Nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La bị đề nghị xử phạt mức án 6 - 7 năm tù

Pháp đình - Ngày đăng : 11:34, 24/07/2019

Sau nhiều ngày xét xử, chiều 23/7, HĐXX TAND tỉnh Sơn La đã kết thúc phần xét hỏi với 17 bị cáo nguyên là lãnh đạo của sở, huyện và một số phòng, ban chuyên môn của tỉnh Sơn La trong vụ án bồi thường “thừa” tiền tỷ tại dự án thủy điện Sơn La.

Trước khi khép lại phần xét hỏi, đại diện VKS giữ quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa đã tiến hành nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án.

Nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La bị đề nghị xử phạt mức án 6 - 7 năm tù

Bị cáo Trương Tuấn Dũng, nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La

Theo đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt 13 bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” các mức án từ 30 tháng tù - 7 năm tù.

Với các bị cáo còn lại gồm: Triệu Ngọc Hoan, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La; Sòi Ngọc Hùng, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La; Cà Văn Tỉnh, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tạ Bú, huyện Mường La và Đỗ Tiến Đồng, nguyên Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tỉnh Sơn La bị đề nghị xử phạt các mức án từ 24 - 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, ngoài bị cáo Đèo Văn Ban bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị thêm hình phạt bổ sung, các bị cáo còn lại không bị đề nghị hình phạt này.

Theo quan điểm của đại diện VKS, trong quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên toà có đủ cơ sở xác định, đầu năm 2000, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá tại khu vực mặt bằng công trường tại huyện Mường La và xã Tân Lập (huyện Mộc Châu).

Từ đó tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất đối với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất phục vụ xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La và di chuyển dân ra khỏi mặt bằng công trường.

Theo đó, ngày 22/10/2003, UBND tỉnh Sơn La có Quyết định số 3708/QĐ-UB về việc thu hồi 2.070ha đất tại một số xã của huyện Mường La và xã Liệp Tè (huyện Thuận Châu) tạm giao cho Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La để xây dựng tổng mặt bằng thi công công trình thuỷ điện Sơn La, đồng thời triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành. Khi trả tiền bồi thường, nhiều hộ dân có đất thu hồi tại khu vực Nhà máy Thủy điện Sơn La không đồng ý vì cho rằng còn thiếu nhiều diện tích chưa được hỗ trợ.

Năm 2014, Trương Tuấn Dũng (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La) trực tiếp chỉ đạo công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp cho các hộ thuộc khu vực trong và ngoài công trường Nhà máy thuỷ điện Sơn La.

Quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện, Dũng ký ban hành Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La không đúng với các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Sơn La, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó nghiêm trọng nhất là việc Dũng đã cho phép đơn vị tư vấn đo đạc, lập bản đồ địa chính khi không có các thủ tục pháp lý, dẫn tới việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ sai cho hộ dân Đèo Văn Ban (63 tuổi, trú tại xã Mường Chùm, huyện Mường La, là Phó Bí thư Chi bộ và cũng là bị cáo trong vụ án này) số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La bị đề nghị xử phạt mức án 6 - 7 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Phan Tiến Diện thời điểm phạm tội là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La (sau khi kiện toàn là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La thay Dũng) tiếp tục chỉ đạo công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân.

Diện biết Kế hoạch số 41 do Dũng ký ban hành có nội dung không đúng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên nhưng vẫn ký các quyết định phương án thu hồi đất, phương án bồi thường hỗ trợ, dẫn đến việc bồi thường hỗ trợ sai cho các hộ dân, trong đó có hộ của Đèo Văn Ban.

Với chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La, Triệu Ngọc Hoan có thẩm quyền ký ban hành bản đồ địa chính do đơn vị chuyên môn và Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện nhưng đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không kiểm tra tài liệu, không nắm được bản đồ địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai lập có đúng hay không, nhưng vẫn ký xác nhận hỗ trợ cho các hộ dân.

Các bị cáo khác dù biết Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La trái với văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La cũng như Bộ TN&MT, nhưng vẫn thực hiện dẫn đến việc thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền lớn. “Vì vậy, cáo trạng truy tố 13/17 bị cáo về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 4 bị cáo còn lại bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không oan”, đại diện VKS khẳng định.

Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng cho rằng, trong vụ án này, ngoại trừ bị cáo Đèo Văn Ban hưởng lợi trái quy định tiền bồi thường của Nhà nước, các bị cáo còn lại không được hưởng lợi gì. Các bị cáo trong thời điểm giữ chức vụ lãnh đạo một số Sở, ngành và lãnh đạo huyện dù biết Kế hoạch số 41 của UBND huyện Mường La không đúng với các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Sơn La và quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng vẫn làm theo Kế hoạch số 41 hoặc thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Được quyền tự bào chữa cho mình, bị cáo Trương Tuấn Dũng đồng tình với quan điểm của đại diện VKS cho rằng, nhóm nguyên cán bộ không vụ lợi. Tuy nhiên, bị đề nghị xử phạt mức án từ 6 - 7 năm tù, bị cáo Trương Tuấn Dũng đã kêu oan.

Theo bị cáo Trương Tuấn Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, Kế hoạch 41 do bị cáo ban hành được áp dụng với hàng trăm hộ dân, chứ không riêng hộ của hộ dân Đèo Văn Ban. Kết quả đo đạc dẫn đến đền bù nếu sai phải là trách nhiệm của đơn vị đo, không thuộc UBND huyện Mường La,...

Luật sư bào chữa của bị cáo Dũng cho rằng, hành vi của bị cáo Dũng thực hiện theo ý kiến của cấp trên và phục vụ công việc chung, nhằm giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường đất và giải quyết đề nghị của Công ty Thủy điện Sơn La.

Kế hoạch 41 là văn bản hành chính thông thường, mang tính hướng dẫn thực hiện, không áp đặt, không xâm phạm khách thể trật tự quản lý kinh tế như điều luật mà cơ quan tố tụng truy tố. Do đó, luật sư đề nghị tuyên bị cáo Dũng không phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu qủa nghiêm trọng.

Nguyễn Nam Anh