thí sinh.
Tiếp đó, bị cáo Nga cho biết ngoài trường hợp của ông Trần Văn Điện, các trường hợp khác Nga không có thỏa thuận gì về vật chất. Sau khi thực hiện, ông Điện đã “cảm ơn” Nga số tiền 1,040 tỷ đồng. Hiện bị cáo đã nộp lại 1 tỷ đồng.