Nâng doanh số 5.135 tỷ đồng bằng 160 hóa đơn khống
Pháp đình - Ngày đăng : 12:59, 16/11/2018
Mở đầu phiên xét hỏi sáng nay, bị cáo Châu Nguyên Anh (SN 1979, Giám đốc điều hành Công ty VNPT EPAY) bị truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Châu Nguyên Anh là đồng phạm với Phạm Quang Minh (SN 1974, là Giám đốc kinh doanh Công ty VNPT EPAY) trong việc mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại Công ty VNPT EPAY.
Hội đồng xét xử làm việc
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Châu Nguyên Anh cho biết, để hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn, Phạm Quang Minh và Châu Nguyên Anh thỏa thuận với Nguyễn Đình Chiến (SN 1976, là người điều hành Công ty TNHH đầu tư và phát triển HQ Việt Nam) để nâng khống doanh số đối với 49 tờ hóa đơn giá trị gia tăng do Công ty HQ xuất cho Công ty VNPT EPAY, với tổng doanh số là hơn 1.264 tỷ đồng, trong đó, doanh số nâng khống xác định là hơn 657 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền hưởng lợi từ việc làm trung gian thanh toán cho Công ty CNC và mua hóa đơn giá trị gia tăng khống của Công ty HQ, Châu Nguyên Anh đều cho hạch toán vào Công ty VNPT EPAY. Các đồng phạm liên quan đều được hưởng lợi hàng tỷ đồng trong việc làm khống hóa đơn.
Tại phiên tòa, Châu Nguyên Anh đã thừa nhận hành vi mua bán trái phép hóa đơn, thừa nhận đây là những hành vi sai trái, đồng thời cho biết bản thân và công ty VNPT EPAY đã nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Hiện nay, Công ty VNPT EPAY đã nộp số tiền hơn 53 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng nay
Theo cáo trạng, bản thân là Giám đốc điều hành của Công ty VNPT EPAY, tuy nhiên Châu Nguyên Anh không biết đã hợp tác trong việc tổ chức đánh bạc, mặt khác Châu Nguyên Anh không được hưởng lợi gì. Hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra chưa chứng minh làm rõ được Châu Nguyên Anh đồng phạm trong việc Tổ chức đánh bạc, do vậy ngày 31/8/2018 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định đình chỉ điều tra đối với Châu Nguyên Anh về tội Tổ chức đánh bạc.
Trả lời các câu hỏi của luật sự về quá trình thực hiện hành vi và có trao đổi về lý do phía đối tác phải làm khống hóa đơn không? Châu Nguyên Anh cho rằng, mình chưa bao giờ trao đổi về chi tiết, chỉ làm khống hóa đơn theo thỏa thuận.
Bị cáo Hoàng Thị Hà (SN 1980, là kế toán trưởng Công ty VNPT EPAY) thừa nhận tại phiên tòa về hành vi hạch toán, chuyển tiền cho Công ty HQ, rồi yêu cầu kế toán của Công ty VNPT EPAY liên hệ để nhận séc và trực tiếp rút tiền từ tài khoản Công ty HQ giao trực tiếp cho Công ty CNC.
Cũng nằm trong số các bị cáo thuộc nhóm này, bị cáo Lê Thị Lan Thanh (Giám đốc Công ty GTS) là một trong số những đầu mối chính có vai trò hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương.
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh trả lời các câu hỏi của HĐXX
Trước HĐXX, bị cáo Lê Thị Lan Thanh cho biết, đã mua 160 tờ hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số 5.135 tỷ đồng, mặt hàng thể hiện trên hóa đơn là thẻ cào có mệnh giá từ 10.000 đồng - 500.000 đồng do các nhà mạng Viettel, Mobifone, VinaPhone phát hành.
Các hóa đơn này để kê khai thuế đầu vào tại 5 Công ty do Lê Thị Lan Thanh thành lập và trực tiếp điều hành gồm: Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam, Công ty THHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt, Công ty THHH truyền thông BIBO, Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ NETVIET, Công ty TNHH công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác.
Ngoài mua bán hóa đơn trái phép, Công ty GTS của Thanh là đại lý cho các nhà mạng Viettel, Mobifone, VinaPhong làm cổng trung gian thanh toán gạch thẻ. Tại tòa, bị cáo Thanh cho biết không trực tiếp làm hồ sơ thủ tục với các nhà mạng vì bị cáo “không am hiểu lắm về nhà mạng nên nhờ người khác làm giúp”.
Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống đã mua, Thanh chỉ đạo Nguyễn Thị Dung (nhân viên Công ty GTS) thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của 5 Công ty đến tài khoản các Công ty do Thanh mua hóa đơn (Công ty Mai Tuấn Hương; Công ty CP Nguyệt Ngà, Công ty TNHH SX và TM An Thịnh; Công ty AHHA).
Sau khi kết nối kỹ thuật với VTC Online của Phan Sào Nam, bị cáo thỏa thuận với Nguyễn Quốc Tuấn (Công ty CNC) và Phạm Tuấn Anh (Công ty VTC Online) về thời hạn thanh toán và bị cáo là người trực tiếp đứng ra đối soát.
Viện Kiểm sát công bố chứng cứ
Cơ quan điều tra xác định, Lê Thị Lan Thanh được hưởng lợi bất chính từ hành vi giúp sức tổ chức đánh bạc là 182,850 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo khai trên thực tế bị cáo không được hưởng số tiền lớn như thế nhưng cũng “không nhớ” mình đã được hưởng lợi bao nhiêu tiền từ việc làm cổng trung gian thanh toán cho các nhà mạng và mua bán hóa đơn trái phép.
HĐXX hỏi bị cáo là người quản lý công ty nên phải biết được hưởng lợi bao nhiêu? Bị cáo Thanh nói: “Vì là công ty của riêng bị cáo nên không tính toán được hưởng lợi bao nhiêu, thời gian ngồi tính toán xem mình hưởng lợi bao nhiêu thà làm việc còn hơn”.
Bị cáo Thanh cho biết mình là người làm kinh doanh nên chỉ mải mê chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, Thanh còn nói mình "không có đủ thời gian để suy nghĩ xem người ta có khả năng hay không mà phải hợp tác với mình".
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ lịch sử đoạn chat Skype vào ngày 10/1/2017 giữa nick name có tên “hoguom simdep” được cho là của Lê Thị Lan Thanh và Tuấn Anh (Công ty VTC Online).
Viện Kiểm sát đã trình chiếu đoạn chat Skype cho bị cáo Thanh xem. Nội dung đoạn chat cho thấy Lan Thanh biết rõ việc game bài RikVip chưa được cấp phép, bị cáo chỉ sợ game "bị đóng" và "bị truy thu" hoặc "tạm dừng thanh toán". Rõ ràng bị cáo biết nhưng vẫn cung cấp dịch vụ cho VTC Online.
Tuy nhiên, bị cáo Thanh còn cho rằng nick “hoguom simdep” là nick dùng chung ở công ty nên có thể người khác đã chat. Do đó, Thanh phủ nhận vai trò giúp sức cho người khác tổ chức đánh bạc.